Xe đạp "lên ngôi"
Trong thời gian gần đây, khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư ập tới, các phòng tập, công viên, khu thể thao công cộng không được mở cửa để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, rất nhiều người dân Hà Nội đã lựa chọn cách đạp xe trên các tuyến phố để rèn luyện sức khỏe. Vào mỗi sáng sớm hay chiều tối, trên các tuyến phố xung quanh khu vực hồ Tây, Hồ Gươm… người đi xe đạp ngày càng nhiều với đủ mọi lứa tuổi, từ người già, giới trẻ đến trẻ em.
Người dân đạp xe tập thể dục quanh Hồ Gươm. Ảnh: Hoàng Quân
Không chỉ đơn thuần là đạp xe để vận động thể chất, phương tiện xanh, sạch này còn được nhiều người chuyển sang sử dụng làm phương tiện di chuyển hàng ngày. Nửa năm nay, thay vì sử dụng xe máy để đi làm như trước, anh ở Trần Quốc Thái (Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng) chuyển sang dùng xe đạp làm phương tiện đi làm.
Anh Trần Quốc Thái chia sẻ: "Phòng tập gym đóng cửa nên tôi mua chiếc xe đạp gần 5 triệu đồng để đi làm và tập thể dục mỗi buổi chiều. Vợ và con trai tôi cũng sắm mỗi người một chiếc và đi lại thường xuyên hơn trước. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường chưa có làn đường dành riêng cho xe đạp nên còn chút e ngại về sự an toàn”.
Trong bối cảnh ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng và vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội, các chuyên gia đô thị cho rằng, để tạo thói quen đi xe đạp và khuyến khích được người dân sử dụng phương tiện giao thông xanh di chuyển thường xuyên chứ không chỉ là hình thức tập luyện thể thao thì hạ tầng dành cho loại hình phương tiện này cần được tính đến ngay từ khâu quy hoạch và được đầu tư xây dựng bài bản.
Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương cho biết, xu hướng phát triển đô thị bền vững trên thế giới đang đề cao vai trò của xe đạp - loại phương tiện xanh, sạch và thân thiện môi trường, trong khi tại Việt Nam giao thông xe đạp chưa được quan tâm thích đáng. Hệ thống các đô thị đã và đang phát triển nhanh, mạnh như hiện nay, cùng với vấn đề hạ tầng giao thông quá tải tại đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, để thúc đẩy người dân đô thị sử dụng xe đạp, loại hình phương tiện này cần phải được chú ý xem xét, tạo điều kiện từ công tác quy hoạch đô thị, thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị tới giai đoạn khai thác sử dụng, nhằm tạo sự thuận tiện, an toàn cho người sử dụng. Do đó, hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam cần thiết phải có quy định đối với kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp.
Sớm bổ sung trong các loại quy hoạch
Thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng phát triển giao thông công cộng như mở rộng mạng lưới xe buýt. Tuy nhiên, với một TP có tới hơn 8 triệu dân chỉ có một loại hình vận tải công cộng này sẽ không thể đáp ứng nổi trong khi sự kết nối hạ tầng chưa đồng bộ. Trước áp lực giao thông đang ngày một lớn, việc phát triển phương tiện xe đạp đang được xem là giải pháp hiệu quả để kết nối với các tuyến xe buýt.
Việc thiếu hạ tầng cho xe đạp đã phần nào ngăn cản người dân sử dụng thường xuyên hơn loại phương tiện này, cũng như khiến dịch vụ xe đạp công cộng khó phát triển. Do vậy, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, cần tính toán tới việc sử dụng xe đạp. Đây sẽ trở thành giải pháp kết nối giao thông công cộng, giảm phương tiện cơ giới cá nhân, mang lại nhiều ý nghĩa cho hệ thống giao thông, môi trường đô thị ở Thủ đô và các đô thị lớn trong cả nước.
Chia sẻ quan điểm này, thạc sĩ Đinh Quốc Thái - chuyên gia giao thông cho rằng, hiện nay, hệ thống quy hoạch của chúng ta đã rất đầy đủ, từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết… Tuy nhiên, trong các thành phần quy hoạch ấy, chúng ta lại đang thiếu quy hoạch những làn đường chuyên biệt dành cho xe đạp. Vì thế, đây là vấn đề cần nghiên cứu và bổ sung trong các loại quy hoạch trong thời gian tiếp theo.
"Chúng ta nên tham khảo những mô hình một số quốc gia như Hà Lan có những làn đường đặc biệt cho xe đạp, hoặc như Trung Quốc có tuyến đường dành cho xe đạp trên cao, để định hướng quy hoạch những tuyến riêng dành cho xe đạp. Từ đó mới thúc đẩy, khuyến khích người dân sử dụng xe đạp nhiều hơn, an toàn hơn” - thạc sĩ Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Nguyên Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Vinh đánh giá, việc phát triển các hình thức giao thông thân thiện với môi trường như đi bộ, giao thông phi cơ giới,… chưa được Hà Nội quan tâm nhiều. Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ với tốc độ nhanh hơn thực trạng đầu tư cải tạo, dẫn đến không gian giao thông đô thị đang bị chia cắt rời rạc. Cùng với đó, phương tiện cá nhân gia tăng một cách nhanh chóng, việc kiểm soát khí thải xe cơ giới còn phức tạp và thiếu thống nhất giữa các ngành liên quan… đang là tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông.
"Để thực hiện được mục tiêu xây dựng TP xanh, Hà Nội cần nhiều giải pháp như sử dụng nhiên liệu sạch, trồng cây xanh, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm… Trong đó, cần chú đặc biệt trọng xây dựng được hệ thống đường xe đạp nhằm tăng cường khả năng kết nối, khuyến khích người dân tham gia giao thông công cộng” - PGS.TS Vũ Thị Vinh cho hay .
---------------------------------
"Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đang phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức(GIZ) xây dựng dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật thiết kế hạ tầng dành cho xe đạp tại Việt Nam. Trong đó đưa ra chỉ dẫn thiết kế phục vụ công tác phát triển hạ tầng giao thông dành cho xe đạp trong các đô thị tại Việt Nam (cung cấp các giải pháp về loại hình hạ tầng giao thông xe đạp; giải pháp bố trí đường/làn xe đạp, tích hợp mạng lưới; giải pháp thiết kế hình học, kết cấu, xử lý các xung đột và các hạ tầng phụ trợ kèm theo phù hợp với không gian, đặc thù đô thị). Kết quả nhằm hướng tới công cụ hỗ trợ phát triển các đường xe đạp đạt chuẩn, bảo đảm tính linh hoạt trong thiết kế đồng thời bảo đảm tính nhất quán của hạ tầng xe đạp trong các đô thị Việt Nam" - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) Mai Thị Liên Hương.
Theo KTĐT