Một phần nguyên nhân của thực trạng này xuất phát từ những hạn chế trong công tác quy hoạch thời gian qua tại các đô thị lớn.
Cần giảm bớt quy trình làm quy hoạch
Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 862 đô thị (năm 2015 là 787 đô thị). Khu vực đô thị đã thực sự trở thành động lực, đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước, chiếm tỷ trọng chi phối trong thu ngân sách, xuất khẩu, sản xuất công nghiệp. Tốc độ đô thị hóa nhanh đã và đang tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của nước ta như góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển loại hình du lịch đô thị, cải thiện tình trạng đói nghèo…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình độ thị hóa đang tạo ra những thách thức, hệ lụy lớn cho phát triển bền vững khi quy hoạch đô thị đang bộc lộ những bất cập, nhất là tại hai đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Một góc TP Hà Nội nhìn từ phía Tây. Ảnh: Phạm Hùng
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội Nguyễn Văn Hải nêu, gần 20 năm trở lại đây Hà Nội là TP có tốc độ phát triển nhanh, rất nhiều khu đô thị mới, con đường được mở ra làm thay đổi diện mạo đô thị, đời sống người dân được nâng cao, tiệm cận với nhiều khu vực trên thế giới. Trong thành quả đó, công tác quy hoạch, kiến trúc góp phần quan trọng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác lập quy hoạch đô thị thời gian qua cũng bộc lộ những tồn tại, yếu kém trong việc xác lập không gian và định hướng phát triển dẫn đến nhiều dự án vẫn trong trình trạng bỏ hoang, đầu tư xây dựng dở dang, ùn tắc giao thông, ngập úng vẫn diễn ra.
Đơn cử, những khu vực đô thị phát triển như khu đô thị Dương Nội, hai bên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Ðông), Ðại lộ Thăng Long (huyện Hoài Ðức)… sau những trận mưa lớn, đều rơi vào tình trạng bị cô lập với các tuyến đường xung quanh do nước ngập sâu tại các lối ra, vào. Hay các địa bàn có mật độ phát triển nhà ở, khu đô thị dày đặc như tại tuyến đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), khu vực bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai), khu đô thị Xa La (quận Hà Đông)…, các tuyến đường giao thông xung quanh luôn trong tình trạng quá tải, ùn tắc. Còn tại khu vực phía Tây Hà Nội có rất nhiều dự án bất động sản với hàng ngàn tỷ đồng đang đắp chiếu…
Theo ông Lê Mạnh Cường - nguyên cán bộ Sở QH-KT Hà Nội, đây là cái giá phải trả rất đắt cho việc làm quy hoạch theo cách áp đặt. Khi làm quy hoạch, các nhà làm quy hoạch, nhà quản lý không được có tâm lý áp đặt mà chỉ là định hướng, xúc tác cho quy luật phát triển. Nếu áp đặt khi đi vào thực hiện sẽ có rất nhiều điểm không phù hợp với thực tiễn cuộc sống dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch. Cũng theo vị chuyên gia này, quy hoạch có ngôn ngữ riêng và không cần làm phức tạp nó lên. Nếu cứ phức tạp theo nhiều quy trình, nhiều bước dẫn đến mất nhiều thời gian, sau khi đi vào thực hiện bản quy hoạch ban đầu lại trở thành lạc hậu.
Khắc phục bằng được điều chỉnh quy hoạch tùy tiện
Một trong những tồn tại gây bức xúc dư luận thời gian qua là việc tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng tiêu cực đã gây hệ lụy không nhỏ lên bộ mặt đô thị cũng như ảnh hưởng đến đời sống người dân. Dễ thấy nhất là những dự án bất động sản điều chỉnh tăng số tầng cùng với diện tích sàn, tăng mật độ xây dựng, giảm diện tích công viên, cây xanh, nơi sinh hoạt chung, thậm chí là giảm bề rộng hành lang và lối đi giữa các căn hộ. Đây cũng là căn nguyên của rất nhiều cuộc tranh chấp, khiếu kiện giữa cư dân và chủ đầu tư trong thời gian qua.
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, đô thị hóa nhanh thì cũng xảy ra sai phép nhanh, điều chỉnh quy hoạch liên tục để phù hợp. Điều đó cho thấy, quy hoạch chưa đi trước, chưa nhìn xa trông rộng, chưa gắn với kế hoạch thực hiện dài hạn. Mặt khác, mỗi ngành lại có những dự báo riêng về quy hoạch đất đai, quy hoạch văn hóa, trường học…, do đó quy hoạch đô thị bị phá vỡ, dẫn đến giao thông tắc nghẽn, TP chìm trong cảnh ngập nước, môi trường ô nhiễm, sinh thái bị ảnh hưởng.
Dãy các cao ốc san sát trên trục đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Ở một góc nhìn khác, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam Trương Văn Quảng cho rằng, hiện nhiều địa phương đầu tư kinh phí lớn cho công tác quy hoạch xây dựng, song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ quy hoạch được đề ra trước tiên sau đó lại bị điều chỉnh bởi các nhóm lợi ích khác nhau, hậu quả là người dân gánh chịu.
Ngoài ra, theo chuyên gia này, chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch địa phương có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể được thông qua, phê duyệt. Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức nào đó đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học.
Về vấn đề này, trong buổi làm việc với Bộ Xây dựng mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý, ngành xây dựng phải coi trọng và ưu tiên công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc. Phải thay đổi tư duy, nhận thức đối với cả hệ thống quản lý hành chính Nhà nước các cấp. Nhà nước chủ động trong công tác chỉ đạo, quy hoạch xây dựng cần có tầm nhìn dài hạn, bài bản.
Đặc biệt, khắc phục bằng được chất lượng và tiến độ lập quy hoạch xây dựng, chồng chéo, điều chỉnh quy hoạch tùy tiện. Các bộ, ngành, người đứng đầu ở các địa phương phải ưu tiên, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quy hoạch xây dựng, ưu tiên bố trí, huy động đủ kinh phí để thực hiện hiệu quả quy hoạch.
"Một thực tế hiện nay đang diễn ra khiến những người có tâm với công tác quy hoạch cảm thấy trăn trở là việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra vô tội vạ, tràn lan, phục vụ mục tiêu, lợi ích của các nhà đầu tư mà ít quan tâm đến lợi ích của người dân. Ở một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động. Hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập."- Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS Đặng Hùng Võ
"Quy hoạchh không phải là để có thể tùy tiện điều chỉnh. Cơ quan lập quy hoạch phải có tầm nhìn chiến lược, bám sát vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng và phải đặt lợi ích quốc gia, của Nhân dân lên hàng đầu" - KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc Việt Nam
Theo Vũ Lê/ Kinh tế & Đô thị