Thu gom triệt để rác thải
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh chóng trên diện rộng. Bất kể các vật dụng, đồ ăn, chất thải nào đều có thể trở thành vật trung gian mang virus lây nhiễm. Trong đó, rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải y tế nếu không được thu gom, xử lý kịp thời sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan phát tán dịch bệnh. Chính vì vậy, trong thời điểm dịch bùng phát như hiện nay, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, mỗi đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường là vô cùng cần thiết.
Thu gom rác thải y tế tại huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng
Tại quận Hoàn Kiếm, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch, UBND quận đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Hoàn Kiếm tăng cường công tác thu gom, vận chuyển hết lượng rác thải phát sinh trong ngày, duy trì đảm bảo vệ sinh môi trường, không để tồn đọng, phát sinh các tụ điểm rác.
Theo Trưởng phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm Lê Đỗ Phương, quận đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tại 18 phường thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch, giữ gìn vệ sinh nơi ở. Đồng thời bố trí lực lượng tự quản, cán bộ cơ sở và Nhân dân thực hiện công tác tổng vệ sinh vào sáng thứ Bảy hàng tuần, đảm bảo địa bàn được sạch sẽ, thông thoáng. Khi thực hiện tổng vệ sinh phải đảm bảo tuân thủ các quy định về đeo khẩu trang, không tập trung đông người và giữ khoảng cách an toàn theo quy định.
"Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, quận đã đẩy mạnh việc phun khử khuẩn tại các điểm tập kết cẩu rác, khu vực xe gom, nhà vệ sinh công cộng… giữ gìn an toàn lực lượng, đảm bảo duy trì vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn” - Trưởng phòng TN&MT quận Hoàn Kiếm cho biết thêm.
Tại huyện Thường Tín, để giảm thiểu tình trạng rác thải ra môi trường, huyện đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp tích cực như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tuyên truyền trực tuyến thông qua kẻ vẽ pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, sinh hoạt lồng ghép câu lạc bộ nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường.
Hiện nay, là một trong những địa bàn của Hà Nội có nhiều ca mắc Covid-19, huyện đã tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế hàng ngày. Cùng với đó, tuyên truyền, vận động Nhân dân, DN phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải tại gia đình... nhất là tại khu vực cách ly, rác thải phải được phân loại và để đúng nơi quy định nhằm hạn chế lây lan, phát tán dịch bệnh.
Nâng cao ý thức cộng đồng
Nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong môi trường, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn TP đã tích cực vận động Nhân dân thường xuyên thực hiện công tác vệ sinh môi trường thông qua các chương trình cụ thể, thiết thực.
Theo Chủ tịch Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa Nguyễn Lan Hương, Hội luôn sát cánh cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch, đặc biệt ở những địa bàn bị cách ly, tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về việc tuân thủ, thực hiện đúng quy định, khuyến cáo của ngành y tế và đảm bảo vệ sinh môi trường. "Giữ gìn môi trường sạch sẽ, an toàn là một trong những cách tốt nhất để phòng chống dịch Covid-19" - bà Hương chia sẻ.
Song song với đó, nhiều đơn vị, địa phương đã ra quân tuyên truyền cho Nhân dân và phun thuốc sát trùng tại các ngõ, xóm, nhà văn hóa, điểm tập trung đông người trên địa bàn. Nhiều người dân chủ động hơn trong việc vệ sinh, khử khuẩn tại gia đình. Bà Nguyễn Thị Lượng (phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Việc duy trì vệ sinh tổ dân phố, thu gom rác đúng quy định, giữ vệ sinh môi trường đã được chúng tôi duy trì lâu nay, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên càng được đẩy mạnh hơn với hy vọng sẽ góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tại một số tuyến phố trên địa bàn Thủ đô như Triệu Việt Vương, Nguyễn Công Trứ, Tân Mai… vẫn còn tình trạng xe rác tập kết trong khu dân cư không được vận chuyển ngay, khiến bầu không khí xung quanh luôn bốc mùi nồng nặc, nước rỉ rác lênh láng trên mặt đường, rất mất vệ sinh. Nhiều người dân tỏ ra lo lắng, nếu không đảm bảo vệ sinh môi trường ở những khu vực này rất có thể lây lan dịch bệnh.
Theo Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương, cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn kéo dài với những diễn biến phức tạp. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp chính quyền, người dân phải nâng cao ý thức hơn nữa, phải hành động từ những việc nhỏ nhất, chấp hành nghiêm những quy định phòng, chống dịch, đồng thời giữ gìn vệ sinh môi trường, có như vậy, mới từng bước đẩy lùi được dịch Covid-19.
Để hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Sở TN&MT Hà Nội đã có công văn đề nghị chính quyền địa phương trên địa bàn TP chỉ đạo các cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân, khu dân cư có người đang thuộc diện theo dõi, cách ly tại địa phương bố trí đầy đủ thùng đựng chất thải y tế lây nhiễm, có lót túi, màu sắc, biểu tượng cảnh báo chất thải có chứa chất gây bệnh và đóng gói, chuyển giao cho đơn vị có đầy đủ chức năng được Bộ TN&MT cấp phép xử lý chất thải nguy hại. Đối với những khu vực khác, thải bỏ khẩu trang sau khi đã sử dụng vào thùng đựng chất thải thông thường có nắp đậy kín theo quy định.
Hà Ngọc/Kinh tế đô thị