Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo hướng “thuận thiên”

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/4/2021 | 2:23:13 PM

QLMT - Vậy là sau hơn 6 thập niên (nếu tính từ khi Thủ đô được giải phóng 10/10/1954) xây dựng và phát triển với bao biến động, đến hôm nay, một đồ án có tính lịch sử, quyết định đến diện mạo kiến trúc đô thị của thành phố Rồng bay trong thế kỷ XXI - “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng” (gọi tắt là Đồ án) đã được lập, trình cấp thẩm quyền xem xét và phê duyệt trong tháng 6 tới.

Hiện thực hóa giấc mơ "Thành phố sông Hồng”

Tôi gọi Đồ án này có tính "lịch sử”, bởi vì trong 7 lần lập quy hoạch chung Hà Nội trước đây, không gian sông Hồng chỉ được xác định là không gian cảnh quan vùng biên nội đô, còn trong Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, không gian sông Hồng đã được xác quyết là trục không gian cảnh quan trung tâm của Hà Nội, là trục không gian cảnh quan chủ đạo của thành phố trung tâm gắn với trục Hồ Tây - Cổ Loa, tạo thành trọng tâm bố cục không gian cho đô thị trung tâm Hà Nội. Trên đó hình thành hệ thống công viên, công trình mang tính biểu tượng, tính thời đại của Thủ đô, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch và các không gian lịch sử, bảo tồn, cảnh quan, du lịch như Hồ Tây, Cổ Loa, Bát Tràng,… Và với vị thế ấy, sông Hồng sẽ có vai trò quan trọng tác động đến sự hình thành và phát triển không gian đô thị ở hai bên bờ sông của thành phố này.

quy-hoach-phan-khu-do-thi-song-hong-theo-huong-thuan-thien-1

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài hơn 40 Km) với quy mô diện tích 11.000 ha; dân số tính toán cho 280.000 ÷ 320.000 người (còn hiện trạng là khoảng 228.860 người). Điều đặc biệt của Đồ án này là không gian nghiên cứu lập quy hoạch thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có tính chất thủy văn phức tạp với nhiều yếu tố đan xen, liên quan đến nhiều cấp ngành, các tầng bậc quy hoạch như  Quy hoạch vùng; Quy hoạch chung Hà Nội (điều chỉnh, sửa đổi); Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016) và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan... theo Luật Quy hoạch 2017.

Có lẽ, trên đất nước ta chưa thành phố nào, đô thị nào có dòng sông chảy qua lại được quan tâm và lập nhiều dự án quy hoạch như sông Hồng - Hà Nội. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, một dự án khu đô thị ven sông Hồng (gọi là Trấn sông Hồng) được nhà đầu tư Singapore lựa chọn, xây dựng ở khu vực An Dương, ngoài đê, với tổng vốn đầu tư dự kiến là 240 tỷ đồng (một con số khổng lồ vào thời điểm đó). Theo thỏa thuận với Hà Nội, các KTS Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại gồm các cao ốc, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy và nhiều nguyên nhân khác nên dự án đã phải dừng lại.

Đến năm 2006, Dự án "Thành phố ven sông Hồng” được các nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất. Đây được coi là một đại dự án, với tham vọng xây dựng một thành phố hiện đại với nhiều tòa nhà cao tầng soi bóng xuống dòng sông Hồng, kiểu như thành phố bên sông Hàn của Hàn Quốc. Người ta gọi đây là "dự án tỷ đô” bởi vốn đầu tư dự kiến hơn 7 tỷ USD, chia theo 4 khu vực, trên tổng diện tích 1.500 ha. Dự án 7 tỷ USD này đã được trình lãnh đạo cấp cao của thành phố. Nhiều đoàn cán bộ của Hà Nội tấp nập đi Hàn Quốc để tham quan, khảo sát, học hỏi về kinh nghiệm quy hoạch xây dựng và cả cách quản lý mô hình đô thị rất hiện đại này?! Dự án cũng được trưng bày tại các hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch, thủy lợi, nông nghiệp… Thế nhưng, siêu dự án này mới triển khai (trên giấy) ở mức ý tưởng được vài năm, rồi cuối cùng cũng không tránh khỏi số phận như đồ án của Singapore năm nào. Có nhiều nguyên nhân, nhưng có một điều tưởng đơn giản mà lại không như vậy, đó là sông Hồng có chế độ thủy văn hoàn toàn khác với sông Hàn bên Hàn Quốc?!

Trải qua một vài dự án không khả thi, lần này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Thành ủy, đứng đầu là Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội), với quan điểm " Nhà nước phải lập quy hoạch”, Đồ án đã được Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội lập và sắp được phê duyệt.

Quy hoạch phải thuận thiên

Được xác định là trục không gian đặc trưng cây xanh, mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm, Đồ án thể hiện các chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh, văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch của Thủ đô. Có thể nói, đây là một đồ án quy hoạch có chất lượng, mang tính thực tiễn và tính khả thi cao, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của Hà Nội. Quy hoạch đã rất chú trọng, ưu tiên phát triển không gian xanh và khả năng thoát lũ (đảm bảo tần suất 500 năm); không tạo thành trục bất động sản với các cao ốc dày đặc như đồ án trước đây của Singapore, Hàn Quốc. 

Đồ án đã quán triệt chỉ đạo của Bí thư Thành ủy (lúc bấy giờ), là phải "thuận thiên” và "không chất tải cao ốc hai bên bờ sông”. Tuy nhiên, định hướng sông Hồng là trục cảnh quan chính của thành phố, thì cần phải làm rõ hơn bởi tuyến sông Hồng chảy qua Hà Nội là hơn 100 Km chứ không chỉ là 40 Km (theo quy hoạch phân khu), do đó cần coi toàn tuyến là trục cảnh quan để phát triển thành phố hai bên sông hướng cả phía tả ngạn và hữu ngạn, để sông Hồng trở thành mặt tiền của thành phố chứ không bị quay lưng như hiện nay. Cần phát huy giá trị văn hóa sông Hồng, với các làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp của các làng ven sông, các di tích văn hóa lịch sử, các lễ hội… để phục vụ du lịch và phát triển kinh tế.

Khu vực bãi giữa hai bờ Tứ Liên - Bắc Cầu, nơi ngã ba sông Hồng - sông Đuống, nơi giao thoa của hai dòng sông liên kết Cổ Loa lịch sử với Hồ Tây huyền thoại, nơi hội tụ các yếu tố (cảnh quan, cây xanh, mặt nước, văn hóa, di tích lịch sử) để trở thành điểm nhấn, là không gian đặc trưng của Hà Nội trong tương lai, là trục hướng tâm và cửa ngõ ra vào Trung tâm thành phố. Việc kiến tạo không gian kiến trúc cảnh quan dọc hai bên sông Hồng tại đoạn tuyến quy hoạch cần được đặt trong mối quan hệ toàn tuyến qua Thủ đô về phát triển và bảo tồn... với các ý tưởng chủ đạo.

Về quy hoạch xây dựng hai tuyến đường cấp đô thị dọc hai bên sông Hồng, cần coi đó là nội dung thiết thực và quan trọng nhất trong Đồ án. Bởi đây sẽ là tuyến giao thông nhằm tạo sự liên kết giữa giao thông của thành phố với giao thông khu vực, và hơn nữa đây sẽ là xương sống để tạo dựng không gian kiến trúc đô thị, cây xanh, công viên, các công trình điểm nhấn và quảng trường ven sông. Hà Nội không thiếu đất để phát triển bất động sản, nhưng lại rất thiếu đất dành cho phát triển không gian xanh, không gian công cộng, bãi đỗ xe...

Vì thế, Đồ án này là cơ hội để Hà Nội có một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, như một mỏ vàng, để tạo dựng không gian xanh, không gian công cộng một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản của nhà đầu tư. Sau này, khi có quy hoạch chi tiết, sẽ đấu thầu mời gọi doanh nghiệp đầu tư để xây dựng các khu nhà ở thấp tầng kiểu nhà vườn với tỷ lệ đất cây xanh lớn; hay các không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập. 

Các khu nhà ở hiện hữu sẽ được cải tạo, chỉnh trang bằng nhiều hình thức để nâng cao chất lượng sống cho cư dân cũ và mới, thực hiện giãn dân khu vực trung tâm nội đô lịch sử của các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa theo chủ trương của Thành phố. Kiên quyết di dời các khu nhà ở xây dựng không an toàn và kém chất lượng, ảnh hưởng không gian thoát lũ theo yêu cầu của Luật Đê điều, phù hợp với Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng.

Thay lời kết

Vậy là Đồ án đã thành hình hài, cho phép chúng ta nghĩ đến tương lai gần của sự hiện diện thành phố bên sông Hồng. Đây là quy hoạch rất quan trọng, khi được phê duyệt sẽ có tính pháp lý, là cở sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông… để đấu thầu quyền sử dụng đất, mời gọi lựa chọn các nhà đầu tư phù hợp, hướng đến vì lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của thành phố. Vì vậy, tính minh bạch trong quy hoạch, trong đấu thầu sử dụng đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai Đồ án theo quy hoạch đã được duyệt.

Do sông Hồng có chế độ thủy văn rất khắc nghiệt, nên để đảm bảo tính khả thi của Đồ án, cần đặc biệt quan tâm đến quy hoạch chỉnh trị, ổn định dòng chảy và hành lang thoát lũ. Cần xây dựng kịch bản thích ứng với dòng chảy sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu, và biến động bất thường từ phía thượng nguồn Trung Quốc, nơi có hơn nửa lưu lượng dòng chảy sông Hồng và với gần hai chục đập thủy điện lớn nhỏ. Bởi khi đã đánh giá đúng thì chúng ta có quy hoạch sử dụng mặt nước, đất bãi, khu dân cư, không gian công cộng, không gian xanh… hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hợp lý, an toàn và bền vững.

(Bên bờ sông Hồng, những ngày cuối tháng Tư lịch sử)
KTS Phạm Thanh Tùng

Theo Báo Tài Nguyên & Môi Trường

Tags Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng kiến trúc đô thị

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục