Tìm giải pháp phát triển nhà ở xã hội

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/4/2021 | 10:02:55 AM

QLMT - Dù chiếm tới 70-80% nhu cầu nhưng nguồn cung nhà ở xã hội lại đang rất khan hiếm. Giá nhà ở tăng cao khiến giấc mơ an cư đang ngày càng rời xa tầm tay người lao động, người có thu nhập thấp. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tìm thêm những giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu của người lao động thu nhập thấp.

tim-giai-phap-phat-trien-nha-o-xa-hoi-1
Các cấp, ngành thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân mua nhà ở xã hội. Trong ảnh: Nhà ở xã hội tại Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh (huyện Mê Linh). Ảnh: Phạm Khánh
 
Nhà ở giá rẻ ngày càng khan hiếm

Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến hết năm 2020 xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới hoàn thành 249 dự án (khoảng 5,21 triệu mét vuông sàn), bằng 41,7% so với kế hoạch.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Hà Quang Hưng cho rằng, có 2 nguyên nhân chủ yếu khiến diện tích nhà ở xã hội không đạt chỉ tiêu đề ra. Một là, nhiều địa phương chưa xác định rõ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở các vị trí không thuận lợi... Hai là, nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế.

"Trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội khoảng 2.163/9.000 tỷ đồng (đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu). Trong khi, nguồn vốn cấp bù lãi suất để các tổ chức tín dụng cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa có...”, ông Hà Quang Hưng thông tin.

Trong khi nhà ở giá rẻ khan hiếm thì trên thị trường giá nhà ở lại liên tục tăng. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý IV-2020 và 2 tháng đầu năm 2021, giá bình quân căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 2-3% và tại thành phố Hồ Chí Minh tăng 3-4% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó phân khúc bình dân có tỷ lệ tăng mạnh nhất. Tương tự, trang thông tin Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận, trong quý I-2021, tại Hà Nội, giá nhà ở phân khúc trung cấp tăng 2%, phân khúc cao cấp và bình dân tăng 1%. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá bán nhà ở tăng 2-3% ở tất cả các phân khúc.

Hai năm nay đi tìm mua nhà tại khu vực huyện Gia Lâm và một số quận nội thành, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho hay, việc tìm một dự án chung cư có giá bình dân không dễ. Hầu hết các dự án chung cư ở khu vực trên đều có mức giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà, hiện nay căn hộ bình dân (có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2) rất khan hiếm. Tại Hà Nội, các dự án có mức giá này chủ yếu ở khu vực xa trung tâm, hạ tầng kém phát triển hoặc chưa đồng bộ. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, các dự án có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã biến mất khỏi thị trường. Đáng nói là, có những dự án trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khúc trung cấp, vượt khả năng chi trả của người thu nhập trung bình và thấp tại các đô thị lớn.

Gỡ về chính sách, nguồn vốn

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Quang Hưng cho biết, Bộ Xây dựng đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và khoảng 2.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách cũng đang được Bộ Xây dựng, Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh. Mới đây (ngày 1-4-2021), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Đây được coi là "cú hích” quan trọng tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, như: Quy định về bắt buộc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; kéo dài thời hạn vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội lên 25 năm thay vì 15 năm...

Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính nhìn nhận, việc kéo dài thời hạn vay là rất hợp lý bởi người mua, thuê mua nhà ở xã hội là nhóm có thu nhập thấp, nếu thiếu sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước thì rất khó có khả năng mua nhà.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, có một số vấn đề bất cập liên quan đến phát triển nhà ở xã hội chưa thể tháo gỡ được tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP do vướng mắc quy định của Luật Nhà ở 2014 và hiện Bộ Xây dựng đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở. Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng Chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, trong đó đưa ra mục tiêu, giải pháp chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn tới, dự kiến trình Chính phủ ban hành vào quý IV-2021.

 
Theo Báo Hànộimới

Tags nhà ở xã hội giải pháp Giá nhà ở

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục