Một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều dự án nhà ở xã hội trên là do thiếu nguồn vốn vay ưu đãi…
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay công tác phát triển nhà ở xã hội mới đạt 41,7% so với mục tiêu đề ra. Nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp trong đó, tập trung các giải pháp liên quan đến hoàn thiện cơ chế chính sách, nguồn vốn…, góp phần ổn định giá nhà, tăng quỹ nhà ở xã hội và giúp những người có thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở.
Triển khai dự án nhà ở xã hội còn chậm
Theo thống kê của các địa phương, sau gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (từ 2011), đến nay, cả nước đã hoàn thành 249 dự án NƠXH khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp với quy mô xây dựng hơn 104.200 căn, tổng diện tích hơn 5.210.000 m2. Còn 264 dự án khác quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn đang được tiếp tục triển khai. Như vậy, kết quả đạt được chỉ bằng 41,7% so với mục tiêu đề ra. Nhiều dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ, khiến nguồn cung loại hình nhà ở này trên thị trường rất khan hiếm.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đó là, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, Khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng... Từ đó, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội;
Tiếp đó là hạn chế về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội, nhất là sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc, cả các chủ đầu tư và người dân đều không thể tiếp cận được nguồn vốn nhà ở xã hội.
Theo tính toán đến năm 2020, Nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội nhưng hiện nay, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 mới có 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì vậy, có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện do không có vốn.
Nhóm giải pháp phát triển nhà ở xã hội
Theo ông Hà Quang Hưng, Bộ Xây dựng đã và đang tập trung vào một số nhóm giải pháp. Về giải pháp hoàn thiện chính sách, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Qua đó, đã tháo gỡ được một số khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội như: Quy định về việc bố trí quỹ đất đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, dự án Khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội; quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; về quy trình, thủ tục xét duyệt, mua bán nhà ở xã hội …
Dự kiến cuối quý II/2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn các nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Trong đó có quy định việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Đây là một trong những vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, vẫn còn có những vướng mắc liên quan đến các quy định của Luật Nhà ở 2014. Vì vậy, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong thời gian tới.
Liên quan đến nhóm giải pháp rà soát, cập nhật, xây dựng chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ đã có Văn bản đề nghị các địa phương báo cáo kết quả thực hiện chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại địa phương. Trên cơ sở các báo cáo này, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp thực trạng, khó khăn bất cập và đề xuất các giải pháp chính sách trong quá trình nghiên cứu sửa đổi chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để trình Chính phủ ban hành chiến lược nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 vào quý IV/ 2021.
Với nhóm giải pháp về nguồn vốn, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho các Ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội. Theo đó, đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Vừa qua, Bộ Xây dựng Việt Nam và cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đã hoàn thành dự án "Xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030". Dự án do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại, được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ tháng 11/2018), với mục tiêu nâng cao quyền được có nhà ở của các hộ gia đình thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân ở các Khu công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.
Việt Nam và Hàn Quốc đã phối hợp rất chặt chẽ trong việc triển khai dự án. Trong đó, đã rà soát, thống kê, phân tích những nguyên nhân khiến nguồn cung nhà ở xã hội không được cung ứng tốt tại Việt Nam. Ước tính từ 2021 - 2030, mục tiêu cung cấp nhà ở xã hội cho hộ thu nhập thấp tại các đô thị trên toàn quốc là 31.008.000m2 tính theo diện tích sàn, tương đương 465.467 căn. Chỉ tiêu cung cấp nhà ở xã hội cho công nhân tại các Cụm công nghiệp trên toàn quốc là 21.930.000m2, tương đương 520.073 căn.
Trên cơ sở đó, dự án đã đưa ra các chính sách cần thiết để đạt được các mục tiêu này trong từng lĩnh vực như đất đai, tài chính nhà ở và mô hình cung ứng. Đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất nổi bật, sáng kiến hiệu quả để Bộ Xây dựng nghiên cứu, tham khảo vận dụng trong việc xây dựng chính sách nhà ở xã hội.
Trong quá trình sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, Bộ Xây dựng đã tham khảo các đề xuất của các chuyên gia để quy định về: Quy mô dự án nhà ở thương mại, dự án Khu đô thị phải dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội; bỏ tiêu chí chấm điểm khi thực hiện bán nhà ở xã hội (thay bằng bốc thăm).
Trong thời gian tới, khi đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ Xây dựng cũng sẽ nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm của phía Hàn Quốc trong phát triển nhà ở xã hội cũng như các đề xuất của dự án về vấn đề tạo lập quỹ đất cho nhà ở xã hội; tập trung chính sách nhà ở xã hội cho 2 nhóm đối tượng là công nhân Khu công nghiệp và người thu nhập thấp khu vực đô thị thay vì 10 nhóm đối tượng như Luật Nhà ở 2014 quy định; việc xây dựng giá trần nhà ở xã hội; ưu đãi và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Theo Linh Anh/ Báo Xây Dựng