Bàn về bản sắc trong kiến trúc ngày nay

  • Cập nhật: Thứ tư, 31/3/2021 | 9:46:43 AM

QLMT - Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn, giữa văn hóa truyền thống và sự tiến bộ không ngừng của khoa học, công nghệ. Cái mới tiến bộ và hiện đại dường như muốn xóa nhòa ranh giới, muốn nuốt chửng văn hóa truyền thống của các địa phương, khu vực hay cái bản sắc vốn có của từng nơi chốn.

1. Nên trao đổi thế nào?

Tạp chí Kiến trúc – Hội KTS Việt Nam muốn tôi trao đổi quan điểm của mình về "Bản sắc trong kiến trúc ngày nay”. Thực ra đây là câu chuyện muôn thuở của giới làm nghề. Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy mâu thuẫn, giữa văn hóa truyền thống và sự tiến bộ không ngừng của khoa học, công nghệ. Cái mới tiến bộ và hiện đại dường như muốn xóa nhòa ranh giới, muốn nuốt chửng văn hóa truyền thống của các địa phương, khu vực hay cái bản sắc vốn có của từng nơi chốn.

Để không như vậy, để giải quyết cái mâu thuẫn không ngừng nghỉ đó, câu chuyện của giới làm nghề cũng luôn phải trăn trở với những câu hỏi như:

  • Bản sắc là gì?
  • Bản sắc trong kiến trúc là gì?
  • Bản sắc kiến trúc ngày nay là thế nào?
  • Phương pháp thế nào để tác phẩm kiến trúc có bản sắc?
Và nhiều câu hỏi khác tương tự như vậy, song hầu hết trong các diễn đàn, hội thảo, các học giả viết bài trao đổi về "bản sắc trong kiến trúc” chủ yếu nói về các khái niệm, nói về vai trò và tầm quan trọng của vấn đề "bản sắc trong kiến trúc”… Rất ít những chia sẻ về phương pháp sáng tạo của mình trong hành nghề kiến trúc. Thực ra đối với anh em làm nghề còn trẻ, những người còn ít trải nghiệm nghề nghiệp, vấn đề của họ không phải ở góc độ nhận thức, mà cái chính là, cần phải hành động thế nào, thao tác thế nào cho tác phẩm của mình giàu chất bản sắc! Kiến trúc đúng là một cái nghề nói thì rất hay, nhưng làm thì không dễ chút nào! Đồng thời trong nghệ thuật kiến trúc nói riêng và nghệ thuật nói chung, người ta cũng không dễ dàng chấp nhận học kinh nghiệm sáng tạo của người này để làm nên tác phẩm của mình! Không biết có phải vì lý do này mà trong các diễn đàn hội thảo, kinh nghiệm cá nhân thường ít được nói tới là vậy.

Quan điểm của tôi, trao đổi với đồng nghiệp về phương pháp luận trong sáng tạo về vấn đề này có lẽ là giới hạn có hiệu quả hơn cả. Cụ thể, chúng ta sẽ thống nhất lại với nhau khái niệm về hình mẫu có bản sắc trong kiến trúc ngày nay nên theo phương châm nào. Cơ sở nhận diện về bản sắc có ở những đâu để tìm đến trong sáng tạo kiến trúc và phương pháp nào dễ đạt được hiệu quả nhất.

2. Phương pháp luận về sáng tạo bản sắc trong kiến trúc.

Nói một cách khái quát, hình mẫu có bản sắc trong kiến trúc ngày nay không phải là sự hoài cổ mà cũng không phải là quay về với thực tiễn của địa phương. Nghĩa là, cái bản sắc của kiến trúc đương đại có đầy đủ lý do về chức năng sử dụng và công nghệ xây dựng để không chấp nhận sự mô phỏng hay gò ép sao chép các truyền thống một cách máy móc được, mà cái hồn của kiến trúc truyền thống mới là cái cần được nắm bắt, trân trọng và phát huy.

Một cách hình dung khác về hình mẫu có bản sắc của kiến trúc ngày nay, theo Hiến chương Bắc Kinh (1999) đã nhấn mạnh :"Việc địa phương hóa kiến trúc hiện đại và hiện đại hóa kiến trúc địa phương là cách tiếp cận chung, cần được mọi người chia sẻ trong tiến trình hướng tới sự thăng hoa của kiến trúc”. Cách diễn đạt này cho thấy, yếu tố địa phương bao giờ cũng là cốt lõi, còn sáng tạo kiến trúc theo hướng tiếp cận nào là tùy thuộc ở KTS. Điều mà hiến chương nhấn mạnh trên đây có hai vấn đề khác nhau: Một là – "Địa phương hóa kiến trúc hiện đại”, nghĩa là kiến trúc hiện đại được kết tinh bởi các yếu tố địa phương”. Vế thứ hai là – "Hiện đại hóa kiến trúc địa phương”, vế này xem như "kiến trúc địa phương” là cái đã có, là những kiến trúc di sản của "địa phương” đó, nay tiếp nối những kiến trúc mới, nó cần được "hiện đại hóa”. Sáng tạo của mỗi cá nhân KTS sẽ là rất đa dạng, bởi cái riêng của họ, song nếu tất cả những sáng tạo đó đều xoay quanh cái trục "địa phương”, chúng ta sẽ có cái chung của cộng đồng địa phương, đó chính là yếu tố bản địa, yếu tố bản sắc của nơi chốn, vùng miền.

Điều kêu gọi của Hiến chương quốc tế trên đây, cũng không có khó khăn gì được giới làm nghề – KTS đồng thuận. Song câu chuyện vẫn còn rất trừu tượng, không mấy dễ dàng trong sáng tạo nghề nghiệp.
Thế mạnh của nghệ thuật kiến trúc là biểu hiện bằng cảm nhận thị giác là cơ bản, còn lại là cảm nhận bằng các giác quan khác của con người, kể cả yếu tố phi vật thể trong không gian ấy. Thông thường cái bản sắc địa phương ở một công trình kiến trúc nào đó, mà hình ảnh của nó, không gian của nó cho người ta cảm thấy gần gũi, thân quen được trở lại trong tiềm thức của họ, thì công trình kiến trúc đó xem như đã có sự thành công trong việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Nếu theo cách này, kinh nghiệm cho thấy, trong muôn vàn những cái riêng của các KTS, thường có cái chung về cách làm, thuộc một số dạng tiếp cận tìm đến ấn tượng về bản sắc kiến trúc truyền thống như sau:

  • Dạng 1: thường tìm đến sự giống nhau về cấu trúc tạo dáng bên ngoài (theo cách mô phỏng hay đã được cách điệu). Với cách này, kiến trúc dễ dàng có sức thuyết phục ngay từ cảm nhận ban đầu. Bởi có sự gần gũi về trực giác, sự quen thuộc của ngoại hình và rất dễ hiểu. Đây là cách làm thuận lợi, song không mấy thành công. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp nội dung công năng bị gò ép, không hòa hợp với hình thức bên ngoài.
  • Dạng 2: Thường tìm đến sự giống nhau về cơ cấu không gian môi trường. Với cách này xem ra như đi từ bản chất chức năng của sự kế thừa truyền thống, lấy cơ sở từ sự hợp lý với điều kiện tự nhiên làm gốc. Đây là cách làm tốt song không dễ hiểu, đôi khi chỉ là những ý đồ trừu tượng và duy ý chí. Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp điều kiện thực tế không dễ dàng thực hiện được. Hơn nữa trong bối cảnh của kiến trúc hiện đại với trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ ràng buộc… Môi trường tự nhiên chỉ còn là sự gợi nhớ, ẩn dụ mà thôi.
  • Dạng 3: Thường tìm đến sự huy động tổng hợp của các hình thức nghệ thuật truyền thống, mà trong đó yếu tố trang trí là chủ đạo. Tác giả của đồ án có thể khai thác từ mọi khía cạnh trong truyền thống văn hóa của địa phương, từ các hoa văn trang trí nhỏ đến chi tiết của các bộ phận kiến trúc, hay các vật dụng phổ biến trong đời sống của cộng đồng địa phương, từ các vật bầy đặc trưng đến một góc thiên nhiên quen thuộc… Sự tổng hòa của nhiều yếu tố này, là cách làm rất có hiệu quả, dễ dàng tạo dựng được những ấn tượng sâu đậm về một bản sắc riêng. Đây là cách làm thuận lợi cho mọi tình huống của đồ án thực tế. Cái thế mạnh của thủ pháp này là có nhiều cơ hội để diễn đạt ý đồ của tác giả, ở mọi khả năng tiếp cận kiến trúc của đối tượng cảm nhận sử dụng. Tuy nhiên với dạng thứ 3 này, đòi hỏi rất nhiều sự trải nghiệm của KTS, có nhiều thời gian để lao động sáng tạo. Bởi lẽ, mọi yếu tố trong truyền thống văn hóa địa phương được sử dụng để đưa vào tác phẩm kiến trúc hiện đại, phải được tác giả của đồ án tìm thấy nó như một biểu tượng. Và biểu tượng đó cần đạt tới ấn tượng như một ký hiệu (sẽ gọi là biểu tượng ký hiệu). Trong những khả năng sáng tạo kiến trúc thì việc tạo ra biểu tượng ký hiệu là một phương pháp rất có hiệu quả.
  • Dạng 4: Thường là dạng không có mục đích tìm đến sự giống nhau nào cả như 3 dạng trên, nhưng không có nghĩa là từ chối những tinh hoa của truyền thống địa phương. Nó tìm đến sự hợp lý về công năng sử dụng, đáp ứng được một cách sâu sắc nhu cầu của đời sống xã hội, phù hợp với văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời nó tìm đến sự thích nghi tốt nhất với môi trường tự nhiên, được cộng đồng địa phương chấp nhận và tồn tại một cách bền vững tại nơi chốn đó. Sự thành công của dạng đồ án này còn là biểu hiện của sự xác lập thêm những nhân tố để phát triển bản sắc địa phương. Có thể nói, tác phẩm kiến trúc hiện đại thành công nhất khi tìm được tinh thần bản sắc địa phương mà không nhìn thấy cụ thể. Với việc xác lập thêm những nhân tố mới từ các KTS, trong cái chung của cộng đồng địa phương. Theo thời gian, nhìn ngược về lịch sử, bức tranh địa phương không những vẫn tiếp tục mang đậm dấu ấn bản sắc mà còn rất đa dạng và phong phú.
Với những phân tích trên đây, được xem là phương pháp luận để sáng tạo bản sắc trong kiến trúc. Với 4 dạng được tổng kết như trên, xem như là cơ sở lý luận về phương pháp tạo dựng bản sắc trong kiến trúc. Trên thực tế, tùy hoàn cảnh, tính chất, quy mô của đồ án thiết kế, tùy quan điểm và phong cách riêng của từng người, cũng như tùy thuộc vào sở trường và tài năng riêng của từng KTS, để chọn được giải pháp thích hợp cho sự thành công của đồ án. Trên thế giới, nhiều KTS bậc thầy đã khai thác kiến trúc truyền thống cho tác phẩm của họ, song khẳng định không bao giờ theo hướng mô phỏng hay sao chép kiến trúc truyền thống. Cũng có những KTS cả đời sáng tác, không tham vọng quá nhiều trong việc khai thác yếu tố truyền thống, chỉ sử dụng một loại vật liệu địa phương cho các tác phẩm của mình, và điều này cũng đã làm nên sự nghiệp vẻ vang của một đời KTS. Trao đổi như trên để thấy, sẽ không có lời khuyên, mà đó là bản lĩnh của mỗi KTS trong sáng tạo hành nghề.

3. Thực tế thị hiếu và cái đích của sự thành công thường thấy trong kiến trúc ngày nay:

Nhìn lại lịch sử kiến trúc thế giới, khi "chủ nghĩa công năng” ra đời cùng với những tuyên ngôn của nó, từ đó tiếp theo mà người ta nhìn thấy như một thảm họa của phong cách kiến trúc "Hiện đại thế giới”, đã làm cho "kiến trúc truyền thống” của nhiều địa phương, khu vực bị lu mờ. Trong diễn trình đó đã nảy sinh xu hướng "Hậu hiện đại” ra đời – Đó là những tác phẩm mà giới kiến trúc trăn trở, để kết nối giữa truyền thống và hiện đại. "Hậu hiện đại” dường như sẽ là lối thoát cho "Hiện đại”. Có phải thế không? Trong nhiều diễn đàn hội thảo, đã có học giả tuyên bố rằng "kiến trúc hiện đại đã chết”! Song nó có "chết” thật không, không ai tổng kết được. Tuy nhiên, một điều phải khẳng định rằng, mặc dù chúng ta đang sống trong một thời đại mà mọi nền văn hóa đều bị chi phối bởi sự phát triển của khoa học công nghệ – Một thế giới phẳng! Nhưng việc gìn giữ truyền thống, bản sắc địa phương khu vực luôn được đề cao. Vậy cái "bản sắc” ấy gìn giữ như thế nào? Nó nằm ở đâu trong mỗi sự ra đời của tác phẩm kiến trúc? Trong tình hình này, một công thức đơn giản, xem như là mẫu mực nhất để lựa chọn công trình kiến trúc, dựa vào các tiêu chí như sau:

  • Tiêu chí TN: Công trình kiến trúc đó được ra đời để xây dựng ở nơi đó (đây là tiêu chí đảm bảo sự thích nghi vật lý của kiến trúc tại nơi chốn địa phương).
  • Tiêu chí M: Công trình kiến trúc đó phải có tính mới (đây là tiêu chí đảm bảo cho sáng tạo nghệ thuật kiến trúc có cái mới phát triển).
  • Tiêu chí BS: Công trình kiến trúc đó có bản sắc địa phương (đây là tiêu chí đảm bảo rằng nó có dấu ấn địa phương, đúng với tinh thần của các hiến chương quốc tế).
  • Như vậy, công thức hoàn hảo để lựa chọn một công trình kiến trúc ngày nay phải có đủ 3 tiêu chí là: TN + M +BS. Trên thực tế, một công trình kiến trúc hội tụ đủ 3 tiêu chí này một cách hoàn hảo, đúng nghĩa cũng không phải là có nhiều. Bởi khi lựa chọn đồ án, việc xem xét các tiêu chí này cũng không phải là dễ dàng.
  • Khi xét về TN, người ta hoàn toàn có thể thấy được về quy mô, tính chất và công năng sử dụng của nó có thể thích hợp được với yêu cầu sử dụng, song kiến trúc của công trình kiến trúc đó, có thích nghi được tốt với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội của nơi chốn đó hay không, còn là vấn đề khá trừu tượng. Kiến trúc là nghệ thuật ứng dụng, nó đòi hỏi phải qua thời gian sử dụng mới có thể đánh giá được. Cho dù ngày nay, người ta có đủ các phần mềm tính toán để có thể kết luận được từ khi đồ án còn trên giấy. Mặc dù vậy, người ta có thể xem tiêu chí này chỉ như một điều kiện cần, bởi trong lao động sáng tạo, thì đây không phải là vấn đề khó. Và nếu chỉ bằng cảm nhận mà người ta đã thấy ngay được tiêu chí này không đảm bảo, người ta đã không đưa đồ án đó vào trong danh sách lựa chọn. Xem như bỏ qua tiêu chí này.
  • Như vậy chỉ còn 2 tiêu chí là M và BS tranh chấp với nhau giữa các đồ án để lựa chọn – giữa đồ án có "tinh thần mới” (M) mạnh hơn hay đồ án có "bản sắc” (BS) mạnh hơn, đồ án nào sẽ thắng thế?
  • Hãy quan sát một số công trình đã thắng thế qua các cuộc tuyển chọn (cả ở Việt Nam và nước ngoài) để qua đó bàn luận về M và BS ở các công trình đó như thế nào, cũng như để thấy được "thực tế thị hiếu” của các cuộc tuyển chọn và "cái đích của sự thành công… trong kiến trúc ngày nay” mà chúng ta cần để rút kinh nghiệm.
  • Tòa nhà Bitexco xây dựng ở TP HCM, được hoàn thành vào tháng 10/2010 (được thiết kế bởi KTS Mỹ Carlos Zapata). Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh của búp sen vươn lên bầu trời, thể hiện cho khát vọng vươn lên của dân tộc, đại diện cho một Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn giữ gìn bản sắc. Hiện nay tòa tháp vẫn thường được xem là biểu tượng của TP HCM. Với sự nhận biết về hình dáng khá đặc biệt và độc đáo của nó.
ban-ve-ban-sac-trong-kien-truc-ngay-nay-1
Tòa nhà Bitexco xây dựng ở TP HCM, được hoàn thành vào tháng 10/2010 (được thiết kế bởi KTS Mỹ Carlos Zapata). Ý tưởng thiết kế được lấy cảm hứng từ hình ảnh của búp sen vươn lên bầu trời, thể hiện cho khát vọng vươn lên của dân tộc, đại diện cho một Việt Nam đầy năng động nhưng vẫn giữ gìn bản sắc.

Bảo tàng Quảng Ninh, còn có tên gọi là "Viên ngọc đen huyền bí”. Công trình được hoàn thành vào tháng 10/2013 (được thiết kế bởi KTS người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo). Công trình lấy ý tưởng thiết kế từ hình tượng than đá – loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh. Công trình là một điểm nhấn rất độc đáo và ấn tượng, bằng thủ pháp táo bạo của chất liệu, phần vỏ ngoài của tòa nhà được thiết kế như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

ban-ve-ban-sac-trong-kien-truc-ngay-nay-2
Bảo tàng Quảng Ninh, còn có tên gọi là "Viên ngọc đen huyền bí”. Công trình được hoàn thành vào tháng 10/2013 (được thiết kế bởi KTS người Tây Ban Nha Salvador Perez Arroyo). Công trình lấy ý tưởng thiết kế từ hình tượng than đá – loại khoáng sản đặc trưng của Quảng Ninh. Công trình là một điểm nhấn rất độc đáo và ấn tượng, bằng thủ pháp táo bạo của chất liệu, phần vỏ ngoài của tòa nhà được thiết kế như một tấm gương khổng lồ, phản chiếu hình ảnh di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Nhà hát lớn Quốc gia – Bắc Kinh, còn được gọi là "Nhà hát quả trứng” hay "Ốc đảo pha lê”. Công trình được hoàn thành vào tháng 9/2007 (được thiết kế bởi KTS người Pháp – Paul Andreu). Công trình có hình dạng đặc biệt chỉ là một khối vòm ellipsoid, nằm giữa một cái hồ nước nhân tạo. Được đặt ngay ở trung tâm lịch sử của thủ đô Bắc Kinh. Đồ án thiết kế với ý niệm "trời tròn, đất vuông” kinh điển của Trung Quốc – Với nét hiện đại tinh khiết bên cạnh vẻ đẹp cổ điển của kiến trúc Cố Cung, Tử Cấm Thành, Quảng trường Thiên An Môn. Xem như một hòn đảo văn hóa của Trung Quốc mọc lên trong sự ngưỡng mộ của bạn bè thế giới, làm tăng thêm nét đẹp của Bắc Kinh hoa lệ.

ban-ve-ban-sac-trong-kien-truc-ngay-nay-3
Nhà hát lớn Quốc gia – Bắc Kinh, còn được gọi là "Nhà hát quả trứng” hay "Ốc đảo pha lê”. Công trình được hoàn thành vào tháng 9/2007 (được thiết kế bởi KTS người Pháp – Paul Andreu). Công trình có hình dạng đặc biệt chỉ là một khối vòm ellipsoid, nằm giữa một cái hồ nước nhân tạo., được đặt ngay ở trung tâm lịch sử của thủ đô Bắc Kinh.

Tổ hợp Galaxy Soho được xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh. Công trình được hoàn thành trong năm 2012 (được thiết kế bởi KTS Zaha Hadid), là tổ hợp văn phòng, thương mại và giải trí. Galaxy Soho là một công trình kiến trúc có hình tượng độc và lạ. Công trình được lấy cảm hứng từ sự hoành tráng của Bắc Kinh, sẽ trở thành một phần không thể thiếu của một thành phố năng động. Công trình là sự tổng hợp của công nghệ kỹ thuật số và cảnh quan tự nhiên. Sự độc đáo của kiến trúc công trình là sự biểu hiện của cấu trúc tạo hình như một dòng chảy liên tục giữa các khối hình quyện vào nhau, tạo thành một điểm nhấn năng động, tương phản nổi bật so với môi trường xung quanh, khơi dậy sự tò mò của du khách. Không gian bên trong của công trình phản ánh hình ảnh sân trong của kiến trúc các ngôi nhà truyền thống của Trung Quốc.

ban-ve-ban-sac-trong-kien-truc-ngay-nay-3
Tổ hợp Galaxy Soho được xây dựng ở trung tâm Bắc Kinh. Công trình được hoàn thành trong năm 2012 (được thiết kế bởi KTS Zaha Hadid), là tổ hợp văn phòng, thương mại và giải trí. Galaxy Soho là một công trình kiến trúc có hình tượng độc và lạ. Công trình được lấy cảm hứng từ sự hoành tráng của Bắc Kinh, sẽ trở thành một phần không thể thiếu của một thành phố năng động.

Sân vận động Quốc gia – Bắc Kinh. Được hoàn thành vào tháng 6/2008 (được thiết kế bởi các KTS Jacques Herzog và Pierre De Meuron, KTS dự án Stefan Marbach, nghệ sĩ Ngái Vị Vị và CADG, được chỉ huy bởi KTS trưởng Li Xinggang). Vẻ đẹp của sân vận động tổ chim là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Hình dạng tổ chim của sân vận động được các tác giả xem như một tòa nhà tập thể, một con tàu công cộng. Nó chính là biểu tượng cho sự vững chãi, độc đáo và là biểu tượng của Trung Quốc. Với sự đa chức năng của công trình, đây là không gian công cộng quan trọng nhất ở Bắc Kinh.

ban-ve-ban-sac-trong-kien-truc-ngay-nay-4
Sân vận động Quốc gia – Bắc Kinh. Được hoàn thành vào tháng 6/2008 (được thiết kế bởi các KTS Jacques Herzog và Pierre De Meuron, KTS dự án Stefan Marbach, nghệ sĩ Ngái Vị Vị và CADG, được chỉ huy bởi KTS trưởng Li Xinggang). Vẻ đẹp của sân vận động tổ chim là sự tổng hòa của nhiều yếu tố, lấy cảm hứng từ thiên nhiên.

Trung tâm thể thao dưới nước Quốc gia – Bắc Kinh. Được hoàn thành tháng 1/2008, còn có tên gọi là Water Cube. (Được thiết kế bởi các văn phòng KTS PTW, CSCEC International Design và Arup). Công trình có hình khối lập phương chữ nhật, bề mặt có dạng bọt, sắp xếp của các tế bào bong bóng xà phòng – biệt danh là khối nước (Thủy lạp phương). Hình khối được tạo bởi khung thép, phủ lớp chất dẻo ETFE bên ngoài (cho phép hấp thụ ánh sáng và nhiệt lượng nhiều hơn kính thông thường – và qua đó giúp giảm được 30% năng lượng cần thiết). Với biểu tượng hình vuông, vừa mạnh mẽ, lại vững chắc và cân đối. Đây là loại hình biểu tượng được sử dụng chủ yếu trong thiết kế xây dựng truyền thống của Trung Quốc, nên nó không hề lạ lẫm với người dân và cũng rất phù hợp với văn hoá của họ.

ban-ve-ban-sac-trong-kien-truc-ngay-nay-5
Trung tâm thể thao dưới nước Quốc gia – Bắc Kinh. Được hoàn thành tháng 1/2008, còn có tên gọi là Water Cube. (Được thiết kế bởi các văn phòng KTS PTW, CSCEC International Design và Arup).

Bàn luận – Qua một số công trình được quan sát và giới thiệu trên đây, ta trở lại với 2 tiêu chí M và BS biểu hiện ở các công trình này như thế nào?

Có thể thấy ngay rằng, tiêu chí M – "tinh thần mới” ở các đồ án này là rất mạnh. Hầu hết như các công trình được giới thiệu trên đây đều cho thấy, đó là những tác phẩm kiến trúc có sức hấp dẫn rất mạnh mẽ, ở nó toát lên "tinh thần mới” trong sáng tạo nghệ thuật kiến trúc. Đó là những tác phẩm không chỉ mới mẻ về ngôn ngữ tạo hình kiến trúc mà còn cả tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ mới.

Có thể nói, hầu như các công trình được giới thiệu trên đây, tiêu chí BS – "bản sắc địa phương”, theo cách tư duy thông thường, như 3 dạng đã được phân tích ở phần trên, dường như rất lu mờ, không được quan tâm. Hầu như các tác giả đồ án chỉ tìm cho mình một cái cớ nào đó, một biểu tượng ý nghĩa nào đó, để "neo” cái tác phẩm của mình, ứng với một trong những tính chất, đặc điểm nào đó, của địa phương đó. Xem như là cảm hứng, là nguyên cớ xác định chỗ đứng cho tác phẩm của mình là vậy! Như hình tượng "búp sen” của toà nhà Bitexco. Như hình tượng "vỉa than đá đen” của Bảo tàng Quảng Ninh. Như ý niệm "trời tròn, đất vuông” của Nhà hát lớn Quốc gia – Bắc Kinh. Như cảm hứng biểu hiện về sự "hoành tráng” của Bắc Kinh… Như một dòng chảy liên tục… năng động” của tổ hợp Galaxy Soho. Như hình tượng "tổ chim” của Sân vận động Quốc gia – Bắc Kinh. Và như biểu tượng "hình vuông” của trung tâm thể thao dưới nước Quốc Gia – Bắc Kinh. Đồng thời còn nhiều lý giải khác của các tác giả đồ án về "bản sắc địa phương”, về việc họ đã khai thác một cách sâu sắc nét văn hoá truyền thống của con người phương Đông, kể cả văn hoá tâm linh giữa con người bản địa với không gian kiến trúc. Song cho dù thế nào thì sau những quan sát trên đây, cho thấy rằng, tiêu chí BS – "bản sắc địa phương” không phải là thế mạnh, không phải là cái đích cơ bản để tạo nên sự thành công của các tác phẩm này!

Qua các phân tích trên đây để thấy rằng, "thực tế thị hiếu” của các cuộc tuyển chọn, người ta vẫn luôn chờ đợi và coi trọng cái tiêu chí M ở các đồ án thiết kế. Người ta cần "cái mới” đại diện cho sự phát triển kiến trúc ở các địa phương, người ta cần sự sáng tạo bất ngờ, độc đáo và khác lạ. Càng độc đáo, khác lạ – càng có "cái riêng” không ở nơi nào có trước đó càng tốt. Chính "cái riêng” đó là để ban tặng cho "nơi chốn” đó. Xem đó là địa chỉ riêng của tác phẩm kiến trúc đó.

Đến đây thấy rằng, cần bàn luận thêm về tiêu chí TN – "sự thích nghi”, nghĩa là nơi có cái lý khoa học để sản sinh ra công trình kiến trúc và để sàng lọc, sự tồn tại bền vững lâu dài của các công trình kiến trúc, từ đó hình thành bản sắc địa phương. Song kiến trúc là loại sản phẩm vật chất không quá tinh vi, tinh xảo, nhiều bộ phận kiến trúc của nó không dễ dàng tìm thấy sự khác nhau của "nơi chốn”. Chưa nói rằng, nhiều quốc gia có vị trí tương đồng nhau về vĩ độ trái đất, tính chất khí hậu cũng không có sự khác biệt với nhau nhiều. Trong trường hợp này, bảo vệ cho tiêu chí TN cũng không phải là chắc chắn. Chưa nói rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại mà khoa học công nghệ dường như có thể giải quyết được tất cả các mối quan hệ mâu thuẫn của kiến trúc. Nói như vậy để thấy rằng, tiêu chí TN dường như cũng không phải là nhân tố cản trở cảm hứng sáng tạo của các KTS. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phân biệt hai cụm từ "để xây dựng” và "được xây dựng” tại "nơi chốn” đó, có ý nghĩa rất khác nhau: "để” là phụ thuộc, còn "được” là chủ động áp đặt. Tôi muốn làm một ví dụ như sau: Nếu "sân vận động tổ chim” Bắc Kinh được xây dựng với ý đồ như vậy, ở khu đất của "sân vận động Mỹ Đình” Hà Nội, có được không? Tôi tin là được và tôi hình dung ra, lúc này, ban quản lý "sân vận động tổ chim” Hà Nội cũng đang rất "mệt mỏi”, không ngừng thu vé tham quan "sân vận động tổ chim” đó của du khách cả trong nước và quốc tế! Đấy, câu chuyện "bàn về bản sắc trong kiến trúc ngày nay” là vậy. Chưa có gì để nhận thấy được rằng, bản sắc kiến trúc ngày nay ở từng nơi chốn sẽ như thế nào? Bởi nó sẽ tiếp tục gia tăng những sáng tạo kiến trúc đặc sắc về sự độc đáo khác biệt. Khi tính bản địa không còn là rào cản trong sáng tác của các KTS, có lẽ cái bản sắc truyền thống, cộng với cái bản sắc ngày nay, được tiếp diễn và kết nối với nhau như thế nào, cần khoảng một thế kỷ nữa, lúc đó chúng ta sẽ nhìn thấy bức tranh về nó, mờ nhạt hay đậm đà!

Tôi định có đôi lời kết luận cho bài viết này, song thấy cũng đã đủ lý do để chúng ta tiếp tục trao đổi với nhau.


TS. KTS Nguyễn Tiến Thuận/ Đại học Kiến trúc Hà Nội
Theo Tạp chí Kiến trúc

Tags bản sắc kiến trúc ngày nay văn hóa truyền thống khoa học công nghệ

Các tin khác

Đô thị ngày càng nhiều, đến 2030 có tới 50% dân số Việt Nam (khoảng 55 triệu người) bước vào đô thị. Nhưng tích tụ đủ nội hàm phát triển một đô thị di sản thiên niên kỷ thì chỉ duy nhất thành phố Ninh Bình có thể sở hữu.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự