Quy hoạch đô thị sông Hồng: Minh bạch để khơi dậy nguồn lực

  • Cập nhật: Thứ sáu, 12/3/2021 | 2:16:13 PM

QLMT - Thay vì quay lưng lại với sông Hồng, Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng để khơi thông nguồn lực phát triển. Tuy nhiên, chính quyền Thủ đô sẽ thay đổi cách thức tiếp cận quy hoạch như thế nào để minh bạch và hiệu quả?

Lời tòa soạn: 

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, UBND TP. Hà Nội đã ấp ủ ý tưởng về việc quy hoạch chi tiết các khu đô thị ven sông, nhằm đưa sông Hồng trở thành trung tâm của các khu đô thị hiện đại. Thế nhưng sau nhiều năm, ý tưởng trên chưa thể thực hiện mà vẫn chỉ dừng ở mức đề xuất.

Hiện nay, dải đất ngoài bãi sông Hồng kéo dài từ huyện Phúc Thọ đến Thanh Trì có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống khá tạm bợ, phát sinh nhiều vấn đề bất cập mà một phần nguyên nhân là do chậm triển khai quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Thực trạng quy hoạch "lơ lửng” cũng khiến người dân ở đây luôn trong tình trạng thấp thỏm "đi không được, ở không xong”. Đồng thời, việc quy hoạch khi chưa được phê duyệt đã kéo theo nhiều khó khăn, hệ lụy trong quản lý tài nguyên đất. Tình trạng lấn chiếm đất đai, xây dựng công trình không phép, một số tổ chức, cá nhân "ôm” hàng chục hecta đất rồi cho thuê trái thẩm quyền, sử dụng sai mục đích… Trong khi đó, Hà Nội lại đang loay hoay phát triển trong một chiếc áo quá chật, ngổn ngang về quy hoạch và thiếu nguồn lực đất đai. 

Thông tin về chủ trương Hà Nội triển khai xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, dự kiến phê duyệt trong tháng 6/2021 thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước. Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết từ năm 1954 đến nay, đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, tất cả đều nói đến quy hoạch sông Hồng nhưng lần này mới thành hiện thực và nhấn mạnh yếu tố quan trọng về việc thay đổi cách tiếp cận trong quy hoạch. 

Thay vì quay lưng lại với sông Hồng như trước đây, Hà Nội sẽ quay mặt ra sông Hồng để kiến tạo các không gian giá trị của trục không gian hành lang xanh, khai thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để khơi dậy nguồn lực này một cách hiệu quả như kỳ vọng, Hà Nội cần giải quyết những bài toán lớn về câu chuyên quy hoạch, khai thác, sử dụng quỹ đất khổng lồ như thế nào để minh bạch và không bị lợi dụng chính sách để trục lợi?  

Trên tinh thần khảo sát, nghiên cứu, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Quy hoạch đô thị sông Hồng: Minh bạch để khơi dậy nguồn lực".

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

THAY ĐỔI CÁCH TIẾP CẬN ĐỂ HIỆN THỰC HÓA ĐÔ THỊ SÔNG HỒNG

Bên lề Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội lần thứ ba, ngày 11/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã trao đổi với báo chí về Dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng. Theo đó, các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra.

Bí thư Hà Nội cho biết, đây là quy hoạch quan trọng, được nghiên cứu, xây dựng trong nhiều năm nhưng gặp nhiều khó khăn, còn lần này đã hội tụ đủ yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa" để hoàn thiện quy hoạch này.

Ông Huệ khẳng định quan điểm xây dựng quy hoạch phải đi trước một bước, thực tế quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2011 nhưng hết nhiệm kỳ vừa rồi mới phủ kín được 86%, còn lại 6 quy hoạch phân khu gồm sông Hồng, sông Đuống và 4 quận nội đô đã chậm nhiều năm qua, chưa phê duyệt được.

Bí thư Vương Đình Huệ khẳng định, cách tiếp cận khi xây dựng quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng lần này rất khác.

"Trước đây khi thì giao cho đơn vị này, đơn vị kia nghiên cứu xây dựng quy hoạch, bây giờ là Nhà nước làm, không giao cho doanh nghiệp nào", ông Huệ nói.

Nhấn mạnh yếu tố quan trọng về việc thay đổi cách tiếp cận, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định việc nghiên cứu xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng lần này được thực hiện theo nguyên tắc thuận thiên.

Bí thư Hà Nội cũng cho biết, nếu quy hoạch được thông qua và được triển khai sớm sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế cho hàng triệu người dân sống hai bên sông. Đây là một trong những điểm nghẽn lâu nay Hà Nội vẫn luôn muốn tháo gỡ.

Khi quy hoạch được triển khai, bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn và tạo được quỹ đất để phát triển. Thành phố với điểm nhấn là dòng sông ở giữa, với hành lang xanh, một đô thị đẹp, văn minh, hiện đại.

Giới chuyên gia cho rằng, điều này có ý nghĩa quan trọng, quy hoạch đô thị sông Hồng lần này sẽ theo đúng lộ trình, được kiểm soát chặt chẽ hơn, "đi chậm nhưng chắc hơn”, khác với những lần "nâng lên đặt xuống" trước đó. 

quy-hoach-do-thi-song-hong-muon-con-hon-khong-1
Hiện trạng đô thị sông Hồng 

Sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 1.300km; chảy qua Việt Nam khoảng 600km, trong đó chảy qua địa phận Hà Nội khoảng 118km. Từ năm 1954 đến nay, có 7 lần quy hoạch chung Thủ đô đã được ban hành; mỗi lần đều đề cập quy hoạch không gian sông Hồng. Năm 2012, trên cơ sở Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô (Quyết định số1259/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Từ đó đến nay, có khoảng 20 đề án, dự án quy hoạch liên quan đến sông Hồng của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước nhưng Hà Nội vẫn chưa có được quy hoạch này.

Lần này, việc đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua về chủ trương để xin ý kiến các bộ, ngành liên quan để phê duyệt và ban hành là bước tiến vượt bậc về công tác quy hoạch và cụ thể hóa các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô từ trước đến nay. Dự kiến, sau khi thống nhất với các bộ liên quan, theo lộ trình, TP. Hà Nội có thể phê duyệt, ban hành quy hoạch vào tháng 6 tới.

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (tỷ lệ 1/5.000) được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000ha; thuộc địa bàn của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.

Bởi trên thực tế, sau nhiều năm mở rộng, Thủ đô Hà Nội có sự phát triển ồ ạt, nhưng thiếu và yếu những chiến lược "dài hơi” cho một thành phố hiện đại đúng nghĩa. Hơn nữa, bầu không khí ngột ngạt của một thành phố đông dân đang là sức ép cho các nhà quy hoạch đô thị. Hà Nội mở rộng, nhưng những địa phương nới ra lại không được người dân đón nhận, vì thiếu nhiều yếu tố "để sống”. Quan trọng hơn cả, trung tâm thủ đô Hà Nội vẫn là "cơ hội” để người dân kiếm tiền, khi tập trung hầu hết các "giá trị” về tư liệu sản xuất.

Do đó, ý tưởng quy hoạch, mở rộng thành phố ven ven sông được cho là phương án giải quyết bài toán về dân số, về sự chật hẹp của thành phố. Vậy là một lần nữa, quy hoạch quỹ đất hai bên sông Hồng như thế nào để tạo điều kiện phát triển cho thành phố, đem lại sự ổn định về đời sống của người dân đã được lộ diện rõ ràng. Trải qua 25 năm nghiên cứu với hàng loạt dự án, đến nay, khu vực sông Hồng chính thức được quy hoạch phân khu với các định hướng rõ ràng, cụ thể.

KHƠI DẬY NGUỒN LỰC ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Theo đồ án quy hoạch, khu vực nghiên cứu có diện tích 11.000ha, trong đó sông Hồng có diện tích 3.600ha (chiếm 33% tổng diện tích), đất bãi sông có diện tích khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50% tổng diện tích) và 1.190ha còn lại là khu vực đã xây dựng, khu dân cư… Những con số này cho thấy, thành phố sẽ có một quỹ đất khá lớn để có thể phát triển hạ tầng phục vụ nhu cầu an sinh xã hội.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho hay, hầu hết các đô thị lớn trên thế giới đều có xu hướng bám ven sông. Kể cả Hà Nội và TP.HCM cũng là "đất tụ sông”. Ở Hà Nội chúng ta thấy rất rõ lợi thế của một đô thị lịch sử nghìn năm, nằm ven sông rộng lớn. 

quy-hoach-do-thi-song-hong-muon-con-hon-khong-2
Khi quy hoạch được triển khai, kỳ vọng bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn và tạo được quỹ đất để phát triển.

Phạm vi nghiên cứu của quy hoạch là khu vực giữa 2 đê với chiều dài 40km có diện tích khoảng 11.000ha. Trong đó, diện tích lòng sông khoảng 30% khi không có báo động lũ lụt, bãi sông có diện tích khoảng 50% đang sử dụng trồng hoa màu, cây cảnh, vật liệu xây dựng… Phần diện tích đất còn lại đa phần là đất ở khoảng 1.200ha, cho khoảng hơn 20 vạn dân với các làng nghề truyền thống như Bát Tràng, Văn Khê, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá…, các kho bãi bến cảng. Trong đó có hơn 100 công trình di tích lịch sử, đa dạng về loại hình và có nhiều di tích đã xếp hạng. Đây cũng là khu vực có thuận lợi về giao thông thủy vận tải hàng hóa, du lịch, kết nối với cả vùng.

"Ước mơ về thành phố ven sông hoặc các dự án phát triển đô thị hai bờ, gắn với trị thủy sông Hồng là ước mơ chính đáng mà nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của thành phố hướng đến. Nếu làm thành công, thành phố có thể bổ sung gần 6.500ha đất, quỹ đất tạo ra cũng rất hấp dẫn, giải quyết được chỉ tiêu không gian xanh cho Thủ đô, tạo ra trục cảnh quan, khơi dậy những giá trị về văn hóa to lớn”, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, trong quy hoạch đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của thành phố. Như vậy, phải phát triển sông Hồng chảy giữa thành phố, các vùng đều phát triển đồng bộ. Sắp tới, sẽ có một số huyện như Gia Lâm, Đông Anh thành quận, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn, việc xây thêm các cây cầu có tác dụng rất lớn để tạo động lực cho khu vực tả ngạn (phía Bắc sông Hồng) phát triển, giúp giãn dân nội đô, tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội.

Ngoài ra, với lịch sử hình thành và phát triển hơn 1.000 năm, đô thị Hà Nội còn lưu giữ trong mình rất nhiều hình ảnh và dấu tích của quá khứ, đặc biệt tại khu trung tâm thành phố nơi con sông Hồng cận kề, đó là khu phố cổ, khu phố cũ, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hoá, hệ thống không gian xanh, mặt nước sông hồ… là tiềm năng cho phát triển du lịch ven sông, công viên văn hoá…

Có thể nói, khi quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được phê duyệt, việc hình thành con đường ven sông sẽ là cánh cửa rộng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, cải thiện chất lượng sống cho người dân.

quy-hoach-do-thi-song-hong-muon-con-hon-khong-3

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, với tổng chiều dài 120km, chảy qua nhiều quận, huyện, sông Hồng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội. Từ cả nghìn năm trước, sông Hồng và các phụ lưu vốn đã là đường giao thông quan trọng của Hà Nội, giúp Thủ đô kết nối với nhiều địa phương khác trong khu vực phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng,...

Riêng đoạn sông chảy qua nội đô, trong 50 năm qua, chính quyền thành phố cũng đã cho xây dựng nhiều cảng sông để thuyền bè neo đậu, xây dựng kho bãi làm nơi tập kết hàng hóa giao thương. 

Bên cạnh đó, về nông nghiệp, sông Hồng là nơi cung cấp nguồn nước chính, tưới tiêu ruộng đồng của nhiều địa phương miền Bắc. Con sông này, cùng một số phụ lưu khác như sông Lô, sông Thao, sông Đà,.. cũng là một ngư trường đánh bắt cá nước ngọt lâu đời của người Việt.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở khan hiếm, thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

Khi kết hợp với cảnh quan khu vực ven sông, nhiều chủ đầu tư đã nhìn ra cơ hội tạo ra lợi nhuận "khủng”, lên tới hàng tỷ USD khi phát triển hệ thống chung cư, khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái.

PGS.TS. Ngô Trí Long cũng cho rằng, khi Hà Nội quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố ven sông Hồng, chắc chắn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này để góp vốn đầu tư, thực hiện dự án.

"Sông Hồng giống như một cô thôn nữ đẹp, vẫn còn hoang sơ, nên bất kỳ đại gia nào cũng muốn tranh phần”, vị chuyên gia này cho hay.

BÀI TOÁN VỀ QUỸ ĐẤT

Thực tế cho thấy, kể từ khi Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước "đánh tiếng” đồng ý góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, từ đó đề xuất các dự án phát triển hạ tầng ở 2 bên bờ sông Hồng.

Cụ thể, vào năm 1994, một nhà đầu tư Singapore đã đề xuất một dự án khu dân cư hiện đại, bao gồm quần thể cao ốc, nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi tại khu vực An Dương, nằm ở ngoài đê sông Hồng. Được biết, dự án này của phía đối tác Singapore có tổng vốn dự kiến lên tới 240 tỷ đồng.

Năm 2006, thị trường Seoul (Hàn Quốc) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo sông Hồng, đoạn qua Hà Nội và bắt đầu triển khai từ năm 2008 - 2020. Dự án được chia làm 4 khu vực, tổng diện tích là 1.500ha, chi phí đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD.

quy-hoach-do-thi-song-hong-muon-con-hon-khong-4
Sông Hồng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm cho biết, có nhiều nhà đầu tư ngoại đến từ Trung Quốc, Mỹ, thậm chí có cả Ý đã có nhiều đề xuất phát triển dự án hạ tầng ở 2 bên bờ sông Hồng. Nổi bật nhất là một đề xuất làm "khu đèn đỏ” ở khu vực bãi giữa, nằm dưới chân cầu Long Biên.

Vị chuyên gia này cho rằng, trước lợi ích kinh tế từ 2 bên bờ sông Hồng đem lại, nếu Hà Nội quyết tâm làm và kêu gọi đầu tư, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng đồng hành.

Cũng theo các chuyên gia, sau khi thực hiện quy hoạch được quỹ đất, việc quản lý hiệu quả sử dụng đất ra sao sẽ thuộc thẩm quyền của Hà Nội. Theo đó, giải pháp khả thi nhất chính là cần tổ chức đấu giá các lô đất vàng. Tuy nhiên, việc đấu giá không chỉ nâng giá trị của đất, mà phải gắn với chức năng sử dụng theo quy hoạch. Tránh hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản lợi dụng giá trị đất "vàng” để xây dựng công trình cao ốc, phá vỡ diện mạo và chức năng đô thị hai bên bờ sông.

Nói một cách đơn giản, Hà Nội phải chủ động công khai giao đề bài cho các lô đất trước khi đấu giá. Như vậy, quy hoạch đô thị sông Hồng, bên cạnh bài toán  quy hoạch thoát lũ là các bài toán quy hoạch sử dụng hiệu quả nguồn lực đất, quy hoạch, đấu giá đất ra sao, chọn nhà thầu thế nào cũng cần những lời giải hợp lý…

"Hà Nội sẽ còn phải đi tiếp một chặng đường dài, để sông Hồng thật sự trở thành một nguồn lực của thành phố cả về cảnh quan, sinh thái, du lịch. Các cơ quan chức năng cần tính toán bố trí phần lớn quỹ đất ven sông Hồng, để nơi đó thật sự trở thành không gian chung của cả cộng đồng, thay vì trở thành những cao ốc dành cho số ít”, TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định./.


Theo An Vũ - Trịnh Tây - Thảo - Quyên/ Reatimes

Tags Quy hoạch đô thị sông Hồng

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục