Lời tòa soạn:
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, chỉ trong 5 năm (2010 - 2015), tại Hà Nội đã có 17 ao hồ bị san lấp hoàn toàn, tổng diện tích mặt nước sau 5 năm giảm đi hơn 72.000m2.
So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, hồ nước tại 2 thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất thấp, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn của Liên Hợp quốc là 10 - 12m2/người, và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.
Nhìn nhận vào thực tế triển khai, còn có một sự thật đáng buồn là bên cạnh những hồ nước bị "bê tông hóa”, lại có những dự án thành phố chủ trương đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó có cả đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, qua nhiều năm thực hiện, đến nay vẫn chỉ là những… chiếc "bánh vẽ”. Doanh nghiệp đã sử dụng xong quyền lợi được trao đổi của mình, nhưng còn trách nhiệm thực hiện công trình, hạ tầng xã hội thì vẫn nằm im lìm trên giấy, mặc cho người dân trông ngóng từng ngày.
Có thể điểm qua một số dự án như: Dự án công viên Chu Văn An; dự án công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang; dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt; dự án công viên, hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội; dự án cải tạo hồ Linh Quang; dự án khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông; dự án công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy… Những dự án này, có nơi vẫn là ao bèo và rác thải, có nơi vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn, có nơi lại nhường chỗ cho các nhà hàng, quán ăn, bãi đỗ xe "mọc" lên…
Thực tế trên đã kéo lùi mọi mục tiêu, kỳ vọng về một Hà Nội xanh, thông minh và nhân văn, thay vào đó là sự phát triển chộp giật, thiếu bền vững.
Đi tìm nguyên nhân của sự trễ nải thực thi quy hoạch và giải pháp để thức tỉnh những dự án đang "chết lâm sàng” cả thập kỷ, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Công viên, hồ điều hòa Hà Nội "chết lâm sàng" khi cám dỗ lợi ích vẫn còn?
Trân trọng giới thiệu đến độc giả!
Bao giờ thì công viên Chu Văn An, công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang, công viên Tây Nam Hà Nội… và loạt "bánh vẽ” quy hoạch khác được thành hình? Giải pháp nào để đẩy nhanh tiến độ dự án, nguồn lực nào thực thi và "vết xe đổ” trễ nải thực thi quy hoạch liệu có lặp lại? Làm sao để khai thác và bảo vệ nguồn lực đất đai khi sự cạn kiệt đang nhìn thấy rõ? Nên hay không nên khai thác không gian ngầm?
Đó là loạt câu hỏi mà dư luận đang rất cần câu trả lời khi thực tế có hàng loạt khu đất công sau thời gian dài bỏ hoang, đắp chiếu đã thành đất tư, tình trạng "chảy máu” đất công thông qua nhiều hình thức tinh vi như: Xin đất đối ứng cho dự án BT, giao đất với giá "bèo”, cho thuê sử dụng sai mục đích, chậm tiến độ rồi xin điều chỉnh quy hoạch… đã khiến quỹ đất dành cho phát triển đô thị ngày càng trở nên nghèo nàn.
Trong bối cảnh Thành phố đang thiếu trầm trọng không gian xanh, việc các dự án công viên, hồ điều hòa vắt qua cả thập kỷ vẫn chưa hẹn ngày về đích khiến người dân không khỏi xót xa và lo ngại tiếp diễn tình trạng "chảy máu” đất công.
Tiếp tục đi sâu vào câu chuyện "thức tỉnh” các dự án công viên, hồ điều hòa chết lâm sàng, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với KTS. Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư TP. Hà Nội).
Trong suốt cuộc trò chuyện, vị KTS đã đưa ra những phản biện xác thực về công tác quy hoạch và thực thi quy hoạch của Hà Nội cũng như sự trả giá cho những bản quy hoạch "thần tốc”. KTS. Trần Huy Ánh cho rằng, Hà Nội muốn tiến tới một Thành phố sáng tạo và bền vững, vị nhân sinh thì còn rất nhiều việc phải làm, trước hết cần phải giải quyết những lực cản, những mô thức trì trệ và chưa sáng tạo trong quản lý, điều hành.
Quy hoạch Hà Nội: Từ vị lai đến vị lợi, hãy trở lại là Hà Nội vị nhân sinh!
1- Quy hoạch không gian xanh: Nhìn vậy mà không phải vậy
PV: Thưa KTS, ông nghĩ sao về thực tế có hàng loạt dự án công viên, hồ điều hòa được quy hoạch từ cách đây cả thập kỷ nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy, mặc cho nhu cầu sử dụng hạ tầng này của người dân đô thị đang ngày càng bức thiết hơn bao giờ hết. Đơn cử như dự án công viên Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội)?
KTS. Trần Huy Ánh: Ở Hà Nội, tấc đất là tấc vàng. Một tấc đất bỏ hoang cũng đủ khiến người ta phải xót xa. Trong khi đó, một công viên có diện tích đất lên tới 55ha, rộng gấp rưỡi so với công viên Thống Nhất (40ha) mà để hoang phí như vậy thì những người có trách nhiệm liên quan nếu không tự cảm thấy có lỗi thì cũng nên tự cảm thấy xấu hổ.
Phải thấy ở câu chuyện này có một chút gì đó phi nhân tính trong việc cư xử với thiên nhiên cũng như người dân Hà Nội.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được phê duyệt năm 2011) đặt ra mục tiêu: "Hà Nội, đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại”. Nội dung nổi bật là "Hành lang Xanh” chiếm 40% vùng bảo tồn và 20% phát triển dựa trên bảo tồn. Bản đồ tô màu xanh vào lưu vực thoát lũ Hà Nội, vốn đã được người Pháp lập cách đây 100 năm. Bản vẽ được Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ (AIA) trao bằng khen, với diễn giải: "Họ đã vẽ bằng tay, thể hiện ý tưởng (vẽ ra - PV) một cách sáng tạo”.
Nhưng nhìn vậy mà không phải vậy. Sau gần 10 năm mở rộng (2011 - 2020), Hà Nội không "xanh” như bản vẽ khi mà nhà cửa bám theo các trục đường đường lớn như vết dầu loang, cứ thế phình ra. Thành công nhất là các dự án bất động sản xây la liệt trên đất, vốn trước đây đa số diện tích là nông nghiệp, sau đã được chuyển mục đích sử dụng để rồi bán đất xây nhà ở giá vút nếu so với mức giá đền bù. Tài nguyên đất đai, mặt nước ven đô cạn kiệt nhanh chóng, để lại những vấn nạn: Giao thông tắc nghẽn, nước thải, rác thải, khí thải ô nhiễm gia tăng, đặc biệt, hệ thống thủy lợi được xây dựng bền bỉ qua trăm năm bị chia cắt/đứt gãy trở nên vô dụng trong chốc lát...; quỹ đất nông nghiệp dần hoang hóa. Hệ sinh thái tuần hoàn tự nhiên bị phá vỡ.
Năm 2014, Hà Nội phê duyệt quy hoạch cây xanh, công viên, vườn hoa..., đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bình quân diện tích cây xanh đô thị là 18,1m2/người; đơn vị ở là 2,7m2 người. Nếu đạt thì chỉ tiêu cây xanh Hà Nội vượt Nhật, Pháp, Canada…, chỉ thua Anh, Mỹ, Hà Lan.
Nhưng thực tế cả chục năm qua, Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp làm các công viên mới nay vẫn quây rào, đắp chiếu, còn công viên cũ thì có nơi bị chiếm dụng làm nhà hàng, bãi đỗ xe tràn lan, đòi lại cả chục năm nay chưa thấy kết quả nào được công bố. Ngay như dự án khách sạn xây trong công viên Thống Nhất đã đình chỉ, đền bù đi chỗ khác rồi nhưng vẫn quây rào cho thuê đỗ ô tô cả chục năm nay.
Năm 2007, HAIDEP công bố diện tích cây xanh Hà Nội 0,9m2/người, mới đạt 10% so với chuẩn yêu cầu do Tổ chức Y tế thế giới đặt ra là 9m2/người - đến giờ không giảm, theo tôi đó cũng là một điều may mắn.
2- Hệ quả của những bản quy hoạch thần tốc
PV: Tại sao các bản quy hoạch đều được vẽ ra rất đẹp nhưng khi thực thi lại không như vậy, thưa ông?
KTS. Trần Huy Ánh: Nguyên nhân của câu chuyện này là do tính quản trị đô thị còn nghiệp dư. Có một bài toán so sánh tính chuyên nghiệp và tính nghiệp dư của Hà Nội là hai đồ án quy hoạch.
Hà Nội có được những quy hoạch bài bản là do các nhà quy hoạch gia phương Tây thực hiện. Bỏ qua "tấm màn” của chủ nghĩa thực dân hay phong trào giải phóng dân tộc, thì ở góc độ chuyên môn, đó là một sự tiến hóa liên tục của kỹ thuật quy hoạch đô thị.
Năm 1921, KTS Ernest Hébrard lần đầu tiên tới Việt Nam để lập quy hoạch Đà Lạt và bắt đầu nghiên cứu thực địa Hà Nội. Năm 1923, E. Hébrard được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương và công bố sơ đồ Quy hoạch không gian Hà Nội.
E. Hébrard đã nhận ra cấu trúc của thiên nhiên rất hài hòa, đầy đủ, hoàn chỉnh của Hà Nội với sự hài hòa của cây xanh, sông hồ và các làng xóm nổi lên giữa cánh đồng ngập nước mênh mông. Vì vậy, khi có những ý tưởng quy hoạch Hà Nội, ông luôn tôn trọng yếu tố thiên nhiên, bản chất tự nhiên của nó. Con người chỉ có thể sống bền vững với thiên nhiên, với môi trường sống khi mà con người tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng những quy luật tự nhiên.
Năm 1943, KTS Louis-Georges Pineau tiếp tục hoàn thiện và công bố Quy hoạch TP. Hà Nội, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố vườn" - từng bước trở thành 1 trong 3 thành phố đẹp nhất châu Á nửa đầu thế kỷ 20 (cùng với Tokyo và Thượng Hải).
Khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều dự án dưới danh xưng phát triển đô thị nhưng thực chất là tiến hành các dự án bất động sản thương mại bằng cách san phẳng địa hình, địa mạo môi trường tự nhiên để tạo lập khối tài sản tư hữu quy mô lớn. Bởi, không thể có người nào mà có thể ở đến tận mấy nghìn mét vuông được hay sở hữu 5 - 6 chung cư để ở được. Quá trình tư nhân hóa không gian công sản cũng làm sâu sắc hơn phân hóa giàu nghèo/sự bất bình đẳng trong tiếp cận công sản. Chỉ trong thời gian ngắn, ruộng vườn nông thôn giao cho nông dân canh tác bị cuốn vào cơn lốc dự án bất động sản mang tên dự án đô thị, tạo ra những tài sản lớn cho một số người, phần lớn những người nông dân chỉ nhận được số tiền đền bù đất đai ít ỏi.
Các bản quy hoạch của Hà Nội được lập nên trong giai đoạn mà chính các tác giả của nó còn không hiểu biết tường tận việc chuyển giao "quyền tài sản” đất đai. Sự mơ hồ của Hà Nội trước mở rộng được nhân lên quy mô lớn hơn khi Hà Nội mở rộng, với nhiều khái niệm mơ hồ hơn mang tên "không gian xanh” dẫn đường, cho ra đời của những bản quy hoạch "thần tốc”, giao không gian hàng ngàn hecta đất công sản cho doanh nghiệp, từng bước để tư nhân hóa đất công, trong khi công viên Chu Văn An hay nhiều dự án công viên khác của Hà Nội sau 10 năm quy hoạch vẫn chỉ là bãi đất trống toàn cỏ dại.
Công viên Chu Văn An vẫn dở dang nhiều năm, trong khi dự án The manor Central Park của Bitexco bên cạnh đã hoàn thiện nhanh chóng và bán với giá cao ngất ngưởng nhờ quy hoạch công viên.
PV: Ông vừa nhắc tới những bản quy hoạch "thần tốc”. Ông có thể phân tích rõ hơn?
KTS. Trần Huy Ánh: Quanh chúng ta, nhìn đâu cũng ra quy hoạch: Từ ồn ào trên báo chí đến âm thầm lan truyền tin nhắn bất động sản. Hay công khai như tấm bảng chỉ giới mở đường đến thì thầm to nhỏ râm ran chốn quán cóc, vỉa hè. Những năm 2000 - 2005, Hà Nội công bố các bản quy hoạch chuyển đổi hàng ngàn hecta cây xanh/mặt nước thành công trình. Tô màu đỏ "đất công cộng” là đất công viên, mở đường nhưng rồi lại cho phép xây khách sạn tư nhân vào đó. Rồi viện dẫn những chuỗi số văn bản dài như mật mã để chứng minh "đúng quy trình”.
Khi hết đất nội thành rồi thì nhắm ra hàng ngàn hecta ruộng trũng ven đô, đưa cả đôi bờ sông Hồng lên "bàn tiệc” bất động sản… Trận mưa to cuối năm 2008 làm Hà Nội ngập sâu cả tháng trời đã lộ ra năng lực kém cỏi các nhà quy hoạch nghiệp dư đời đầu. Chỉ cần vài tháng trước khi Hà Tây nhập về Hà Nội, hàng trăm dự án quy mô hàng ngàn, hàng chục ngàn hecta đất ruộng/đất rừng/mặt nước và vùng thoát lũ đã được giao cho các doanh nghiệp lập quy hoạch kinh doanh bất động sản.
So với các nhà quy hoạch đời đầu tô màu đỏ "đất công cộng” vào công viên nhưng dành vài hecta để cấp phép xây khách sạn tư nhân, thì các nhà quy hoạch đời sau đã "cao tay” hơn. Bởi, trong khi các nhà khoa học sinh thái còn choáng váng chưa rõ các quy hoạch gia lấy cơ sở đâu để hình thành khái niệm mới của "không gian xanh” thì họ đã hiện thực hóa việc biến không gian quy mô hàng ngàn, hàng chục ngàn hecta đất công thành bất động sản tư nhân với tốc độ kinh hoàng.
Hà Nội hôm nay không chỉ thiếu cây xanh, đó là chưa kể đường đi chật hẹp, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm, mà còn cần khắc phục/giảm nhẹ thiệt hại các dự án đang sử dụng tiền bạc khối lượng cực lớn nhưng chưa phát huy hiệu quả, là sự lãng phí kinh khủng khi thành phố còn nghèo. Hà Nội cần khu trú lại một vùng không gian để tập trung khắc phục những bất cập này.
PV: Nhưng khắc phục bằng cách nào, thưa ông?
KTS. Trần Huy Ánh: Con đường ngắn nhất để sửa sai là phải ngồi lại và nhận diện những sai lầm đã qua. Tại Hà Nội nên nhìn lại, đánh giá quy hoạch trong 10 - 20 năm trở lại đây, nhận diện rõ thiếu sót chỗ nào để thay đổi cũng như tập trung quy hoạch và thực hiện hệ thống công viên cây xanh…
Chúng ta biết rằng những nơi này là không gian cây xanh, mặt nước. Nó thường ở những địa hình thấp và tận dụng để trữ nước/lọc nước, đó cũng chính là những ắc quy nước chứa nước khi mưa to và bốc hơi điều hòa khi nắng hạn. Chúng ta đang bê tông hóa các hồ cũ và lấp nốt các vùng đầm hồ còn lại để xây nhà quanh các đĩa bê tông nước.
Khi không gian sinh thái tự nhiên thu hẹp, không còn đủ khả năng chuyển hóa tuần hoàn thì tồn lại nước thải, rác thải, khí thải độc hại. Để xử lý nó thành phố đã phải trông nhờ vào tư vấn nước ngoài, đi vay hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy xử lý nước thải, rác thải. Lại mua hóa chất để giảm mùi hôi thối trong nước thải - rác thải. Nếu chưa hết mùi hôi thì thả thêm bè thủy sinh, chạy máy sục khí, lọc màng thấm hay bơm nước hòa loãng sông Tô Lịch, trong khi những mạch ngầm nối liên hồ thì lèn chặt và kè cứng bờ hồ, biến cỗ máy sinh thái tự nhiên kỳ diệu thành các đĩa bê tông đựng nước vô hồn, vô dụng.
Các cụ có câu "bể khổ là mênh mông, nhưng quay lưng lại là bờ”. Công viên Chu Văn An hay công viên hồ điều hòa Phùng Khoang cũng vậy. Tóm lại những nhà quản lý, những người có trách nhiệm trực tiếp tới 2 dự này tự hỏi: Mục tiêu xuất phát của dự án công viên này là gì? Vị lai hay vị lợi? Để nâng cao chất lượng sống cho Thủ đô hay là nâng cao sản lượng vật chất tiền bạc, kể cả là không tư lợi?
Bất kỳ một dự án công viên, hồ điều hòa nào, mục đích xây dựng lên cũng là vì nhân sinh, vì dân cư cộng đồng, đảm bảo yếu tố cân bằng hài hòa giữa con người và thiên nhiên, đảm bảo yếu tố cây xanh trong quy hoạch đô thị hóa, trong môi trường sống, chứ không nên vì lợi ích của một cá nhân hay một nhóm người nào.
3- Giải pháp chữa lành "vết thương"
PV: Tiếp tục nhìn từ câu chuyện của công viên Chu Văn An hay công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang, các quy hoạch đã được lập ra từ giai đoạn năm 2008 - 2009 và sau đó đã có sự điều chỉnh quy hoạch, thấy rõ nhất là việc giảm diện tích, nhưng thực tế thì dự án vẫn không có dấu hiệu biến chuyển. Nếu tiếp tục triển khai dựa trên những quy hoạch như vậy thì liệu có phù hợp hay không, nên tiếp tục điều chỉnh hay thay bằng quy hoạch mới, thưa ông?
KTS. Trần Huy Ánh: Ngành xây dựng quản lý quy hoạch, kiến trúc dùng hàng ngàn tỷ đồng để lập ra hàng vạn quy hoạch, rồi lại điều chỉnh quy hoạch, làm sai quy hoạch, thanh tra quy hoạch xây dựng cũng dính vào những chuyện này kia… Phải chăng mô hình quản lý, công cụ quản lý, phương thức quản lý đất đai và tài sản trên đất như hiện tại đã lỗi thời, cần thay đổi? Đó cũng là câu hỏi cần sớm được trả lời.
Mỗi một khu vực, vị trí được quy hoạch, các nhà quy hoạch phải đảm bảo hoàn chỉnh được chức năng của nó, nhu cầu của người dân như thế mới cần đến những người đứng đầu, những nhà quy hoạch. Còn nếu quy hoạch là đánh chiếm xong chỗ này thấy không đủ lại đánh chiếm sang chỗ khác thì đó là những "kẻ xâm lược", không phải là nhà quy hoạch. Bởi, quy hoạch thì phải biết nhìn xa trông rộng, biết tổ chức không gian sao cho phù hợp. Anh đã không bù đắp được cho những tổn hại của thiên nhiên thì xin đừng lấy thêm gì của nó.
Hà Nội đang ở vào thời điểm quan trọng, rất cần những quyết sách dựa trên những lập luận khoa học - sáng tạo thì mới vượt qua những thách thức chưa từng có: Tài nguyên đất và nguồn nước suy giảm, kinh tế toàn cầu thiểu phát do đại dịch Covid-19… Do đó, một số quy hoạch đã từng xuất hiện tùy tiện, ngẫu hứng trong 20 năm qua cũng cần thận trọng đánh giá lại.
Với công Viên Chu Văn An hay công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang, nếu quy hoạch đúng và tôn trọng bản chất của thiên nhiên thì sẽ là một nơi rất tuyệt vời cho thảm xanh thực vật, nơi lọc không khí, lọc nguồn nước sạch, tạo ra một môi trường sống trong lành cho cư dân.
Nhiều dự án công viên, hồ điều hòa tại Hà Nội chậm trễ thực thi quy hoạch nhiều năm.
(Còn tiếp)
Theo Nguyên Hà - Thương Thương - Thảo Quyên/ Reatimes