Xu hướng: Thành phố giao thông ngầm

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/2/2021 | 8:48:20 AM

QLMT - Thành phố thông minh - Smart City đang là xu hướng tất yếu trên thế giới, phù hợp với đời sống số đang ngày càng phổ biến rộng rãi.

xu-huong-thanh-pho-giao-thong-ngam-1
Ảnh minh họa. 

Singapore là quốc gia có hơn 80% cư dân sống trong nhà ở công cộng, đó là điều kiện để chính phủ nước này xây dựng đô thị thông minh dễ dàng hơn. Điều đáng chú ý thành phố này xây dựng hệ thống giao thông ngầm để mặt đất chỉ dành cho người đi bộ và đi xe đạp.

Đẩy hệ thống giao thông xuống dưới mặt đất

Singapore quy hoạch một khu đô thị mới gồm 42.000 ngôi nhà trên 5 khu dân cư, khu đô thị sinh thái Tengah - từ tiếng Malaysia có nghĩa là "trung lưu", nằm ở khu vực phía Tây của hòn đảo. Đây sẽ là khu định cư mới thứ 24 được Chính phủ Singapore xây dựng kể từ Thế chiến II. Tuy nhiên, đây là công trình đầu tiên có hệ thống làm mát tập trung, thu gom rác tự động và trung tâm thị trấn không có xe hơi, với hy vọng sẽ đưa ra một lộ trình cắt giảm lượng khí thải carbon ở khu đô thị mới này. Đặc biệt, khu đô thị này sẽ triệt để ngầm hóa hệ thống giao thông công cộng. Các nhà quy hoạch nói rằng, khu đô thị được thiết kế với sự chú ý ưu tiên cho người đi bộ và đi xe đạp. Những căn hộ đầu tiên sẽ hoàn thành vào năm 2023. Trong số 42.000 ngôi nhà đang được xây dựng tại Tengah, hơn 70% sẽ được cho thuê dài hạn. Giá căn hộ hai phòng ngủ hiện bắt đầu chỉ từ 108.000 đô la Singapore (82.000 USD).

 

Khu đô thị này được giới chức mệnh danh là "thị trấn rừng" do có nhiều cây xanh và vườn công cộng, rộng 700ha, từng là nơi có các nhà máy sản xuất gạch và sau đó được sử dụng để huấn luyện quân sự. Một "hành lang" sinh thái rộng khoảng 100m sẽ được thiết kế xuyên qua trung tâm của nó, cung cấp lối đi an toàn cho động vật hoang dã và kết nối một bên là khu vực lưu vực nước với một bên là khu bảo tồn thiên nhiên.

Theo Chong Fook Loong - Giám đốc nhóm nghiên cứu và lập kế hoạch tại Hội đồng Nhà ở và Phát triển Singapore (HDB), dự án đã chứng minh được lợi ích của các nhà quy hoạch đô thị ủng hộ các nguyên tắc thiết kế xanh và công nghệ "thông minh".

"Tengah là một vùng đất thoáng đãng, sạch sẽ", Chong Fook Loong nói trong một cuộc phỏng vấn, giải thích rằng đường sá, bãi đậu xe và các tiện ích đang được đẩy xuống bên dưới trung tâm thị trấn. "Chúng tôi đang đi đến khái niệm lý tưởng về tách biệt hệ thống giao thông, với mọi thứ dưới lòng đất, mặt đất hoàn toàn giải phóng cho người đi bộ. Vì vậy, đó là một môi trường rất an toàn cho tất cả mọi người.

"Chúng tôi muốn có một thị trấn cho phép đi bộ và đi xe đạp theo cách rất thân thiện”, ông nói thêm, "việc đi xe đạp đã phổ biến ở Singapore trong 3 - 5 năm qua”.

Quy hoạch tổng thể sẽ cho thấy việc lắp đặt các trạm sạc xe điện, trong khi các đường phố cũng đang được quy hoạch, xây dựng để phù hợp với các công nghệ mới, Chong nói.

Ông nói: "Khi chúng tôi lên kế hoạch cho mạng lưới đường bộ, chúng tôi đã hình dung ra một tương lai nơi các phương tiện tự lái và xe tự lái sẽ trở thành hiện thực”.

Thành phố mát mẻ, kết nối với thiên nhiên

Dù với dân số dưới 6 triệu người, nhưng lượng khí thải bình quân đầu người của Singapore cao hơn so với Anh, Trung Quốc và nước láng giềng Malaysia.

Cơ quan Khí tượng Singapore (MSS) đã dự đoán rằng, vào cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình hàng ngày ở nước này có thể ít nhất là 34,10C hầu như mỗi ngày trong 8 tháng ấm nhất của năm.

Thay vì tìm cách không sử dụng máy điều hòa không khí, các nhà thiết kế của Singapore đã dùng năng lượng mặt trời để làm mát các căn hộ. Điều này sẽ tiết chế lượng khí carbon dioxide tương đương với việc đưa 4.500 xe ô tô ra khỏi đường mỗi năm. Các nhà thiết kế đã sử dụng mô hình máy tính để mô phỏng luồng gió và mức tăng nhiệt trên khắp thị trấn, giúp hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (theo đó các hoạt động làm cho các khu vực đô thị ấm hơn đáng kể so với thiên nhiên xung quanh). Ở những nơi khác, đèn "thông minh" sẽ tắt khi không gian công cộng không có người sử dụng và thùng rác sẽ được lưu trữ tập trung, với màn hình phát hiện khi nào cần thu gom rác.

Chong cho biết: "Thay vì sử dụng xe tải để thu gom rác từ từng khối, chúng tôi sẽ hút toàn bộ rác qua hệ thống khí nén đến một khoang chứa nhiều khối”.

Tất cả cư dân sẽ có quyền truy cập vào một ứng dụng cho phép họ theo dõi việc sử dụng năng lượng và nước của họ. "Bạn trao quyền cho họ kiểm soát nơi họ có thể cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng", Chong nói. Các màn hình kỹ thuật số trong mỗi khu nhà sẽ thông báo cho những người cư ngụ về tác động môi trường tập thể của họ, thậm chí có thể khuyến khích sự cạnh tranh giữa các khu dân cư.

Theo Perrine Hamel, trợ lý giáo sư tại Trường Môi trường châu Á của Đại học Công nghệ Nanyang, việc sử dụng công nghệ thông minh làm giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Theo Perrine Hamel, sự kết hợp giữa thiên nhiên và các khu dân cư - nơi tạo ra "nhiều cơ hội hơn cho con người tương tác với thiên nhiên" - điểm vượt trội trong kế hoạch của Tengah. Ngoài hành lang rừng rộng 100m chạy xuyên qua khu đô thị như đã nói ở trên, cư dân của đô thị sẽ được tiếp cận với hoạt động canh tác cộng đồng ruộng, một kiểu vườn chung của thành phố.

Bà Hamel nói: "Có rất nhiều ví dụ từ khắp nơi trên thế giới cho thấy rằng việc thay đổi mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên tốt nhất là thông qua sự tiếp xúc thực tế giữa con người và thiên nhiên hàng ngày. Về mặt đó, tôi nghĩ rằng thiết kế sinh học và kế hoạch tổng thể của khu đô thị mới Tengah thực sự làm rất tốt".

Tuy nhiên, Hiệp hội Tự nhiên Singapore (NSS) vẫn chỉ trích kế hoạch bảo tồn quá ít - dưới 10% - diện tích rừng hiện có của địa điểm xây dựng thành phố mới này và đã đề xuất thêm hai "khu vực rừng lõi" ở hai đầu của hành lang xanh để thúc đẩy đa dạng sinh học. Thế nhưng, ngay cả những người chỉ trích Tengah cũng hoan nghênh khu đô thị sinh thái mới này, bởi đây là vùng dân cư xanh, sạch, thân thiện, nhiều tiện ích.


Theo Kinh tế & Đô thị

Tags Thành phố giao thông ngầm Thành phố thông minh Smart City

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục