Phát triển ĐTTM đang là ưu tiên
Là cơ quan quản lý nhà nước về phát triển đô thị, những năm qua, Bộ Xây dựng luôn chủ động nghiên cứu các xu hướng phát triển ĐTTM trên thế giới, từ đó rút các bài học thực tiễn, đánh giá và đề xuất các ưu tiên cho Việt Nam…
Trên cơ sở tờ trình của Bộ Xây dựng, ngày 01/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định 950/QĐ-TTg, sau đây gọi tắt là Đề án 950).
Đề án 950 đã xác định mục tiêu cho phát triển ĐTTM của Việt Nam là hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống..., hạn chế rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.
Đề án 950 cũng đã định hình 7 quan điểm và nguyên tắc lớn của công tác phát triển ĐTTM Việt Nam, trong đó có quan điểm "Phát triển ĐTTM lấy người dân làm trung tâm”.
Đồng thới xác định 3 nội hàm, ưu tiên trong phát triển ĐTTM gồm quy hoạch ĐTTM; Xây dựng và quản lý ĐTTM; cung cấp các tiện ích ĐTTM. Đề án 950 chỉ ra các lộ trình phát triển, chỉ tiêu phát triển ĐTTM theo các giai đoạn và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu làm cơ sở định hướng triển khai thực hiện ĐTTM trên cả nước theo hướng phát triển bền vững.
Ngay sau khi được ban hành, Bộ Xây dựng, cơ quan thường trực của Đề án 950 đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung của Đề án... Bộ Xây dựng cùng Bộ TT&TT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 950, phân giao nhiệm vụ cho từng đơn vị, với kế hoạch thực hiện cụ thể. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành đang khẩn trương tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các cơ chế chính sách phát triển ĐTTM bền vững tại Việt Nam. Điển hình, Bộ KH&CN đã ban hành một số tiêu chuẩn trên cơ sở tiếp thu các tiêu chuẩn của ISO về phát triển ĐTTM; đang xây dựng bộ tiêu chí đánh giá ĐTTM; Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ phát triển ĐTTM…
Tương tự, Bộ Xây dựng cũng đang triển khai nghiên cứu Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia ngành Xây dựng phục vụ phát triển ĐTTM; Quản lý dự án phát triển đô thị có quy mô lớn ứng dụng giải pháp ĐTTM; Xây dựng chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng ĐBSCL thông minh.
Trong khi đó, Bộ GTVT đã nghiên cứu, xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc hệ thống giao thông thông minh (ITS). Bộ TT&TT đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0); Xây dựng Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý cơ sở dữ liệu liên thông…
Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia”; Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ địa hình, không gian địa lý quốc gia... Song song với sự nỗ lực của các cơ quan Trung ương và bộ ngành, các địa phương cũng đã chủ động bắt tay ngay vào triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM. Đến nay, đã có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai đề án phát triển ĐTTM; khoảng 30 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 12 tỉnh đã triển khai trung tâm điều hành ĐTTM; 13 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông mình; khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn giao thông…
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, ĐTTM đang từng bước đi vào cuộc sống của người dân đô thị tại Việt Nam thông qua sự chuyển biến về nhận thức, các ứng dụng công nghệ và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng.
Tiếp tục khẳng định 3 trụ cột nền tảng
Mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành dự thảo và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tại dự thảo Chiến lược, Bộ Xây dựng xác định: Phát triển ĐTTM chính là một trong những trụ cột mang lại sự phát triển đột phá, có vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển đô thị quốc gia bền vững giai đoạn tới. Quy hoạch ĐTTM, quản lý thông minh, cung cấp tiện ích thông minh tiếp tục được xác định là 3 trụ cột, ưu tiên trong phát triển ĐTTM.
Theo đó, trong quy hoạch thông minh, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng công cụ phân tích dữ liệu để nâng cao chất lượng của quy hoạch cũng như quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đưa yếu tố thông minh vào nội dung về xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch…
Trong quản lý thông minh, thực hiện chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số để nâng cao năng suất, chất lượng của bộ máy chính quyền, đồng thời là công cụ chủ yếu để hình thành và củng cố các cơ sở dữ liệu nền tảng. Quản lý thông minh tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý tài nguyên, quản lý nguồn lực phát triển đô thị… Cung cấp tiện ích thông minh để nâng cao chất lượng sống của người dân cũng như phát triển năng lực của cộng đồng trong bối cảnh mới. Thiết lập nền tảng hạ tầng xã hội thông minh, kết nối các nguồn lực xã hội được sử dụng hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Chiến lược cũng xác định: Xây dựng tiềm lực đề phát triển ĐTTM bền vững gồm đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực; phát triển nghiên cứu chế tạo, ứng dụng khoa học công nghệ ĐTTM; thúc đẩy các hợp tác quốc tế, trao đổi chuyển giao công nghệ và phát triển ĐTTM bền vững.
Với nhận định "Phát triển ĐTTM là xu hướng tất yếu của thời đại. Mỗi quốc gia đều nên tận dụng xu thế và sức mạnh này để cùng nhau học hỏi, lan tỏa, chuyển hóa, hội nhập và phát triển bền vững”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cam kết: Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng với các Bộ, ban ngành, cơ quan có liên quan, các đối tác quốc tế, các cấp chính quyền địa phương để cùng thúc đẩy đô thị hóa thông minh và phát triển đô thị, hướng đến mục tiêu cốt lõi là vì chất lượng cuộc sống, phát triển con người và bền vững.
Theo Hòa Bình/ Báo Xây Dựng