Hiện thực hóa giấc mơ thành phố bên sông Hồng

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/2/2021 | 2:42:00 PM

QLMT - Sau nhiều năm chưa thể thực hiện, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng hiện đang được Hà Nội quyết tâm tái khởi động. Các công trình hạ tầng hiện đại đang và sẽ xây dựng thời gian tới góp phần tạo đòn bẩy thay đổi diện mạo đô thị hai bên bờ sông, để kỳ tích sông Hồng sớm thành hiện thực.

hien-thuc-hoa-giac-mo-thanh-pho-ben-song-hong-1
Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ góp phần thay đổi diện mạo đô thị Thủ đô. Ảnh: Thanh Hải

Yêu cầu bức thiết

Việc quy hoạch vùng đất giữa hai con đê sông Hồng đã được Hà Nội đặt ra từ rất lâu. Cụ thể, ngay từ năm 1954, dù chưa có quy hoạch hoàn chỉnh nhưng Hà Nội đã xây dựng hơn 20 điểm nhà ở tại khu vực Chương Dương, Phúc Xá. Điểm nhấn rõ nét nhất là bản quy hoạch năm 1992, khi Hà Nội đồng ý chủ trương bảo vệ cuộc sống của người dân ở hai bên bờ sông nhưng không làm ảnh hưởng tới hệ thống đê điều. Sang bản quy hoạch năm 1998, TP đã xác định rất rõ mục tiêu phát triển TP ở hai bên bờ sông, đặt sông Hồng vào vị trí trung tâm của Hà Nội. Cho tới năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua bản quy hoạch Hà Nội mới, một lần nữa xác định "trục không gian hai bên sông Hồng là trục trung tâm quan trọng của Hà Nội”. Đồng thời, năm 2012, TP cũng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu sông Hồng. Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, sau khi được TP phê duyệt nhiệm vụ, Quy hoạch phân khu đô thị hai bên sông Hồng (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, thuộc địa giới hành chính 14 quận, huyện) đã được Viện triển khai nghiên cứu lập quy hoạch từ năm 2013.

Từ năm 1994 đến nay đã có tới 11 dự án, nghiên cứu khoa học hai bên sông Hồng của cả đơn vị trong và ngoài nước. Trong đó, đáng chú ý, dự án hợp tác giữa Hà Nội và Seoul (Hàn Quốc) đã được nghiên cứu bài bản, tập hợp được nhiều chuyên gia của hai nước tiến hành điều tra khảo sát thực tế, tổ chức nhiều hội thảo và lấy ý kiến cộng đồng cũng như triển lãm công bố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ý tưởng nào thành hiện thực. Trong khi đó, tiềm lực đất đai khu vực này rất lớn nhưng nhiều năm bị buông lỏng quản lý dẫn đến nhiều tồn tại. Việc lấn chiếm, xây dựng trái phép diễn ra triền miên, đất nông nghiệp người dân cũng đang khai thác một cách tự phát. Những nhà chung cư, tập thể cơ quan được xây dựng ở khu vực bãi sông trước kia đã xuống cấp trầm trọng. Mật độ dân cư khu vực này dày đặc, kéo theo đó là ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội... Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, nhiệm vụ đặt ra đối với Hà Nội là nhanh chóng có quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Việc này có ý nghĩa quan trọng không chỉ trong việc sử dụng đất cho phát triển đô thị một cách hợp lý mà còn để lập lại trật tự tại khu vực bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn ở đây.

Những khởi động bước đầu

Nguyên nhân việc quy hoạch sông Hồng chậm triển khai đã được cơ quan chức năng của Hà Nội đề cập. Đó là những vướng mắc về cơ sở pháp lý cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành. Trong đó, quan trọng nhất là cần sớm phê duyệt quy hoạch thoát lũ sông Hồng thì mới có cơ sở để phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết liên quan.

Để góp phần hiện thực hóa TP hai bên sông Hồng, thời gian gần đây, Hà Nội đã triển khai một số công trình hạ tầng giao thông hiện đại. Cụ thể, TP đã phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh. Dự kiến đến năm 2024, khi hoàn thành, cây cầu có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc sông Hồng và tạo tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân, giảm áp lực giao thông trong đô thị lõi. Bên cạnh đó, cầu Vĩnh Tuy 2 vừa được khởi công xây dựng, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở… sẽ được triển khai trong năm nay được kỳ vọng ngoài việc tăng cường lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải đang tăng cao đồng thời còn tạo động lực để phát triển đô thị hai bên sông.

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trong quy hoạch đã đặt ra vấn đề lấy trục sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm của TP. Như vậy, phải phát triển sông Hồng chảy giữa TP, các vùng đều phát triển đồng bộ. Sắp tới, sẽ có một số huyện như Gia Lâm, Đông Anh thành quận, vấn đề này đòi hỏi phải có hệ thống giao thông đi lại phát triển hơn, việc xây thêm các cây cầu có tác dụng rất lớn để tạo động lực cho khu vực tả ngạn (phía Bắc sông Hồng) phát triển, giúp giãn dân nội đô, tạo nên diện mạo mới cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, để từng bước cải tạo, chỉnh trang bộ mặt kiến trúc đô thị ven sông Hồng cũng như nâng cấp hệ thống giao thông khu vực ngoài bãi sông, UBND quận Hoàn Kiếm đang chỉ đạo nghiên cứu giải pháp nâng cấp các đoạn đường dân sinh ven sông hiện có, xây dựng tuyến đường dọc ven sông Hồng, góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng thành công viên văn hoá và du lịch... Theo các chuyên gia, khi quy hoạch phân khu hai bên sông Hồng được phê duyệt, việc hình thành con đường ven sông sẽ là cánh cửa rộng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, quản lý dân cư, xây dựng điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư, cải thiện chất lượng sống cho người dân.

Đến nay, Quy hoạch phân khu sông Hồng đã được ký đồ án sơ bộ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để gửi lên UBND TP xem xét, ký gửi xin ý kiến Bộ NN&PTNT. Sau đó, Ban Cán sự Đảng UBND TP phối hợp với các Ban Cán sự các Bộ có liên quan để xem xét, cho ý kiến, nếu cần thiết sẽ điều chỉnh…

Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Nguyễn Trúc Anh
 

Theo Kinh tế Đô thị

Tags sông Hồng quy hoạch hai bên bờ sông Hồng

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục