Đường phố Moscow trước khi cải tạo (ảnh Internet)
Ngày nay, người dân Moscow từ việc ngại ngần, thậm chí ghét đi bộ nhưng giờ đây có một lực lượng lớn tham gia giao thông đi bộ và đi xe đạp, góp phần nâng cao chất lượng không khí đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống chính mình. Vì đâu có kết quả như ngày nay, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé:
Nghiên cứu, khảo sát và thăm dò
Chính quyền Moscow cùng với các chuyên gia đã huy động một đội ngũ các tình nguyện viên là sinh viên đến từ các trường đại học: Kiến trúc, Tổng hợp quốc gia Lomonoxov và Kinh tế cao cấp để phục vụ công tác nghiên cứu và thăm dò cho các ý tưởng trước khi đưa ra các giải pháp.
Cùng với các chuyên gia đầy kinh nghiệm trong quy hoạch đô thị, các tổ công tác được chia ra thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất có nhiệm vụ là đếm số lượng người đi bộ trên đường mà họ gặp cùng với hành trình của họ, nhóm còn lại thì quan sát xem những người di chuyển trên đường họ đang làm gì?
Tất cả những thông tin đều được ghi chép lại và đánh dấu địa điểm cụ thể trên bản đồ. Chương trình này được tổ chức trong suốt 4 mùa trong năm, mỗi mùa một tháng, mỗi tháng vài ngày bắt đầu từ 10 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ đêm. Các tổ công tác còn có nhiệm vụ đánh giá tình trạng chất lượng của vỉa hè, mặt tiền các toà nhà trên phố, mức độ phủ xanh của cây cối trên các con phố, độ ồn, chất lượng ghế ngồi dành cho người đi bộ để ngồi nghỉ và cảm nhận của họ về những điều này.
Kết quả của việc nghiên cứu này chỉ ra thông tin thu thập được như sau: Moscow là thành phố không tiện lợi cho những người đi bộ; có quá nhiều biển quảng cáo rác; sự ô nhiễm khó chịu từ khí thải từ các ống xả ô tô đứng chờ do tắc đường. Từ kết quả phân tích số liệu trên cho thấy, Moscow đã tụt hậu về chỉ số của sự bất mãn cho người đi bộ và tham gia giao thông. Điều ấy khiến chính quyền đô thị buộc các bên liên quan phải có trách nhiệm và nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn.
Truy tìm nguyên nhân
Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù ở Moscow có rất nhiều tuyến phố rộng rãi nhưng hầu như chỉ để dành cho xe cơ giới chen chúc nhau chứ ít quan tâm đến làn xe cho người đi bộ. Moscow có nạn ách tắc giao thông khủng khiếp là do có khá nhiều người hằng ngày vẫn dùng xe ô tô cá nhân để đi lại; Phương tiện giao thông công cộng phát triển chưa đồng bộ và kém hiệu quả; lợi ích của người dân chưa được quan tâm đúng mức; Chất lượng không gian công cộng yếu kém.
Vỉa hè không thuận tiện cho người đi bộ, vừa cao lại vừa không có độ dốc thoải cần thiết tại các điểm qua đường, gây trở ngại cho người lớn tuổi và người khuyết tật. Nước từ các ống xả của điều hòa nhỏ giọt thẳng vào người đi đường. Mùa đông, những điểm bị đóng băng trên vỉa hè rất khó nhận biết, dễ gây trượt ngã. Đường bờ sông của Moscow nhìn tổng thể khá đẹp nhưng lại hoàn toàn không thuận tiện cho người đi bộ, bờ kè quá cao không có chỗ để cho mọi người tiếp cận và vui chơi bên cạnh mặt nước.
Do các phương tiện giao thông khác kém phát triển và môi trường cảnh quan không được quan tâm đúng mức nên người đi bộ cảm thấy tẻ nhạt, họ đành chọn giải pháp dùng phương tiện cá nhân hoặc đi tàu điện ngầm, điều này vô tình dẫn đến tình trạng chung không mong muốn là chịu trận cảnh kẹt xe ngày một xấu đi.
Giải pháp
Dựa trên thực tiễn số liệu thu được và đánh giá toàn cảnh thực trạng của Moscow, các chuyên gia đã đưa ra đề xuất, giải pháp: Xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển khu vực trung tâm của thành phố với định hướng dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc đi bộ, đi xe đạp và giao thông công cộng; Toàn bộ các điểm đỗ xe ôtô sẽ được chuyển ra vùng phụ cận để người đi ôtô cá nhân sẽ đi xe đạp hoặc phương tiện công cộng để vào trung tâm thành phố; Hạn chế đến mức tối đa việc chạy xe ô tô vào trung tâm; Xử phạt nghiêm minh nếu vi phạm; phủ kín xanh điểm trống và tạo nên các tiểu công viên trong thành phố; nghiêm cấm xây cao ốc tại khu vực trung tâm. Tuy nhiên, giải pháp này không thể thực hiện đồng bộ nên các chuyên gia đã đưa ra lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn. Họ ví thành phố cũng như cơ thể người "cần phải chữa trị một cách từ từ, dứt điểm từng bộ phận” và gọi đây là "liệu pháp châm cứu”.
Chính quyền Moscow cũng đã lập một trang mạng mos.ru với rất nhiều chuyên mục. Tại đây mọi người có thể nắm được các dự án cải tạo thành phố cũng như đóng góp ý kiến của mình.
Và sau khi cải tạo (Ảnh Internet).
Người ta còn tính toán để giảm ách tắc giao thông, cần phải làm sao để lưu lượng người tham gia giao thông bớt đi và giải pháp "số hóa” đã được ứng dụng. Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sử dụng smartphone tại Moscow tính theo đầu người còn cao hơn cả New York và London. Chính phủ đã lập trang mạng các dịch vụ công trực tuyến gosuslugi.ru. Trên cơ sở mã số thuế cá nhân hoặc mã số bảo hiểm hưu trí, công dân Nga có thể đăng nhập và qua đó thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, như cấp đổi hộ chiếu, các loại giấy tờ đăng ký và bằng lái xe ôtô; trả thuế; đăng ký khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế… Kết quả là việc quản lý và giám sát từ phía Nhà nước được giải quyết cũng thuận tiện, đơn giản hơn rất nhiều.
Cũng nhờ việc nhất thể hoá bằng các công nghệ số hóa này mà thay vì cấm xe ôtô, chính quyền thành phố Moscow đã sử dụng các biện pháp không khuyến khích đi xe ôtô trong thành phố, như lập các tuyến phố không khuyến khích được đỗ xe thành những điểm đỗ xe mất tiền được định vị và với những mức phí khác nhau, càng sát khu trung tâm, phí càng cao. Khu vực trung tâm đỗ lâu thì phí sẽ bị tính lũy tiến, thời gian phải thanh toán được tính theo từng phút. Việc thanh toán cũng hoàn toàn được số hoá qua phần mềm trên smartphone và vì vậy, mọi tiêu cực trong lĩnh vực này đều bị triệt tiêu.
Những vị trí cấm đỗ xe, ngoài biển báo cấm còn có biển báo cẩu xe, nếu cố tình đỗ sẽ bị cẩu về bãi và mức tiền phạt khá cao. Tại các khu vực gần đường vành đai, không xa các ga tàu điện ngầm có rất nhiều bãi đỗ xe miễn phí để người có nhu cầu chuyển sang phương tiện công cộng đi vào trung tâm.
Khắp các tuyến đường đều lắp rất nhiều camera làm việc 24/24h trong mọi điều kiện thời tiết. Mọi lỗi vi phạm như chạy quá tốc độ hoặc chạy sai làn… đều bị ghi lại và phạt. Vì mọi thông tin cá nhân đã được nhất thể số hóa nên việc lẩn tránh không nộp phạt, nộp thuế… sẽ bị những hệ luỵ trói buộc, như không đổi được giấy tờ xe, không xuất cảnh được…
Kết quả
Như vậy, Moscow đã tạo dựng một nền tảng định hướng cho việc quy hoạch và phát triển thành phố rằng, cần và phải luôn nghĩ về con người, phải luôn biết đặt quyền lợi của con người ở vị trí trung tâm nhất. Từ một Moscow tắc đường trầm trọng, chỉ sau đó vài năm giao thông của thành phố đã dần thay đổi diện mạo và giải quyết nạn tắc đường một cách bài bản mặc dù vẫn chưa hẳn được như kỳ vọng.
Ngày nay, người dân Moscow từ việc ngại ngần, thậm chí ghét đi bộ nhưng giờ đây có một lực lượng lớn tham gia giao thông đi bộ và đi xe đạp, góp phần nâng cao chất lượng không khí đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống chính mình.
Theo Khánh Phương/ Báo Xây Dựng