Việt Nam trong xu thế phát triển đô thị thông minh

  • Cập nhật: Thứ hai, 25/1/2021 | 10:25:05 AM

QLMT - Là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới, Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức trong hành trình bắt nhịp với xu thế phát triển đô thị thông minh.

Sau "Smartphone - Điện thoại thông minh", từ nhiều năm nay chúng ta bắt đầu làm quen với cụm từ mới: "Smart city - Thành phố thông minh". Nhiều quốc gia trên thế giới đang kỳ vọng, "thành phố thông minh” sẽ có khả năng tiết kiệm năng lượng và giải quyết những vấn nạn trong quá trình đô thị hóa và Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.

Tại Việt Nam, hiện có 862 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 40%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Mặt trái của việc trở thành một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực và thế giới, chính là gánh nặng quá tải về hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục, và hệ lụy ô nhiễm môi trường.

Trước những vấn đề đô thị đang đặt ra thì việc xây dựng thành phố thông minh đang là bài toán cấp thiết. Cuộc sống tương lai của người dân phải là đô thị thông minh (ĐTTM), đó là sự phát triển bền vững nhất.

Để làm rõ hơn về câu chuyện phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-do-thi-thong-minh-1
Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng.

PV: Xây dựng ĐTTM đang được cho là hướng đi tất yếu trong quá trình phát triển đô thị hiện nay. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Dưới góc độ quản lý nhà nước về phát triển đô thị, ông nhìn nhận như thế nào?

Ông Trần Quốc Thái: Trong những năm qua, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức tích cực. Chúng ta đã có được hệ thống đô thị quốc gia được phân bổ tương đối hợp lý, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang hiện đại hơn, chất lượng hạ tầng (hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội), dịch vụ và chất lượng sống của cư dân đô thị cũng được cải thiện rõ rệt. Các đô thị đã thể hiện được vai trò là động lực then chốt trong tăng trưởng và phát triển kinh tế của các địa phương, các vùng và của cả nước.

Khu vực đô thị có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân. Nguồn thu từ các hoạt động kinh tế của khu vực đô thị chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GDP cả nước.

Tổng thu ngân sách khu vực đô thị cũng chiếm trên 70% tổng thu ngân sách toàn quốc. Ngoài ra tăng trưởng kinh tế ở khu vực đô thị đạt trung bình từ 12 - 15%, cao gấp 1,5 - 2 lần so với mặt bằng chung của cả nước.

Các đô thị không chỉ là trung tâm kinh tế chính trị, mà còn là trung tâm hội tụ văn hóa, khoa học, tri thức và công nghệ đổi mới sáng tạo, cung cấp việc làm, chất lượng cuộc sống tốt, là động lực cho phát triển kinh tế của đất nước, của khu vực. Ngoài ra các thành phố cũng giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân giàu mạnh. 

Dựa trên thực tế phát triển đô thị toàn cầu, thế giới đã đúc kết được những bài học kinh nghiệm rằng nếu quản lý tốt và định hướng "thông minh hơn”, quá trình đô thị hoá và phát triển đô thị sẽ góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống của con người, bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng khả năng phục hồi hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Chính vì vậy, đô thị dựa trên nền tảng nền kinh tế tri thức và ảnh hưởng của cuộc cách mạng 4.0 đang trở thành xu hướng toàn cầu. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-do-thi-thong-minh-2
Phối cảnh dự án đô thị thông minh đang được triển khai tại Đông Anh (Hà Nội)

Nhằm rút ngắn khoảng cách với các quốc gia đi trước trong phát triển ĐTTM, chúng ta đã lựa chọn định hướng chủ động tham gia các đối thoại, trao đổi thảo luận quốc tế, tham gia tích cực sáng lập Mạng lưới các đô thị thông minh khu vực ASEAN vào năm 2018 cũng như tham gia đầy đủ các hoạt động của Mạng lưới và tương tác với các đối tác.

Phát triển ĐTTM ứng dụng các giải pháp công nghệ và các phương tiện, giải pháp tối ưu nhất phát triển đô thị, khai thác các lợi thế mà tiến bộ công nghệ đem lại để hỗ trợ việc ra quyết định trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị một cách thông minh và khoa học nhất… Nhờ đó, chúng ta có thể nâng cao hiệu quả của các khoản đầu tư, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, giải quyết được các vấn đề nóng của phát triển đô thị hiện nay như giao thông, ngập lụt, ứng phó với biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng phục hồi của đô thị…

PV: Ông có thể phân tích rõ hơn về những lợi ích mà việc phát triển ĐTTM mang lại?

Ông Trần Quốc Thái: Ở góc nhìn trực tiếp nhất, chúng ta có thể thấy nhiều lợi ích từ một ĐTTM. Đó là giải quyết các vấn đề đô thị, gia tăng khả năng tiếp cận, cải thiện các dịch vụ xã hội, coi trọng tiếng nói của người dân, đóng góp cho phát triển kinh tế và gia tăng chất lượng cuộc sống.

Ví dụ, nếu đầu tư giao thông thông minh chúng ta có thể cung cấp cho người lái xe giải pháp giao thông tối ưu, từ đó đô thị sẽ giảm thiểu ùn tắc giao thông, giảm tai nạn, giảm tiêu hao nhiên liệu, làm hạn chế ô nhiễm môi trường. Hay đầu tư giao thông công cộng thông minh sẽ giúp cho việc tiếp cận phương tiện công cộng trở nên dễ dàng với bất cứ ai, không phân biệt giàu nghèo, từ đó giúp giảm tải lượng xe cá nhân. Một ví dụ khác, khi chia sẻ tốt thông tin dữ liệu trên hệ thống, ngay cả người bán rau cũng có thể sử dụng điện thoại thông minh để kết nối thông tin đến người tiêu dùng một cách dễ dàng, từ đó đem lại lợi ích kinh tế thiết thực cho họ.

Trong xu thế phát triển ĐTTM đang là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới, việc phát triển ĐTTM sẽ giúp Việt Nam hội nhập toàn cầu, mở ra thị trường mới, những cơ hội và lợi ích mới trong công tác đầu tư, hợp tác. Vậy nên, đầu tư cho ĐTTM không phải là một sự xa xỉ hay hoang phí, mà là xu thế phát triển tất yếu của các đô thị trên thế giới. Phát triển ĐTTM mang lại lợi ích cho tất cả mọi người và cần sự chung tay của tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội. Quan trọng là Nhà nước phải tạo ra được cơ chế để các bên có thể phối hợp được với nhau.

PV: Vậy hiện nay, Việt Nam đã có những nền tảng gì để hướng tới mục tiêu xây dựng ĐTTM, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thái: Hiện Việt Nam đã tích tụ được những nền tảng để thúc đẩy phát triển ĐTTM. Chúng ta đã cơ bản phủ sóng 4G, 54% dân số dùng Internet, khoảng 55% người sử dụng điện thoại thông minh. Xếp hạng chỉ số sẵn sàng kết nối NRI của Việt Nam năm 2016 đạt 79/139 nước. Xếp hạng về đánh giá khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin đứng thứ 3/139 quốc gia trên thế giới.

Nhiều doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đã nhanh chóng hội nhập, cung cấp các tiện ích thông minh ở các cấp độ khác nhau trong đô thị. Nhiều thành phố đã triển khai các chương trình xây dựng thí điểm thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của các đối tác thế giới.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những thách thức và trở ngại cần được xem xét để giải quyết các vấn đề phát triển của đô thị một cách thông minh hơn.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc thiết lập thành phố thông minh ở những nơi đang là con số 0 thì vấn đề sẽ dễ dàng hơn, còn khi "móng” đã có sẵn thì việc làm lại mọi thứ sẽ trở nên rất phức tạp. Đó có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến những thách thức, trở ngại mà ông vừa đề cập?

Ông Trần Quốc Thái: Đúng vậy. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tại nước ta vẫn còn phổ biến thực trạng sử dụng chưa hiệu quả tài nguyên đất đai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối liên kết các đô thị yếu làm gia tăng chi phí logistics, ô nhiễm, đô thị hóa chưa theo kế hoạch.

Tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng năng suất lao động thấp, nguồn lực đầu tư hạn chế, chưa khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế và cộng đồng.

Mặt khác, phát triển ĐTTM là một xu thế mới nên cũng có những trở ngại không nhỏ. ĐTTM cần sự đầu tư lớn về tài chính để đầu tư về công nghệ, đảm bảo sự đồng bộ, duy trì hệ thống hiệu quả.

Tuy nhiên, các giải pháp về công nghệ thường thay đổi rất nhanh chóng và nhanh lỗi thời. Việc phát triển ĐTTM có thể trở nên rủi ro khi phụ thuộc vào năng lượng để vận hành hệ thống trang thiết bị.

Bên cạnh đó, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu một khi bị xâm nhập và can thiệp sẽ khiến đô thị mất quyền kiểm soát. Điều này gây ra rủi ro có tính dây chuyền khi có biến động toàn cầu trong quá trình tham gia kết nối sâu rộng. Ngoài ra còn có rủi ro về sự biến đổi của các mối quan hệ xã hội và các giá trị truyền thống do tác động trái chiều của môi trường sống thay đổi quá phụ thuộc vào công nghệ. Đó là chưa kể đến nguy cơ dôi dư lao động trong nhiều ngành nghề cung cấp kỹ năng thô do gia tăng tự động hóa trong sản xuất; rủi ro do mô hình đầu tư mới, chưa có tiền lệ.

PV: Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020 có chủ đề "Đô thị thông minh – Hướng tới Cộng đồng, Bản sắc và phát triển bền vững vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Việt Nam với vai trò là thành viên tích cực của Mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN cần có những giải pháp gì để sớm về đích trong chặng đường phát triển đô thị thông minh, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thái: Phát triển ĐTTM yêu cầu phải có nguồn lực đầu tư, trong khi ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác nhau.

Trên cơ sở các nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm trên thế giới và thực trạng phát triển tại Việt Nam, Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Gọi tắt là Đề án 950) đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong đó xác định các mục tiêu phát triển ĐTTM đã và đang được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm và tích cực triển khai.

Theo đó, Đề án 950 đã xác định trong giai đoạn 2018 - 2025, phát triển ĐTTM ở Việt Nam cần ưu tiên xây dựng các nội dung gồm quy hoạch ĐTTM; xây dựng và quản lý ĐTTM; cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống công nghệ thông tin và viễn thông (ICT), trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian ĐTTM được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên. Đồng thời, việc triển khai thí điểm xây dựng các khu ĐTTM trước khi nhân rộng là một hướng tiếp cận chủ động tại các địa phương.

viet-nam-trong-xu-the-phat-trien-do-thi-thong-minh-3
Việc triển khai thí điểm xây dựng các khu ĐTTM trước khi nhân rộng là một hướng tiếp cận chủ động tại các địa phương. Ảnh minh họa.

PV: Ông đánh giá như thế nào về sự cần thiết của các nguồn vốn tư nhân trong việc kiến tạo các đô thị thông minh hiện nay?

Ông Trần Quốc Thái: Có thể thấy, phạm vi các lĩnh vực có thể huy động sự tham gia của khối tư nhân là hầu như không có giới hạn. Đến nay trên cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển ĐTTM, trong đó có đề án, kế hoạch được ban hành cho toàn tỉnh và đề án, kế hoạch ban hành cho một đô thị thuộc tỉnh.

Có khoảng gần 40 tỉnh đã triển khai phát triển một số dịch vụ về ĐTTM; 17/63 tỉnh đã triển khai xây dựng hoặc đồng ý về chủ trương xây dựng trung tâm điều hành ĐTTM; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh v.v... Qua những chuyển động của doanh nghiệp, có thể nhận thấy phát triển ĐTTM có tiềm năng thương mại lớn, do đó, có nhiều khả năng thu hút được nguồn vốn xã hội để đầu tư.

PV: Trong bối cảnh hiện nay, việc huy động nguồn vốn xã hội có gặp trở ngại gì không, thưa ông?

Ông Trần Quốc Thái: Đầu tư cho phát triển ĐTTM là mô hình đầu tư mới. Đối tượng đầu tư có tính chất liên ngành ví dụ như đầu tư thiết bị chiếu sáng gắn với hệ thống theo dõi giám sát, phát sóng wifi, quảng cáo, đầu tư thiết bị thu gom rác thải gắn cảm biến và thông báo thu gom v.v...

Các mô hình đầu tư còn đang trong giai đoạn đầu, có những khó khăn trong việc xác định rủi ro trong đầu tư và phân định quyền lợi, trách nhiệm của các bên có liên quan.

Do đó, đối với công tác quản lý nhà nước, nhiệm vụ đặt ra cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý để phân định rõ những nội dung cần được nhà nước đầu tư và những nội dung huy động nguồn lực xã hội để thu hút và đảm bảo tính hiệu quả của các nguồn lực đầu tư quý báu.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành và các địa phương, phát triển ĐTTM ở Việt Nam sẽ thực hiện tốt mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Đó là phát triển ĐTTM bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển ĐTTM; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ trên!


Theo Nguyên Hà - Việt Khoa/ Reatimes

Tags Việt Nam phát triển đô thị thông minh BĐS đô thị hóa

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục