Nhị Hà lấp lánh sao thưa

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/1/2021 | 4:53:41 PM

QLMT - Điều bất thường mà người nào đến Hà Nội bây giờ cũng dễ thắc mắc: tên thành phố nghĩa là ở trong sông, và khung cảnh thành phố gắn với con sông lớn nhất miền Bắc cũng như các mặt hồ rải rác quanh thành phố, song hoạt động vận tải thủy khá mờ nhạt trong đời sống cư dân. Cảng Hà Nội nằm ở rìa Đông Nam thành phố chỉ là một cảng nội địa bé nhỏ. Ngày nay, nó đã mất cái tên “bến Phà Đen” khi nằm trong nội thành, cạnh những khu dân cư đông đúc. Một thế kỷ trước, những chuyến tàu thủy trên sông Hồng đã là một mạch lưu thông giữa Hà Nội với thế giới bên ngoài.

Vì sao thành phố lại "khô” hơn trước? Dường như tâm cảm của người Việt hiện đại đã dần xa bối cảnh sông nước so với chỉ vài thập niên trước, lúc mà vốn văn bản văn hóa của họ đầy ắp những biểu tượng gắn với những chuyến hành trình trên sông. Nếu không tính những văn bản thời trung đại, rất nhiều địa danh ở Hà Nội là chỉ dấu về những bến nước hay điểm giao thông thủy. Bến Đông Bộ Đầu nổi tiếng với trận đánh giữa nhà Trần và quân Nguyên Mông, có nghĩa là bến đỗ phía đông, nằm sát kinh thành, nay ở khu vực chùa Hòe Nhai. Hà Khẩu - địa danh thể hiện vị trí cửa sông Tô Lịch cũ đổ ra sông Hồng.

Những phố Hàng chuyên bán các sản phẩm gắn với cuộc sống sông nước như Hàng Buồm hoặc những loại hàng nguyên liệu mang từ vùng xa tới bằng đường thủy như Hàng Nâu, Hàng Vôi, Hàng Tre, Hàng Mắm, Chợ Gạo, Lò Sũ… Những tấm bản đồ cổ cùng hình vẽ Thăng Long - Kẻ Chợ nhiều thế kỷ đã chọn điểm nhìn đô thị này từ phía sông Hồng. Chẳng hạn bức tranh vẽ Thăng Long năm 1685 của Samuel Baron cho thấy một thành phố có 2 vạn nóc nhà cùng lâu đài thành quách hướng ra mặt sông. Trên bản vẽ này, thương điếm Anh và Hà Lan đã có mặt ở hai bên cửa sông Tô Lịch. 

nhi-ha-lap-lanh-sao-thua-1
Bến tàu sông Hồng cạnh khu phố cổ thập niên 1920 trước khi bị bồi lắng.  Ảnh TL

Khi chúa Trịnh Doanh đắp lại vòng la thành dài 16 km năm 1749, trên cơ sở bức tường lũy thời Mạc, một hệ thống cửa ngõ vào thành phố quan trọng nằm dọc bờ sông hình thành, như Ô Quan Chưởng còn lại và sau này, sông Hồng cũng là nơi người Pháp xâm nhập Hà Nội, bắt đầu tiến trình thực dân. Nơi lính Pháp đóng đầu tiên là khu nhượng địa do triều Nguyễn cắt mang tên Đồn Thủy. 

Cho đến đầu thế kỷ XX, cùng với việc thiết lập những bến tàu thủy ven sông, giao thông thủy gắn với một tên tuổi của nền doanh thương bản địa: Bạch Thái Bưởi (1874-1932). Huyền thoại về năng lực cạnh tranh của ông với người Pháp được khoác lên màu sắc chủ nghĩa dân tộc bắt nguồn từ những con tàu thủy mang tên Bình Chuẩn chạy từ Hà Nội đến Hải Phòng, Nam Định, những trung tâm kinh tế mới của thời thuộc địa.

Có một giai đoạn Hà Nội có một con phố mang tên ông nối giữa phố Hàng Tre và Nguyễn Hữu Huân, hai con phố dẫn ra bãi Cột Đồng Hồ, nguyên là bến tàu thủy trước khi bị bồi lấp. Con phố nhỏ này là ngõ Nguyễn Hữu Huân, còn bãi Cột Đồng Hồ đã thành nút giao đầu cầu Chương Dương. Những đánh giá tiêu cực về Bạch Thái Bưởi trong một thời gian dài đã có lúc khiến tên ông rơi vào quên lãng, song không thể phủ nhận ông là một tên tuổi hiếm hoi được đại chúng biết đến của nền thương mại Việt Nam cận đại.

nhi-ha-lap-lanh-sao-thua-2
Hình vẽ kinh đô Kẻ Chợ và sông Hồng trong cuốn Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron (1685).

Hẳn có một nguyên cớ gì đó khiến giao thông thủy ở Hà Nội đối với hậu sinh chỉ còn là một bóng mờ không mấy quyến rũ? Rõ ràng so với tàu điện, tàu hỏa, thì tàu thủy bị loại ra khỏi những diễn ngôn định nghĩa nên "Hà Nội một thời” hiện nay. Có lẽ những chuyến tàu hằn trong tâm lý người Việt về những cuộc chia ly, những tan đàn sẻ nghé, mà áp đảo trong dữ liệu văn hóa của họ là những bối cảnh tang thương:

Anh Khóa ơi! Còi tu tu sắp kéo cầu
Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây

Bài thơ Tiễn chân anh Khóa xuống tàu của Á Nam Trần Tuấn Khải viết năm 1914, năm nổ ra cuộc Thế chiến thứ nhất, đã gắn với đời sống đại chúng khi trở thành một bài hát xẩm, được hát ở những bến chợ hay trên tàu điện, những nơi mà nỗi thống khổ vì chia ly được mài sắc thêm qua sự não nuột của làn điệu, nhất là bằng giọng ca đặc trưng của những người hát thường mù lòa và cây đàn nhị cộng hưởng nỗi bi thương.

Nhưng trước hết, lời ca gợi về nỗi tuyệt vọng của những người rời bỏ quê hương đi tìm kiếm cơ hội đổi đời ở những đâu mà họ hoàn toàn mờ mịt kết quả. Nó gắn với bối cảnh nông thôn miền Bắc nghèo nàn, nơi những anh khóa cựu học đã thất thế song trách nhiệm với truyền thống nặng hai vai. Anh ta có thể phiêu bạt ở những vùng mỏ hay đồn điền cao su, hoặc "nước Nam Kỳ”, thậm chí đăng lính thợ sang Pháp, nghĩa là chia ly với lũy tre làng quen thuộc, nơi chốn chứa đựng bầu không khí coi trọng sự toàn vẹn của rường mối gia tộc, vốn chẳng mấy hoan nghênh sự ly tán.

nhi-ha-lap-lanh-sao-thua-3
Bến thuyền thập niên 1940. Ảnh TL

Bến cảng Hà Nội dường như phụ thêm vào tâm lý ấy khi mang cái tên Phà Đen. Mặc dù cũng là cái tên thông tục như kiểu Hàng Cỏ thay vì ga Hà Nội song bến tàu thủy không nằm trong số những địa danh hay công trình kiến trúc được góp mặt vào những tấm postcard hay hình ảnh làm nên ấn tượng về Hà Nội một thời. Phà Đen là cái tên đơn giản, mô tả màu của bãi than phục vụ những con tàu chạy bằng hơi nước. 

"Hình dung thấy một con tàu nằm sát kề mặt bến. Cái ống khói đen chũi, lầm lì thả ra những đợt khói trắng vật vờ trên miệng. Một con tàu già nua, ọp ẹp, nước sông rỉ rề lênh láng suốt ba khoang hầm tàu, bọn phu cởi trần đêm ngày thay phiên nhau múc nước đổ òm ọp ra sông, tát ra tới đâu nước vào tới đó. Một cái cầu mỏng mảnh vắt chênh vênh từ kè đá bến xuống cửa khoang tàu ướt nhẫy” (Mai Thảo - Chuyến tàu trên sông Hồng).

Bến tàu và con tàu sông Hồng khi nhìn cận cảnh là một đời sống của ngoại vi, của bùn lầy nước đọng. Bước chân của cậu bé Mai Thảo khi cập bến Hà Nội phát hiện ra thế giới khác: "Con tàu ghé bến Hà Nội rồi. Phường phố lớn chập chùng. Đứa nhỏ bàng hoàng đi lên. Và con sông Hồng, và tiếng còi và chuyến tàu đã bỏ lại sau lưng cùng tuổi nhỏ”.

Cư dân thành phố nhận ra con sông mênh mang là một mặt tiền quý giá và có khả năng chế ngự, tạo ra một trung tâm mới quyến rũ hơn trong cái nhìn về đô thị của mình, nhất là trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với các đô thị khác.

Cho đến tận cuối thế kỷ XX, khu vực Cảng Hà Nội vẫn thuộc về ngoại biên của cảnh trí lẫn tâm trí thị dân. Điều này có một cơ sở là sự bồi lắng diễn ra vào thập niên 1930 ở hữu ngạn sông Hồng (phía nội thành Hà Nội cũ) khiến mặt nước sông lùi ra xa khỏi cảnh quan thành phố, cũng như các hoạt động vận tải thủy biến mất trong nhịp điệu sinh hoạt thường nhật của phố phường. Thêm vào đó, trận lụt năm 1926 khiến chính quyền thuộc địa quyết định đắp đê dọc đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải ngày nay và củng cố cả hệ thống đê Hà Nội, có nơi cao 14m. Những hoạt động này chính thức tách mặt nước sông Hồng khỏi trường nhìn của dân phố.

Có lẽ thời điểm bến tàu bị biến mất khỏi khung cảnh phố phường trước khi kịp gắn với những ghi chép văn hóa của giai đoạn 1930-1945 đã khiến tàu thủy và bến cảng chỉ còn hiện diện một cách mờ nhạt, có chăng chỉ gắn với những cuộc chia ly.

Biệt ly! Sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi, nước trôi, ngày thắm trôi cùng nước trôi
(Doãn Mẫn - Biệt ly, 1939)

Nhạc sĩ Doãn Mẫn đã cung cấp thông tin về cảm hứng viết ca khúc Biệt ly là từ sự chứng kiến những cuộc chia ly ở cảng Hải Phòng hay sân ga Hà Nội. Thực tế mỹ cảm chia ly sông nước đầy ắp trong vốn văn bản truyền thống. Người ta ví von sự gắn bó giữa bến và thuyền để ẩn dụ cho sự chung thủy hay khả năng tan vỡ của những cuộc tình. Tuy nhiên, với đời sống thị dân Hà Nội thời hiện đại, bến cảng và tàu, thuyển không trở thành những ẩn dụ liên quan trực tiếp mà thường mang tính biểu tượng tâm lý. Một khối lượng dày đặc những bài ca về con thuyền không bến hay thuyền tình không bến đỗ đã chi phối mỹ cảm thị dân của một đô thị vẫn dễ dàng rung động với những không gian bến nước con đò chứa đầy sự tích "lỡ bước sang ngang” của vùng văn hóa châu thổ xung quanh.

nhi-ha-lap-lanh-sao-thua-4
Sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội năm 1926. Ảnh TL

Có hai sông Hồng chảy qua Hà Nội trong thi ca nghệ thuật. Một sông Hồng gắn với đời sống nhiều phần cơ cực của những phận người lam lũ, "dân ngoài bãi” hay ngụ cư; và một sông Hồng chảy dạt dào trong những bài thơ hay tráng ca một thời. Con sông chứa vô vàn dòng chảy tâm sự, có khi đắm đuối hào khí "Hồng Hà dâng ngàn nguồn sống, tràn đầy gió” (Nguyễn Đình Thi - Người Hà Nội, 1948), có khi ngậm ngùi hoài niệm "Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ, Nhị Hà lấp lánh sao thưa… Nhớ thương biết mấy cho vừa” (Tạ Tỵ - Thương về năm cửa ô xưa, 1955), có khi sâu hun hút của "ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó/ Đêm nằm nghe trong gió, tiếng sông Hồng thở than” (Lê Vinh - Hà Nội và tôi, 1994).

Sự áp đảo về hình ảnh của các phương tiện cơ giới đường bộ đã tạo ra nhiều nội dung gắn với những bến xe điện Bờ Hồ, nhà ga xe lửa, tiếng leng keng tàu sớm khuya hay tiếng còi báo hiệu đoàn tàu rời ga. Câu chuyện về phương tiện vận tải thủy mất thêm sức hấp dẫn khi khu vực bãi ngoài đê thiếu bàn tay quy hoạch tương xứng với một mặt tiền đô thị. Sông và bãi bồi trở thành sân sau thành phố, nơi giống như những xóm ngụ cư bên ngoài lũy tre xanh bị phân biệt đối xử ở các làng quê.

Con sông lớn từ chỗ bồi đắp nên thành phố đã trở thành chảy ven thành phố, cho dù vẫn được kể đến như thế chân vạc biểu tượng "đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây”, mỗi lúc sự chuyển dòng cả trên thực địa lẫn tâm tưởng khiến sông Hồng thành một thực thể ngoại vi. Ngay trong những giai đoạn xây dựng Hà Nội theo hướng thành phố công nghiệp, sông Hồng vẫn hiện diện như một thành tố nông nghiệp phụ trợ: "Sông Hồng quê ta, nuôi những mùa lúa đẹp/ Chào đất nước sang xuân, chào thành phố đẹp tuyệt vời” (Tân Huyền - Em đứng giữa giảng đường hôm nay, 1975). 

nhi-ha-lap-lanh-sao-thua-5
Bìa bản nhạc Biệt ly của Doãn Mẫn, ấn hành 1944.

Bài hát ra đời sau trận lũ lịch sử 1971, trận lũ mà để cứu nội thành Hà Nội, người ta đã phải bố trí thoát lũ vào một số vùng lân cận, song bài hát đã chọn cách thể hiện ở khía cạnh lãng mạn hóa, con sông hiện diện duyên dáng trong khung cảnh thành phố - "nuôi những mùa lúa đẹp”. Trong một thời gian dài, việc có ít cây cầu bắc qua con sông này cùng với dải đê cao chắn tầm mắt đã hạn chế nhu cầu tìm ra mặt nước sông. Những mùa lũ đã khiến sông Hồng và đi lại bằng tàu thủy ẩn chứa những nguy hiểm. Người ta e ngại sông nước, e ngại một nguy cơ lũ lụt đe dọa sự bình yên. Nỗi e ngại sông sâu sóng cả này bồi đắp thêm vào cảm thức chia biệt ngự trị tâm lý cộng đồng không dễ gì xóa bỏ. 

Nhưng cuộc trị thủy bằng hệ thống thủy điện từ thượng lưu sông Đà, nguồn nước chính đổ vào sông Hồng đã góp phần khiến hơn 30 năm nay, cư dân Hà Nội không còn gặp những trận lũ. Sự phát triển của các khu vực nội thành mới bên kia sông Hồng cùng sự vươn cao của những tòa nhà trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã tạo ra nhu cầu có một mặt tiền đại cảnh cho đô thị. Sự có mặt của những cây cầu mới bắc qua sông cũng như sự chật chội của phố xá nội địa tạo ra một nhận thức "lộn trái” về cảnh quan thành phố. Cư dân thành phố nhận ra con sông mênh mang là một mặt tiền quý giá và có khả năng chế ngự, tạo ra một trung tâm mới quyến rũ hơn trong cái nhìn về đô thị của mình, nhất là trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng với các đô thị khác.

Con sông Hồng giờ đây lờ lững chảy gợi ý cho những cuộc bài trí cảnh quan mới trong đô thị. Dòng Nhị Hà lấp lánh nguồn sống có mãi là một ý niệm trong tâm tưởng? 


Theo Nguyễn Trương Quý/ Người Đô Thị

Tags Nhị Hà Hà Nội thành phố trong sông

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục