Trong thời gian qua, hưởng ứng phong trào "Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1334/QĐ-UBND ngày 29/5/2019 về Kế hoạch thực hiện Phong trào "Chống rác thải nhựa" trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bước đầu đã thu được những kết quả tích cực. Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường; thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Chủ tịch UBND tỉnh Chỉ thị:
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể: Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg; Thực hiện các nội dung của Bộ hoặc cơ quan cấp trên được giao về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiệu chất thải nhựa tại Chỉ thị số 33/CT-TTg; Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn,…); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát đũa nhựa,… dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường. Đồng thời tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ngay tại công sở, bố trí thùng chứa để phân loại chất thải rắn tại các cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý; Truyền thông, tâp huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải nhựa; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để BVMT.
Sở TN&MT có trách nhiệm: Tham mưu UBND tỉnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống chất thải nhựa; Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý chất thải, xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tham mưu UBND tỉnh tăng cường năng lực công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; Chủ trì triển khai tổ chức thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 4/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện Dự án "Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tài trợ trên địa bàn huyện Côn Đảo; Tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ TN&MT thực hiện các quy định về nhập khẩu phế liệu nhựa.
Sở Công Thương tuyên truyền, vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ ở đô thị đến năm 2021 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và tiến đến năm 2025 trên địa bàn toàn tỉnh không sử dùng đồ nhựa dùng một lần; thực hiện cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi nilông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
Sở NN&PTNT tuyên truyền, vận động thực hiện giảm thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để làm nổi các lồng bè nuôi cá); xây dựng, thực hiện các giải pháp thu hồi các ngư cụ như lưới, phao bị thất lạc, bỏ quên hoặc thải bỏ trên biển và thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; chuẩn bị nguồn nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế túi ni lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững áp dụng thực hiện mô hình nông nghiệp sinh học, nông nghiệp hữu cơ, bền vững thân thiện với môi trường; lồng ghép với các chương trình, kế hoạch của ngành nông nghiệp nhằm hỗ trợ sản xuất theo quy trình an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản gắn với BVMT…
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức trực thuộc tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để BVMT. Tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, rạch, kênh, mương,… để hạn chế chất thải nhựa đổ ra đại dương; tiến hành và xã hội hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa trên biển, sông, suối và các hồ, ao trong khu đô thị, khu dân cư. Tuyên truyền, vận động các cửa hàng, chợ dân sinh, nhà hàng, quán nước,… trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường. Bố trí hoặc chỉ đạo việc bố trí các thùng thu gom, phân loại chất thải rắn và hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các công sở, trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng như sân bay, bến tàu, bến xe, công viên, quảng trường, danh lam thắng cảnh,… trên địa bàn quản lý. Tổ chức thu giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt của các tổ chức kinh tế trên địa bàn quản lý theo Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 15/6/2020 của UBND tỉnh…
Theo Hương Đỗ/ Tạp Chí Môi Trường