Để thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ là sự phát triển đơn thuần của thành phố Thủ Đức trong tương lai, bài toán quy hoạch cho thành phố phải đặt trong sự phát triển chung của vùng, với tính liên kết phát triển với Bình Dương, Đồng Nai.
Kết nối phát triển đô thị
Khi triển khai xây dựng thành phố Thủ Đức, một trong những bài toán quy hoạch quan trọng là phát triển các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Quận 2, Thủ Đức và Quận 9 nhằm góp phần phân bổ và tổ chức lại dân cư, kéo giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Mục tiêu là thu hút người dân tập trung về khu Đông sinh sống, làm việc.
Dưới góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phải giải quyết bài toán về nguồn lực tài chính từ nguồn vốn xã hội hóa dựa trên những bản quy hoạch đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp cũng như tạo ra tương đương số lượng việc làm thu nhập cao và môi trường sống chất lượng cao tương xứng.
Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể khu vực 3 quận phía Đông thành phố nhằm kiến tạo một đô thị sáng tạo tương tác cao về quy hoạch tích hợp, cách thức tạo quỹ đất, phát triển giao thông, chính sách nhà ở, quản lý nước và chống ngập, tài chính đô thị, hạ tầng công nghiệp…
Khoang chở khách trên toa xe của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Thành phố sẽ tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố đến năm 2040, mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
Trong giai đoạn trước mắt, nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía Đông, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành.
Về mạng lưới giao thông giữa thành phố Thủ Đức với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hiện cũng khá thuận lợi. Hiện Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương, hiện đang được đầu tư mở rộng.
Đường này có ý nghĩa tạo đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương góp phần phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư; đồng thời tạo ra chuỗi đô thị hai bên đại lộ Bình Dương gia tăng giá trị của bất động sản khu vực.
Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tỉnh gấp rút xây dựng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, giải quyết tình trạng kẹt xe; cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ 4.0 để sớm trở đưa Bình Dương trở thành vùng đổi mới sáng tạo.
Tỉnh quan tâm xây dựng các công trình giao thông kết nối liên kết vùng như cầu Bạch Đằng vượt sông Đồng Nai; đường Mỹ Phước-Tân Vạn hoàn thiện nối thông xuống cảng biển và Bến xe miền Đông mới của Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 13.
Tuyến metro số 1 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn là huyết mạch giao thông nằm trong chiến lược đó của Bình Dương. Tuyến đường kết nối phát triển vùng công nghiệp phía Nam và phía Bắc của tỉnh, là một phần của dự án đường vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, việc hình thành được con đường Mỹ Phước-Tân Vạn tạo ra hạ tầng đột phá không chỉ cho tỉnh mà cho vùng phụ cận.
Cụ thể, con đường đã kết nối hầu hết các khu công nghiệp lớn trong tỉnh - nơi con đường đi qua đều có Khu công nghiệp mọc lên.
Trong phát triển giao thông, Đồng Nai cũng có nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh như Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 3, đường vành đai 4, Xa lộ Hà Nội.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết Đồng Nai từng kiến nghị kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đến thành phố Biên Hòa và đã được Thành phố Hồ Chí Minh đồng thuận, đến nay, Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm này.
Trong tương lai gần, khi cầu Vàm Cái Sứt và cầu Cát Lái hoàn thành, các khu đô thị ở Đồng Nai, đặc biệt là thành phố mới Nhơn Trạch sẽ trở nên gần hơn với Thành phố Hồ Chí Minh, có thêm động lực mạnh để cất cánh, thúc đẩy kinh tế xã-hội phát triển nhanh, bền vững.
Đến nay, các ngành chức năng của Đồng Nai đang tập trung nghiên cứu, quy hoạch xây dựng khu vực phụ cận sân bay Long Thành thành "thành phố sân bay.”
Trong tổng thể vùng Thành phố Hồ Chí Minh
Bài toán quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức phải đặt trong sự kết nối phát triển với Bình Dương, Đồng Nai. Việc phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, thành phố Thủ Đức nói riêng không thể tách rời với việc thực hiện quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo quy hoạch, vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, phát triển không gian vùng theo hướng liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức, Chính phủ cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý về quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức, làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới.
Đồng thời, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng.
Tỉnh Bình Dương với các đô thị trung tâm Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên là vùng đô thị phụ cận của Thành phố Hồ Chí Minh. Vai trò của Bình Dương trong kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Hiện nay, việc đầu tư phát triển các đô thị phía Nam trực thuộc tỉnh Bình Dương được quan tâm, từng bước có kế hoạch đầu tư xứng tầm với đô thị được phân loại và nâng cao khả năng kết nối.
Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung; trong đó chú trọng đến việc kết nối các trục giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt liên khu vực mang tính kết nối đến các đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Trong quy hoạch vùng của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đóng vai trò trung tâm với đô thị vệ tinh độc lập là Biên Hòa và các đô thị vệ tinh phụ thuộc là đô thị mới Nhơn Trạch, Tam Phước, Long Thành, Trảng Bom, Hiệp Phước.
Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế để xây dựng khu đô thị vệ tinh cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều dự án khu dân cư tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom đã và đang triển khai.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông Thành phố Hồ Chí Minh. Hai địa phương có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, xã hội, có rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động đang sản xuất, kinh doanh, làm việc tại Đồng Nai nhưng lại sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.
Trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Với nông nghiệp, Đồng Nai là nguồn cung cấp nhiều loại gia súc, gia cầm và các sản phẩm khác cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Cao Tiến Dũng phân tích, thành phố Biên Hòa hiện có gần 1,2 triệu dân và có nhiều mối liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, tài chính, khoa học thì Biên Hòa sẽ là nơi phát triển công nghiệp, sản xuất.
Vì thế nhu cầu kết nối giữa 2 thành phố là rất lớn. Tuyến metro số 1 kéo dài đến Đồng Nai cần được đầu tư càng sớm càng tốt, vì mang lại hiệu quả vận chuyển hành khách rất cao.
Để đẩy mạnh liên kết vùng trong lĩnh vực giao thông, thời gian qua, ngành chức năng Đồng Nai đã nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 51, Vành đai 3, Vành đai 4.
Trong tương lai, hai địa phương nghiên cứu mở đường để kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.
Với những nền tảng kết nối hạ tầng giao thông hiện hữu cũng như trong quy hoạch về giao thông, đô thị, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (hay thành phố Thủ Đức) và các đô thị của Bình Dương, Đồng Nai sẽ có sự gắn kết phát triển thuận lợi.
Việc quy hoạch phát triển dựa trên mối liên kết này sẽ thúc đẩy sự phát triển đột phá không chỉ cho thành phố Thủ Đức nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, mà đó là sự phát triển cho cả khu vực./.
Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cũng như cả nước. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Theo Vietnamplus