Quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã dẫn đến nguy cơ nhiều di sản đô thị dần bị lấn át, thậm chí chấm dứt sự tồn tại. Mất đi di sản, mất đi dấu ấn thời gian, các đô thị sẽ đánh mất tinh thần, hồn cốt vốn có. Sa Pa hay Đà Lạt đang là những dẫn chứng đáng báo động cho điều này. Vậy để có một định hướng chung, việc xây dựng một cơ chế cụ thể cho bảo tồn các di sản kiến trúc đô thị là hết sức cấp thiết. Xây dựng khái niệm và tiêu chí cho Đô thị di sản và lấy đó làm cơ sở xây dựng các quy chế bảo vệ và phát huy di sản kiến trúc đô thị là một gợi ý phù hợp cho công tác quản lý quy hoạch xây dựng ở những đô thị có những đặc trưng về di sản ở Việt Nam.
Trong Luật Di sản Văn hóa Việt Nam, "Đô thị Di sản” vẫn là một khái niệm chưa được đề cập đến, tuy nhiên đây lại là một khái niệm không xa lạ trong công tác quản lý và bảo tồn di sản văn hóa của nhiều nước trên thế giới và đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ. Tìm hiểu về "Đô thị Di sản” (hoặc các khái niệm tương đương) của các nước, ta có thể nghiên cứu, xây dựng được cho mình một cơ chế Đô thị di sản một cách khoa học và phù hợp với đặc trưng của di sản đô thị Việt Nam.
Kinh nghiệm của LB Nga – Tiêu chí các đô thị và điểm định cư lịch sử
Tại Liên bang Nga, để bảo tồn và gìn giữ các di sản kiến trúc đô thị, người ta đưa ra khái niệm về "Khu định cư lịch sử”, được định nghĩa như sau: "Khu định cư lịch sử là một khu định cư đô thị hoặc nông thôn mà trong đó có các di sản văn hóa như: Di tích kiến trúc, quần thể kiến trúc, danh lam thắng cảnh hay các giá trị văn hóa khác được tạo ra trong quá khứ có giá trị về khảo cổ, lịch sử, kiến trúc, quy hoạch đô thị, mỹ học, văn hóa, xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc các dân tộc Liên bang Nga và đóng góp cho nền văn minh toàn nhân loại”.
Khái niệm về Đô thị lịch sử này được đưa ra đầu tiên vào tháng 5/1970, kèm theo là một danh sách đô thị lịch sử gồm 115 TP đã được ban hành. Danh sách này đã có một số lần điều chỉnh vào các năm 1990, 2002, 2010.
Năm 2002, số lượng các TP trong danh sách là 478 TP, theo thống kê trong đó 2,5% là các TP trên 1 triệu dân (ví dụ như Matxcơva, Saint-Petersburg, Ekaterinburg..), 17,3% là các TP có từ 150 nghìn – 1 triệu dân, 17,7% là các TP có 50-150 nghìn dân, 51,7% các TP có dưới 50 nghìn dân và 10,8% là các làng, làng kiểu đô thị.
Các đô thị lịch sử của Nga này được chia làm 4 nhóm, tùy thuộc vào giá trị các di sản kiến trúc và đô thị của nó:
Nhóm 1: Là các đô thị lịch sử có ý nghĩa quốc tế, các di sản của nó lưu giữ những bản sắc độc đáo được quốc tế công nhận cần được bảo tồn với những biện pháp và quy chế đặc biệt. Nhóm này bao gồm các TP trong đó các khu vực lịch sử chiếm phần lớn đất đô thị (50% trở lên). Đây chủ yếu là các thị trấn nhỏ và các khu định cư kiểu đô thị với dân số không quá 10-12 nghìn người;
Nhóm 2: Là các đô thị lịch sử ở cấp quốc gia, có các di sản nổi bật đòi hỏi các chương trình tổng thể và dự án chuyên ngành đặc thù để tái thiết và khôi phục môi trường kiến trúc. Nhóm này bao gồm các TP trong đó các khu vực lịch sử chiếm khoảng 30-50% đất đô thị đã xây dựng, chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ hoặc là một phần của các đô thị lớn;
Nhóm 3: Là các đô thị lịch sử cấp vùng, các di sản của nó có giá trị riêng biệt cần được bảo tồn và sử dụng như những di sản đô thị. Nhóm này bao gồm các TP trong đó các khu vực lịch sử chiếm khoảng 15-30% đất đô thị đã xây dựng, chủ yếu là các đô thị vừa và nhỏ hoặc là một phần của các đô thị lớn;
Nhóm 4: Là các đô thị lịch sử còn lại mà trong đó phần ranh giới lịch sử chiếm không quá 5-15% diện tích đất đô thị. Nhóm này chủ yếu là các đô thị lớn và một số đô thị vừa. Trung tâm lịch sử của các đô thị này thường chỉ còn lưu giữ được ít nhiều sự toàn vẹn ở một số những thành phần quan trọng và có ý nghĩa.
Chính phủ Liên bang cũng đã phê duyệt chương trình tổng thể "Bảo tồn và phát huy kiến trúc các đô thị lịch sử” với mục tiêu bảo tồn các di sản kiến trúc và quy hoạch đô thị, đồng thời phát triển kinh tế, nâng cao điều kiện sống, các dịch vụ xã hội, giáo dục, du lịch cho các khu đô thị lịch sử….
Năm 2010, số lượng trong danh sách được điều chỉnh giảm đáng kể từ 478 chỉ còn 41 TP với mục đích tập trung hơn nguồn lực cho những di sản thực sự cần thiết và xứng đáng, đồng thời tháo bỏ những hạn chế, ràng buộc theo những quy định của Đô thị lịch sử cho những đô thị khác. Nhiều TP không còn nằm trong danh sách, điển hình như Matxcơva, Veliky Novgorod hay Kaliningrad. Năm 2016, TP Sevastopol đã được xét duyệt, đưa danh sách các TP lịch sử của LB Nga lên 42 TP.
Để một đô thị (hoặc một phần của nó) được nằm trong danh sách các Đô thị lịch sử, Bộ Văn hóa LB Nga đã đưa ra 8 tiêu chí cơ bản như sau [1]:
1. Đô thị hoặc một phần của nó là một minh chứng đặc biệt và duy nhất của lịch sử xây dựng đô thị cũng như truyền thống văn hóa;
2. Đô thị hoặc một phần của nó đóng vai trò quan trọng trong lịch sử quốc gia;
3. Đô thị hoặc một phần của nó có tuổi đời ít nhất 100 năm;
4. Đô thị hoặc một phần của nó có bản sắc và tiềm năng phát triển về lịch sử văn hóa;
5. Các phần của đô thị hình thành trong lịch sử mang tính bản địa rõ nét và vẫn lưu giữ được tính toàn vẹn của nó;
6. Bảo tồn được ở mức cao cấu trúc quy hoạch đô thị, các không gian công cộng có giá trị trong mối liên hệ chặt chẽ với cảnh quan và địa hình tự nhiên;
7. Lưu giữ được số lượng đáng kể các công trình, tòa nhà lịch sử có giá trị, tạo nên cấu trúc quy hoạch không gian lịch sử, diện mạo kiến trúc đô thị;
8. Lưu giữ được di sản phi vật thể có giá trị liên quan đến lịch sử phát triển đô thị, bao gồm các hội chợ, các nghề thủ công, nghệ thuật dân gian truyền thống.
Kinh nghiệm của Trung Quốc – Tiêu chí đánh giá, công nhận "TP lịch sử và văn hóa cấp quốc gia”
Ở Trung Quốc, "TP lịch sử và văn hóa cấp quốc gia” là một cơ chế bảo vệ di tích văn hóa được thành lập vào năm 1982 theo đề nghị của 3 đại diện đến từ Đại học Bắc Kinh, Bộ Xây dựng và Bảo tàng Cố cung. Tháng 2/1982, để bảo tồn và hạn chế sự tàn phá đối với những TP từng là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa cổ đại hoặc là nơi diễn ra các phong trào cách mạng hiện đại và các sự kiện lịch sử lớn cũng như các di sản của nó, khái niệm "TP lịch sử và văn hóa” đã chính thức được đề xuất ở Trung Quốc. Theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, "TP lịch sử và văn hóa” bao gồm các TP có di tích văn hóa đặc biệt phong phú, có giá trị lịch sử quan trọng hoặc có ý nghĩa cách mạng. Từ góc độ quy hoạch hành chính, "TP lịch sử và văn hóa” không nhất thiết phải là "TP”, cũng có thể là "quận, huyện” hoặc "trấn”.
Tính đến ngày 2/5/2018, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công nhận 135 TP lịch sử và văn hóa cấp quốc gia và có những chính sách bảo vệ đặc biệt đối với các di sản văn hóa của những TP này. Một số các TP tiêu biểu nằm trong danh sách như: Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Lạc Dương, Quế Lâm, Thành Đô, Côn Minh, Thượng Hải, Lệ Giang, Vô Tích…
Các TP lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của Trung Quốc chủ yếu được chia thành 7 loại theo đặc điểm của từng TP:
Kinh đô cổ: Những TP lưu giữ các di tích lịch sử và phong cách của kinh đô các thời đại phong kiến Trung Quốc như Bắc Kinh, Lạc Dương, Tây An…;
TP mang phong cách truyền thống: Là các TP vẫn lưu giữ được một vài giai đoạn lịch sử hoặc bảo tồn được tổng thể hoàn chỉnh kiến trúc đô thị như Bình Dương, Hàn Thành, Bình Dao…;
TP thắng cảnh: Các TP như Quế Lâm, Tô Châu,… mang những đặc điểm độc đáo với sự gắn kết giữa kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên;
TP mang tính chất địa phương và dân tộc: Là các TP mang các đặc điểm, phong tục, văn hóa riêng biệt của địa phương như Lệ Giang;
TP hiện đại và lịch sử: Là các TP mang các đặc điểm thể hiện sự khác biệt giữa một đô thị hiện đại với đô thị của một giai đoạn nhất định trong lịch sử như Thượng Hải, Tuân Nghĩa;
TP có chức năng đặc biệt: Là các TP có chức năng hay hoạt động của nó có một vị trí rất nổi bật trong lịch sử, ví dụ như Tự Cống, Trấn Cảnh Đức;
TP lịch sử nói chung: Là các TP có các di tích văn hóa, mang tính đại diện cho truyền thống lịch sử Trung Quốc như Tế Nam,…
Luật Bảo vệ di tích văn hóa và Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn Trung Quốc đã thiết lập các hệ thống bảo vệ cho các TP, thị trấn và làng văn hóa, và được Hội đồng Nhà nước quy định rõ ràng. Vào ngày 1/10/2005, "Hướng dẫn bảo vệ và quy hoạch các TP lịch sử và văn hóa” đã chính thức xác lập các nguyên tắc, biện pháp, nội dung và ưu tiên bảo vệ đối với TP lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Vào ngày 1/7/2008, "Quy định về việc bảo vệ các TP, trấn và làng lịch sử và văn hóa” đã có hiệu lực, tiêu chuẩn hóa việc phê duyệt và công nhận các TP, trấn và làng lịch sử, văn hóa. Nếu quy hoạch, môi trường và các đặc điểm lịch sử của một TP lịch sử và văn hóa cấp quốc gia bị phá hủy nghiêm trọng, Hội đồng Nhà nước sẽ thu hồi danh hiệu TP lịch sử và văn hóa. Để đánh giá mức độ bảo tồn của các TP lịch sử văn hóa, người ta đưa ra 5 nhóm tiêu chí lớn gồm cả việc đánh giá định lượng và đánh giá định tính. Mỗi tiêu chí lớn lại gồm nhiều tiêu chí nhỏ hơn, có nội dung hướng dẫn tính điểm chi tiết, cụ thể. Nội dung cơ bản của các tiêu chí như sau [2]:
Đánh giá định lượng
1. Mức độ phong phú của di sản được bảo tồn (100 điểm)
2. Mật độ của các công trình kiến trúc lịch sử (100 điểm)
3. Công tác quản lý bảo tồn (100 điểm)
Đánh giá định tính
4. Giữ được diện mạo lịch sử và bố cục truyền thống gồm 3 tiêu chí:
- Môi trường lịch sử bản địa của TP;
5. Giá trị và nét đặc sắc văn hóa lịch sử của TP gồm 3 tiêu chí:
- Vai trò, địa vị của TP trong lịch sử;
- Giá trị khoa học, nghệ thuật hoặc giá trị lịch sử của TP văn hóa lịch sử;
- Đánh giá về mối liên hệ giữa việc bảo tồn TP văn hóa lịch sử với việc phát triển kinh tế xã hội đương đại.
Kết luận
Thông qua việc tham khảo các bộ tiêu chí về phân loại, đánh giá các đô thị có tính chất đặc thù về di sản ở một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số kết luận ban đầu để nghiên cứu áp dụng cho Việt Nam như sau:
1. Việc phân loại, đánh giá các đô thị có tính chất đặc thù về di sản là cần thiết và khá phổ biến ở các nước trên thế giới với mục tiêu lấy đây làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, đặc biệt là các di sản về kiến trúc và đô thị.
2. Trong nhóm các tiêu chí đánh giá các đô thị mang tính chất đặc thù về di sản, các tiêu chí giá trị về di sản phải là cốt lõi và phải được xem xét toàn diện từ nhiều khía cạnh như: Vai trò, vị trí của đô thị trong lịch sử và truyền thống văn hóa; mức độ bảo tồn các cấu trúc đô thị, các công trình, tòa nhà lịch sử; các giá trị văn hóa phi vật thể có liên quan đến lịch sử văn hóa đô thị.
3. Cùng với tiêu chí về di sản, một số tiêu chí khác cũng phải được xem xét tùy thuộc vào mục tiêu của hệ thống tiêu chí, ví dụ như: Tiềm năng phát triển về văn hóa lịch sử; công tác quản lý, bảo tồn di sản; mối liên hệ của việc bảo tồn di sản của TP với việc phát triển kinh tế xã hội; cơ sở hạ tầng đô thị.
4. Yếu tố quy mô đô thị như diện tích, dân số của đô thị thường không được đề cập hoặc nếu có chỉ mang tính số liệu thống kê. Ở một số trường hợp, TP đã không còn được xem xét như đô thị di sản bởi sự phát triển quá mạnh mẽ của các lĩnh vực khác đã làm giảm tính chất "di sản” của đô thị (trường hợp Matxcơva).
Bên cạnh mục tiêu bảo tồn các giá trị di sản, việc đánh giá và công nhận giá trị di sản của một đô thị còn mang ý nghĩa tôn vinh giá trị của TP, tạo thương hiệu, góp phần quảng bá du lịch, làm nền tảng định hướng và phát huy các tiềm năng đô thị một cách hiệu quả và bền vững.
*TS.KTS Hồ Hải Nam
Khoa Kiến trúc – Công trình, Đại học Phương Đông
ThS Trần Trúc Ly
Khoa Đông Phương học, Đại học KHXH&NV Hà Nội