Tại hội thảo "Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở" do VTV Digital tổ chức ngày 6/1, dưới góc độ là lãnh đạo một đơn vị phát triển bất động sản với các dự án khu đô thị vùng ven TP.HCM lên đến hàng trăm hecta, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư Nam Long chia sẻ việc tìm ra một mô hình đô thị phù hợp với Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng là vấn đề rất đáng trăn trở.
"Chúng ta không thể dễ dàng áp dụng những mô hình cao cấp, xa xỉ như Singapore hay các quốc gia phát triển tại châu Âu do không phù hợp với nền kinh tế, xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, cần phải đưa ra những sản phẩm phù hợp với năng lực tài chính và văn hóa của người Việt Nam. Điều này đòi hỏi các bước nghiên cứu, phát triển kỹ lưỡng của các chủ đầu tư để đưa ra những sản phẩm tương xứng", ông Nguyễn Xuân Quang nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng trong công tác quy hoạch phát triển đô thị ở Việt Nam cần đảm bảo 3 yếu tố: Khoa học, bền vững và tính khả thi.
Buổi hội thảo với chủ đề "Phát triển các mô hình đô thị và bài toán nhà ở" ngày 6/1. Ảnh: H.B.
Bình luận về khả năng thu hút người dân về các khu đô thị mới, kiến trúc sư Arnon Snapir, Thành viên Viện Kiến trúc sư Mỹ với 5 năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam cho rằng cần bổ sung nhiều yếu tố để tạo nên một môi trường đáng sống với người dân.
"Chúng ta nói rất nhiều về sự phát triển đô thị nhưng chưa thật sự tạo ra được cảm giác kết nối của một cộng đồng dân cư. Một thành phố đáng sống không có nghĩa là một đô thị đắt đỏ mà là một cảm giác được kết nối giữa người với người, đa dạng về dịch vụ và các tiện ích chung. Đặc biệt, cần tạo ra những công việc chất lượng cao với thu nhập tốt để thu hút cư dân về sinh sống", ông phân tích.
Cùng với các yếu tố trên, ông Nguyễn Thanh Quyền, Tổng giám đốc Thắng Lợi Group cũng nhấn mạnh sự quan trọng của sự kết nối giữa các khu đô thị trong khu vực.
Theo ông Quyền, vấn đề của một khu đô thị mới không phải vị trí cách bao xa mà nằm ở thời gian bao lâu để di chuyển đến những khu đô thị hiện hữu, từ đó đi vào giải quyết bài toán di dân thông qua sự kết nối về hạ tầng giao thông.
Nhìn nhận về vấn đề phát triển các khu đô thị hiện nay, KTS Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng không nên nhìn nhận trung tâm TP.HCM là cái lõi để người dân các khu vực vùng ven hướng về.
Thực tế, Bình Dương, Đồng Nai... là những đô thị đã hoàn chỉnh về cấu trúc và có sự phát triển rất năng động, từ đó cần đánh giá đây là những thành phần tạo nên vùng đô thị Đông Nam Bộ với TP Thủ Đức là trung tâm.
Nhìn ở bức tranh rộng hơn, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định những quy hoạch kết nối hạ tầng giao thông hay khu đô thị vệ tinh chỉ thành công khi thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp và người dân.
Qua đó, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ chỉ ra 5 giải pháp chính để thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và người dân vào quá trình phát triển đô thị chung, bao gồm: Nghiên cứu đề xuất áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh; Dồn điền, đổi thửa đất đô thị trên cơ sở tái định cư tại chỗ; Quy hoạch và tổ chức khai thác quỹ đất hai bên đường, vùng phụ cận; Phát triển các mô hình nhà ở hỗn hợp; Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để áp dụng điều tiết giá trị tăng thêm từ đất một cách công bằng, khách quan, minh bạch.
Theo Hà Bùi/Zing.vn