Từ 5 "kho báu" di sản quận Ba nghĩ đến việc thúc đẩy kinh tế di sản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/12/2020 | 9:06:00 AM

QLMT - Ăn quận Năm, nằm quận Ba… Ai đó đã đúc kết thành tục ngữ. Nhưng quận Ba đâu chỉ có những con đường biệt thự “cây dài bóng mát” – mơ ước nhà cửa của thị dân. Quận Ba còn có nhiều “kho báu” khác mà người viết nhân dự Hội thảo "Tiềm năng phát triển đô thị của quận Ba, TP.HCM" vào ngày 22.12 vừa qua, đã đề nghị khai thác. Mong rằng việc nhận diện các kho báu di sản của từng quận/huyện cụ thể sẽ góp thêm việc thúc đẩy kinh tế di sản cho toàn thành phố và các nơi khác.

Dấu tích Kinh thành Gia Định

Theo các nhà nghiên cứu, đặc biệt theo Petrus Trương Vĩnh Ký là người ghi chép cùng thời, chúng ta có thể nhận ra trên đất quận Ba hiện tại còn nhiều dấu tích của Kinh thành và xóm làng Gia Định, trước khi Pháp vào. Ngoài ra, còn có các dấu tích của cuộc chiến chống Pháp xâm lược vào 1859-1862. Trong đó, nổi bật là các địa điểm như sau:

- Đàn Xã Tắc, nơi vua quan cúng tế Thổ thần và Thần Nông nằm quanh trường Lê Quý Đôn (có thể là gò đất cao trong khuôn viên Dinh Độc Lập đối diện cổng trường). Vị trí này nếu được xác định rõ và phục dựng lễ hội cúng tế (như tại Huế đã làm) sẽ là một sự kiện tiếp nối truyền thống rất ý nghĩa!

- Cổng thành Vọng Khuyết Môn của Thành Bát Quái (ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Phạm Ngọc Thạch).

- Giếng nước lớn của trung tâm Hoàng Thành Gia Định, nay là Hồ Con Rùa.

- Chùa Khải Tường (1744), nơi hoàng tử Đảm (Vua Minh Mạng) chào đời năm 1791. Tại đây, cũng là nơi xuất hiện truyền thuyết Nàng Hai Bến Nghé giúp nghĩa quân tiêu diệt đại úy Pháp Barbé năm 1860. Vị trí này hiện giờ là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở số 28 Võ Văn Tần, phường 5.


Ranh giới quận Ba trên bản đồ Sài Gòn 1955 (Ảnh tư liệu).

- Đoạn Đường Thành là đường Nguyễn  Đình Chiểu đoạn từ ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (CLB thể thao Phan Đình Phùng ) chạy đến ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Bĩnh Khiêm.

- Rạp hát bội của Tổng trấn Lê Văn Duyệt nằm trong khu vực trường Lê Quý Đôn ngày nay.

- Làng Long Điền, Trường HòaMỹ Hội là phần đất hiện giờ từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa trở lên các đường Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu,  Điện Biên Phủ.

- Làng Phú Thạnh - dấu tích là Đình Phú Thạnh tại 199 Cách Mạng Tháng Tám, Phường 4 và Làng Xuân Hòa có dấu tích là Đình Xuân Hòa tại 129 Lý Chính Thắng, Phường 7.

- Chợ Đũi (bán lụa) nguyên thủy ở khu vực Ngã Sáu Phù Đổng, kéo đến ngã tư Võ Văn Tần – Cách Mạng Tháng Tám. Khu vực này còn có Xóm Buồm Đệm (làm chiếu) ở góc đường Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Trãi. Trong dân cư Chợ Đũi và Xóm Buồm Đệm có nhiều người Hoa, qua đấy, dấu tích gần gũi là Miếu Thánh Mẫu ở số 284 Nguyễn Thị Minh Khai – Phường 5.

- Gò Tân Định, nay là khu vực Nhà thờ Tân Định tại 289 Hai Bà Trưng, Phường 8.

- Cầu Cao Miên thông ra Gò Tân Định, nay là Cầu Bông.

- Chiến lũyđại đồn Chí Hòa của Nguyễn Tri Phương năm 1860, khu vực Hòa Hưng, bao gồm hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám

Đã đến lúc cần đặt bia hay có một hình thức lưu niệm trang trọng nào đấy tại các địa điểm trên. Đồng thời, xây dựng các nơi này thành địa chỉ học hỏi lịch sử, tôn kính tiền nhân và thưởng ngoạn du lịch, bằng nhiều cách làm phong phú.

Đường Thiên Lý – con đường quốc phòng và công nghiệp

Đường Cách Mạng Tháng Tám hiện giờ, có tên thời nhà Nguyễn là đường Thiên Lý (sau này mang nhiều tên lần lượt là Thuận Kiều, Verdun, Lê Văn Duyệt). Đó là con đường chiến lược tiến quân và phòng thủ của Thành Gia Định về hướng Campuchia. Đây là một trục đường đan xen nhiều di tích về cả quốc phòng và công nghiệp của nhiều thời kỳ.

- Đồng Tập Trận là cánh đồng dọc hai bên đường Thiên Lý, đồng thời là đất nghĩa trang, người Pháp gọi là Cánh đồng Mồ mả (Plain des Tombeaux). Dấu tích rõ nhất là khu vực Công viên Lê thị Riêng (nguyên là nghĩa trang Đô Thành) và đối diện là Depot xe lửa Hòa Hưng.


Ranh giới quận Ba trên bản đồ Sài Gòn 1975 (Ảnh tư liệu).

- Mô Súng hoặc Trường Súng là gò đất cao dùng làm nơi tập bắn và đúc súng, nay là Vòng xoay Công trường Dân Chủ và khu vực xung quanh Bộ Tư lệnh TP.HCM ngày nay (trước đây có nhiều nhà máy quân cụ).

- Mả Biền Tru, còn gọi là Đồng Mả Ngụy tương truyền là nơi vua Minh Mạng cho xử tử và vùi thây trong các hố chôn chung hơn 1.000 quân dân theo Lê Văn Khôi nổi dậy. Đó là khu vực trải dài từ công viên Lê Thị Riêng và Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hòa Hưng (phường 11), xuống đến vòng xoay Công trường Dân Chủ

- Khu Cột giây thép Chí Hòa (viễn thông), xây dựng cuối thế kỷ 19 bao gồm vị trí hiện tại - hẻm 737 Cách Mạng Tháng Tám và xung quanh

-Depot xe lửa Chí Hòa, xây dựng trong khoảng 1900-1930 với 3 nhà vòm độc đáo, 540/21 Cách Mạng Tháng Tám, phường 11.

-Ga hàng hóa Hòa Hưng đầu thế kỷ 20 nay là ga Sài Gòn (chuẩn bị cho dự kiến mở đường sắt Sài Gòn – Tây Ninh và sau đó đi Phnôm Pênh).

"Đặc khu biệt thự" và các Xóm Thợ

Quận Ba còn là nơi thể hiện nhiều cột mốc của lịch sử xây dựng Sài Gòn tân tiến từ cuối thế kỷ 19 sang nửa đầu thế kỷ 20. Hoàn toàn có thể tổ chức các tour tham quan, tìm hiểu quá trình xây dựng đô thị hiện đại, thông qua nhiều địa điểm đa dạng và độc đáo. Trước nhất, đó là các con đường huyết mạch Impériale (Hai Bà Trưng), Chasseloup Laubat (Nguyễn Thị Minh Khai), Richaud (Nguyễn Đình Chiểu), Thuận Kiều (Cách Mạng Tháng Tám).

Kế đến, các kiến trúc tiêu biểu như Nhà thờ Tân Định (1870-1876), sớm hơn Nhà thờ Đức Bà,  trường Chasseloup Laubat (Lê Quý Đôn ) năm 1877, hoặc Tháp nước Thevenet (1878-1880 ) – ngày nay là trung tâm Hồ Con Rùa. Ngoài ra, còn có Tháp nước của giếng Mac Mahon (1886 ), hiện vẫn còn trong khuôn viên công ty Sawaco, ở số 1 Công trường Quốc tế (phường 6). Cả hai cũng là nơi đặt nhà máy nước đầu tiên của Sài Gòn.


Biệt thự 110 - 112 Võ Văn Tần (quận 3, TP.HCM) đã có kế hoạch trùng tu để trả lại một kiến trúc ẩn chứa nhiều giá trị Việt Nam. Ảnh: Trung Dũng

Mặt khác, nổi bật ở Quận ba là khu vực dân cư cao cấp, được quy hoạch và xây dựng khang trang vào các thập niên 1920-1950. Khu này bao gồm các con đường cây xanh, thiết kế dọc ngang vuông vắn. Đó là các con đường như Blancsubé (Phạm Ngọc Thạch), Barbé (Lê Quý Đôn), Testard (Võ Văn Tần), Richaud ( Nguyễn Đình Chiểu ), E. des Vergnes (Trần Quốc Thảo), Mayer (Võ Thị Sáu), Le Grand de la Liraye (Điện Biên Phủ), Pellerin (Pasteur), Thevenet (Tú Xương), Jauréguiberry (Ngô Thời Nhiệm), Larégnère (Trương Định), Cazeau (Lê Ngô Cát), Ribot (Phạm Đình Toái), Trương Minh Ký (Nguyễn Thị Diệu), Colombier (Hồ Xuân Hương ), Audouit (Cao Thắng)…

Nơi đây chỉ dành cho các "nhà Tây” - biệt thự kết hợp kiểu kiến trúc Pháp và môi trường nhiệt đới Sài Gòn. Hiện tại, vẫn còn hơn 100 biệt thự xưa đẹp thuộc phường 6 và 7. Tất cả hợp thành "đặc khu biệt thự”, trong đó có nhiều ngôi biệt thự không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn có giá trị lớn vì gắn với tên tuổi nhiều nhân vật nổi tiếng của nhiều thời kỳ khác nhau.

Đan xen vào "đặc khu biệt thự” là các trường học, công viên nhỏ, các bệnh viện, cơ sở y tế và tôn giáo hoàn chĩnh. Chẳng hạn, các trường học Nữ sinh bản xứ (Minh Khai, 1915), Marie Curie (1918), Saint Exupéry (1940s ), Colette, Aurore… Các cơ sở y tế  như Viện Pasteur (1905), Bảo Sanh Henritte Bùi Quang Chiêu, Bệnh viện Saint Paul (1937), Bảo sanh Đông Dương (Từ Dũ 1938), Bệnh viện Bình Dân (1954), Bệnh viện Da Liễu, Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (1911), các đền chùa và nhà thờ …


Cổng vào Cư xá Đô Thành – khu "xóm thợ” năm 1942, sau 1955 trở thành khu công chức trung lưu. Ảnh: Phúc Tiến

Mặt khác, Quận Ba trước 1975 còn là nơi có nhiều dinh thự là trụ sở các cơ quan quốc gia: Phủ Phó Tổng thống (2 Tú Xương ), Bộ Thông tin (79-81 Nguyễn Đình Chiểu ), Bộ Kế hoạch (244 Điện Biên Phủ), Bộ Cựu Chiến binh (127 Trương Định), Bộ Phát triển Nông thôn (272 Võ Thị Sáu), Tổng cục Gia cư (60 Trương Định), Tổng nha Thiết kế và Kiến thiết đô thị (29 Bis Nguyễn Đình Chiểu), Sài Gòn Thũy Cục (86 Nguyễn Thông ).

Thêm nữa, nhiều nhà cửa là trụ sở các cơ quan Ngoại giao và Quốc tế như Mỹ (56 Trương Định), Bỉ (13 Trần Quốc Thảo), Malaysia (118 Trần Quốc Thảo), Nhật Bản (150 Nguyễn Đình Chiểu), Hà Lan (147 Nguyễn Đình Chiểu),  Campuchia (185 Cách Mạng Tháng Tám), Đài Loan (175 Hai Bà Trưng ), UNDP (287 Điện Biên Phủ ), WHO và UNICEF ( 185 Võ Thị Sáu )… Và trụ sở các hãng hàng không: Tổng hành dinh Air Vietnam (27 Nguyễn Đình Chiểu), văn phòng Air France (127 Trần Quốc Thảo)…

Cùng thời gian 1900-1975, không thể quên sự xuất hiện của các " Xóm Thợ”, là các xóm lao động hình thành tự phát ở các vùng đất ven kênh rạch, đất trống. Chủ yếu là "dân thợ” đi làm việc cho các nhà máy Ba Son gần rạch Thị Nghè, nhà máy điện nước, nhà máy xe lửa, nhà máy quân sự gần kênh Nhiêu Lộc. Từ năm 1945-1975 do chiến tranh nên có dân tỵ nạn đổ về, hình thành nên các xóm lao động Bàn Cờ, Vườn Chuối, Chí Hòa, Hòa Hưng, Cống Bà Xếp, cầu Trương Minh Giảng (Lê Văn Sỹ), Yên Đỗ (Lý Chính Thắng)… Các xóm lao động này phần lớn đều đã "đổi đời”. Nhà cửa trong hẻm từ nhà lá, nhà tôn, nhà gỗ đã chuyển thành nhà gạch, nhà đúc. Các con hẻm từ đường đất đã thay đổi thành đường láng xi măng, sắp xếp quy cũ hơn.

Kinh Nhiêu Lộc –Thị Nghè

Con kênh này thời xưa là tuyến vận chuyển hàng hóa và quân lính trên trục Đông –Tây phần trên của Sài Gòn. Đồng thời, đó cũng là nơi thủy quân nhà Nguyễn tập trận và tuần tra từ rạch thị Nghè vào sâu khu vực phía Tây thành phố.

Trong thời chiến tranh 1945-1975, hai bờ kinh trở thành nơi tập hợp các xóm nhà lụp xụp của dân tỵ nạn và dân nghèo các tỉnh "chạy loạn” đến. Do vậy, nhiều năm liền, hai bờ kinh có cảnh quan xấu xí, sông nước ô nhiễm, sinh hoạt thiếu an ninh. Hiện tại, cả tuyến kinh đã được cải tạo, dòng nước trong xanh đang trở lại. Cả hai bờ trở nên phong quang, thoáng đãng. Ven hai bờ kinh hiện có nhiều trường học, hàng quán, đền chùa, nhà thờ, cơ sở giải trí. Gần đây, bắt đầu có nhiều khu nhà cao tầng mới mọc lên.


Một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Zing

Đặc biệt, hai con đường ven kinh mang tên Hoàng Sa và Trường Sa, càng làm tăng thêm tính chất văn hóa- lịch sử. Trong tương lai gần, nếu có thêm đường kết nối với các trạm Metro trên đường Cách Mạng Tháng Tám và có thêm các cây cầu mới bắc qua hai bờ, thế mạnh sông nước tại đây chắn chắn sẽ được khơi dậy lớn.

Tại khu vực Depot xe lửa Chí Hòa với diện tích lớn hướng ra bờ kinh có thể xây dựng làm khu bảo tàng (đường sắt , kênh rạch, biển đảo) và du lịch tổng hợp trên bến dưới thuyền. Trên dòng kinh, ngoài các hình thức du lịch như tour tham quan trên canô, chợ nổi, nhà hàng nổi, rất nên nghĩ đến việc tái hiện các trận thủy chiến lừng lẫy của Việt Nam. Chắc chắn một trung tâm du ngoạn, giải trí bên bờ kinh độc đáo như vậy sẽ không kém các khu di lịch tương tự như Boat Quay, Clark Quay ở Singapore hay River Walk ở San Antonio (Mỹ).

Cộng đồng dân cư – dân tộc phong phú

Đây chính là di sản phi vật thể lớn lao mà không phải ở quận nào của Sài Gòn cũng có được! Về dân tộc, ngoài người Việt và người Hoa, tại Quận Ba còn có người Khmer, đa số ở chung quanh khu vực Chùa Chantaransey (1946 ), đường Trần Quốc Thảo, phường 7. Trong khi đó, người Chăm (Chàm), phần lớn từ An Giang đến vào những năm 1950,  tập trung ở các khu Hòa Hưng (quanh Thánh đường và Nghĩa trang Hồi Giáo, đường Cách Mạng Tháng Tám, Phường 10) và khu chợ Trương Minh Giảng, nay là Nguyễn Văn Trỗi (phường 13).

Với người Việt, ngoài cư dân gốc của Gia Định xưa, sau năm 1859, có thêm người dân Công giáo đến từ bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng do Pháp đưa vào, định cư tại khu vực quanh Nhà thờ Tân Định. Sau tháng 7.1954, dân miền Bắc di cư sống phần lớn ở các khu Chí Hòa - Hòa Hưng, Bàn Cờ, Vườn Chuối và Ngã Bảy - các khu đất còn trống hoặc gần gũi các doanh trại quân đội. Trong cuộc chiến từ 1965-1975, tiếp tục có dân tỵ nạn chiến tranh từ miền Trung và miền Tây đổ về Sài Gòn, trong đó có quận Ba. Kể cả, Việt kiều ở Campuchia chạy loạn "cáp duồn” trở về sau 1971, tập trung tại khu tạm cư Petrus Ký (nay là khu Hồ thị Kỷ), tỏa ra khu vực Lý Thái Tổ - Bàn Cờ.


Nhà thờ Tân Định. Ảnh: Vnexpress

Về giáo dục, tại Quận Ba có đủ các trường học từ phổ thông đến Đại học. Trong đó, đã đi vào thơ ca và âm nhạc là khung trời Đại học, bao gồm các trường Y khoa (trước năm 1961 đặt ở 28 Võ Văn Tần), trường Luật (17 Phạm Ngọc Thạch, nay là Đại học Kinh tế), trường Kiến trúc (196 Pasteur) và trụ sở Viện đại học Sài Gòn (số 3 Công trường Quốc tế). Đây là các trường di chuyển từ Hà Nội vào, tập trung quanh Hồ Con Rùa hiện tại.

Ngoài ra, bên cầu Lê Văn Sỹ, còn có cơ sở lớn của Đại học Vạn Hạnh (222 Lê Văn Sỹ, nay là Đại học Sư phạm). Đồng thời với Đại học là các ký túc xá sinh viên: Đại học xá Trần Quý Cáp (dành cho nữ sinh, 97 Võ Văn Tần, nay là Đại học Mở), Lưu xá Thanh Quan (232 Bis C Võ Thị Sáu, nay là cơ sở đào tạo của Chương trình kinh tế Fulbright ), Cư xá Phục Hưng (43 Nguyễn Thông), Cư xá Đắc Lộ (161 Lý Chính Thắng)...


Chùa Vĩnh Nghiêm. Ảnh: blog.traveloka

Về tôn giáo, các cơ sở Phật giáo và tín ngưỡng dân gian nổi tiếng trên đất Quận Ba là Tam Tông Miếu (1927) đặt tại 82 Cao Thắng - Phường 4, Chùa Kỳ Viên (1949) 610 Nguyễn Đình Chiểu - Phường 3, Đền Sòng Sơn (1955) đường Nguyễn Thiện Thuật, Đền Trần Hưng Đạo (1957) đường Võ Thị Sáu, Chùa  Xá Lợi (1958) đường Bà Huyện Thanh Quan, Chùa Vĩnh Nghiêm (1971) đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa…

Trong khi ấy, quận Ba cũng có khá nhiều cơ sở Công giáo dẫn đầu là Nhà thờ Tân Định, Tu viện và nhà thờ Kỳ Đồng (1940), và các nhà thờ, nguyện đường như Bàn Cờ, Chí Hòa, Regina Pacis, Mai Khôi, Vườn Xoài, Đa Minh, Đắc Lộ… Ngoài ra, quận Ba còn có nhiều di tích, công trình tượng đài liên quan các cuộc đấu tranh vì dân chủ, độc lập và thống nhất đất nước.


Phố Nhạc cụ (Nguyễn Thiện Thuật). Ảnh: VNE

Đặc biệt, trên đất Quận Ba đã hình thành nhiều phố chuyên doanh và thương hiệu ẩm thực thành công. Đó là các Phố Hàng Cưới (Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Đình Chiểu), Phố Nhà may áo dài (Pasteur), Phố Nhà may Veston ( Nguyễn Đình Chiểu), Phố Nhạc cụ (Nguyễn Thiện Thuật)…

Trong khi ấy, nhiều thế hệ dân Sài Gòn và du khách từ xưa đến nay đã thích thú với Phở Pasteur, Phở gà Hiền Vương (Võ Thị Sáu), Bánh mì Hòa Mã (Cao Thắng), Chè Hiển Khánh, Cháo Quảng Cà phê Cheo Leo , Bánh mì Hà Nội (khu Bàn Cờ ), Bún Bò Huế (khu Nguyễn Thông, Trương Minh Giảng), Ốc và Hải sản (Nguyễn Thượng Hiền). Cũng như không quên được những thương hiệu "vang bóng một thời”, nay không còn nữa như Cà phê Năm Dưỡng, Phở Tàu Thủy (Nguyễn Thiện Thuật), Phở Nghi Xuân (Cao Thắng), nhà hàng Sing Sing (đường Nguyễn Đình Chiểu)…

Thêm nữa, còn phải tính đến cộng đồng dân cư đa ngành nghề và giai tầng hết sức đa dạng và sinh động, hình thành qua nhiều thập kỷ. Tại quận Ba có đủ các nhân vật tinh hoa và quần chúng, bao gồm từ giới thượng lưu đến bình dân, từ trí thức đến lao động chân tay, từ công chức đến văn nghệ sĩ. Tất cả nguồn nhân lực trên và các yếu tố dân tộc-văn hóa-tôn giáo hòa quyện và tụ hội về đây làm nên sức mạnh của một quận trung tâm lâu đời – "đất lành chim đậu”! Hoàn toàn có thể động viên các cộng đồng đặc sắc ấy cùng tham gia tạo nên các lễ hội, các phố đi bộ, các hoạt động giữ gìn và phát huy các giá trị di sản của mình ngay tại nhà, tại xóm và tại phường một cách rộng rãi và hiệu quả!

Biện pháp cụ thể phát huy di sản và thúc đẩy kinh tế di sản ở quận Ba

Người viết, đồng thời còn là một cư dân hơn 50 năm tại xóm Bàn Cờ của quận Ba, xin đề xuất mấy việc cụ thể như sau:

1/ Tổng kiêm kể và thông tin tình trạng các di tích, di sản đã xếp hạng hay chưa xếp hạng. Lập ngân hàng dữ liệu di sản vật thể và phi vật thể của Quận, đưa lên cổng thông tin điện tử của quận và Thành phố.

2/ Gắn bảng ghi nhận lịch sử vắn tắt các công thự, biệt thự, các tòa nhà đẹp, đền, chùa, nhà thờ, thánh đường...

3/ Lập các góc lưu niệm lịch sử quận, phường tại trụ sở các cơ quan hành chính, Đảng, đoàn thể cấp quận, phường.

4/ Mở dự án ghi chép và ghi hình chuyện kể lịch sử - Oral History về gia đình, phố phường, khu xóm từ những người già 60 tuổi trở lên.


Hồ Con Rùa (ảnh) cùng đường Nguyễn Thượng Hiền được đề xuất trở thành phố đi bộ. Ảnh: Cafef

5/ Vận động người dân cho mượn hoặc đóng góp hình ảnh tư liệu, hiện vật liên quan gia đình, phố phường, khu xóm để trưng bày trong Bảo tàng Quận, đồng thời digital hóa đưa lên web

6/ Đặt bia kỷ niệm Đàn Xã Tắc và các di tích của Kinh Thành Gia Định, kết hợp  mở tour tham quan liên tuyến di tích Kinh thành Gia định ở quận Một và một số quận khác.

7/ Mở tour tham quan các công trình kiến trúc và cảnh quan ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (kết hợp với các quận dọc kênh).

8/ Mở tour tham quan các biệt thự cổ trên các con đường biệt thự (bao gồm các biệt thự nằm trên các con đường kế cận thuộc quận Một, Năm, Mười) kết hợp với Tour ẩm thực và các phố đi bộ (Hồ Con rùa, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Thượng Hiền.

9/ Thành lập Bảo tàng Quận Ba tại một kiến trúc xưa đẹp, có vị trí thuận lợi. Thí dụ, sử dụng nhà 39 Trần Quốc Thảo (nguyên là dinh thự của Tổng giám đốc hãng buôn Pháp Descours và Cabaud trước 1945) hoặc biệt thự 126 Cách Mạng Tháng Tám. Mặt khác, cũng có thể lập Bảo tàng Quận Ba ngay tại Depot xe lửa Hòa Hưng khi nhà máy tại đây sẽ di dời để trở thành khu dân cư - thương mại.

10/ Lập dự án Bảo tàng Đường sắt tại Ga Hòa Hưng và Depot Hòa Hưng. Du khách có thể đi xe lửa một đoạn ngắn thú vị từ Ga Hòa Hưng đến Depot Hòa Hưng để trải nghiệm đường sắt và tham quan các đầu máy và toa tàu xưa, các nhà vòm xưa của nhà máy xe lửa.

11/  Lập dự án Bảo tàng Sông Nước và Biển đảo, đặt tại một phần Depot Hòa Hưng, trông ra kênh Nhiêu Lộc. Sử dụng kênh Nhiêu Lộc làm sân khấu tái diển các hoạt động sông nước Nam Bộ, các trận thủy chiến nổi tiếng của Việt Nam. Dành một diện tích thích ứng làm công viên tại khu này.

Mong rằng những việc làm thiết thực và có thể triển khai nhanh trên đây sẽ có thể thực thi sớm thay cho những kế hoạch xây dựng tượng đài, nhà cửa hoành tráng!

Ranh giới quận Ba xưa và nay

Đơn vị và tên gọi Quận ở Sài Gòn chỉ mới xuất hiện từ sau tháng 6.1951. Trong đó, quận Ba, theo bản đồ năm 1955, là vùng đất có ranh giới - từ trên xuống dưới theo chiều kim đồng hồ là kênh Nhiêu Lộc, đường Petrus Ký nối dài (nay là Lê Hồng Phong, khu Kỳ Hòa, phía sau khu Hòa Hưng), đường Lý Thái Tổ, đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai ) và vòng trở lại kênh Thị Nghé. Như vậy, Quận Ba vào những năm 1950 bao gồm toàn bộ khu vực Chí Hòa, Hòa Hưng, Bàn Cờ, Vườn Chuối, Cư xá Đô Thành, khu vực công trường Chiến Sĩ ( Hồ Con Rùa ), Đa Kao và Tân Định.

Tuy nhiên, từ năm 1969, một phần quận Ba bị cắt đất để thành lập quận Mười. Đó là các khu đất thuộc khu vực Ngả Bảy - Phan Thanh Giản, Việt Nam Quốc Tự, toàn bộ khu Chí Hòa, một nửa khu Hòa Hưng – bên này đường Lê Văn Duyệt (nay là Cách Mạng tháng Tám ).

Sau đó, quận ba lại bị cắt tiếp một phần đất về quận Một bao gồm một nửa Tân Định ( bên kia đường Hai Bà Trưng) và toàn bộ khu Đa Kao (khu vực xung quanh đường Trần Quang Khải và Cầu Bông).

Do vậy, khi "kiểm kê”, nhìn lại và phân tích các di sản kiến trúc và cảnh quan và các di sản khác của vùng đất này, chúng tôi đề nghị cần lưu ý đến một không gian rộng lớn hơn không gian quận Ba hiện tại của quận Ba.

Mặt khác, khi tính đến các kế hoạch phát triển kinh tế, du lịch và văn hóa - xã hội, chúng ta không thể quên các yếu tố liên thông đường liền đường, phố liền phố, kênh rạch liền kênh rạch giữa quận Ba với các quận khác của thành phố. 


Theo Phúc Tiến/ Người Đô Thị

Tags di sản quận Ba kinh tế di sản Quận 3 TP.HCM

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục