Từ "Hòn Ngọc Đông Dương"
Với mục tiêu phát triển Tam Đảo I thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn khách du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; vừa qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch Tam Đảo I - thị trấn Tam Đảo - huyện Tam Đảo làm cơ sở thu hút đầu tư và quản lý xây dựng.
Ngày trước, người Pháp đã dùng cụm từ "Hòn ngọc Đông Dương” để chỉ Tam Đảo thời ấy. Khi đó Tam Đảo như một thị trấn thuần Pháp kiêu hãnh trên sườn dốc, đỉnh núi. Rồi "Hòn ngọc Đông Dương” trong những năm tháng cũ đã phủ bụi thời gian, gần như biến mất khỏi bản đồ du lịch, nghỉ dưỡng.
Khi kinh tế - xã hội phát triển, cuộc sống của người dân cả nước ngày một đi lên thì nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch sôi động trở lại. Thị trấn Tam Đảo - nơi được ví như Sa Pa, Đà Lạt thu nhỏ nhanh chóng đã trở thành điểm đến nổi tiếng và quen thuộc với nhiều du khách. Đặc biệt, những năm gần đây cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch được quan tâm đầu tư, KDL Tam Đảo ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã tạo cơ hội cho hàng loạt công trình, homestay mọc tràn lan khiến Tam Đảo không còn giữ được vẻ nguyên sơ cổ kính, thay vào đó là những khối bê tông hóa, công trường với tiếng máy khoan đục, nhiều công trình xẻ núi, san đồi…
... Đến thị trấn "bê tông hoá"
Ngày nay, Tam Đảo lại như một trường đua đang diễn ra những cuộc "chạy đua” bê tông hóa khi nhan nhản những biệt thự, homestay mọc lên không theo quy hoạch nào.
Mặc dù đã có Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Tam Đảo nhưng tình trạng xây dựng tràn lan, không phép, sai phép vẫn diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch nơi đây.
Tình trạng xây dựng tràn lan, không phép, sai phép diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch nơi đây
Trước thực trạng sai phạm diễn ra công khai, tràn lan tại khu vực này, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo.
Cụ thể, Văn phòng Chính phủ nêu lại thông tin báo chí phản ánh việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu "quy hoạch chạy theo nhà đầu tư”, tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm thuộc thị trấn Tam Đảo. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo.
Đáng chú ý, việc xẻ núi, đào đất diễn ra ở nhiều nơi tại thị trấn Tam Đảo. Theo phản ánh của người dân địa phương, nhiều diện tích đất lâm nghiệp, đất canh tác bị chủ đầu tư đào xới, san nền để xây dựng. Những khách sạn cao tầng được ồ ạt xây dựng với diện tích sàn lên đến hàng chục nghìn mét vuông.
Điển hình như, khách sạn Camellia nằm ngay sát công viên trung tâm và là một trong những khách sạn lớn nhất Tam Đảo hiện nay (do công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc là chủ đầu tư) đã được cấp phép xây dựng từ năm 2018. Tuy nhiên trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã điều chỉnh thiết kế, thi công sai giấy phép xây dựng, xây vượt 1 tầng và 1 tum so với giấy phép xây dựng lên đến hàng nghìn mét vuông.
Ngoài ra, còn một số khách sạn cũng được phát hiện như: Khách sạn Century được cấp giấy phép xây dựng năm 2020 nhưng (thi công sai giấy phép, xây dựng vượt 1 tầng so với giấy phép); khách sạn Thiên Phúc (xây dựng không phép); khách sạn Thanh Hải (cải tạo sửa chữa công trình nhưng không có giấy phép xây dựng, cơi nới thêm phần diện tích đất phía sau cao 7 tầng); khách sạn Thắng Lợi (cải tạo sửa chữa công trình không có giấy phép điều chỉnh và đã tự xây dựng thêm 200 m2); khách sạn Hương Sơn (xây dựng thêm đơn nguyên mới 5 tầng không phép).
Khảo sát thực tế của PV tại thị trấn Tam Đảo cho thấy, hàng chục khách sạn, công trình cao tầng vẫn đang được cấp tập xây dựng. Nhiều tuyến đường ngổn ngang vật liệu, tràn ra cả lối đi như một đại công trường. Những siêu khách sạn được xây dựng với quy mô lớn sừng sững trên các tuyến đường dẫn lên Thác Bạc, đường lên Đền Bà Chúa Thượng Ngàn... Ngay cả những tuyến đường nhỏ ở thôn 2 cũng phủ kín các công trình, homestay xây dựng không phép, sai phép.
Trong khi thị trấn thiếu nghiêm trọng bãi đỗ xe và nhiều tiện ích khác để phục vụ khách du lịch thì mảnh đất còn sót lại tại trung tâm thị trấn đã được chuyển thành dự án khách sạn mang tên Grand Victory Hotel. Diện tích khu đất là 6. 876m2, diện tích đất xây dựng là 3. 215m2; dự án được thiết kế 13 tầng và 1 tầng hầm. Dễ dàng hình dung khi tổ hợp khách sạn này hoàn tất xây dựng, không gian khu trung tâm thị trấn vốn đã chật chội lại bị thu hẹp đến mức nào.
Theo đánh giá của Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch chung, khu vực trung tâm thị trấn có mật độ xây dựng tương đối cao (40-50%), khu vực tổ dân phố số 2 có mật độ thấp hơn ( 15 - 20%). Các công trình cao tầng chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thị trấn với tầng cao từ 1 - 7 tầng.
Khách sạn, công trình cao tầng vẫn đang cấp tập xây dựng ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian và môi trường sống tại Tam Đảo.
Đáng nói, theo phản ánh của người dân nơi đây, cả thị trấn du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo đón rất nhiều du khách mỗi ngày, những đợt nghỉ lễ, tết có thể lên đến hàng nghìn lượt du khách. Do hạ tầng quá tải, đường xá nhỏ hẹp, chậm được cải tạo và thiếu bãi đỗ xe, nhiều phương tiện phải đỗ trên vỉa hè, quán ăn, khách sạn, tràn ra lòng đường hay dải đất trống vài mét vốn là rặng thông với lối đi nhỏ sát công viên trung tâm.
Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đưa ra lấy ý kiến mới đây cho thấy: Quy mô xây dựng và dân cư vẫn tiếp tục tăng mạnh. Định hướng phát triển khu vực thị trấn Tam Đảo thành khu du lịch cấp tỉnh với quy mô sử dụng đất khoảng 300 ha, quy mô khách du lịch khoảng 300.000 lượt khách lưu trú/năm. Đất ở hiện trạng là 12,46 ha, quy hoạch đất ở mới tăng thêm 7,25 ha.
Về không gian kiến trúc, thị trấn Tam Đảo được chia thành 9 khu vực để tổ chức và quản lý không gian kiến trúc. Cụ thể, khu công viên trung tâm với định hướng là khu thấp tầng, mật độ xây dựng thấp. Khu 2 là khu công viên sinh thái, vui chơi giải trí. Bao gồm tổ hợp bãi đỗ xe, cây xanh phân tầng và bãi đỗ xe thông minh kết hợp khu đường dạo ven hồ và khu cây xanh sinh thái.
Hàng loạt công trình xây dựng ồ ạt mọc lên khiến bộ mặt khu du lịch Tam Đảo trở nên "nhếch nhác"
Đặc biệt khu 3 được định hướng là khu dịch vụ thương mại cao tầng, cho phép những công trình có tầng cao tối đa đến 15 tầng.
Theo nhiều chuyên gia quy hoạch, việc thay đổi xây dựng và cảnh quan khu trung tâm thị trấn gần như bất khả thi vì các công trình lớn nhỏ, chen chúc mọc lên lấp đầy quỹ đất nên cần xem lại tính khả thi của đề án quy hoạch này.
Những hệ lụy đã được nhìn thấy rõ khi việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng diễn ra ồ ạt, trong khi đó câu chuyện bảo tồn lại không được chú trọng.
Theo ông Nguyễn Anh Đào - Chủ tịch HĐND thị trấn Tam Đảo, hạ tầng thị trấn chậm được đầu tư dẫn đến quá tải cả về giao thông, bãi đỗ xe, xử lý nước thải. Cuối năm 2019, HĐND thị trấn đã họp góp ý vào dự thảo quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo đến năm 2030, trong đó đã kiến nghị cần tăng cường đầu tư về hạ tầng.
Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hệ thống thoát nước của thị trấn đi chung với nước mưa, đã xây dựng 2 trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm/trạm nhưng chưa đi vào hoạt động. Theo Huyện ủy Tam Đảo, về quy hoạch thị trấn đã lấy ý kiến nhiều cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Đồng nghĩa với việc nhiều hạng mục, công trình, dự án theo quy hoạch cũng chưa biết khi nào được triển khai.
Bình luận về sự quá tải hạ tầng Tam Đảo, KTS Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội cho rằng, thị trấn Tam Đảo là khu cảnh quan thiên nhiên, khu du lịch nghỉ dưỡng. Việc cấp phép xây dựng công trình trong khu vực này phải tuân thủ nguyên tắc không phá vỡ, lấn át cảnh quan thiên nhiên.
Bài học nhìn từ "vết xe đổ" tại Sapa và Đà Lạt
Lý giải về tình trạng phát triển ồ ạt, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tại Tam Đảo thời gian qua, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, xuất phát từ sai lầm của các nhà quản lý, định hướng phát triển Tam Đảo chạy theo mục đích kinh tế. Từ một thị trấn nổi tiếng về du lịch, trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và biến thành đại công trường ngổn ngang đến "ngộp thở”.
Hàng trăm công trình, khách sạn, homestay,...xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo
Ngày 25/11/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc kiểm tra, xử lý theo phản ánh của báo chí về hàng loạt công trình xây dựng không phép tại thị trấn Tam Đảo.
Văn bản nêu rõ: Theo phản ánh của báo chí: "Việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”. Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm (nếu có) theo thông tin báo chí phản ánh.
Quá trình đầu tư, phát triển du lịch một cách mạnh mẽ, ồ ạt giúp nhiều địa phương thu về những giá trị kinh tế nhất định nhưng phải trả giá đắt cho việc làm phá vỡ cảnh quan...
Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị báo cáo về Bộ Xây dựng (qua Thanh tra Bộ) trước ngày 31/12/2020 để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu ý kiến: "Với những khu vực cảnh quan thiên nhiên, di sản thiên nhiên như Tam Đảo, việc cấp phép xây dựng không được vượt quá 9 tầng nổi. Công trình từ 9 tầng trở lên là công trình cao tầng sẽ phá vỡ cảnh quan thiên nhiên nơi đây”.
"Du khách đến với Tam Đảo là vì khí hậu đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên, vì vậy phải đặc biệt bảo vệ yếu tố này” - KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.
Tại khu vực thôn 1 và thôn 2, tình trạng đua nhau xây dựng hàng trăm homestay không phép, xây dựng trên đất canh tác, đất vườn. Hình ảnh những homestay hàn khung sắt cheo leo trên sườn đồi, trong phần đất xen kẹt, hàn khung sắt, lợp tôn và hầu như không có thiết bị phòng chống cháy nổ rất nguy hiểm xuất hiện dày đặc... khiến dư luận thắc mắc không biết vì chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, chế tài chưa đủ mạnh hay vì nguyên nhân nào mà đến thời điểm này nhiều công trình xây dựng có dấu hiệu sai phạm vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức dư luận.
Bài học của Sa Pa, Đà Lạt - những thị trấn mờ sương giữa vùng cao với các ngôi nhà mang đặc trưng bản địa ẩn nấp giữa núi rừng trùng điệp đang dần trở thành những "khu đô thị mới” dày đặc bê tông và khói bụi, sau quá trình xây dựng ồ ạt vẫn còn đó.
Câu chuyện mất nước ở Sa Pa là một minh chứng cụ thể của bài toán phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Sa Pa - điểm nghỉ dưỡng hoàn hảo với khung cảnh lãng mạn nhưng dần dần đã "biến chất" hoàn toàn khi bị băm nát quy hoạch, bê tông hóa... là những nhận định mà giới chuyên gia dành cho nơi này.
Đà Lạt cũng đang từng bước đi vào "vết xe đổ” đó. Nơi đây nổi tiếng với khí hậu đồi núi mát mẻ, rừng thông cổ thụ tĩnh mịch và những di sản kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, sự phát triển manh mún, tự phát thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát trong một thời gian dài đã dần xoá đi những gì vốn là đặc trưng riêng, khiến Đà Lạt cũng trở nên xô bồ, ồn ào. Thay vì không gian sương mù phủ lấp thì Đà Lạt lại bị "đô thị hóa” với những con đường bụi bặm và rác thải.
Theo thống kê, trước đây, Đà Lạt sở hữu 1.500 biệt thự cổ nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 400 căn. Một nửa diện tích khu vực hồ Tuyền Lâm sẽ được khai thác thành các khu vui chơi, nghỉ dưỡng, resort, khách sạn…, nửa còn lại phát triển du lịch sinh thái. Quá trình biến đổi này sẽ chặt bỏ hơn 98.000 cây thông, vốn là một đặc trưng của thành phố này. Bức tranh về một khu du lịch náo nhiệt bị bê tông hoá chắp ghép và lộn xộn đang dần thay thế hình ảnh của thành phố mộng mơ, thiên đường nghỉ dưỡng một thời.
Sa Pa và Đà Lạt được lựa chọn trở thành khu du lịch trọng điểm nhờ vào những tiềm năng vốn có. Thế nhưng có một nghịch lý đang diễn ra, đó là càng quy hoạch, càng đưa ra mục đích bảo tồn và phát triển thì Sa Pa và Đà Lạt lại càng trở nên lộn xộn, đánh mất đi bản sắc. Điểm chung của 2 khu du lịch nức tiếng này là quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh đến mức "chóng mặt”. Một tầm nhìn được coi là hiện đại đã bị xóa đi giá trị cốt lõi, để lại Sa Pa và Đà Lạt là khối bê tông dày đặc, bụi bặm.
Đứng trước xu hướng phát triển du lịch tự phát, thiếu tầm nhìn bền vững như hiện nay. KTS Ngô Doãn Đức - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, Tam Đảo, Ba Vì là những di sản thiên nhiên quý báu được người Pháp tìm giúp Việt Nam. Tam Đảo quý giá không chỉ nhờ vào vị trí địa lý, cấu trúc địa tầng, địa chất đặc biệt mà đây còn là khu vực có tính đa dạng sinh học cao, là kho dự trữ các nguồn gen động thực vật quý hiếm của nước ta.
Cũng chính bởi những đặc điểm đó, người Pháp đã xây dựng khu nghỉ dưỡng Tam Đảo và được ví như một "đô thị” trên núi cao với hơn 100 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy. Thế nhưng, người Pháp đặc biệt lưu ý tới vấn đề bảo vệ, bảo tồn di sản thiên nhiên tại khu vực này, chính vì thế mà dự án nghỉ dưỡng được xây dựng nhưng Tam Đảo khi đó vẫn giữ nguyên được những đặc tính nguyên sơ của một vùng thiên nhiên đa dạng và thơ mộng. Đáng tiếc, gần đây vì mục đích kinh doanh, nhiều biệt thự xưa không còn, thay vào đó đã có thêm nhiều khách sạn, nhà nghỉ, khu vui chơi mới được xây dựng với mật độ cao, khiến Tam Đảo đang bị mất dần giá trị.
Đặc biệt phê phán việc xây dựng quy hoạch của một khu du lịch đặc thù như Tam Đảo, vị KTS này cho rằng, phát triển du lịch tại Tam Đảo không thể chạy theo làm kinh tế, chạy theo kinh doanh dịch vụ để các dự án xây dựng phát triển tràn lan thay vào đó cần phải có phương án giữ gìn cảnh quan, bản sắc của khu vực này.
Trách nhiệm chính quyền địa phương ở đâu?
Với những công trình xây dựng tại trung tâm thị trấn, thuộc trách nhiệm xử lý của UBND thị trấn Tam Đảo, điều này đã được quy định rõ trong các văn bản pháp quy. Sở Xây dựng tỉnh cấp phép và UBND thị trấn phải kiểm tra giám sát. Nếu thấy có dấu hiệu sai phạm phải lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng.
Vậy, vì sao hàng loạt công trình, dự án lớn xây dựng không phép và sai phép tại trung tâm thị trấn nhưng lại chậm được phát hiện xử lý? Ông Lê Quý Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo từng khẳng định, cách đây cả năm trước, cá nhân ông Dương và huyện đã phát hiện, nhắc nhở UBND thị trấn về tình trạng này, tuy nhiên chậm được tiếp thu xử lý.
"UBND huyện nhiều lần có văn bản chỉ đạo về nội dung này. Sắp tới Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ yêu cầu nhiều cán bộ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xảy ra sai phạm trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo. Trước đó, UBND huyện đã 3 lần nhắc nhở lãnh đạo UBND thị trấn ngay tại hội nghị của huyện về việc cần phải tăng cường xử lý vi phạm”, ông Dương nói.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 08/07/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã văn bản số 5157/UBND-CN3 giao Sở Xây dựng, UBND huyện Tam Đảo theo chức năng nhiệm vụ khẩn trương tổ chức kiểm tra việc vi phạm của các công trình vi phạm trên địa bàn thị trấn Tam Đảo; báo cáo UBND tỉnh trước ngày 16/7/2020.
Giao Thanh tra tỉnh thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định về trật tự xây dựng trên địa bàn thị trấn Tam Đảo và thanh tra trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thị trấn Tam Đảo.
Phế thải, vật liệu xây dựng tập kết khắp nơi
Ngày 27/07, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục có văn bản số 5646/UBND-CN3 yêu cầu các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường và UBND huyện Tam Đảo; UBND thị trấn Tam Đảo kiểm tra xử lý, vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vũ Chí Giang yêu cầu UBND huyện Tam Đảo, UBND thị trấn Tam Đảo rà soát, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quyết định 13/2020/QĐ-UBND ngày 23/03/2020 (đặc biệt các công trình sai phạm đã lập biên bản vi phạm hành chính nhưng chưa ra quyết định xử lý.
Về xử lý vi phạm đất đai: Yêu cầu UBND huyện Tam Đảo tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật về đất đai
Tuy nhiên, theo khảo sát của PV cho đến thời điểm này, nhiều công trình vẫn không được xử lý, ngang nhiên tồn tại gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan, quy hoạch chung của khu vực.
Chính quyền địa phương "đá bóng" trách nhiệm; UBND Thị trấn Tam Đảo liên tục "phớt lờ" chỉ đạo của UBND huyện Tam Đảo về việc tăng cường xử lý vi phạm....
HĐND thị trấn Tam Đảo cho biết đã kiến nghị nhiều nội dung về phát triển hạ tầng dân sinh như: xây dựng chợ dân sinh, khu xử lý rác thải, nghĩa trang nhân dân, trạm trung chuyển phương tiện giao thông, quy hoạch khu tái định cư, bãi đỗ xe…
Ông Dương cho rằng, với hàng trăm căn phòng homestay không được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. UBND huyện đã yêu cầu hoàn thiện hồ sơ để xử lý triệt để. Kể từ ngày 24/11, việc cưỡng chế được tiến hành với trường hợp đầu tiên. Với trường hợp xây dựng trên đất vườn, đất canh tác, sẽ cưỡng chế phá dỡ ngay. Với trường hợp xây dựng trên đất thổ cư có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể trên cơ sở quy định của pháp luật.
Với những công trình xây dựng tại trung tâm thị trấn, đây là trách nhiệm xử lý của UBND thị trấn Tam Đảo, điều này đã được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp quy. Sở Xây dựng tỉnh cấp phép và UBND thị trấn phải kiểm tra giám sát. Nếu sai so với giấy phép thì phải lập biên bản, yêu cầu tháo dỡ, khôi phục hiện trạng.
Để khách quan những thông tin trên, PV đã liên hệ với ông Ngô Hữu Mai - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo nhưng lãnh đạo huyện cho biết, việc này không trực tiếp thuộc trách nhiệm của ông và đề nghị PV liên hệ với UBND thị trấn để làm việc. PV cũng đã liên hệ với ông Phan Anh Tuấn - Chủ tịch Thị trấn Tam Đảo. Tuy nhiên, lãnh đạo Thị trấn cũng "từ chối” trả lời với lý do bận họp.
Qua 2 lần điều chỉnh quy hoạch của UBND tỉnh Vĩnh Phúc (Quyết định 1799 ngày 12/7/2013 điều chỉnh quy hoạch ký năm 2006; tiếp theo là Quyết định số 1114 ngày 21/5/2018 tiếp tục điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho các dự án nhồi cao ốc vào trung tâm), các dự án lần lượt lọt qua tất cả các "trạm kiểm soát” của Vĩnh Phúc…
"Lối thoát" nào cho Tam Đảo?
Theo ông Nguyễn Anh Đào - Chủ tịch HĐND thị trấn Tam Đảo, hạ tầng thị trấn chậm được đầu tư dẫn đến quá tải cả về giao thông, bãi đỗ xe, xử lý nước thải. Cuối năm 2019, HĐND thị trấn đã họp góp ý vào dự thảo quy hoạch chung thị trấn Tam Đảo đến năm 2030, trong đó đã kiến nghị cần tăng cường đầu tư về hạ tầng.
Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hệ thống thoát nước thải của thị trấn đi chung với nước mưa, đã xây dựng 2 trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm/trạm nhưng chưa đi vào hoạt động. Theo Huyện ủy Tam Đảo, về quy hoạch thị trấn Tam Đảo đã lấy ý kiến nhiều cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều hạng mục, công trình, dự án theo quy hoạch cũng chưa biết khi nào được triển khai.
Trong khi đó, tháng 12/2017, trả lời báo chí, đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, khu du lịch Tam Đảo được xác định là khu nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp với du lịch sinh thái thuộc tổng thể Quy hoạch vùng du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đã được Thủ tướng phê duyệt. Đề cập các hạng mục đang triển khai trên diện rộng, như: Mở rộng đường lên Tam Đảo; các khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao; khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp; khu ẩm thực, thương mại; công viên vui chơi giải trí... được báo chí phản ánh là "đại công trường”, vị đại diện cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các nhà đầu tư phải hoàn thiện các hạng mục này trong vòng 3 năm.
KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết, việc "bê tông hóa” các điểm du lịch hiện không chỉ xảy ra ở Tam Đảo, mà còn đang diễn ra ở nhiều nơi như Đà Nẵng, Tây Nguyên… Tất cả đều có điểm chung là việc địa phương coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, được chú ý nhiều nhưng cảnh quan, bản sắc của khu vực lại bị phá vỡ.
Theo ông Nghiêm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây yêu cầu các địa phương lựa chọn đối tác phù hợp, đặc biệt lựa chọn dự án cần tôn trọng cảnh quan thiên nhiên. Chủ trương là như vậy, nếu có hiện tượng bê tông hóa quá mức khu du lịch thì cần quan tâm, rà soát lại quy hoạch.
Tam Đảo là khu vực rất đặc biệt, người Pháp từng rất chú trọng phát triển. Chính vì thế Tam Đảo có nhiều khu nghỉ dưỡng do Pháp xây dựng từ thế kỷ trước. Từ bài học kinh nghiệm quy hoạch của khu phố cổ Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc nên sớm rà soát khu vực Tam Đảo theo định hướng vừa xây dựng quy hoạch mới, vừa điều chỉnh quy hoạch cũ.
Đây là vấn đề đã được Quốc hội đặt ra khi làm Luật Quy hoạch. Việc tôn trọng cảnh quan thiên nhiên là để gìn giữ, bảo vệ cho thế hệ sau cùng được hưởng và phát triển, chứ không phải vì lợi ích trước mắt.
Đồng quan điểm trên, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam cho biết: Việc để nhà đầu tư "dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san đồi, bê tông hóa” là những biến tướng hết sức nguy hiểm. Không một ai dám đảm bảo rằng khi có biến đổi về địa tầng sẽ không xảy ra thảm họa như ở Quảng Nam vừa qua. Ông cũng nhận định, trách nhiệm thuộc về UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo và cao hơn nữa là UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng "bảo tồn hay bê tông hóa” là vấn đề thực tại ai cũng hiểu rõ, thế nhưng nhiều địa điểm du lịch như Sa Pa, Đà Lạt và hiện nay là Tam Đảo vẫn loay hoay tìm bài toán cân bằng trên giấy, còn đất rừng vẫn để thất thoát mà bê tông hóa cứ ngày một lớn dần.
Rõ ràng thực trạng quản lý đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch - kiến trúc tại thị trấn Tam Đảo hiện nay bộc lộ nhiều bất cập, yếu kém. Để xảy ra tình trạng hàng loạt công trình sai phép ngang nhiên mọc lên trên đất lâm nghiệp, đất canh tác là trách nhiệm của chính quyền địa phương, cần phải có chế tài mạnh mẽ để xử lý dứt điểm những sai phạm trên.
Việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực xây dựng của chính quyền địa phương đã và đang khiến quy hoạch thị trấn Tam Đảo bị "băm nát"
Để giải quyết hậu quả với những sai phạm sẽ tốn rất nhiều nguồn lực xã hội, thời gian. Vì thế các chuyên gia đưa ra cảnh báo, phải nâng cao chất lượng quy hoạch, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp tự phát xây dựng, không có quy hoạch hoặc không theo quy hoạch. Việc phát triển trước hết phải theo Luật Quy hoạch và khuyến khích phát triển theo hướng hạ tầng thông minh - tùy theo mỗi vị trí để giải quyết xung đột giữa phát triển hạ tầng với duy trì cảnh quan thiên nhiên, để cảnh quan thiên nhiên không bị phá vỡ.
Phát triển du lịch bền vững là dựa trên cảnh quan, môi trường, kiến trúc, quy hoạch…nếu phá vỡ cảnh quan, môi trường thì chính quyền, người dân Tam Đảo, chủ đầu tư các dự án tại đây sẽ "bóp chết” sự phát triển của chính địa phương, doanh nghiệp của mình.
Theo Hải Miên - Trúc Anh - An Quyên/ Reatimes