Đô thị hiện đại hai bên sông Lừ, sông Sét

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/12/2020 | 11:16:43 AM

QLMT - Mới đây, đồ án thiết kế đô thị hai bên sông Lừ, sông Sét (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Giải Phóng) trên địa bàn quận Thanh Xuân đã được công bố.

Để có được không gian tuyến phố đồng bộ, hiện đại như kỳ vọng, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương và đồng thuận của người dân khu vực.

Đường phố vẫn nhếch nhác

Quá trình đô thị hóa mạnh mẽ đang đặt ra cho Hà Nội nhiều vấn đề cần giải quyết đối với phát triển và quản lý đô thị. Trong đó, chỉ riêng vấn đề cảnh quan mặt phố, lòng đường, vỉa hè cũng có khối lượng công việc rất lớn. Thực tế, do chưa có quy hoạch và thiếu những quy chuẩn nên không gian nhiều tuyến phố thiếu sự thống nhất về chiều cao, hình thức xây dựng, khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác.

Tại những tuyến phố cũ, nơi có những hoạt động buôn bán sầm uất, chưa có nguyên tắc bố cục tổ chức không gian hệ thống cho toàn tuyến nên không tạo được không gian liên kết, không gian chiều sâu, nhiều loại hình công trình bố cục rất lộn xộn, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị. 

Trong khi đó, ở những tuyến đường xây mới thì đường mở đến đâu nhà cửa hai bên được xây dựng san sát đến đó không theo một quy tắc nào. Thậm chí những ngôi nhà "siêu mỏng, siêu méo", hình tam giác, hình thoi… vẫn ngang nhiên xuất hiện bất chấp sự vào cuộc xử lý của chính quyền sở tại.


Phối cảnh minh họa thiết kế đô thị hai bên sông Lừ, sông Sét tỷ lệ 1/500.

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, TP. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị, quy hoạch hai bên các tuyến đường như Khâm Thiên, Thái Thịnh, Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu... Với các tuyến phố lập thiết kế đô thị, UBND TP đều đưa ra bài toán giải quyết hài hòa mật độ xây dựng, tầng cao, khoảng lùi.

Cụ thể hóa bằng các bản vẽ kiến trúc mặt đứng tuyến, đoạn tuyến; đánh giá, tổng hợp các thửa đất, công trình không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng, trên cơ sở đó đề xuất các trường hợp có khả năng hợp thửa, hợp khối hoặc thu hồi cho các mục đích sử dụng khác; định hình công trình kiến trúc điểm nhấn... 

Thực tế, Trần Phú - Kim Mã là tuyến phố đầu tiên tại Hà Nội có Đồ án thiết kế đô thị, tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan được công bố tháng 8/2013. Đến nay, sau 7 năm triển khai, về cơ bản tuyến phố Kim Mã đã được chỉnh trang, dẹp được tình trạng nhà "siêu mỏng, siêu méo”.

Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia đều đánh giá cao việc tổ chức lập thiết kế đô thị tuyến phố của TP. Hà Nội, bởi đây là yêu cầu bức thiết trong phát triển đô thị và quản lý quy hoạch kiến trúc không gian cảnh quan. 

Tuy nhiên, TS. KTS Trần Minh Tùng - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, đô thị Hà Nội có đặc tính rất riêng, có cả khu phố cổ, khu phố cũ và những khu đô thị mới xây dựng. Vì thế, khi thực hiện thiết kế các tuyến đường tại những khu vực này cần xác định rõ chức năng từng tuyến cụ thể (phố thương mại, phố ẩm thực, phố di sản…) để có kiến trúc tương ứng, tạo sự đa dạng hóa, có bản sắc. Đồng thời, tạo ra bộ mặt kiến trúc các tuyến đường văn minh, hiện đại, đảm bảo lợi ích, cuộc sống ổn định của người dân.

Sớm hình thành các tuyến đường đồng bộ cảnh quan

Hiện trong nội thành Hà Nội có nhiều tuyến đường bám theo 4 con sông Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu chảy qua địa bàn nhiều quận. Cải tạo cảnh quan đô thị các tuyến đường dọc hai bên bờ sông dựa trên nguyến tắc xây dựng đô thị sinh thái, gắn liền với định hướng phát triển bền vững được các chuyên gia đánh giá là việc cần phải triển khai ngay. Điều này vừa có ý nghĩa gìn giữ tính nhân văn và sự gắn bó của các dòng sông đối với sự phát triển của đô thị, vừa biến những khu vực này thành thắng cảnh, nơi sinh hoạt cộng đồng và điểm nhấn của đô thị.

Với tinh thần đó, ngày 11/12, UBND quận Thanh Xuân đã công bố đồ án thiết kế đô thị hai bên sông Lừ, sông Sét tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Giải Phóng) thuộc địa giới hành chính các phường Phương Liệt và phường Khương Mai. Phó trưởng phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân Hoàng Trung Thành cho biết, theo nội dung đồ án, tuyến đường có chiều dài tuyến 1.477m sông Lừ và 545m sông Sét.

Theo đó, phân chia tuyến phố thành 4 phân đoạn, từng đoạn tuyến khu vực sẽ khuyến khích phát triển các hoạt động chủ đạo để từng bước tạo nên sự đặc trưng, làm cơ sở tạo không gian, hình ảnh cho từng khu vực. Không gian hai bên tuyến đường được thiết kế với những điểm nút khác nhau, có các vườn hoa cây xanh, không gian mở các khu vực chức năng, khoảng lùi công trình hai bên tuyến…

Cụ thể, phân đoạn 1 (từ ngã ba giao với Trường Chinh đến đoạn ngā ba sông Sét) là khu vực trọng tâm của trục đường gắn với công trình công cộng, công trình hỗn hợp, nhà ở cao tầng và các dịch vụ tiện ích đi kèm. 

Phân đoạn 2 (từ ngã ba sông Sét đến đường quy hoạch nối từ ngõ 153 Trường Chinh đến ngõ 1 Phan Đình Giót - đoạn qua công ty công nghiệp hóa chất mỏ Vinacomin) là trục đường gắn với công trình hỗn hợp, trường mầm non và nhà ở. 

Phân đoạn 3 từ ngã ba đường quy hoạch nối ngõ 153 Trường Chinh đến ngõ 1 Phan Đình Giót đến hết ranh giới quận Thanh Xuân là trục đường gắn với công trình hỗn hợp và nhà ở. 

Phân đoạn 4 (từ ngã ba sông Sét đường Giải Phóng đến hết ranh giới quận Thanh Xuân) là trục đường gắn với công trình hỗn hợp, công cộng, cây xanh mặt nước và dân cư.

Theo thiết kế, nhà ở riêng lẻ trên tuyến đường có chiều cao tối đa 6 tầng, đối với nhà có mặt tiền rộng và diện tích lớn được xây dựng 7 tầng, nhà ở cao tầng theo quy hoạch phân khu tối đa cao 30 tầng, công trình công cộng cao 3 - 5 tầng. Biển quảng cáo, biển hiệu các cửa hàng trên tuyến đường tạo phân vị ngang. 

Đáng chú ý, sẽ xây dựng 1 cây cầu mới tại ngã ba sông Lừ, sông Sét để kết nối không gian hai bờ sông, thông tuyến đường bờ sông Lừ. Xây một cầu cho người đi bộ và các điểm quảng trường nhỏ tạo các không gian công cộng. Cải tạo cảnh quan hồ Rùa, hồ Phương Liệt, xây dựng các công viên vườn hoa khai thác cảnh quan ven hồ.

Chủ tịch UBND phường Phương Liệt Nguyễn Thắng Toàn chia sẻ, hiện cảnh quan các tuyến đường ven sông hai bên sông Lừ, sông Sét còn lộn xộn, chưa khai thác được cảnh quan hai bên sông cũng như các hồ Phương Liệt, hồ Rùa. Việc thiết kế đô thị qua địa bàn hai phường Phương Liệt và Khương Mai sẽ tạo quanh cảnh xanh, sạch, đẹp, thay đổi diện mạo đô thị trên địa bàn. Do đó, lãnh đạo các phường đều mong dự án sớm được triển khai. Thời gian tới, UBND phường Phương Liệt sẽ tích cực vận động, tuyên truyền đến người dân để tạo sự đồng thuận.

"Khi thực hiện các đồ án thiết kế đô thị các tuyến phố nên dựa trên tinh thần win - win (cùng có lợi) sẽ dễ nhận được sự đồng thuận của người dân khi triển khai trong thực tế. Cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra những quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật như cao độ nền, chiều cao công trình, mật độ xây dựng… còn về yếu tố mỹ thuật như kiến trúc, vật liệu, màu sơn tường, màu biển quảng cáo… nên để người dân (chủ thể của công trình) tự quyết định". 

TS. KTS Trần Minh Tùng - Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội


Theo Vũ Lê/Kinh tế Đô thị

Tags sông Lừ sông Sét đô thị bên sông

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục