''Rừng bê tông'' trên núi Tam Đảo

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/12/2020 | 10:36:47 AM

QLMT - Hàng chục công trình mọc lên san sát cùng những đoàn xe ngày đêm nối đuôi nhau xẻ núi khiến Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày càng xa lạ.


Khoét núi, chặt cây để xây khách sạn trên núi Tam Đảo Thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đang dần bị bê tông hóa bởi quá trình xây dựng ồ ạt nhiều khách sạn, nhà nghỉ từ bình dân đến sang trọng.


Tam Đảo là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu miền Bắc, sở hữu lợi thế về khí hậu, sinh thái.


Tuy nhiên, nhưng cách làm du lịch nóng vội đang khiến không ít người lo ngại về chất lượng cảnh quan tại đây.


Khách du lịch tìm đến với cảnh quan thiên nhiên Tam Đảo nhưng lại gặp những công trình xây dựng giống như những khu đô thị khác. Đức Anh, quản trị một nhóm du lịch với hơn 1 triệu thành viên, không lường trước viễn cảnh về một thị trấn lộn xộn khi tới đây. "Tam Đảo trong mình là một thị trấn kiêu hãnh trên sườn dốc và sương mù. Nhưng nhà quản lý đã ép nơi này phải phát triển quá nhanh để hút du khách", anh nói. Theo Đức Anh, Tam Đảo hiện tại chỉ còn là một điểm du lịch thiếu đi bản sắc, nơi vui chơi hỗn tạp với những mô hình chụp ảnh có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi nào


Một trong những "đặc sản" khiến khách ngán ngẩm là bụi và tiếng ồn từ những công trường xẻ núi, xây khách sạn. Zing ghi nhận Tam Đảo những ngày đầu mùa đông với tiết trời nắng hanh đặc trưng, mặt đường tại đây là hỗn hợp của gió, bụi từ các công trình và rác thải, tạo thành một thứ không khí khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng phải cau mày.


Phần lớn du khách tập trung tại quảng trường chụp ảnh hoặc ngồi nhâm nhi bên tách cà phê. Khuôn mặt họ tỏ ra đề phòng bởi một chiếc xe tải từ công trường nào đó có thể đi qua bất cứ lúc nào, kéo theo một làn bụi trắng xóa vào trong không khí.


Thác Bạc được xem như một trong những điểm đến hàng đầu ở đây. Tuy nhiên, ngay cả người bản địa cũng thừa nhận du khách "đừng kỳ vọng quá nhiều". Ông Oanh, người dân thị trấn Tam Đảo, cho biết thác đang bị ô nhiễm nặng do nước thải từ các khách sạn, nhà hàng không được xử lý triệt để đổ ra.


"Mấy năm trước thì Tam Đảo còn hoang sơ, mát mẻ lắm, nay thì khác rồi", là câu cửa miệng của bất cứ ai khi đến đây cũng phải thốt lên. Người đàn ông hơn 50 năm sống tại Tam Đảo chia sẻ và cho biết ngoài ô nhiễm nước, tiếng ồn cũng là điều đáng nói khi từng đoàn xe phân khối lớn của những nhóm bạn trẻ du lịch bụi ngày đêm nẹt pô, phóng lên thị trấn.


Đồ ăn ở Tam Đảo cũng gây nhiều tranh cãi. Một số du khách cho biết họ phải ăn những món "không khác gì ở thành phố" nhưng với giá cao. Vấn đề vệ sinh thực phẩm tại những hàng quán ven đường đầy khói bụi cũng khiến nhiều người tỏ ra lo ngại.


Một con đường "lạ” được xây dựng bằng cách xẻ núi, chạy xuyên qua rừng quốc gia Tam Đảo, cách thị trấn khoảng 3 km. Theo người dân, đây là con đường dẫn vào khu du lịch Tam Đảo 2 đang được một doanh nghiệp lớn đầu tư.


Quanh thị trấn, nhiều điểm đào xới để xây các công trình được thi công tấp nập. Nhiều công trình xé toạc không gian lưng chừng núi và cây rừng.


Ngay sát quảng trường Tam Đảo là một khu đất được quây tôn thi công. Phía ngoài, chủ đầu tư quảng cáo một công trình khách sạn với quy mô trên 10 tầng cùng những tiện ích xa xỉ.


Là một thị trấn nhỏ nằm ở độ cao gần 1.000 m, cách đây gần 100 năm, người Pháp quy hoạch Tam Đảo với trên 140 biệt thự cao từ 1 đến 5 tầng, có đường ôtô từ Vĩnh Yên lên và thường xuyên có hơn 1.000 người sinh sống sôi động vào mùa hè. Tới năm 2019, lượng du khách tới Tam Đảo đạt hơn 400.000 lượt, tăng 22% so với năm trước đó.


Trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, UBND thị trấn Tam Đảo thừa nhận những hạn chế còn tồn tại ở địa phương như: Kết cấu hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường nội thị đang xuống cấp, nước thải chảy tràn trên mặt đường gây ô nhiễm. Mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh nhưng chỉ tự phát. Lượng du khách tăng đột biến gây ùn, tắc giao thông và ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường…


Mùa đông, sương mù vẫn sẽ phủ quanh Tam Đảo ngày qua ngày. Có chăng giờ đây khi sương tan, Tam Đảo hiện ra đã lạ lẫm hơn với rừng bê tông bên những sườn núi bị khoét sâu.


Đất Tam Đảo đắt đỏ và khan hiếm Giá đất tại trung tâm thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày càng đắt đỏ, có nơi rao bán 100-150 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, quỹ đất khan hiếm khiến giao dịch rất hạn chế.


Theo Hồng Quang - Việt Linh (zingnews.vn)

Tags Tam Đảo rừng bê tông xẻ núi

Các tin khác

Đô thị ngày càng nhiều, đến 2030 có tới 50% dân số Việt Nam (khoảng 55 triệu người) bước vào đô thị. Nhưng tích tụ đủ nội hàm phát triển một đô thị di sản thiên niên kỷ thì chỉ duy nhất thành phố Ninh Bình có thể sở hữu.

Trong bối cảnh nhu cầu thiết yếu của người dân về nước sạch, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và các đơn vị cấp nước thành viên đã thống nhất thủ tục đăng ký, cắt chuyển định mức nước sinh hoạt theo số định danh cá nhân.

Một số vườn hoa - công viên được hoàn thành xây mới, cải tạo gần đây khiến cộng đồng có nhiều ý kiến tranh luận về chất lượng và hiệu quả sử dụng. Bài toán đặt ra lúc này chính là thiết lập các tiêu chí và chính sách để nâng cao hiệu quả xây mới, cải tạo hệ thống vườn hoa - công viên nội đô.

Sáng ngày 29/3, tại Kỳ họp thứ 15, HĐND TP. Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự