Quản lý phát triển đô thị di sản Đà Lạt và công tác quy hoạch

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/11/2020 | 3:16:28 PM

QLMT - Xây dựng phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hoá lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế đã được khẳng định trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 704/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/5/2014). Đây cũng là nội dung chính của buổi hội thảo khoa học quốc tế “Đà Lạt - Đô thị di sản với công tác quy hoạch và quản lý phát triển”.


Tọa đàm giữa các chuyên gia, nhà quản lý tỉnh Lâm Đồng trước di sản Đà Lạt.

Theo đó, mô hình phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và các trục hướng tâm theo hình nan quạt xuyên tâm, kết nối với các trục cảnh quan mặt nước và hệ thống công viên cây xanh; kết nối với các vùng du lịch sinh thái, các vùng cảnh quan rừng, cảnh quan nông nghiệp; phát triển bền vững; nhằm bảo tồn và phát triển Đà Lạt thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hoá, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị du lịch - văn hoá - khoa học, xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế. Các tuyến xuyên tâm và hướng tâm kết nối với vùng Thành phố Hồ Chí Minh, vùng duyên hải Nam Trung bộ (Nha Trang, Phan Rang- Tháp Chàm, Phan Thiết) và Tây Nguyên (thành phố Buôn Mê Thuột).

Trong tương lai, Đà Lạt sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và cùng kết nối. Đà Lạt là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc.

Bên cạnh đó, các vùng nông nghiệp lớn sẽ được bảo tồn những nét đặc trưng bao gồm khu vực trồng rau và hoa ở Đà Lạt, khu vực hoa màu rộng lớn phía Nam, vùng trồng cà phê phía Tây và vùng trồng chè phía Đông thành phố Đà Lạt.

Với tầm nhìn phát triển, trong tương lai Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2050 sẽ trở thành vùng đô thị có ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, với các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch văn hoá lịch sử tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm giáo dục - đào tạo đa nghành, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trung tâm nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Với cột mốc gần 130 năm hình thành và phát triển, vấn đề bảo tồn và phát triển bền vững với Đà Lạt luôn là bài toán khó đặt ra đối với công tác quy hoạch và quản lý phát triển. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo và người dân thành phố là phải cân bằng được lợi ích giữa bảo tồn và phát triển trong sự hài hoà các yếu tố bảo tồn môi trường và bảo tồn di sản; giữ gìn bản sắc và đảm bảo định hướng phát triển đô thị hiện đại theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Đà Lạt với tiềm năng trở thành đô thị di sản

Đã từ lâu, Đà Lạt – Lâm Đồng đã trở thành một thương hiệu du lịch quen thuộc đối với du khách trong và ngoài nước. Với vẻ đẹp được mệnh danh là "Thành phố mù sương”, "Thành phố ngàn thông”, "Thành phố ngàn hoa” hay "Xứ hoa anh đào”, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng ở Đà Lạt được xem là sản phẩm du lịch đặc thù và có sức hấp dẫn với du khách trong nước và quốc tế khi đến với Đà Lạt, với những bản sắc riêng có của Đà Lạt. Việc sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như núi Langbiang, đồi Cù, Thung lung Tình yêu và các hồ: Xuân Hương, Than Thở, Tuyền Lâm, Đa Thiện, Đan Kia - Suối Vàng, các thác nước như: Datanla, Prenn, Cam Ly, Bảo Đại, Mộc bản Triều Nguyễn, không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên… Có thể nói, Đà Lạt đã hội tụ đủ những yếu tố để có thể trở thành đô thị di sản trong tương lai.

Bên cạnh đó, địa hình đặc trưng của thành phố Đà Lạt là địa hình núi và địa hình bình nguyên trên núi, trong đó trung tâm thành phố Đà Lạt có bậc địa hình thấp, như một lòng chảo, dọc theo hướng Bắc - Nam, bao gồm các dãy đồi đỉnh tròn, dốc thoải, lượn sóng nhấp nhô, độ cao trung bình khoảnh 1.500m. Những dãy đồi đỉnh tròn ở đây có độ cao tương đối đồng đều, sườn thoải về hướng hồ Xuân Hương và dần cao về phía các vùng núi bao quanh. Vì vậy, hầu hết các công trình nổi tiếng của Đà Lạt đều hoà hợp với thiên nhiên, tạo nên những nét chấm phá trong bức tranh cảnh quan thành phố.

Với vị thế đặc biệt quan trọng của Đà Lạt trong khu vực Tây Nguyên và cả nước cùng với các giá trị đặc thù, Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương đã luôn quan tâm tới công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị Đà Lạt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 704 năm 2014 phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành Quyết định số 1528 năm 2015 về "Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt” tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi để Đà Lạt phát triển. Ngoài ra, chủ trương xây dựng "Đà Lạt trở thành thành phố thông minh”, thực hiện thí điểm mô hình Làng đô thị xanh… cũng đang được UBND tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt triển khai thực hiện. Đây là những cơ cở pháp lý quan trọng, là định hướng, tiền đề, động lực để xây dựng Đà Lạt phát triển toàn diện, bền vững, ngày càng văn minh, hiện đại, bảo tồn và phát huy được các giá trị văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị trong tương lai.

Ngoài ra, với tình cảm đặc biệt dành cho Đà Lạt, công tác bảo vệ, phát huy các di sản kiến trúc đô thị, cảnh quan thiên nhiên Đà Lạt cũng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo các nhà quy hoạch, kiến trúc sư, các chuyên gia, nhà khoa học và cộng đồng.

Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; trong đó, thành phố Đà Lạt với tính chất là trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế, văn hóa, du lịch, khoa học kỹ thuật, công nghệ, giáo dục - đào tạo… của tỉnh Lâm Đồng và là trung tâm bảo tồn di sản kiến trúc và cảnh quan đô thị cấp vùng và quốc gia, với mục tiêu "bảo tồn và phát triển thành đô thị đặc thù về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, lịch sử, cảnh quan tự nhiên; xây dựng Đà Lạt thành đô thị du lịch – văn hóa - khoa học – xanh và hiện đại có đẳng cấp quốc tế”. Quy hoạch đã định hướng, xác định trọng tâm là bảo tồn các khu biệt thự, dinh thự có giá trị, các công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc như trường Cao đẳng sư phạm, nhà ga Đà Lạt...) bảo tồn hệ thống hồ (Xuân Hương gắn với đồi Cù, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm…) và hệ thống suối Cam Ly, bảo tồn kiến trúc cảnh quan đô thị và các danh lam thắng cảnh được công nhận..., xác định trục di sản (Hùng Vương - Trần Hưng Đạo - Trần Phú).

Triển khai thực hiện theo Quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo tổ chức rà soát việc lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị để cụ thể hóa Quy hoạch chung, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư; đã thực hiện tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch chung cho 05 đô thị vùng phụ cận và phê duyệt các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Đây là những tiền đề, cơ sở quan trọng phục vụ công tác thu hút đầu tư, phát triển đô thị đi đôi với việc thực hiện các dự án bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan đô thị tại Đà Lạt.

Tuy nhiên, trong bài phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nêu rõ thực tiễn cho thấy, công tác bảo tồn di sản kiến trúc đô thị và cảnh quan thiên nhiên ở Đà Lạt vẫn chưa được đầy đủ, toàn diện như mong muốn và còn gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, phải kể đến những mâu thuẫn gay gắt giữa mục tiêu phát triển thành phố và mục tiêu bảo tồn và phát triển những giá trị lịch sử văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc đô thị, bản sắc Đà Lạt. Thực tế này đòi hỏi phải được nghiên cứu, định hướng giải quyết một cách khoa học, kiên quyết và hiệu quả hơn. Trong đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị đóng vai trò hết sức quan trọng.

Đồng thời, đánh giá cao sáng kiến của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã phối hợp cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo quốc tế "Đà Lạt – Đô thị di sản với công tác quy hoạch và phát triển”. Hội thảo sẽ là sự gợi mở mới để các chuyên gia, các kiến trúc sư, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, những người làm công tác quy hoạch và các nhà hoạch định chính sách, quản lý đô thị gặp gỡ, trao đổi để cùng nhìn nhận, đánh giá khách quan và thẳng thắn về những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại trong công cuộc bảo tồn và phát huy di sản trong quá trình phát triển của thành phố Đà Lạt những năm vừa qua; thảo luận, đề xuất và kiến nghị các giải pháp, cơ chế chính sách mới, đột phá để phát triển Đà Lạt theo đúng định hướng quy hoạch chung được duyệt, sớm trở thành một đô thị di sản, đô thị du lịch nghỉ dưỡng nổi bật trên bản đồ du lịch quốc tế.

Trong đó, với cách nhìn tổng quan của một nhà quản lý, Tiến sỹ Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng: Từ xa xưa, Đà Lạt và các vùng cận vốn là địa bàn cư trú của những cư dân người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc K’Ho. Từ cuối thể kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Đà Lạt đã được quy hoạch và xây dựng trở thành một thành phố xinh đẹp, một trung tâm nghỉ dưỡng và giáo dục lớn của Đông Dương.


Kết thúc hội thảo, các chuyên gia nước ngoài và tỉnh Lâm Đồng chụp hình lưu niệm.

Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kế thừa và phát huy các thành quả của các đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp, khởi đầu là bản quy hoạch của KTS. Hébrad (năm 1923) và tiếp theo là các lần điều chỉnh quy hoạch, mở rộng không gian thành phố của các KTS: Pineau (năm 1933), Mondet (năm 1940) và Lagisquet (năm 1943), cho đến quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lần đầu tiên tại Quyết định số 620/TTg ngày 27/10/1994, lần thứ 2 tại Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 27/5/2002.

Theo đó, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận với diện tích 335.930ha được định hướng phát triển trở thành đô thị đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hoá lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế. Để triển khai Quy hoạch 704 đảm bảo theo nguyên tắc vừa bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn là vấn đề quan trọng được tỉnh Lâm Đồng luôn quan tâm đặc biệt.


Theo Mộc Miên/ Báo Xây Dựng

Tags Đà Lạt phát triển đô thị quy hoạch

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục