Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, còn lại là rác thải ở vùng nông thôn. Riêng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày thải ra khoảng 7.000 – 8.000 tấn, trong đó trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.
Tại cuộc hội thảo trực tuyến do Infoma Markets Viet Nam và Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, GS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Viện trưởng Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho biết, hiện tại Việt Nam có khoảng 858 đô thị, tỉ lệ đô thị hóa là 39,3%, tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 15 triệu tấn, trong đó rác thải sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 34.500 tấn mỗi ngày, rác thải công nghiệp khoảng 3,2 triệu tấn/năm, tốc độ gia tăng rác thải hàng năm là từ 10 – 12%.
Hiện trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị đặc biệt là các thành phố lớn đang đứng trước rất nhiều thách thức, trong đó rác thải là một trong những vấn đề nóng cần được giải quyết.
Trong khi đó, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu hiện nay vẫn là công nghệ chôn lấp. Cụ thể, công nghệ đốt chiếm khoảng 14%, công nghệ ủ phân hữu cơ khoảng 34% và công nghệ xử lý liên hợp kết hợp giữa ủ hữu cơ và đốt chiếm khoảng 52%.
Như vậy, với lượng rác thải rắn phát sinh hàng ngày lớn, trong khi đó các phương tiện thu gom vận chuyển cũng như công nghệ xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác phân loại và kiểm soát chất thải tại nguồn chưa tốt, các dự án về phân loại rác chưa đạt hiệu quả.
Cùng với đó, ông Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: "Chính sách hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, chưa thu hút được các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tham gia vào công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải”.
Ông Dũng cũng phân tích, đưa ra những ưu nhược điểm và thách thức của từng loại công nghệ xử lý rác như: Chôn lấp, ủ phân hữu cơ, đốt rác phát điện, đốt rác tiêu hủy, đốt rác tạo năng lượng (điện năng và nhiệt năng), công nghệ tái chế, công nghệ thu hồi khí mêtan… Mỗi loại hình sẽ phụ thuộc vào quy mô, lượng rác thải thu gom và công suất của lò đốt rác và khả năng đầu ra, tiêu thụ của từng địa phương, đặc biệt cần cân nhắc về chi phí vốn và bảo vệ môi trường.
Theo đó, để trợ công nghệ xử lý chất thải đô thị tại Việt Nam, cần có nhiều biện pháp quyết liệt. Trước hết phải phân loại rác tại nguồn, cần lập quy hoạch, các điểm tập kết trung chuyển rác thải, cơ giới hóa các thiết bị phục vụ thu gom vận chuyển rác. Từ đó, lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, môi trường và phù hợp với điều kiện từng vùng miền và từng địa phương.
Bên cạnh đó, rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật và ban hành các đơn giá định mức thu gom vận chuyển, xử lý rác đảm bảo tính đúng tính đủ, phù hợp với cơ chế thị trường. Cần có cơ chế ưu đãi dịch vụ thu gom vận chuyển, các sản phẩm đầu ra của rác thải như chất thải tái chế, điện rác…- GS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Theo Nguyễn Hường/ Bộ Công Thương Việt Nam