Công tác kiểm toán trong lĩnh vực môi trường những năm qua chưa đưa ra được các cảnh báo về ô nhiễm môi trường.
Thiệt hại do ô nhiễm làm mất 3% GDP
Phó tổng KTNN, ông Đoàn Xuân Tiên, cho biết, theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 15 năm tới, quy mô GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP.
Theo ông Tiên, tại nhiều quốc gia trên thế giới, kiểm toán môi trường do cơ quan kiểm toán tối cao thực hiện từ lâu đã trở thành công cụ hữu hiệu để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, xây dựng, triển khai dự án, công trình. Còn tại Việt Nam, những năm qua, KTNN đã từng bước thực hiện kiểm toán môi trường, trong đó tập trung vào các vấn đề nóng, đang được Quốc hội và người dân quan tâm như môi trường khu công nghiệp, chất thải y tế, nhập khẩu phế liệu…, từ đó đã đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi về cơ chế, chính sách và các giải pháp tăng cường công tác quản lý môi trường.
Từ năm 2015 trở lại đây, hàng loạt cuộc kiểm toán về môi trường đã được thực hiện như kiểm toán hoạt động quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính; kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý nước thải tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc), Khu công nghiệp Khánh Phú (Ninh Bình), các khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh và Hậu Giang…
Theo ông Tiên, là quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu khu vực châu Á, môi trường tại Việt Nam không thể tránh khỏi những sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số. Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường như ô nhiễm không khí tại đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại khu vực sản xuất công nghiệp tập trung; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học.
"Tuy nhiên, công tác kiểm toán trong lĩnh vực môi trường những năm qua vẫn thiên về đánh giá tính hiệu lực, tuân thủ các cơ chế, chính sách pháp luật hiện hành trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; chưa đưa ra được các cảnh báo về ô nhiễm môi trường và đánh giá tác động tiêu cực của vấn đề này đối với phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là sức khỏe, đời sống của người dân”, ông Tiên cho biết.
Hai giấy phép có nội dung giống nhau
Ông Đinh Văn Dũng, Phó kiểm toán trưởng Chuyên ngành III, KTNN nhận định, dù công tác quản lý nhà nước, ý thức bảo vệ môi trường đã từng bước được nâng cao, nhưng thực tế cho thấy, còn có các kẽ hở dẫn đến những sự cố, vi phạm về môi trường vẫn thường xảy ra, để lại hậu quả nghiêm trọng tới môi trường tự nhiên và sức khỏe con người.
Nguyên nhân, theo ông Dũng, là hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản được xây dựng đầy đủ về nội dung, phạm vi điều chỉnh, nhưng giữa các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các luật khác còn không ít nội dung chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
"Quy định việc thẩm định, cấp giấy phép xả nước thải và nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước và việc kiểm tra, cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường là 2 loại giấy phé,p nhưng quy trình thực hiện, bản chất, nội dung về cơ bản hoàn toàn giống nhau, dẫn đến sự phiền phức, tốn kém không đáng có cho doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước”, ông Dũng dẫn chứng.
Theo lãnh đạo KTNN, nhiều nội dung về bảo vệ môi trường đã được quy định trong luật, nhưng không khả thi trong thực tiễn, dẫn đến không triển khai thực hiện được. Chẳng hạn như quy định về việc đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp, cấp phép xả khí thải công nghiệp theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; hay việc quản lý các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại qua việc giám sát, theo dõi, tiếp nhận dữ liệu GPS trực tuyến lắp đặt trên các phương tiện theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại…
Dù các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được quy định tương đối đầy đủ, nhưng theo ông Đoàn Xuân Tiên, việc áp dụng các biện pháp xử phạt còn hạn chế, các cơ quan thanh, kiểm tra phần lớn xử lý hành vi vi phạm bằng hình thức… nhắc nhở, nên không đủ sức răn đe. Công tác giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế theo kết luận thanh, kiểm tra chủ yếu vẫn là đôn đốc bằng văn bản và ghi nhận kết quả xử lý theo báo cáo khắc phục của đơn vị./.
Hàn Tín/Báo Đầu tư