Tạo chuyển biến về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường Thủ đô

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/11/2020 | 10:26:36 AM

QLMT - Phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành liên quan, sáng 23/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định, Hà Nội sẽ đặt ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Chủ động trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
 
Theo báo cáo, từ năm 2015 đến nay, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã ban hành 01 chương trình, 02 nghị quyết, 08 kế hoạch, 10 quyết định, 02 đề án và 02 chỉ thị về công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Đặc biệt trước nhu cầu cấp bách của công tác bảo vệ môi trường, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về "Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.


Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
 
Sau 02 năm triển khai thực hiện, bước đầu đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật là: Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt (ngoại thành 89%, nội thành 100%), chất thải y tế (đạt 100%); việc xử lý ô nhiễm nguồn nước tại các hồ trên địa bàn Thành phố có chuyển biến tích cực; thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh và giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thành phố; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường nước 90 hồ tại khu vực nội thành và 44 hồ tại khu vực ngoại thành; 100% khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; có 26/43 (đạt tỷ lệ 60,5%) Cụm công nghiệp đang hoạt động có trạm xử lý nước thải tập trung; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải;..
 
Từ tháng 12/2016, Thành phố đã đưa vào vận hành 11 trạm quan trắc không khí tự động và chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí của Thành phố, đồng thời triển khai 19 giải pháp tổng thể, đề xuất tưới nước rửa đường trong những ngày thời tiết hanh khô để giảm nồng độ bụi phát sinh.
 
Trong lĩnh vực đất đai, qua hơn 5 năm triển khai thi hành Luật đất đai và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hà Nội đã đạt được kết quả nhất định. Hàng năm, UBND Thành phố thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chiếm khoảng 15-20% tổng thu ngân sách Nhà nước của Thành phố. Tính đến ngày 20/4/2020, 100% tổng số thửa đất cần cấp Giấy chứng nhận đã được đăng ký kê khai; 100% thửa đất đủ điều kiện đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1.355.510 thửa); việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp đạt 99,21%.
 
Trong công tác thanh tra, kiểm tra, UBND Thành phố thu hồi đất hoặc bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất với 28 Dự án với tổng diện tích 1.758,6 ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn đối với 24 Dự án với tổng diện tích 35,8 ha đất; trình Chủ tịch UBND Thành phố ban hành 42 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với với số tiền 924.390.235 đồng.


Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi làm việc
 
Mặc dù vậy, cả hai lĩnh vực nêu trên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần quan tâm giải quyết. Tại buổi làm việc, Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường đảm bảo đồng bộ với các luật khác và ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục các tồn tại, vướng mắc; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Chính phủ cho phép UBND Thành phố Hà Nội được thực hiện cơ chế đặc thù khi giải phóng mặt bằng; hướng dẫn thu hồi đất giải phóng mặt bằng theo quy hoạch để thực hiện đấu giá; cho thuê đất đối với các dự án được hỗ trợ tiền thuê đất; công tác cấp Giấy chứng nhận: tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất dịch vụ...
 
Tạo chuyển biến trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường
 
Tại cuộc họp, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đánh giá cao sự chủ động của lãnh đạo thành phố Hà Nội về việc tổ chức làm việc tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở các kiến nghị, đề xuất của thành phố, các Bộ, ngành sẽ phối hợp với Hà Nội để giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá, trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, Hà Nội là một trong những địa phương có sự chuyển biến mạnh mẽ thông qua các kết quả cụ thể và đánh của người dân, doanh nghiệp thông qua khảo sát của tác tổ chức quốc tế,... Đã quy hoạch quỹ đất để thu hút đầu tư hình thành hệ thống hạ tầng kết nối với các tỉnh vùng thủ đô, phát triển các dự án động lực; quan tâm thực hiện công tác bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề rác thải; ô nhiễm không khí...
 
Trong triển khai nhiệm vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có sự phối hợp chặt chẽ nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý, giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn. Tuy nhiên, là một địa phương trung tâm của cả nước và đang phát triển mạnh mẽ, Hà Nội đang đối mặt với những vấn đề về quản lý chất thải rắn, ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Theo Bộ trưởng, đây là hạn chế, bất cập nhưng cũng là cơ hội để Hà Nội có thể "chuyển nguy thành cơ” đưa ra những quyết sách đúng đắn để phát triển Thủ đô.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc
 
Dẫn chứng về việc này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, nhìn vào cơ cấu sử dụng đất của thành phố hiện nay chưa hợp lý, quỹ đất sản xuất nông nghiệp (không bao gồm đất rừng, các loại đất thực hiện chức năng không gian xanh đô thị) chiếm 46% diện tích tự nhiên của thành phố nhưng chỉ đóng góp 1,99% GRDP. Đây là hạn chế nhưng cũng chính là dư địa để thành phố phát huy cho giai đoạn phát triển mới thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển, quy hoạch đất đai để chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng từ đất, nguồn lực từ đất, việc làm từ đất; thu hút các dự án lớn đồng bộ ở khu đô thị vệ tinh để thúc đẩy "dãn dân” giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng khu vực trung tâm cũng như quy hoạch quỹ đất dự trữ tạo vành đai xanh đô thị. Thành phố cần phối hợp với Bộ trong khảo sát địa chất để sớm có quy hoạch phát triển không gian ngầm.
 
Với những kiến nghị của Hà Nội về lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường; trong đó đã rà soát, sửa đổi căn bản, khắc phục các vướng mắc, bất cập hiện nay. Do đó, sau khi Luật được thông qua, những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của Hà Nội hiện nay sẽ được tháo gỡ.
 
Đối với công tác quản lý đất đai như đối với đề nghị ban hành Nghị quyết về cơ chế đặc thù khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Bộ trưởng cho biết,  Bộ đang phối hợp với TP Hồ Chí Minh đánh giá tình hình thực hiện, trên cơ sở thực tiễn sẽ nghiên cứu ban hành các chính sách chung để thực hiện thống nhất trong cả nước. Bộ sẽ phối hợp với thành phố Hà Nội để xây dựng Nghị quyết để thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù về giải phóng mặt bằng trình Chính phủ xem xét ban hành.
 
Ngoài ra, với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đã được quy định trong Luật, do đó, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tạo cơ chế linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị. Đối với một số vướng mắc cụ thể, Bộ giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các Sở, ngành giải quyết theo quy định trên tinh thần là quan tâm tạo điều kiện cho người dân, giải quyết các tồn tại, đảm bảo ổn định trật tự chính trị xã hội trên địa bàn thành phố.
 
Kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị, trên cơ sở thống nhất giữa hai bên, Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có thông báo, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của hai cơ quan trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất được nêu. Từ đó, Hà Nội sẽ đặt ra mục tiêu phấn đấu từ nay đến hết năm 2020 tạo ra được chuyển biến rõ rệt về quản lý tài nguyên, môi trường trên địa bàn thành phố.
 
Lưu ý những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường của Hà Nội thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành, trước hết là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tập trung chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch xử lý chất thải rắn; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt tập trung, các dự án áp dụng công nghệ đốt rác phát điện trọng điểm, các trạm xử lý nước thải; triển khai từng bước chương trình thu gom xử lý nước thải sinh hoạt ra sông Đáy, nạo vét sông Nhuệ; phối hợp với các tỉnh xây dựng Đề án bảo vệ môi trường hệ thống sông Bắc Hưng Hải, trong đó có sông Cầu Bây; hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường nước gắn với tăng cường quản lý các nguồn xả thải...


Quang cảnh buổi làm việc
 
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo để bảo đảm 100% khu, cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại các bệnh viện còn thiếu; yêu cầu toàn bộ các khu, cụm công nghiệp mới phải có khu xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động. Đặc biệt, lưu ý việc kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, bảo đảm an ninh nguồn nước và sức khỏe nhân dân, Bí thư Thành ủy chỉ đạo kiện toàn để bộ phận giám sát hệ thống cấp nước sạch trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường đi vào làm việc ngay, nhằm phát hiện kịp thời, không để xảy ra sự cố.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ô nhiễm không khí, tinh thần là phải quyết liệt, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 phải tạo được chuyển biến căn bản về chất lượng không khí.
 
Cũng theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường và các quận, huyện, thị xã phải rà soát, lên danh sách toàn bộ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, giao thời hạn khắc phục; sau thời hạn mà không khắc phục được thì cho dừng hoạt động.
 
Về quản lý đất đai, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố sớm hoàn thành hệ thống hồ sơ địa chính, tinh thần là làm đến đâu cập nhật đến đó; đồng thời tăng cường thanh tra, xử lý kịp thời vi phạm, xử lý dứt điểm các vi phạm đã có kết luận; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ. Đối với các dự án có vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, UBND thành phố phải rà soát lại từng dự án gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.

 
Nguồn tin: Monre.gov.vn

Tags quản lý tài nguyên bảo vệ môi trường Tp.Hà Nội Vương Đình Huệ

Các tin khác

Việc giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được thế giới và các quốc gia quan tâm hàng đầu. Các mô hình giảm thiểu rủi ro thiên tai đã và đang được các quốc gia áp dụng một cách mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực quy hoạch đô thị.

Chiều 17/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) tổ chức hội nghị tổng kết Chiến dịch 7 ngày đêm khắc phục hậu quả bão số 3.

Đô thị hóa và sự gia tăng dân số đô thị khiến con người ngày càng mất dần mối liên hệ với thiên nhiên.

Chủ tịch TP Đà Nẵng yêu cầu các sở, ngành, UBND quận, huyện thường xuyên theo dõi tình hình mưa, bão để chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch, phương án xử lý thoát nước, chống ngập úng hiệu quả tránh tình trạng bị động gây thiệt hại về người và của.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục