Mong ước thì cũng chỉ là mong ước, bởi lẽ, nỗi lo về năng lực nhiều mặt để có thể hình thành một đô thị tầm cỡ quốc tế của Việt Nam ta vẫn còn nhiều thách thức và đầy chông gai.
Trong cuộc tọa đàm gần đây do Reatimes tổ chức, có một nhận định của TS. Lê Xuân Nghĩa đã khiến nhiều người ước mơ táo bạo: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam nếu có một đô thị nào mới và lớn trong 50 năm nữa thì chỉ có thể là Long Thành. Vì không còn nơi nào còn đất, có vị trí đẹp, có nhiều thuận lợi về hạ tầng, vị trí. Chính Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ về việc phát triển Long Thành với các tiềm năng để có thể phát triển tầm cỡ với khu vực. Đây chính là một thành phố mới của Việt Nam".
Tại sao lại nói là ước mơ táo bạo? Bởi rằng, để Việt Nam có một đô thị ngang tầm quốc tế, là niềm tự hào của quốc gia về đồng bộ tất cả các mặt, như kiến trúc, quy hoạch, hạ tầng giao thông hiện đại, thông thoát, không úng không ngập, hạ tầng xã hội cân bằng và văn minh... thì chắc sẽ phải chờ mong ở Long Thành!
Dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1777/QĐ-TTg ngày 11/11/2020 phê duyệt giai đoạn 1, bao gồm một nhà ga công suất 25 triệu khách/năm, một đường cất hạ cánh 4.000m x 60m, các công trình liên quan khác, dự kiến triển khai công tác thiết kế và hoàn thành xây dựng trong giai đoạn 2020 - 2025.
Kể từ khi dự án mới manh nha trong ý tưởng, từ 4 - 5 năm trước, xung quanh khu vực quy hoạch sân bay đã diễn ra một thị trường bất động sản sôi động chưa từng có, hết sốt nóng lại sốt lạnh. Nhiều nhà đầu tư lớn đã đón đầu cơ hội có một không hai này dành cho tương lai, như Tập đoàn Novaland, Đất Xanh, Nam Long...
Tuy nhiên, mong ước thì cũng chỉ là mong ước, bởi lẽ, nỗi lo về năng lực nhiều mặt để có thể hình thành một đô thị tầm cỡ quốc tế của Việt Nam ta vẫn còn nhiều thách thức và đầy chông gai.
Chẳng nói đâu xa, chỉ cần lấy quá trình phát triển của đảo Phú Quốc trong khoảng chục năm qua làm ví dụ. Ai cũng đã từng biết, Việt Nam ta đã từng mơ ước đảo Phú Quốc sẽ trở thành một đặc khu kinh tế trong tương lai, vì theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, Phú Quốc sở hữu rất nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời, có rất nhiều điểm tương đồng với Singapore, một đất nước tựa như một đô thị hiện đại khổng lồ, được mệnh danh là con Rồng của châu Á.
Vậy mà đến vừa rồi, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hàng loạt sai phạm từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã "băm nát” quy hoạch của huyện đảo này đến mức khó có thể phục hồi, phải kỷ luật hàng loạt cán bộ.
Hàng loạt sai phạm từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã "băm nát” quy hoạch của huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Internet)
"Trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2018, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, về trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng", kết luận thanh tra nêu rõ.
Cụ thể hơn, chỉ từ tháng 1/2016 đến ngày 31/12/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt không đúng thẩm quyền đơn giá đất cụ thể để làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với 16 dự án, vi phạm quy định của Luật Đất đai.
Bên cạnh đó, Cục Thuế tỉnh Kiên Giang giảm 50% tiền sử dụng đất đối với một số chủ đầu tư chưa đúng quy định, phải thu hồi số tiền hơn 255 tỷ đồng. Cơ quan này cũng miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản đối với 10 dự án đầu tư khi chưa đủ điều kiện, cần phải thu hồi về ngân sách số tiền hơn 53 tỷ đồng.
Ở cấp dưới, UBND huyện Phú Quốc và UBND các xã, thị trấn trực thuộc đã buông lỏng quản lý về đất đai, trật tự xây dựng đô thị, dẫn tới nhiều tổ chức, cá nhân xây dựng hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp nhằm phân lô, tách thửa đất nông nghiệp với diện tích nhỏ để chuyển nhượng.
Cùng với đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang đã cho phép tách 17.808 thửa đất nông nghiệp ở huyện Phú Quốc với diện tích nhỏ (dưới 500m2) không vì mục đích sản xuất nông nghiệp. Việc này dẫn tới tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp diễn ra phức tạp. Tình trạng phân lô, tách thửa còn gây khó cho quá trình đền bù thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
Không chỉ mất đất nông nghiệp, kết luận còn chỉ ra sai phạm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang khi không đôn đốc các chủ đầu tư dự án có sử dụng đất rừng khi chuyển mục đích sử dụng đất phải trồng rừng thay thế.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc và Ban quản lý Vườn quốc gia Phú Quốc đã buông lỏng quản lý rừng, dẫn tới tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng. Thậm chí, nhiều hộ dân còn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên diện tích đất thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc quản lý.
Để xảy ra các sai phạm nói trên, Thanh tra Chính phủ nhận định, trách nhiệm chính thuộc về chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2011 - 2017. Cùng chịu trách nhiệm còn có thủ trưởng các sở, ngành và chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thời kỳ 2011 - 2017.
Thế đấy, năng lực nhiều mặt để có thể hình thành một đô thị tầm cỡ quốc tế của Việt Nam ta vẫn còn nhiều thách thức và đầy chông gai đến như vậy, và không ai dám tin chắc rằng nó sẽ không xảy ra ở Long Thành.
Cho dù có những bài học đớn đau như thế ở Phú Quốc, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng rằng, Long Thành trong tương lai sẽ hình thành một đô thị mới ngang tầm quốc tế và là niềm tự hào của quốc gia.
Long Thành là một thành phố của nhiều tiềm năng.
Còn về Long Thành, niềm tin và hy vọng là rất nhiều. Nhưng xuất hiện cùng với đó cũng là những thách thức, cần sự tỉnh táo. Bởi không tỉnh táo thì rất dễ bước lạc vào vết xe đổ mà Phú Quốc đã đi.
Chính TS. Lê Xuân Nghĩa, người đặt ra một kỳ vọng rất lớn cho Long Thành cũng có cho mình những lăn tăn trong câu chuyện phát triển ấy.
"Như các chuyên gia cũng đã nói, Long Thành là một thành phố của nhiều tiềm năng song lại đặt ở trong khu vực phát triển nông nghiệp. Nên chăng Chính phủ, Trung ương cần có những quy hoạch dài hạn cho khu vực này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp khi đầu tư cần có quỹ vốn lớn để sẵn sàng phát triển dài hạn vì có thể sẽ phải tự quy hoạch đầu tư hạ tầng, mở thêm các đường, trường, trạm...", TS. Nghĩa phân tích.
Theo vị chuyên gia này, tiềm năng phát triển Long Thành cần phải nhìn trong dài hạn. Và, con số xấp xỉ 18,7 tỷ USD đổ vào dự án Long Thành hiện nay là chưa đủ. "Nơi đây có lẽ phải cần đến 30 tỷ USD. Bởi, Long Thành rồi sẽ thu hút dân cư đến sống, sẽ đòi hỏi phải phát triển lâu dài với các công trình gắn với sự phát triển về nhà ở, logistic…", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bổ sung thêm luận điểm về lợi thế hiện hữu của Long Thành, TS. Vũ Đình Ánh cho hay: "Long Thành có những lợi thế đặc biệt về mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Đây chính là điều kiện then chốt tạo nên sức hấp dẫn và triển vọng phát triển bất động sản ở Long Thành. Bên cạnh đó là các tuyến đường tỉnh. Đồng thời, Long Thành cũng đẩy mạnh khai thác lợi thế đường thủy như: Xây dựng bến tàu khách trên sông Đồng Nai, Bến tàu khách Gò Dầu trên sông Thị Vải...".
Tiềm năng tiếp theo mà TS. Ánh đề cập là chính quyền Đồng Nai và chính quyền Long Thành rất quan tâm tới vấn đề về kết nối giao thông, kết nối giao thông đường bộ - đường thủy, đường hàng không của Long Thành với các đầu mối giao thông khác.
"Vậy để thấy, Long Thành hoàn toàn có thể trở thành tâm điểm của trung tâm với những điều kiện kết nối như trên", ông Ánh nhấn mạnh.
Năm 2021 hứa hẹn sẽ là vận hội mới cho thị trường bất động sản Long Thành nói riêng và các khu vực trọng điểm phía Nam nói chung.
Nhưng để vận hội ấy trở thành những giá trị hiện hữu thì một vị chuyên gia đã nhấn mạnh 3 điều sau:
Thứ nhất, nhà đầu tư dự án hay nhà đầu tư thứ cấp hãy quan tâm đến khả năng kết nối của khu vực này.
Thứ hai là cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương.
Và thứ ba, là không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp, những cánh chim đầu đàn tiên phong và thứ tư là tiềm năng lợi thế của địa phương.
Theo Nguyễn Hoàng Linh/ Reatimes