Nỗ lực bảo vệ môi trường
Toàn tỉnh hiện có trên 1,4 triệu người, trong đó dân số đô thị là trên 262.000 người. Theo số liệu thống kê, lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh thải ra môi trường khoảng 769 tấn/ngày đêm, trong đó lượng rác thải khu vực đô thị chiếm gần một nửa. Điều này đặt ra bài toán thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đối với các đô thị, nhất là đối với thành phố Việt Trì.
Ông Phạm Ngọc Thọ - Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì - cho biết: "Đơn vị thực hiện thu gom vận chuyển rác thải tại các vùng nội thị, các xã vùng ven trong toàn thành phố Việt Trì với nguồn rác chủ yếu là rác thải sinh hoạt, rác thải y tế, rác thải từ các khu công nghiệp với số lượng rất lớn, trung bình mỗi ngày từ 150 tấn trở lên, ngày mưa còn lên tới gần 180 tấn. Vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, nhân viên công ty không kể ngày đêm nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và giữ gìn môi trường cho thành phố”.
Bằng quan sát trực quan, chúng ta có thể nhận thấy, nhiều nơi tập kết chất thải rắn trên địa bàn thành phố, rác được chuyển trực tiếp từ xe đẩy tay sang xe ép chất thải rắn chứ không đổ vào các bãi trung chuyển như trước đây, không gây mất vệ sinh môi trường do phân huỷ. Chất thải rắn sau khi thu gom được vận chuyển đến Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì.
Cùng chung nỗ lực chung tay bảo vệ, giữ gìn môi trường đô thị, tại các thị trấn trên địa bàn tỉnh, cũng đã tổ chức thành lập các hợp tác xã, ban quản lý thực hiện thu gom rác thải, vận chuyển đưa rác thải sinh hoạt về nơi quy định. Tiến hành thực hiện các dự án xây dựng các mô hình xử lý rác bằng khí đốt hoặc xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh. Đối với chất thải rắn công nghiệp, tỉnh cũng đã đầu tư khu xử lý chất thải rắn công nghiệp tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, với diện tích 23,8ha, gồm có ô chôn lấp chất thải đạt tiêu chuẩn ô chôn lấp hợp vệ sinh cho chất thải công nghiệp và dây chuyền xử lý nước rỉ rác...
Không chỉ vấn đề rác thải đô thị mà các vấn đề về nước thải, môi trường khí cũng luôn được dư luận xã hội quan tâm và các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý hiệu quả, góp phần làm trong lành môi trường đô thị.
Công nhân Công ty CP Môi trường và Dịch vụ đô thị Việt Trì thu gom rác thải trực tiếp từ xe đẩy tay sang xe ép chất thải rắn, góp phần đảm bảo môi trường đô thị.
Còn đó những thách thức...
Phú Thọ được biết đến có nền công nghiệp phát triển sớm ở khu vực phía Bắc và đến nay tiếp tục hình thành nhiều khu công nghiệp tập trung ở các khu đô thị. Mặc dù vấn đề môi trường luôn được các công ty, doanh nghiệp sản xuất đặt lên hàng đầu, tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện tốt vấn đề môi trường, nhất là vấn đề nước xả thải chưa đảm bảo đạt tiêu chuẩn cho phép, gây tác hại xấu đến môi trường. Mặt khác, dân số tại các đô thị không chỉ tăng tự nhiên mà còn tăng theo hướng cơ học do di dân từ nông thôn vào đô thị để tìm kiếm việc làm, nhất là tại các khu công nghiệp, phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đến năm 2020 tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch là 100% ở đô thị, lượng nước sạch sử dụng cho mỗi người ở vùng đô thị là 150 lít/ngày (Tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng). Lượng nước thải tính trung bình bằng 80% lượng nước cấp. Dự báo đến năm 2020, dân số khu vực thành thị là gần 282.000 người, nhu cầu sử dụng nước gần 50.000 m3/ngày và lượng nước thải ra là 40.000 m3/ngày. Như vậy, lượng nước thải ra môi trường rất lớn, đòi hỏi có biện pháp xử lý tốt. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nước thải sinh hoạt ở khu dân cư, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành thị hầu hết được đổ ra các sông, đầm, hồ, kênh mương, trong khi diễn biến môi trường nước mặt lại có liên quan chặt chẽ tới nguồn nước thải.
Những năm gần đây cơ sở hạ tầng giao thông vận tải phát triển, các phương tiện giao thông gia tăng, gây ô nhiễm môi trường khí, tiếng ồn, nhất là vào giờ cao điểm. Các hoạt động của nhà máy, công trình xây dựng cũng đang là nguồn gây ô nhiễm khí.
Như vậy, vấn đề rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp... đang đặt ra những thách thức đối với môi trường đô thị.
Giải pháp đảm bảo môi trường đô thị
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng được các cấp, ngành, cơ quan chức năng cùng vào cuộc. Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị đặt ra những thách thức mới cần có những giải pháp cụ thể, tích cực hơn nữa.
Ông Nguyễn Bá Thọ-Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh: "Để bảo vệ, gìn giữ môi trường đô thị, giải pháp hàng đầu đó là đẩy mạnh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật và các thông tin về môi trường cũng như các mô hình, biện pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các địa phương về bảo vệ môi trường theo hướng quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân. Xây dựng các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường và tích cực thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát việc thực thi các chủ trương, chính sách và pháp luật bảo vệ môi trường ở các địa phương và cơ sở cần tập trung vào các vấn đề "nóng”, kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu vực sông, hồ, khu kinh tế trọng điểm, nhập khẩu phế liệu trái với quy định của pháp luật... Cùng với việc tăng cường các biện pháp tuyên truyền, kiểm tra giám sát, cũng cần có những giải pháp trong việc tiếp cận trình độ kỹ thuật, công nghệ mới để đẩy mạnh sản xuất sạch hơn và xử lý rác thải, nước thải, khí thải, hạn chế tiếng ồn...
Có thể thấy, vấn đề môi trường đô thị hiện đang đặt ra những thách thức mới không phải là trách nhiệm của riêng ai mà cần sự chung tay của các cấp chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội. Điều đó đòi hỏi không chỉ nâng cao nhận thức mà còn phải có sự chuyển biến trong từng hành động để bảo vệ môi trường đô thị.
Theo Huyền Nga/ Báo Phú Thọ