Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)
Việc quy hoạch tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt nhiều kết quả góp phần hình thành một đô thị phát triển năng động, sáng tạo, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ của cả nước, nhưng nhiều đồ án quy hoạch đang bộc lộ không ít hạn chế.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc lập thiết kế đô thị và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc tại các khu vực đô thị là công việc mới mẻ, chưa có biểu mẫu và hướng dẫn cụ thể từ Bộ Xây dựng.
Quá trình thực hiện còn có vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, tính hiệu quả, khả thi của đồ án thiết kế đô thị khi áp dụng vào khu vực đô thị có sự đan xen giữa hiện hữu cải tạo và xây dựng mới. Vì thế, quá trình tổ chức triển khai thực hiện cần tiến hành thận trọng, hạn chế tối đa lãng phí về nguồn lực, tránh chồng chéo, bất cập giữa các pháp lý về quy hoạch-quy chế-thiết kế đô thị.
Trên cơ sở đó Ủy ban Nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thiện cơ sở pháp lý về quy hoạch và quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị để cấp giấy phép xây dựng.
Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương nghiên cứu tổ chức lập chương trình phát triển đô thị Thành phố phía Đông (thành phố Thủ Đức) song hành với Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hồ chí Minh đến năm 2025.
Hiện nay, quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tổng thể, thành phố đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố cũng đang xây dựng kế hoạch lập các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc dọc các tuyến đường quan trọng, các khu vực ven sông, kênh, rạch với 17 khu vực như khu vực xung quanh các nhà ga tuyến metro số 2, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Vành đai 2, Vành đai 3, khu vực đường Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Lợi (Quận 1), Làng Đại học, phường Bình Thọ (Quận Thủ Đức)…
Đáng chú ý, Thành phố cũng đang khẩn trương lập quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thuộc Quận 2, Quận 9, Quận Thủ Đức, lập quy hoạch điều chỉnh huyện Cần Giờ theo định hướng trở thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, sinh thái và bảo tồn.
Đối với khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Thành phố định hướng đây sẽ là khu vực phát triển dựa trên nền tảng kinh tế tri thức và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển và tăng cường gắn kết với các khu vực chức năng hiện hữu xây dựng thêm một số trung tâm đổi mới sáng tạo, gồm các cụm doanh nghiệp nhỏ, tầm trung và lớn, sử dụng hạ tầng dùng chung.
Hiện nay, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến thống nhất hướng nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phân khu các khu vực trọng điểm trước, trên cơ sở cân đối chỉ tiêu trong từng quận, phù hợp với thẩm quyền của Thành phố.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở ngành, quận huyện rà soát điều chỉnh quy hoạch và Thành phố đã phủ kín 100% quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 với 600 đồ án đã được phê duyệt có tổng diện tích gần 88.300ha.
Thành phố cũng đã rà soát, đánh giá, xác định một số khu vực quy hoạch thiếu tính khả thi, kéo dài ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, không phù hợp với thực tế phát triển kinh tế xã hội cần xem xét điều chỉnh tổng thể hoặc điều chỉnh cục bộ.
Cụ thể, Thành phố đã điều chỉnh tổng thể 115 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch phân khu với gần 16.500ha; điều chỉnh cục bộ 402 khu vực quy hoạch, tuyến đường giao thông với diện tích hơn 766ha.
Bên cạnh đó, Thành phố đã lập nhiệm vụ đầu bài cho việc lập quy hoạch không gian ngầm khu trung tâm hiện hữu (930ha), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha), dự kiến quý 4/2021 Thành phố sẽ xem xét, phê duyệt đồ án quy hoạch không gian ngầm.
Đối với việc quy hoạch phát triển đô thị tại các khu đô thị mới, Thành phố đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/5000, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, triển khai các nội dung quy hoạch của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị cảng Hiệp Phước, phê duyệt pháp lý về quy hoạch Khu đô thị Bình Quới-Thanh Đa làm cơ sở mời gọi đầu tư phát triển.
Trong khi đó, Khu đô thị mới Nam Thành phố đang được tổ chức lập điều chỉnh cục bộ tại một số khu vực có mật độ dân cư hiện hữu cao, tổ chức lập thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh./.
Theo Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)