Cảng Lạch Huyện (Ảnh: Nguyễn Đức Nghĩa).
Đó là một trong những nội dung Nghị quyết 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành ngày 24/1/2019.
Định hướng về phát triển hạ tầng kinh tế, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột là cảng biển, công nghiệp, thương mại dịch vụ - du lịch. Trong đó, cảng biển được đưa lên hàng đầu. Thành phố Hải Phòng ưu tiên phát triển logistics, hệ thống cảng công nghiệp tầm quốc gia, quốc tế.
Lượng tàu, thuyền và hàng hóa tại cảng tăng cao
Hiện nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 45 bến cảng bốc xếp hàng hóa với chiều dài cầu cảng khoảng hơn 12km. Trong đó có một số bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu vận chuyển hàng lỏng (sản phẩm dầu khí, khí ga hóa lỏng); có các bến cảng chuyên để xếp dỡ hàng container, hàng tổng hợp và có các bến cảng có công năng công bố vừa tiếp nhận tàu container và kết hợp tàu hàng tổng hợp. Cụ thể sơ bộ có thể phân ra gồm: 11 bến cảng chuyên dùng hàng lỏng (cảng lớn nhất có khả năng tiếp nhận tàu đến 20.000DWT giảm tải); 22 bến cảng tổng hợp (cảng lớn nhất có khả năng tiếp nhận tàu đến 40.000DWT giảm tải) và 12 bến cảng container (cảng lớn nhất có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000DWT giảm tải).
Xác định vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa khu vực Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc, trong những năm qua, các doanh nghiệp cảng đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cải tạo hệ thống cảng cũng như đầu tư áp dụng công nghệ trong điều hành sản xuất, giúp thu hút lượng tàu thuyền, hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng làm hàng hàng năm đều tăng trưởng ở mức từ 5 - 10%.
Đối với khu vực cảng biển Hải Phòng, thời gian qua có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Qua đó, tạo dựng được vị thế, mắt xích quan trọng trong hải trình toàn cầu.
Từ cảng biển, Hải Phòng đã huy động các nguồn lực cùng nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng liên hoàn, đồng bộ, hiện đại bao gồm cả cảng biển, sân bay quốc tế; hệ thống đường cao tốc tới khắp nơi và những cây cầu lớn. Sự phát triển kinh tế - xã hội và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và sự tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn), thu nhập bình quân đầu người… của thành phố Hải Phòng có sự đóng góp rất quan trọng từ cảng biển.
Các cảng biển tại Hải Phòng phát triển nhanh và mạnh về số lượng và quy mô, công nghệ, trình độ năng lực bốc xếp hàng hóa cùng với các dịch vụ đi kèm. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Hải Phòng ngày càng tăng. Sự tăng trưởng này tác động đến các ngành như công nghiệp, dịch vụ hậu cần sau cảng phát triển.
Trong thời điểm cả nước triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa phát triển sản xuất, trong khi các địa phương khác gặp nhiều khó khăn thì kinh tế thành phố vẫn có sự tăng trưởng. Theo số liệu thống kê, trong tháng 3/2021 và 3 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng đều tăng. Cụ thể, trong tháng 3/2021, sản lượng hàng hóa qua cảng tại Hải Phòng ước đạt 10,37 triệu tấn (tăng 19,24% so với cùng kỳ); quý 1/2021 đạt 33, 93 triệu tấn (tăng 16,66% so với cùng kỳ) bằng 21,34% kế hoạch.
Đến nay, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã chính thức đưa vào hoạt động 2 bến khởi động. Từ một cảng biển truyền thống, có năng lực tiếp nhận tàu trọng tải chỉ 40.000 tấn, cảng biển Hải Phòng có thể tiếp nhận tàu có trọng tải từ 100.000-150.000 tấn. Cảng biển Hải Phòng trở thành cảng biển tầm cỡ trong khu vực và thế giới. Cảng container quốc tế Hải Phòng (HICT) đã đón những con tàu lớn vào làm hàng, đánh dấu sự phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển xuyên đại dương trực tiếp từ cảng HICT, khu vực miền Bắc đến các cảng biển ở châu Mỹ và châu Âu, không cần thông qua cảng trung chuyển nước ngoài.
Theo HICT, việc triển khai tuyến vận chuyển hàng hóa trên biển mới này đã làm thay đổi việc khai thác cảng và vận tải biển ở miền Bắc, tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam và các doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư… HICT của Hải Phòng nằm trong danh sách 20 bến cảng biển đón được tàu lớn của các châu lục.
Dự án đầu tư xây dựng bến số 3, 4 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 9/10/2019. Hiện nay, chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong quý IV/2021. Dự án đầu tư xây dựng bến số 5, 6 tại cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-Ttg ngày 4/3/2021. Hiện chủ đầu tư đang triển khai các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công trong quý IV/2021.
Cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế
Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050: Thành phố Hải Phòng có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không, trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Về định hướng tổ chức phát triển không gian, Hải Phòng kế thừa và phát triển mô hình "Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh” thành mô hình "Đô thị đa trung tâm”, gồm 2 vành đai kinh tế, 3 hành lang cảnh quan, 3 đô thị trọng điểm và các đô thị mới. 2 vành đai kinh tế gồm vành đai kinh tế công nghiệp từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc Quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) nhằm khai thác quỹ đất phát triển công nghiệp, kết nối mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng với cảng Lạch Huyện và vành đai kinh tế ven biển thúc đẩy phát triển đô thị hướng ra vịnh Hải Phòng kết hợp bảo vệ mối trường biển.
3 hành lang cảnh quan gồm hành lang đô thị dọc hai bên bờ sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ở giữa dải đô thị là không gian mở xanh tạo nên môi trường sống tốt nhất và tăng khả năng tiếp cận giữa khu ở với khu sản xuất.
3 Cụm đô thị trọng điểm gồm Cụm đô thị Trung tâm đô thị lịch (thuộc quận Ngô Quyền, Hồng Bảng, Lê Chân) và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Cụm đô thị hàng hải tại Dương Kinh và Hải An, là trung tâm thương mại, tài chính; Cụm đô thị sân bay Tiên Lãng. 3 Cụm đô thị trọng điểm được kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông nhanh trên vành đai kinh tế ven biển…
Hải Phòng định hướng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, thông minh, bền vững; là thành phố hàng hải toàn cầu, đô thị cửa ngõ của vùng Bắc Bộ, trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước. Thành phố Hải Phòng sẽ phát triển hệ thống cảng biển và hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng; hình thành lối sống văn hóa đô thị cảng văn minh, hiện đại, thu hút nhân tài tới Hải Phòng nghiên cứu khoa học và đào tạo các ngành nghề gắn với hàng hải, kinh tế biển, hải dương học…
Thành phố Hải Phòng sẽ quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển kết hợp với hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, khẳng định vai trò là đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kết nối vùng với khu vực và quốc tế. Cụ thể, thành phố Hải Phòng sẽ mở rộng quy hoạch khu bến Lạch Huyện về phía tây, tăng diện tích từ 600ha với chiều dài cảng 10km theo quy hoạch lên thành 2.000ha với chiều dài cảng 55km, công suất dự báo khoảng 100 triệu teu (tương đương 1.320 triệu tấn), bảo đảm công suất 600 triệu tấn/năm theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng.
Đồng thời, kế thừa vị trí và đề nghị chuyển đổi chức năng cảng Nam Đồ Sơn thành cảng dân dụng (có thể chuyển đổi sang cảng quân sự khi cần) và mở rộng ra phía đông hỗ trợ cảng Lạch Huyện; bổ sung cảng hàng lỏng và cảng tổng hợp tại đảo Cái Tráp; cảng Văn Úc tại cửa sông Văn Úc (huyện Tiên Lãng); kế thừa khu bến Đình Vũ, bổ sung các bến phục vụ hàng tổng hợp, container, xăng dầu, tiếp nhận tàu trọng tải tới 20.000 tấn…
Định hướng chung phát triển dịch vụ logistics là xây dựng Hải Phòng trở thành một trung tâm phát triển dịch vụ logistics của quốc gia và khu vực; từng bước hình thành các tập đoàn doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ cảng biển với chất lượng cao, đủ năng lực từng bước cạnh tranh với các doanh nghiệp dịch vụ nước ngoài.
Tốc độ tăng trưởng trung bình dịch vụ logistics giai đoạn 2021 - 2025 là 16 - 18%/năm và giai đoạn 2026 - 2030 là 17%/năm. Dịch vụ logistics gắn liền cả quá trình nhập nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, sản xuất ra hàng hóa và đưa vào các kênh lưu thông, phân phối để đến tay người tiêu dùng. Đây cũng là công cụ liên kết các hoạt động trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC - Global Value Chain) như: Cung cấp, sản xuất, lưu thông phân phối, mở rộng thị trường cho các hoạt động kinh tế...
Phát triển mạng lưới trung tâm logistics đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nước cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu với các nước trong khu vực và quốc tế. Khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình 3PL (cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba) nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển thông qua việc tối ưu hóa chi phí và tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp. Cùng đó, từng bước triển khai mô hình 4PL và 5PL trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.
Quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics trên địa bàn thành phố Hải Phòng bao gồm 1 trung tâm logistics cấp vùng và các trung tâm logistics cấp tỉnh với chức năng phụ trợ cho trung tâm logistics cấp vùng.Trung tâm logistics cấp vùng sẽ đảm nhận chức năng là trung tâm dịch vụ vận tải, phân phối hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng; đảm bảo khả năng kết hợp chặt chẽ với hoạt động khai thác của cảng Hải Phòng, đặc biệt là khu bến Lạch Huyện nhằm kết nối từ 2 phương thức vận tải trở lên đến trung tâm.
Theo Đăng Hùng/ Báo Xây Dựng