Tuy nhiên, thời kỳ hậu Covid-19, các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời thậm chí còn đứng trước một thử thách mới nặng nề hơn khi các dự báo về triển vọng kinh tế năm 2023 đều cho thấy các tín hiệu không khả quan. Và việc đầu tiên các doanh nghiệp và nhãn hàng lựa chọn để sinh tồn đó là cắt giảm ngân sách truyền thông nói chung và kênh OOH (bảng quảng cáo ngoài trời) nói riêng.
Ngành quảng cáo ngoài trời Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn vì tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này đã gây ra những tác động trầm trọng đến nền kinh tế Việt Nam, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP của quý I năm 2023 gần thấp nhất trong 13 năm qua và chỉ cao hơn so với quý I năm 2020 (năm đầu tiên của đại dịch Covid-19). Khi so sánh với tốc độ phục hồi của thế giới, trong lúc ngành quảng cáo thế giới phục hồi vào năm 2021 thì quảng cáo Việt Nam phục hồi chậm trong năm 2022.
Thị trường quảng cáo, thường được coi như một công cụ để theo dõi "sức khỏe” của các nền kinh tế. Với tình trạng suy thoái đang diễn ra, các chủ trương để kích cầu, đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế kỳ vọng sẽ phần nào giúp ngành quảng cáo ngoài trời dần ổn định lại.
Để tồn tại và phát triển, ngoài tối ưu các bảng quảng cáo ngoài trời với hình thức đa dạng, thẩm mỹ; doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời cũng cần đa dạng dịch vụ hoặc hệ thống, như quảng cáo thông qua Wifi (Wifi Marketing), hợp tác với các siêu thị, trung tâm thương mại để quảng cáo trên màn hình tại cửa hàng với mục tiêu đưa doanh thu phục hồi trở lại. Dù vậy, ngành quảng cáo ngoài trời ở Hà Nội cũng như cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ phải đóng cửa hàng loạt.
Cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Quảng cáo
Tại Đà Nẵng, ngày 31/3, Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) phối hợp với Sở VHTT TP.Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản thuộc quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở”.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương
Đã gần 11 năm kể từ ngày Quốc hội ban hành Luật Quảng cáo - 21/6/2012, đã phần nào tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó những hạn chế, bất cập nảy sinh trong hoạt động quảng cáo, như: sự cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo, sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.
Một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản là việc xây dựng, ban hành, thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đang đặt ra, dẫn đến hoạt động quảng cáo của Việt Nam vẫn chưa thực sự phát huy tốt và hiệu quả nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Hà Vỹ thông tin, Sở VHTT TP. Đà Nẵng đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền kể từ khi Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên hoạt động quảng cáo tại TP. Đà Nẵng vẫn còn một số bất cập như: Quy hoạch quảng cáo, công tác cấp phép, công tác xử phạt.
Ông Trần Thanh Vương - đại diện Sở VH TP.HCM chia sẻ, TP.HCM cũng gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý, xử phạt và thi hành Luật Quảng cáo. TP. HCM cũng chưa tạo ra được hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển bền vững, nguyên nhân là do các quy định vẫn còn chồng chéo.
Các đại biểu khác cũng nêu lên những bất cập về công tác quản lý nhà nước đối với việc tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng-rôn, bảng quảng cáo, thông báo đoàn người thực hiện quảng cáo và thời hạn treo băng-rôn, bảng quảng cáo; phương tiện màn hình chuyên quảng cáo; thông báo đoàn người thực hiện quảng cáo; chưa có quy định phân biệt giữa bảng quảng cáo và bảng hiệu gây nên những khó khăn trong việc hướng dẫn thực hiện quảng cáo.
Phát biểu tại Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã chỉ ra một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản của tình trạng trên là việc xây dựng, ban hành, thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật còn chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách do thực tế sôi động của đất nước đang đặt ra.
Diệp Anh