Áp lực dân số lên hạ tầng giao thông của 4 quận nội đô rất lớn.
Theo dự kiến, dân số phải di dời ra khỏi khu vực nội đô là 215.000 người. Việc này sẽ đòi hỏi một nguồn lực lớn đi kèm với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Trong đó, nổi bật là các giải pháp đã được Hà Nội đang triển khai trong nhiều năm qua như di dời trụ sở các Bộ ngành, trường học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô lịch sử. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, những biện pháp này nhận được sự đồng thuận rất lớn từ phía người dân.
Anh Hồ Quang Diệu (Phường Khương Trung, Thanh Xuân).
Anh Hồ Quang Diệu (Phường Khương Trung, Thanh Xuân) chia sẻ: Theo tôi nghĩ, đây là một chủ trương rất đúng. Vì bản chất là gần các trường học, lượng sinh viên thuê rất đông, chủ yếu là thuê trọ. Vì thế, khi di chuyển trường ra ngoài nội đô thì các bạn cũng sẽ có sự di dân cơ học. Từ đó, giảm bớt áp lực hạ tầng giao thông. Tôi rất mong đợi một lộ trình hợp lý đến từ chính quyền để hiện thực hóa chủ trương này.
Chị Ngọc Anh (Phường Giảng Võ, Ba Đình).
Chị Ngọc Anh (Phường Giảng Võ, Ba Đình) thì vui mừng: Khi mà tôi nghe thấy chủ trương này từ những ngày đầu tiên thì tôi cảm thấy chủ trương này khá là đúng đắn. Vì thứ nhất, nó sẽ giảm tải áp lực giao thông ở trong thành phố cũng như tạo điều kiện cho các trường học cũng như là các cơ quan của bộ ban ngành có được cơ sở vật chất tốt hơn và các bạn học sinh có môi trường sinh hoạt được chuyên nghiệp hơn. Ngoài ra, mình lưu ý là nếu di dời trường học, bệnh viện thì nên kết hợp với các dịch vụ đi kèm, thu hút người dân sử dụng thì chủ trương này sẽ tạo thêm nhiều nguồn thu nhập, đem lại ích lợi lớn cho cộng đồng.
Bác Nguyễn Thị Minh Hà (Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng).
Bác Nguyễn Thị Minh Hà (Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, Hai Bà Trưng) có quan điểm: Hà Nội của chúng ta hiện nay với 4 quận nội đô là rất đông nên đây là chủ trương của Đảng và Nhà nước rất phù hợp với lòng dân và phù hợp với thực tiễn. Trước những đòi hỏi làm cho giảm áp lực dân số cũng như giao thông, nếu mà các trường học, một số bệnh viện mà được chuyển ra khỏi nội đô thì phòng dịch bệnh của Hà Nội sẽ tốt hơn. Khi Đảng và Nhà nước thực hiện chủ trương di dời một số cơ quan trên khỏi nội đô sẽ tạo ra một diện mạo mới cho Thủ đô, giảm áp lực dân số cũng như áp lực giao thông.
Có thể thấy, đa phần người dân đều mong muốn trụ sở các bộ ngành, trường học, bệnh viện sớm được thực hiện di dời. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những ý kiến bày tỏ sự lo lắng trước thông tin này.
Ông Vũ Tuấn (Phường Trung Tự, Đống Đa).
Ông Vũ Tuấn (Phường Trung Tự, Đống Đa) hoài nghi: Nếu chủ trương mà sớm thực hiện được như thế thì nó đỡ đi, giảm tải thì rất tốt. Quan trọng là có làm được hay không. Giờ dân cư trong nội đô đông quá, ách tắc giao thông, cuộc sống ngột ngạt.
Vợ chồng bà Lê Thị Vân và ông Phan Kỳ Môn (Phường Tràng Thi, Hoàn Kiếm) bày tỏ: Các trường học khi chiều người đến đưa đón học sinh đứng lan tràn cả ra đường gây nguy hiểm. Nếu không di chuyển các trường học đi thì phải có cách giữ gìn giao thông cho tốt, không gay ách tắc trong thành phố, thuận tiện cho người tham gia giao thông. Hơn thế, nhiều bệnh viện quá tải, người bệnh người nhà ra đây ăn trực nằm chờ, vệ sinh, ăn nghỉ không được hợp vệ sinh, gây mất mỹ quan. Nên nhìn chung, chủ trương này rất là hợp lý. Tuy nhiên, chỉ cần chuyển một số cơ sở ra nội đô thôi, mình nên có sự phân loại, đánh giá cẩn thận và có chọn lựa. Các bệnh viện sau di dời cũng sẽ có cơ sở khang trang, điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn.
Vợ chồng bà Lê Thị Vân và ông Phan Kỳ Môn (Phường Tràng Thi, Hoàn Kiếm).
Tuy đã được thành phố Hà Nội triển khai từ lâu, nhưng cho đến nay, tiến độ triển khai việc di dời vẫn còn chậm chạp. Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đến nay đã có một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương hoàn thành đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên- Môi trường, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao… nhưng mới chỉ có Bộ Nội vụ bàn giao lại trụ sở cũ, còn các cơ quan khác vẫn tiếp sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho Thành phố Hà Nội khai thác.
Đối với việc di dời các trường đại học, cao đẳng và bệnh viện, Hà Nội sẽ thực hiện di dời một cách linh động ra khỏi nội thành. Cụ thể, thành phố hướng đến việc xây dựng các cơ sở 2 của các trường học, bệnh viện tại ngoại thành và các tỉnh vệ tinh, trở thành cơ sở đào tạo, chữa trị chủ yếu, còn trụ sở chính trong nội đô chỉ phụ trách đào đạo chuyên môn cao như tiến sĩ, thạc sĩ, giao dịch quốc tế… Từ đó, giảm tải áp lực hạ tầng đang đè nặng lên Thủ đô mà vẫn đảm bảo các nhu cầu của người dân thành phố.
Ước tính, việc di dời trụ sở các bộ ngành, trường học, bệnh viện ra khỏi khu vực nội đô sẽ kéo theo khoảng 100.000 dân cơ học tự nhiên, di dời theo các bộ, ngành. Đồng thời, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng khu vực ngoại thành, giúp kinh tế của thành phố Hà Nội phát triển đồng đều hơn trong tương lai.
Theo Tuấn Nghĩa – Diệu Anh/ Báo Xây Dựng