Đồng Nai: Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường

  • Cập nhật: Thứ sáu, 5/8/2022 | 10:42:32 AM

Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có tốc độ phát triển kinh tế nhanh với hàng nghìn dự án đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN).

Sự phát triển mạnh mẽ của hàng chục KCN trên địa bàn tỉnh đã tạo áp lực lớn về môi trường, đặt ra nhiều thách thức giữa yêu cầu bảo vệ môi trường và lợi ích tăng trưởng kinh tế.

Xóa "điểm nóng” về môi trường

Với 32 KCN đã được thành lập, trong đó 31 KCN đi vào hoạt động, Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về các KCN tập trung. Hàng hóa sản xuất trong các KCN trên đã xuất khẩu vào hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Việc xây dựng và phát triển các KCN đã tạo điều kiện cho tỉnh huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ.

Tuy nhiên, địa phương đang chịu áp lực lớn trong quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường ở tất cả các mặt như khí thải, nước thải công nghiệp, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày các KCN trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 100.000m3 nước thải, trong đó khoảng 85.500m3 được thu gom, xử lý, chiếm tỷ lệ 85%, tăng 7% so với năm 2020. Số còn lại là doanh nghiệp được cấp phép xả thải trực tiếp, số ít doanh nghiệp chưa đấu nối nước thải về KCN.


 Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Chemtrovin (KCN Nhơn Trạch, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai). Ảnh: HOÀNG LỘC 

Những năm trước, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện các "điểm nóng” về môi trường tại các KCN, nhưng với việc quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN ở Đồng Nai ngày càng đi vào nền nếp.

Thời gian qua, tỉnh không còn "điểm đen”, "điểm nóng” về môi trường tại các KCN. Các sở, ban, ngành luôn chủ động giám sát, theo dõi việc tuân thủ quy định ở các cơ sở sản xuất có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao. Đa phần doanh nghiệp tại các KCN đều có ý thức tuân thủ pháp luật môi trường, chỉ một vài doanh nghiệp lợi dụng vì lợi ích kinh tế, lén lút chôn lấp chất thải, xả nước và khí thải ra môi trường. Các trường hợp này đã được phát hiện và xử phạt, thậm chí lập hồ sơ truy tố để tăng tính răn đe.

Công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp cũng được thực hiện nghiêm túc. Trong 6 tháng đầu năm, Chánh Thanh tra Sở đã ban hành và tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, với tổng số tiền phạt là 19.748.500.000 đồng. Đáng chú ý là vụ việc Công ty CP bóng đèn Điện Quang (KCN Biên Hòa 1) chôn lấp 42 tấn chất thải nguy hại trong khuôn viên nhà máy vừa qua, đã được các cơ quan chức năng phát hiện sớm và xử lý theo quy định.

Hài hòa lợi ích kinh tế và môi trường

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã tích cực triển khai thực hiện hàng loạt các giải pháp phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; đồng thời bảo đảm công tác quản lý, bảo vệ môi trường, đặc biệt tại các KCN. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp hướng tới sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm.

Tỉnh đã tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với các hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm và tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp. Một trong những điểm nhấn của tỉnh đó là nhiều năm nay Đồng Nai không thu hút đầu tư ồ ạt mà chọn lọc dự án sử dụng công nghệ mới, công nghệ thân thiện với môi trường, ít phát sinh chất thải. Các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, phát sinh chất thải lớn thì tỉnh từ chối. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN, lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải bảo đảm diện tích cây xanh tối thiểu; mở rộng và nâng cấp hệ thống xử lý chất thải theo nhu cầu của doanh nghiệp. Cùng với đó là giám sát chặt chẽ tỷ lệ nước thải so với nước cấp để hạn chế việc lén xả nước thải ra môi trường. Đến nay, 31/31 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đều có trạm xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn môi trường.

Trong đó, 25 KCN đã được tỉnh đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát. Ngoài hệ thống quan trắc, định kỳ và đột xuất, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thu gom, xử lý nước thải và đôn đốc các doanh nghiệp mới đấu nối vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các KCN nhằm hạn chế phát sinh nước thải ra môi trường. Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục rà soát, yêu cầu chủ đầu tư các KCN xây dựng, nâng cấp vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 100% nước thải công nghiệp được đưa về hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển các KCN theo hướng xanh, sạch nhằm nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư. Hiện tại, KCN Amata (TP Biên Hòa) là một trong 3 KCN đầu tiên của cả nước được chọn xây dựng KCN sinh thái theo hướng toàn cầu, mô hình này thành công sẽ được nhân rộng ra các KCN trong tỉnh.

Dự kiến, trong tương lai, Đồng Nai sẽ có thêm 6 KCN. Do đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp nhằm ngăn ngừa, kiểm soát nguy cơ ô nhiễm tại các KCN có thể xảy ra.

UBND tỉnh cũng yêu cầu chủ đầu tư các KCN phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng trước khi mời gọi doanh nghiệp; theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cũng sẽ nâng cao năng lực thẩm định đối với các dự án đầu tư mới, ưu tiên các dự án quan tâm đến bảo vệ môi trường; đồng thời, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các công trình, giải pháp bảo vệ môi trường. 

Theo qdnd.vn

Tags Đồng Nai khu công nghiệp bảo vệ môi trường

Các tin khác

Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì.

Tại Việt Nam, các khu công nghiệp (KCN) đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, nhưng chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng xanh và bền vững bởi những tác động của nó đến môi trường sinh thái. Trước xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh là xu thế bao trùm toàn thế giới và xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn trong nước, việc chuyển đổi và phát triển các KCN bền vững tại Việt Nam là một trong những giải pháp mang tính cấp thiết cần phải đặt lên hàng đầu.

Những năm qua, Hà Nội chú trọng quy hoạch, xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề, từ đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Đặc biệt, các cụm công nghiệp còn giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu cho lao động nông thôn...

Việc xây dựng môi trường, tạo cảnh quan xanh tại Khu Công nghiệp (KCN) Long Đức (Trà Vinh) là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần xây dựng “lá phổi xanh” vừa nâng cao sức khỏe cho công nhân và người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự