Việt Nam-Hoa Kỳ: Khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/11/2022 | 8:58:54 AM

QLMT - Dự án thực hiện trong 5 năm với ngân sách dự kiến là 11,3 triệu USD, do đối tác thực hiện dự án của USAID là Tổ chức Winrock International phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện.

Sáng ngày 15/11, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ phối hợp với Tổ chức Winrock International, Bộ Tài nguyên và Môi trường khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm.

Các đại biểu ấn nút khởi động Dự án
Các đại biểu ấn nút khởi động Dự án. Ảnh: ITN

Dự án Giảm thiểu ô nhiễm do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án thúc đẩy các sáng kiến địa phương và tăng cường năng lực của các đối tác để xây dựng mạng lưới địa phương nhằm giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm trọng điểm tại Việt Nam.

Đây là một trong những dự án của USAID với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng tới việc xử lý ô nhiễm đa phương diện và huy động sự tham gia của nhiều đối tượng khác nhau trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng vào sự thành công của Dự án trong giai đoạn hiện nay, nhất là khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đang được triển khai trên phạm vi cả nước. Bộ trưởng kêu gọi các tổ chức, các đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan có liên quan tạo mọi điều kiện thuận lợi để Dự án triển khai thuận lợi theo quy định của Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá bảo vệ môi trường là một trong các yếu tố quan trọng và không thể thiếu trong tiến trình phát triển bền vững. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật khác, hoàn thiện khung pháp lý về bảo vệ môi trường, cũng như xây dựng và thực hiện nhiều chiến lược, kế hoạch về bảo vệ môi trường và lồng ghép môi trường trong kế hoạch phát triển của các ngành nhằm tăng cường bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển bền vững đất nước.

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong việc kiểm soát và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với những vấn đề như ô nhiễm môi trường không khí, đất và nước, ô nhiễm do rác thải nhựa, ô nhiễm từ các cụm công nghiệp và làng nghề... Việc ứng phó với các thách thức này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Dự án giảm thiểu ô nhiễm (2021-2026) do USAID tài trợ có mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những vấn đề về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Cách tiếp cận mới này giúp giải quyết những vấn đề môi trường bằng cách tăng cường mạng lưới các bên liên quan, bao gồm các tổ chức địa phương, chính phủ, khu vực tư nhân và các đơn vị nghiên cứu để cùng hợp tác, xây dựng chương trình hành động chung, từ đó, triển khai các hoạt động dựa trên vai trò và thế mạnh của từng bên.

Hợp phần 1 của Dự án nhằm hỗ trợ xây dựng và thực thi chính sách giảm thiểu ô nhiễm. Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan xây dựng và thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Trong khuôn khổ Hợp phần 1, sẽ có ít nhất 7 văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy định được Dự án hỗ trợ đề xuất, ban hành hoặc thực hiện. Dự án cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 6 cơ chế địa phương nhằm kết nối công dân với chính quyền các cấp trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Hợp phần 2 của Dự án nhằm nâng cao năng lực cho các bên liên quan để triển khai thành công và duy trì bền vững hiệu quả các sáng kiến tác động tập thể.

Hợp phần 3 của Dự án sẽ triển khai các sáng kiến tác động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Trong khuôn khổ Hợp phần 2 và 3, để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức ô nhiễm môi trường, Dự án sẽ hỗ trợ cho các sáng kiến tác động tập thể. Theo đó, mỗi sáng kiến sẽ được dẫn dắt bởi một tổ chức địa phương, có vai trò là "Tổ chức nòng cốt”. Các tổ chức này sẽ huy động sự hỗ trợ của cộng đồng và khu vực tư nhân, hợp tác với cơ quan nhà nước và các nhà nghiên cứu để thực hiện các sáng kiến, góp phần hoàn thiện và thực thi chính sách bảo vệ môi trường, thúc đẩy thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại Việt Nam, đồng thời hình thành cơ chế để giải quyết vấn đề môi trường một cách bền vững.

Thông qua tham vấn với các cơ quan chức năng, các tổ chức, chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, Dự án đã xác định được 6 sáng kiến tác động tập thể để tập trung đầu tư và thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm trong thời gian tới, bao gồm: Sáng kiến Doanh nghiệp, cộng đồng và người tiêu dùng có trách nhiệm tiên phong giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam, thực hiện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; sáng kiến Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa y tế, thực hiện tại Cần Thơ, Bình Định, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hà Nội; sáng kiến Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; sáng kiến Giảm thiểu ô nhiễm không khí từ hoạt động đốt mở tại Hà Nội và các khu vực, tỉnh, thành phố xung quanh Hà Nội; sáng kiến Giảm thiểu ô nhiễm tại làng nghề thuộc 1 trong những tỉnh thuộc miền Bắc Việt Nam; sáng kiến Xây dựng nền tảng công khai minh bạch thông tin môi trường.

Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam cho biết, việc khởi động Dự án giảm thiểu ô nhiễm là một phần quan trọng trong hợp tác giữa USAID và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trước đó, hai cơ quan đã ký một bản ghi nhớ vào tháng 1/2022 để cải thiện các kết quả về môi trường, Dự án giảm thiểu ô nhiễm là một dấu mốc đầu tiên trong nỗ lực chung để nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động do người Việt Nam dẫn dắt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu”.

Minh Anh (T/h)

Tags khởi động dự án giảm thiểu ô nhiễm USAID Bộ Tài nguyên và Môi trường

Các tin khác

Phụ nữ tại Hải Dương đang áp dụng một mô hình sáng tạo trong xử lý chất thải hữu cơ tại nhà, với việc sử dụng men vi sinh IMO (vi sinh vật bản địa). Đây có thể coi là phương pháp “lợi cả đôi đường”, nhiều ưu điểm, giá rẻ, dễ thực hiện. Song để có thể nhân rộng, cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Sáng ngày 8/3, tại chợ nông thôn Vị Thanh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Lễ ra mắt thực hiện mô hình "Phụ nữ xách giỏ đi chợ" nhằm vận động tuyên truyền bảo vệ môi trường và hạn chế sử dụng túi nilon.

Mô hình “Hố rác xanh” được xây dựng tại 10 hộ gia đình ở thôn An Mỹ. Hố được xây dựng bằng gạch, thể tích chứa 0,7 m3, phía trên có nắp đậy kín.

Vừa qua, Thành đoàn Hà Nội tổ chức chương trình Mô hình chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa năm 2024 tại chợ Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, nhằm tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên, người dân nâng cao ý thức, hạn chế sử dụng túi nilon, rác thải nhựa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự