Núi Ba Vì có phạm vi rộng khoảng 5000 ha, trong đó 3500 ha thuộc địa phận Hà Nội, 1500 ha thuộc Hòa Bình được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt.
Núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn). Trong Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi có viết: "… Núi ấy là núi tổ của nước ta đó”.
Dãy núi Ba Vì linh thiêng trong tâm thức của người Việt, gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh và Tản Viên Sơn Thánh, vị thần tối linh trong "Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam cùng Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Bà chúa Liễu Hạnh.
Người xưa có câu: "Nhất cao là núi Ba Vì/Thứ ba Tam Đảo/ Thứ nhì Độc Tôn”. Thực tế, núi Ba Vì chỉ cao 1.296m, còn núi Tam Đảo cao 1.581m, nhưng có lẽ Ba Vì là nơi ngự của Đức Thánh Tản Viên, nên được nhân dân tôn vinh thành ngọn núi cao nhất, thiêng liêng nhất.
Núi Ba Vì nổi tiếng với 3 đỉnh là đỉnh Vua, Tản Viên và Ngọc Hoa. Núi Tản Viên còn gọi là Ngọc Tản, Tản Sơn, hoặc Phượng Hoàng Sơn) cao khoảng 1.227m. Chân núi này có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh.
Núi Vua là đỉnh núi cao nhất tại Ba Vì với độ cao lên đến 1.296m. Trên đỉnh Vua còn có đền thờ Hồ Chí Minh, nơi để vinh danh và tỏ lòng biết ơn đến vị lãnh tụ tài ba của dân tộc ta.
Núi Ngọc Hoa là đỉnh núi được đặt theo tên của công chúa con vua Hùng thứ XVIII được gả cho Sơn Tinh. Ngoài ra, dãy núi Ba Vì còn có các ngọn núi khác là Ngọc Lĩnh, Tương Miêu, U Bò, Núi Tre, Ghẹ Đùng, Trăm Voi...
Đặc biệt dãy núi thiêng này còn có hệ thống đình, chùa, các di tích như đình Tây Đằng, đình Quang Húc, đình Đông Viên, đình Thanh Lũng, đền Trung Cung, cụm di tích đền Thượng, đền Trung, đền Hạ...
Trên dãy núi Ba Vì có Vườn quốc gia Ba Vì với hệ sinh thái phong phú đa dạng, có nhiều khu du lịch sinh thái như Khoang Xanh, Ao Vua, suối nước khoáng Tản Đà, các đền thờ. Dưới chân núi có hồ Đồng Mô, hồ Suối Hai.
Được biết, thời xưa, người Pháp rất quan tâm tới núi Ba Vì. Năm 1902, Công sứ Pháp tại Sơn Tây là Theodore Muselier đã cùng đội tùy tùng lên núi thám hiểm. Chuyến đi không chỉ khám phá mà hơn thế, Muselier muốn tìm đến nơi thờ vị thánh thiêng trong tâm thức người Việt.
Trong hồi ký, Muselier đã viết về đền Thượng và sự kỳ ảo ở đỉnh Ba Vì: "... Họ đã huy động bao nhiêu người để xây dựng ngôi đền? Đường đi vô cùng khó khăn, rất hiểm trở, nguy hiểm, họ mất bao nhiêu thời gian để vận chuyển vật liệu?...”.
Ông viết thêm: "Rồi tôi miên man nghĩ về vị thánh được thờ trong đền. Đang chìm vào suy nghĩ, bỗng nhiên tôi giật mình khi nhìn một quầng sương như một chiếc thuyền khổng lồ màu bạc lao thẳng đến”.
"Cú va chạm nhẹ nhưng thảng thốt đầy cảm xúc. Vừa kịp thấy cái lạnh phả vào mặt, tôi đã thấy nắng rực rỡ bừng lên. Sương bị nắng bào mòn, mỏng như khói bao phủ lên cây rừng khiến màu xanh của đại ngàn bỗng chốc bị đổi màu giống như một tấm ảnh cũ vì thời gian. Vài phút sau cảnh vật bật nét trở lại, xanh ngắt...”.
Trong sách "Thượng Kinh phong vật chí”, phần viết về xứ Đoài có câu: "Ba Vì không chỉ là núi thiêng mà khí ở đây rất vượng, tốt cho sức khỏe”. Đây cũng là lý do mà những năm 40 thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây khu nghỉ dưỡng ở trên núi.
Hiện dãy núi Ba Vì linh thiêng đang trở thành điểm đến du lịch linh thiêng của người Việt.
Thu Hà (TH)
kienthuc.net.vn