Ngày 5/4, thành phố Hà Nội thông tin việc thay thế hàng cây phong trên đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng do cây kém phát triển, chết khô. Đây là loại cây được trồng đầu năm 2018 và nằm trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh của thành phố giai đoạn 2016-2020 (chương trình).
PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị (Đại học Lâm nghiệp) cho hay từ lúc những cây phong đầu tiên được trồng trên đường phố, ông đã nhận định loại cây này không phù hợp với điều kiện thời tiết Hà Nội. Tuy nhiên, theo TS Hà, 262 cây phong được thay thế lần này chỉ là số nhỏ trong tổng thể chương trình trồng mới một triệu cây xanh của Hà Nội.
"Bây giờ nhìn lại, tôi cho rằng chương trình là sáng kiến đột phá về phát triển cây xanh đô thị không chỉ ở thủ đô mà ở trên phạm vi cả nước", ông Hà nói.
Hàng chục nghìn cây xanh được trồng dọc đại lộ Thăng Long. Ảnh: Ngọc Thành
Dẫn chứng rất nhiều tuyến phố Hà Nội hiện nay đã "mang một màu xanh" khác hẳn trước đây, như đường Láng, Hoàng Diệu, Võ Chí Công, Văn Cao, Hoàng Quốc Việt..., TS Hà cho rằng thành công của chương trình là một thực tế khách quan mà bất cứ người dân, du khách nào đến thủ đô cũng "cảm nhận được vẻ đẹp của những hàng cây và giá trị của nó với môi trường".
Sự độc đáo của chương trình phát triển cây xanh ở thủ đô còn ở việc tổ chức cải tạo hè, dải phân cách để tạo những dải hoa, đa tầng, đa tán (cây, hoa bốn mùa). Đơn cử như đường Võ Nguyên Giáp nối khu vực trung tâm với sân bay Nội Bài có dải phân cách giữa rộng, được phủ kín năm tầng cây xanh.
Theo TS Hà, trong bối cảnh Thủ tướng vừa phê duyệt đề án trồng một tỷ xây xanh (690 triệu cây ở đô thị, nông thôn, 310 triệu cây trồng ở rừng) thì việc nhìn lại chương trình trồng mới một triệu cây xanh của thủ đô là "rất ý nghĩa, có thể rút ra được những bài học bổ ích".
Cây chà là lần đầu tiên được trồng trên trục Nhật Tân - Nội Bài. Ảnh: Bá Đô.
Chương trình trồng mới một triệu cây xanh ở Hà Nội được khởi động từ cuối năm 2015. Để hiện thực hóa mục tiêu, thành phố đã yêu cầu Công ty cây xanh cử các đoàn đi thăm quan học tập về trồng, chăm sóc, duy tu cây xanh tại Trung Quốc, Singapore. Lúc này nhiều loại cây mới được đưa vào trồng trên đường phố thủ đô như phượng tím, bàng lá nhỏ, chà là, phong...
Nhiều tỉnh, thành trong nước, một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp cũng ủng hộ cây cho thủ đô như Điện Biên, Sơn La tặng hoa ban trắng; Hội hữu nghị Việt Nhật tặng hoa anh đào...
Cuối năm 2018, Hà Nội công bố hoàn thành trồng mới một triệu cây xanh, và đặt mục tiêu trồng thêm 600.000 cây đến năm 2020. Tính chung giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội báo cáo đã "trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh, gồm cây đô thị, cây bóng mát, cây lấy gỗ các loại".
Trong đó, thành phố trồng hơn một triệu cây, các quận huyện trồng trên 539.000 cây và hơn 73.000 cây trồng theo diện xã hội hóa.
Hàng cây phượng được trồng mới trên đường Trần Khát Chân. Ảnh: Ngọc Thành.
"Việc trồng mới tăng gấp 40 - 50 lần các giai đoạn trước đây và tạo thành các dải xanh, không gian xanh, hành lang xanh giúp điều hòa không khí, tăng độ ẩm, hạn chế tiếng ồn, hạn chế ô nhiễm không khí", báo cáo của thành phố nêu.
Hà Nội cũng khẳng định "chất lượng cây trồng được đảm bảo, thường xuyên chăm sóc, cắt tỉa đúng quy trình".
Tuy nhiên, thành phố nhìn nhận chương trình tồn tại một số hạn chế như: Chủng loại cây chưa phong phú; một số cây trồng chưa được thử nghiệm kỹ nên chưa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng.
TS Đặng Văn Hà cũng cho rằng, bên cạnh thành công, chương trình "bộc lộ một số vấn đề trong việc chọn loài cây, tiêu chuẩn cây và công tác quản lý duy tu".
Theo ông, trước khi tiến hành chương trình, thành phố nên lập quy hoạch, chọn loại cây phù hợp với các loại hình không gian đô thị khác nhau, tránh đưa những cây mới vào trồng ồ ạt trên đường phố như phượng, bàng lá nhỏ, chà là, phong..., dẫn đến một số thất bại.
"Có những loại cây thành phố thông tin là trồng thử nghiệm, nhưng ở các nước không ai mang cây ra trồng thử nghiệm ở đường phố", ông Hà nói và cho rằng việc thử nghiệm phải được tiến hành ở các vườn ươm với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương tự và nếu phù hợp mới đưa ra đường phố.
Ngoài ra, chương trình đã đưa một số cây đường kính lớn vào trồng, cách làm này hiện không còn phù hợp ở các nước phát triển vì giá thành cao và tính an toàn thấp. Hà Nội nên có quy định cụ thể về kích thước cây và cây trồng trong đô thị phải có cành, có tán để có thể tạo cảnh quan ngay.
"Với những đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM, nên có cơ quan chuyên môn độc lập về giám sát thi công, duy trì bảo dưỡng cây xanh, không nên chỉ là một phòng, ban thuộc ngành xây dựng như hiện nay", TS Hà đề xuất.
Chung quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng các thành phố nên có đội ngũ chuyên gia để tư vấn việc "trồng cây gì, trồng như thế nào, tránh duy ý chí khi hy vọng một loại cây có nguồn gốc Bắc Âu về trồng ở Hà Nội và lá sẽ chuyển màu đỏ".
Ông Tùng nhắc đến bài học trồng cây của người Pháp, đó là xây dựng Vườn Bách thảo – vườn ươm cây, sau đó đưa nhiều giống cây từ các quốc gia khác nhau, như xà cừ ở châu Phi..., về đây trồng thử nghiệm trước khi nhân rộng.
"Phố Phan Đình Phùng trồng sấu, Lò Đúc trồng cây sao, Lý Thường Kiệt trồng cây phượng..., cách trồng tập trung theo từng tuyến phố đã tạo nên đặc trưng của thủ đô", ông Tùng nói thêm.
---------------------------------
Trước khi triển khai chương trình trồng mới một triệu cây xanh, tháng 8/2013, Hà Nội ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước giai đoạn đến năm 2015.
Theo kế hoạch này, 6.700 cây xanh sẽ bị chặt hạ, thay thế. Dự án đã thực hiện tại một số tuyến phố Huế, Hàng Bài, Kim Mã, Giảng Võ... bằng nguồn vốn xã hội hóa. Tuy nhiên, khi 381 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh bị chặt vào tháng 3/2015, dư luận đã phản ứng gay gắt.
Kết quả thanh tra sau đó cho thấy việc triển khai kế hoạch có nhiều thiếu sót, khiến một số tập thể và cá nhân bị kỷ luật với các hình thức khác nhau.
Theo Võ Hải/vnexpress.net