Cây xanh Hồ Gươm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/5/2021 | 4:17:27 PM

Hồ Gươm với vẻ đẹp cổ kính, nên thơ là một phần linh hồn của Hà Nội, nơi dừng chân của khách thập phương. Cây xanh quanh Hồ Gươm, từ cây gạo, vông, lộc vừng, tếch đến liễu, phượng, si, sấu... đều tạo nên vẻ đẹp quyến rũ, nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, nhạc, họa bao đời, tô điểm thêm cho viên ngọc quý của Thăng Long nghìn năm văn vật.

Hồ Hoàn Kiếm từng mang tên hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng và Ngũ Vọng... đã tồn tại cùng Thăng Long - Hà Nội giữa đất trời và trong lòng người mấy nghìn xuân thu đắp đổi. Hồ là một phần linh hồn của người Hà Nội, nếu không nói là của bất cứ một người Việt Nam nào (ai đến Hà Nội mà chẳng phải một lần thăm Hồ Gươm - Hoàn Kiếm).

Hà Nội vẫn hút hồn du khách và mỗi chúng ta về mái cây óng ả, những con đường, dù rằng chưa thể nhiều cây xanh bằng một số thành phố khác trên thế giới. Nhưng, riêng con đường quanh Hồ Gươm, thì đã thành thân thiết với cõi lòng người Hà Nội. Có điều, nó cụ thể ra sao, có khi vất vả đời thường, ta lãng quên, ta bỏ lỡ một lời trao đổi.

Xin bắt đầu từ cửa đền Ngọc Sơn xuôi về phía nam, tức bờ phía đông của hồ.

Hồ Gươm có 2 cây gạo, một ngay cổng đền (vừa chết vì quá cỗi, được trồng thay bằng một cây mới mang từ Hà Tây về, phải trăm năm nữa mới xù những mắt gốc như cây cũ) và một cây nữa xế vườn hoa I.Gandhi đang lực lưỡng, trổ hoa, đỏ chói cuối xuân. Có 2 cây sung, một trên núi đá giả sơn, gầy guộc nhưng vẫn vươn lên, và một xế cửa nhà Ðèn, cạnh mấy cây Sưa (không phải cây Sữa) hoa trắng muốt mới tàn. Hai cây sung này không bị những vết chém ngang chém dọc như những cây sung của làng quê mà người ta hay lấy nhựa dán thái dương chữa cảm.

Gần chân Tháp Bút, có một bãi vông, gồm 7 cây cứ oằn mình lên, (một cây nữa là 8 lại lạc sang nhà Thủy Tạ). Lá vông như cây bài chuồn trong cỗ tú lơ khơ, hoa đỏ chói chang thay màu hoa gạo khi nắng hè non lấp ló.

Ta lang thang ít bước chân sẽ gặp 2 cây lộc vừng quý hiếm. Một cây đơn độc như cây "thế" khổng lồ, chỗ con đường Trần Nguyên Hãn gặp hồ thiêng. Nó như con ngựa tung bờm, chồm vó còn đang hăng phi nước đại, đến đây gặp làn nước xanh rờn nên đành dừng bước. Mỗi năm xuân thu nhị kỳ, cây thả hoa đỏ vào mặt hồ thành tấm thảm lung linh rập rờn theo sóng, lúc dạt xuống Hàng Khay, khi lan man lên chân cầu Thê Húc. Một cây nữa hợp quần 9 gốc, sát mép nước, cứ choãi mình soi bóng như cố uống lấy những tầng mây lãng đãng trong lòng hồ.

Cũng khoảng này, có 4 cây gỗ tếch khổng lồ (không kể đôi ba cây non mới trồng, hàng chục năm chưa vươn lên được). Lá tếch to như chiếc quạt nan, quạt giấy, thứ quạt mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương phải thảng thốt viết thành:

Mười bảy hay là mười tám đây

Cho ta yêu dẫu chẳng rời tay...

Ngửa mặt lên trời, ta gặp ngọn nào cao nhất chiếm không gian bát ngát, là nó đấy, cạnh đôi ba cây "mõ", không biết tên thực nó là gì, nhưng mùa đông trụi lá, để phô ra những quả nâu già giống hệt cái mõ nhà chùa, nên người Hà Nội, nhất là trẻ thơ và thi sĩ, gọi nó theo hình, nên thành "cây mõ".

Ta đi thêm, ta thả hồn ta vào con đường ven hồ thơ mộng, gặp Tháp Hòa Phong, mà chiếc bình sành trên đỉnh còn hứng rượu từ trời rót xuống cho nghiêng ngả niềm say, ta thấy 2 cây si già rung những làn râu chưa bạc (có một cây bị đổ được cứu sống nhờ sức con người).

Góc hồ này từng có quán hoa hình vòng cung, mà nhà thơ Thanh Tịnh nói đây là chỗ nhìn toàn cảnh Hồ Gươm rõ nhất và đẹp nhất, có 40 gốc liễu thướt tha xõa tóc. Nó có lẽ là thế hệ liễu thứ ba chăng, khi trước đêm toàn quốc kháng chiến, bao nhiêu cây đổ để góp thêm sức mạnh. Sau hòa bình được trồng lại, nhưng trận bão tơi bời bẻ gục kiếp cây non và rặng liễu thướt tha này mới trồng lại lần nữa từ vài chục năm nay, đang thanh xuân thiếu nữ.

Rải rác đó đây, ta gặp những chiếc ô xanh, gốc thẳng mà xòa xanh cao tít, đó là 11 cây cọ, loài cây trung du đã cắm rễ sâu vào đất thiêng Hà Nội, xa cố đô Phong Châu để quen cùng thủ đô yêu dấu. Có cây đã chết, có cây mới được dặm thêm, nên con số này sẽ theo thời gian mà thay đổi.

Ta đã đứng phía bờ tây con hồ đầy trời và đầy gió, mượt mà và lồng lộng hồn ta. Không kể 5 cây me phía bên đường Lê Thái Tổ, thì bờ hồ, có một cây muỗm hơi phần đơn côi lẻ bóng, cạnh mấy cây dái ngựa (xin đừng coi là chữ thô tục) và đôi ba cây vàng anh hoa chùm màu vàng, cuối xuân tưng bừng, có những cái cánh rụng xuống, từa tựa chiếc chong chóng trẻ thơ.

Ðếm kỹ hay không cần đếm, cây bàng lá rậm, mùa xuân thắp nến, mùa đông gửi thư màu đỏ cho đời, có đến 17 cây xa, gần thấp thoáng. Ðứng một chỗ nào đó, nhìn sang bờ phía đông, ta gặp một chiếc dù xanh vượt trội. Ðó là cây dừa dầu duy nhất, thì ra nó mọc ngay cạnh cây gạo, mà đi gần ta không nhận thấy.

Vượt qua nhà Thủy Tạ xây năm 1940 đến chỗ đài phun nước, tức Quảng trường, Ðông Kinh Nghĩa Thục, 1 cây đề lao xao gió hè, mỗi chiếc lá một hình tim mỏng mảnh non màu đồng điếu, sẵn sàng rung động khi nhẹ một làn gió lướt qua...

Quanh hồ, nhội, sấu, đa, phượng, bằng lăng, cây sữa, muồng, vàng... còn chen vai nhau tỏa xanh mát rượi. Nhiều cây còn nghịch ngợm, cứ thò những ngón tay lá xuống mặt nước mà đùa chơi, ngày nắng hoa tím chen hoa đỏ, lá xanh như bất tận... kể cả những quả sấu lửng lơ như nốt nhạc ghi vào nền trời để những ca công nhạc sĩ ve sầu nỉ non, rền rĩ đàn vĩ cầm.

Những chàng lực sĩ Xà cừ nơi hồ phía tây đôi khi ngó xuống mấy cụ già chơi cờ thế nhưng im lặng, không hề mách nước theo kiểu "cờ ngoài bài trong" như thông lệ. Quãng này là mát nhất của một vòng hồ gần hai nghìn thước, tức ba nghìn bước chân đi dạo.

Quanh hồ không một bóng cau hay bóng dừa. May ra còn đôi ba khóm tre khẳng khiu và rặng chà là cạnh 4 cây tếch.

Có ai người Hà Nội lại không một lần đi quanh Hồ Gươm? Ðó là lúc lòng đầy tâm sự, là lúc hai hồn tìm nhau trao nhau nửa lời chưa nói hết, hay sau một trận "đĩa bay" hôm cơm không lành canh không ngọt. Cũng có thể đó là du khách hay ai kia tỉnh xa hò hẹn một lần cùng Hà Nội? Một triệu hoàn cảnh khác nhau đều có thể gặp Hồ Gươm với tâm trạng vui buồn, và có lẽ ít ai nghĩ đến những cây gì đang phả hơi mát xuống cho mình kỷ niệm một đời...

Cây quanh hồ là kho tàng quý báu đời đời của Hà Nội mến thương.

Băng Sơn/ kientruc2014.com

Tags Hồ Gươm Hồ Hoàn Kiếm Cây xanh Hà Nội

Các tin khác

Vì sao người Hà Nội lại trồng sen ở Hồ Hoàn Kiếm? Có hai dữ kiện chúng tôi sưu tầm được, từ đó đưa ra giả thuyết về việc người Hà Nội trồng sen ở hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 18/12/2010, khi đến đây chúng tôi thấy cây si nói trên đã được dựng lên, tán cây đã được chặt.

Điều đặc biệt trong ba lần tổ chức liên hoan múa cổ Thăng Long, diễn viên đều là những người nông dân, nghệ nhân các làng, xã của Hà Nội.

Hàng ngày đi bộ qua đấy chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy hai cây vông ở Thuỷ Tạ đang bị "bức tử".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục
 
Thời sự