1. Nếu ai đó hỏi điều gì làm nên bản sắc của Hà Nội, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng, đó là cây xanh. Là những bóng cổ thụ, khi lẻ loi khi xếp hàng thẳng lối bên những con phố lâu đời. Những thân cây xù xì mốc dấu thời gian, sống qua biết bao mùa mưa nắng, chứng kiến bao biến thiên lịch sử. Một đời cây, biết mấy đời người…
Đã đành, cuộc sống ở bất cứ nơi đâu cũng cần có màu xanh. Từ thành phố, cho đến làng quê, đâu đâu cũng thế, cây xanh luôn dự phần vào ký ức của mỗi người, từ khi sinh ra, cho đến khi người ta bước qua bên kia thế giới. Nhưng có lẽ, chẳng nơi nào, chuyện đời cây, lại quan trọng như thế với đời người, ở mảnh đất này, Hà Nội.
Đã đành, một hàng cây bị chặt đi hay một bóng cây ngã xuống, vì mưa bão thì người ta bâng khuâng tiếc nhớ. Nhưng ngay cả khi một cái cây mới được trồng xuống các con phố, thế nào người ta cũng bàn ra, tán vào, người ta băn khoăn. Đôi khi, dư luận lại được một phen ồn ào.
Có nhiêu khê không? Có đấy. Những người làm nghề trồng cây xanh ở Hà Nội bảo rằng, mỗi khi làm gì cũng phải "nhìn trước, ngó sau”. Nhưng "cái lý” cây xanh Hà Nội, lại rất đáng cảm thông. Cái cây hôm nay trồng xuống, tưởng như là vô tri. Nhưng rồi, qua tháng, qua năm, nó sẽ trở thành một thành tố của những cuộc sống này, của đô thị này.
Và rồi, có thể lắm, nó gắn bó, rồi đi vào tâm hồn mỗi người. Không băn khoăn sao được. Hàng cây ấy có hài hòa với bản sắc thành phố hay không, có bị "trồng nhầm” không? Hay, liệu mai này, khi nó vừa đủ gây thương nhớ thì có bị chặt hạ hay không?
Mối quan hệ giữa cây và người ở Hà Nội bắt đầu từ xưa lắm. Cũng như người Việt nói chung, người Hà Nội quan trọng đời sống tâm linh. Chỗ nào cũng di tích. Không đình, thì đền, chùa, miếu. Và di tích, thường nằm nép mình dưới những cây cao bóng cả.
Hà Nội có những cây di sản hàng trăm năm tuổi. Trong ảnh, từ trái sang: cây đa đền Bà Kiệu, cây đa Hàng Gai, cây lộc vừng Hồ Gươm, cây đa Hàng Trống... và một góc cây đa Hàng Gai.
Đi qua phố Hàng Gai, đoạn gần đến hồ Gươm, người ta thấy rợp bóng mát của một cây đa lớn. Gốc ở bên này đường, tán phủ tới mép đường bên kia. Người dân phố cổ gọi đấy là cây đa đình Cổ Vũ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc là người sinh ra trên phố Hàng Gai. Giờ ông tuổi lẻ trăm. Ông vẫn kể, hồi bé ông cùng bọn trẻ đánh đu ở rễ đa này rồi. Như thế, gốc đa này cũng vài trăm năm tuổi.
Quanh khu phố cổ, phố cũ còn có những cây đa đền Bà Kiệu, cây đa Nhà Bò… Hầu như, cây nào cũng đầy ắp những chuyện xưa, chuyện nay. Muỗm cũng là loại cây các cụ ưa trồng, vừa lấy bóng mát, vừa lấy hoa quả dâng cúng thánh thần.
Đền Voi Phục (phố Thụy Khuê) từng có chín cây muỗm tuổi đời bảy thế kỷ. Cây cũng như người, không thoát khỏi vòng quay "sinh, lão, bệnh, tử”. Cụm chín cây giờ chỉ còn một. Người dân phường Thụy Khuê trồng cây muỗm mới, những khúc gỗ muỗm to được đục thành tượng để lưu truyền cho mai sau. Nhưng chẳng biết đến khi nào mới nguôi ngoai nỗi tiếc nhớ…
Hàng muỗm sừng sững như những vị thần gác cổng còn có ở đền Quán Thánh (quận Ba Đình), đền Voi Phục (quận Cầu Giấy) hay ngôi cổ tự linh thiêng – chùa Láng, nơi gắn liền với cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh…
Tôi thường tự nhủ, người Việt mình quan niệm "sống gửi, thác về”. Khi cao niên, chẳng mấy ai không gắn bó với đình chùa. Phải chăng, vì thế mà cổ thụ ở nơi di tích, trở nên thân thuộc, gần gũi khi gắn với dáng mẹ, dáng bà?
Các tuyến phố cũ ở Hà Nội với nhiều loài cây đặc trưng: Hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, hàng sấu lâu năm trên phố Phan Đình Phùng, và các hàng cây rợp bóng trên phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ...
2. Khi người Pháp đến Hà Nội, một thế hệ cổ thụ thứ hai ra đời. Một thời gian ngắn sau khi quản lý Hà Nội, người Pháp đã quy hoạch Hà Nội và trồng những hàng cây đầu tiên.
Những hàng xà cừ được trồng ở các con "phố Tây” như Chu Văn An, Lý Nam Đế… phố Đinh Tiên Hoàng, Lê Thánh Tông, Trần Hưng Đạo, Phan Đình Phùng… mọc lên những hàng sấu.
Rồi hàng sao đen phố Lò Đúc, những cây hoa sữa phố Nguyễn Du, Quán Thánh… phố Tràng Thi có hai hàng bàng nghiêng mình đổ lá mỗi dịp đông về.
Người Pháp cho trồng cây để lấy bóng mát. Và rồi, nhanh chóng, những hàng cây ấy tạo nên thương hiệu cho các con phố. Thậm chí còn thành thương hiệu Thủ đô.
Bây giờ, cứ nói đến hoa sữa, người ta nghĩ ngay đến Hà Nội. Trong những nhạc phẩm hay nhất về Hà Nội của các nhạc sĩ Hồng Đăng, Trịnh Công Sơn, Phú Quang…, lúc nào, người ta cũng thấy hoa sữa nồng nàn.
Nhạc sĩ Hồng Đăng, ngoài bài Hoa sữa trứ danh, những "Tiếng ve đu cành sấu/ tiếng ve náu cành me...”, dù cả bài không có từ nào nói đến địa danh Hà Nội nhưng ai cũng nhận ra hình ảnh dập dìu những rặng sấu Hà thành. Sấu, gắn bó đến nỗi, nhà văn Băng Sơn đã phải viết "trong máu người Hà Nội có vị sấu chua”.
Cây bàng, cây cơm nguội… cũng nhiều lần xuất hiện trong thi ca. Ví như "Hà Nội mùa thu/ Cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ/ Nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ…” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhưng có lẽ, tần suất xuất hiện của bàng nhiều nhất là trong hội họa, nhiếp ảnh. Khi theo dõi hoạt động của nhóm "Ký họa đô thị Hà Nội”, tôi nhận ra, rất nhiều người ưa vẽ bàng.
Tất nhiên, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất là thân bàng gầy guộc trong mùa lá bàng đỏ ối. Trên nền của những ngôi nhà quét ve vàng hay những mái ngói nâu, những chiếc lá bàng nâu đỏ tự biến không gian thành một bức tranh trầm mặc.
Chẳng cần nói nhiều. Chỉ một bức tranh hay một cái chớp hình đúng lúc đã đủ nói lên "chất” Hà thành. Tôi hỏi mấy người hay vẽ bàng thì đều nhận được một câu trả lời: Vẽ nhanh, ai mà biết được ít nữa, Hà Nội có còn cây bàng lá đỏ?
Nghe chạnh lòng. Nhưng mà là nỗi lo có thực. Người ta không xếp bàng vào loại cây xanh đô thị và ngoài những cây bàng cổ thụ, đã khá lâu rồi, thành phố không trồng thêm nữa.
Kể ra thì cũng lạ. Bao năm rồi sau khi Trịnh Công Sơn viết "quán cóc liêu xiêu”, Hà Nội đã "to đẹp hơn” nhưng người ta vẫn thích ngồi ở quán cóc. Và tất nhiên, ưa nhất là quán cóc dưới những gốc cây cổ thụ. Không chắc nó có đáp ứng chuẩn "văn minh đô thị” hay không. Nhưng đấy là một lựa chọn, lựa chọn nhẹ lý.
Hà Nội sẽ còn phát triển năng động hơn nữa. Nhưng có lẽ, cũng vì sự thân thuộc từ trong ký ức, mà người Hà Nội vẫn cứ "bảo thủ” như thế.
3. Phố Hà Nội giờ có thêm nhiều loài cây mới. Hà Nội có "đường hoa ban”, "đường phượng vĩ”, "phố phượng tím”, "phố lộc vừng”… Những loài cây mới được bổ sung vào danh mục những cây đô thị.
Đôi lúc, đi trên các con phố, đôi khi, có cảm tưởng được trải nghiệm không gian ở… nhiều quốc gia khác nhau. Hà Nội có hàng cây phong nhập khẩu từ miền ôn đới, có hàng cọ dầu thẳng tắp của những miền nhiệt đới nắng gió.
Tôi vẫn gọi đây là "giai đoạn bốn” của cây xanh Hà Nội – khi việc trồng cây gì, ở đâu được tính toán kỹ càng hơn. Còn "giai đoạn ba”, là thời kỳ "có gì trồng nấy”, ví như thời kỳ trồng cây keo tai tượng ở phố Liễu Giai.
Nhưng như thế, không có nghĩa là không còn những băn khoăn. Đã mấy năm, hàng phong Hà Nội chưa một lần đỏ lá. Khi thông tin về những cây phượng bị gãy đổ ở các địa phương ngày một nhiều, chợt thấy lo lo, khi Hà Nội một dạo trồng rất nhiều phượng vĩ…
Nhiều người Hà Nội có thói quen "đánh dấu” các con phố bằng những hàng cây, bằng hương thơm hoa sữa, ngọc lan hay hoàng lan...
Những hàng cây mới trồng, rồi sẽ gắn bó, sẽ dự phần vào tạo nên bản sắc Hà thành. Cái bản sắc, không hẳn ở một loài cây, hay một vài con phố - mà là sự gắn kết giữa cây và người.
Trồng cây hay chặt cây, đều không thể áp dụng máy móc cái nhìn của một "hạng mục trong đô thị”. Cần có một cái nhìn văn hóa, để hài hòa giữa yếu tố khoa học, có thể tiếp tục tạo nên bản sắc, để người Hà Nội có thể tiếp tục tự hào khi nói về cây xanh Hà Nội.
Hoa sữa báo hiệu vào thu, bằng lăng nở khi nắng chớm vào hè, và hoa sưa bừng lên khi lất phất mưa xuân. Những loài cây làm nên bản sắc, là một phần linh hồn của Hà Nội...
Theo Hồng Minh, Chú Dũng, Bông Mai, Hà Nam
Báo Nhân dân điện tử:
Link gốc: https://nhandan.com.vn/di-san/cay-xanh-ha-noi-618762