Tổ chức phố đi bộ cuối tuần quanh Hồ Gươm và phụ cận do TP giao UBND quận Hoàn Kiếm triển khai từ 1/9/2016 và duy trì (2018)
Quang cảnh phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Buồm
Quận Hoàn Kiếm và những dự án tương tác cộng đồng
Một trong những thành công của không gian kiến trúc cảnh quan quận Hoàn Kiếm chính là việc áp dụng rất tốt xu hướng linh hoạt – đa chức năng trong tổ chức và thiết kế không gian phục vụ cộng đồng. Cuộc sống hiện đại hơn, con người hướng đến sự tự do và trải nghiệm, không gian có thể thay đổi linh hoạt, dễ dàng đáp ứng được nhiều nhu cầu khác nhau của một hay một nhóm người. Không chỉ trong những không gian có quy mô nhỏ như nhà ở, sự linh hoạt – đa chức năng hiện nay cũng đang là xu hướng trong tổ chức và thiết kế không gian công cộng, hiện nay đang bị thiếu do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh. Một trong những cách ứng dụng xu hướng này là luân chuyển từ không gian quần cư thành không gian công cộng và ngược lại theo từng thời gian cụ thể. Bằng cách đó, dù chung một diện tích, ta lại được sở hữu hai hình thái không gian khác nhau, tồn tại ở hai thời điểm khác nhau: Một là không gian quần cư, thiên về sản xuất, lưu trữ và trao đổi; hai là không gian công cộng với sự cởi mở, thiên về các hoạt động cộng đồng.
Phố Bích Họa Phùng Hưng
Phố đi bộ Hồ Gươm chính là minh chứng rõ ràng của xu hướng trên. Những con đường nhộn nhịp xe cộ qua lại quanh hồ Hoàn Kiếm thường ngày trở thành những con phố dành cho người đi bộ vào thời điểm cuối tuần. Đường phố chính mở ra các "sân khấu” ngoài trời – nơi diễn ra rất nhiều hoạt động văn hóa và giải trí; hay khu vực Đền Bà Kiệu trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng với các hoạt động duy trì văn hóa dân gian như hát xẩm, hát chầu văn… Ngoài ra, chính quyền TP còn tổ chức phố Bích họa Phùng Hưng, trở thành một là địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch và người yêu nghệ thuật. Tất cả đã và đang tạo ra sự tươi mới cho khu phố cổ nhưng lại không làm mất đi nét đặc trưng vốn có với các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề.
Từ truyền thống tới hiện đại: tài sản/ nguồn vốn mới hình thành
Xã hội hóa các nguồn lực cũng là một xu hướng được áp dụng trong tổ chức, thiết kế không gian công cộng phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch trên thế giới nói chung, tại Hà Nội hay khu vực quận Hoàn Kiếm nói riêng. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện đại, xu hướng này đang ngày càng được phát triển ở Việt Nam. Bên cạnh nguồn vốn công hữu nhà nước, xuất hiện những nguồn lực khác như: Vốn tư hữu – vốn tài chính, vốn con người và vốn xã hội (Social Capitial). Trong đó vốn con người và xã hội ngày càng có vị trí quan trọng.
Không gian kiến trúc cảnh quan, thực chất là trang thiết bị trong không gian công cộng phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, chủ yếu là tài sản công, bao gồm đất đai, kiến trúc nhỏ, thành phần cảnh quan (cây xanh, mặt nước). Đây là nguồn lực của cộng đồng, nguồn lực công hữu. Trong thực tế, các không gian kiến trúc cảnh quan trong khu phố cổ đã được sử dụng rất năng động, chia sẻ và thương lượng để khai thác tối đa cho các hoạt động chung và riêng. Để kiến trúc cảnh quan được quản trị tối ưu và bền vững, nhiệm vụ lượng hóa giá trị của vốn xã hội là rất cần thiết và quan trọng.
Trong thực tiễn phát triển ở nước ta, vốn xã hội và vốn con người đang từng bước tham gia hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội, nhất là trong môi trường năng động như của khu phố cổ Hà Nội. Trong đó doanh nghiệp xã hội hoạt động phi lợi nhuận là mô hình mới đang từng bước được hình thành. Trong khu phố cổ đã có một số đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, khuyến khích đi bộ, xe đạp, tiết kiệm năng lượng hay tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng phi lợi nhuận. Những tổ chức cộng đồng mới này được hình thành và hoạt động theo mô hình có tên là Phát triển cộng đồng dựa trên tài sản – ABCD(Asset Based Community Development) – một loại mô hình hoạt động cộng đồng do Jody Kretzmann và John McKnight đề xuất.
Trong một số dự án tổ chức và thiết kế không gian công cộng phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch của Hà Nội có thể thấy rõ sự tham gia góp sức của cộng đồng, phải kể đến như: "Dự án cải tạo không gian tuyến phố Phùng Hưng”, hay "Dự án mở rộng không gian tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội”.
Để mở rộng không gian Phố đi bộ ra phạm vi toàn khu vực khu phố cổ, quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án Phố nghệ thuật Phùng Hưng với sự tham gia của cộng đồng với vai trò tiên phong của cộng đồng họa sỹ Việt Nam và Hàn Quốc. Những tác phẩm hội họa trên các vòm cầu đã thu hút cộng đồng và du khách làm sống lại không gian phố Phùng Hưng. Workshop "Tái thiết các không gian đô thị chuyển đổi – đối tượng nghiên cứu phố Phùng Hưng” do trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chủ trì đã thu hút hàng trăm giảng viên, sinh viên của 7 trường Đại học.
Mô hình phát triển cộng đồng dựa trên tài sản ABCD
Đoàn khảo sát hiện trạng Phố Phùng Hưng và các nghệ sĩ tình nguyện đang sáng tác với sự hỗ trợ của cộng đồng cư dân địa phương
Từ thực tiễn thành công của Dự án phố Bích họa Phùng Hưng, năm 2019, quận Hoàn Kiếm triển khai dự án "Phố đi bộ nghệ thuật kết hợp lễ hội đường phố”. Dự án bao gồm: Thiết kế lại các biển báo thông tin tên phố, biển hiệu, các thiết bị đô thị, cột đèn, mái hiên, thùng rác, trạm sạc điện, bồn cây, vỉa hè,… và vẽ tranh trên cửa sắt cuốn cũng như dưới lòng đường.
Dự án khởi động từ phố đi bộ Phùng Hưng qua Hàng Mã, Hàng Đường, chợ Đồng Xuân đến chân cầu Long Biên (trong và ngoài đê). Trên cơ sở các hoạt động thương mại hiện có, dự án đề xuất: Hội chợ Trăng Rằm, Chợ Hoa Tết, Chợ Đêm cuối tuần cùng với ẩm thực, sản phẩm thủ công và các lễ hội truyền thống. Bắt đầu từ ý tưởng của các họa sĩ, dự án đã được hưởng ứng tích cực với sự tham gia thực hiện của cộng đồng cư dân, sự hỗ trợ của UBND quận Hoàn Kiếm cùng các doanh nghiệp và nhà tài trợ trong nước và quốc tế. Dự án đã hoàn thành với sự tham gia của cộng đồng theo 5 bước :
1. Cung cấp thông tin đến người dân: Công chúng được cung cấp thông tin liên quan đến dự án thông qua trưng cầu dân ý, bao gồm: Mục tiêu, phạm vi, nguồn lực và kể cả khả năng ảnh hưởng tới các lợi ích của các cộng đồng liên quan trên phố Phùng Hưng;
2. Tham vấn: Thông qua cuộc trưng bày và đối thoại trực tiếp với từng cá nhân, tổ chức liên quan;
3. Tham gia: Ý kiến cộng đồng được xem xét nhưng quyết định vẫn thuộc về tổ chức có thẩm quyền;
4. Phân quyền: Cộng đồng có thể đàm phán với những người ra quyết định, thỏa thuận về vai trò, trách nhiệm tham gia và mức độ kiểm soát của cộng đồng như là một bên đầu tư;
5. Giám sát: Cộng đồng toàn quyền giám sát các hoạt động triển khai dự án, từ những việc nhỏ nhất, như biển hiệu, hiên chắn nắng, vỉa hè, đến các kiến trúc nhỏ.
Work shop tại Đại học Kiến trúc và trên phố Phùng Hưng
Hoạt động của cộng đồng cư dân trên phố Phùng Hưng
Một số tồn tại
Nhìn chung, việc tổ chức không gian công cộng tại khu vực quận Hoàn Kiếm đã đạt được những thành công nhất định nhờ xu hướng xã hội hóa nguồn lực, góp phần tạo ra hình ảnh một Thủ đô vừa hiện đại vừa mang những bản sắc riêng. Tuy vậy, vẫn cần phải nhìn nhận một cách khách quan và với một thái độ cầu tiến hơn nữa để thấy rằng sự tham gia cộng đồng trong công tác tổ chức và thiết kế không gian phục vụ cộng đồng tại Hà Nội vẫn còn hình thức, lý thuyết và chưa thực chất. Việc khai thác các sinh hoạt cộng đồng tại khu phố cổ Hà Nội cần được chú trọng hơn nữa. Cách đặt vấn đề tổ chức các hoạt động cộng đồng để làm tăng giá trị văn hoá, lịch sử và xã hội cho không gian khu phố cổ Hà Nội vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Các loại hình chức năng tại không gian công cộng quận Hoàn Kiếm nhìn chung còn nghèo nàn, chưa thực sự đủ hấp dẫn để níu chân người dân và du khách. Các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí diễn ra vào phố đi bộ cuối tuần và một số ngày lễ lớn như lễ hội Tết Trung thu tại đây tuy đạt được nhiều người hưởng ứng nhưng chưa thực sự nổi bật. Khi nhìn vào các bài học về tổ chức không gian sinh hoạt cộng đồng trên thế giới như: Bãi biển nhân tạo bên sông Seine – Paris, lễ hội hóa trang Venice, lễ hội hoa Anh Đào ở Tokyo… hay chính những sinh hoạt cộng đồng tại các địa phương khác ở Việt Nam, có thể thấy cách thức hoạt động của các sự kiện tại quận Hoàn Kiếm còn khá phổ biến, có thể bắt gặp ở nhiều địa điểm khác và chưa làm bật lên giá trị đặc trưng của khu phố cổ, do đó chưa thực sự thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng.
Ngoài ra, sự đầu tư về cơ sở vật chất còn chưa đủ xứng tầm cũng là một lý do khiến cho quận Hoàn Kiếm chưa thể phát huy được hết thế mạnh đúng nghĩa của không gian công cộng. Chưa có những tính toán về quy hoạch kiến trúc cảnh quan cụ thể nhằm cung cấp các tiện ích cần thiết cho người dân. Tình trạng các kiot bán hàng mọc tự phát mà không có biện pháp xử lý rác thải môi trường, hay việc các nhà vệ sinh công cộng thường xuyên bị quá tải trong những dịp lễ, tết và các sự kiện văn hóa đặc biệt khác cũng là những vấn đề gây nhức nhối.
Những giải pháp cho tương lai
Phố Phùng Hưng đầu TK20 và kết nối phố đi bộ khu phố cổ
Dự án "Phố đi bộ nghệ thuật kết hợp lễ hội đường phố” trên phố Phùng Hưng và bước tiếp theo, dự án "Qua phố nhớ gì”
Bên cạnh những xu hướng tổ chức thiết kế đã được nêu trên, không thể không nói tới xu hướng áp dụng công nghệ thông minh trong tổ chức và thiết kế không gian công cộng phục vụ cộng đồng và phát triển du lịch trên thế giới hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều công nghệ mới đã được phát triển và được ứng dụng vào thiết kế, thi công và quản lý công trình xây dựng. Một trong những công nghệ mới này là việc sử dụng mô hình thông tin công trình – BIM (Building Information Model). BIM đang được phát triển mạnh và được đánh giá là công nghệ chủ đạo của ngành xây dựng. Các công trình phức tạp sử dụng công cụ thiết kế và quản lý đồng bộ BIM đã dần trở nên thông dụng, để đảm bảo tính chính xác, sự chặt chẽ về kỹ thuật, kinh tế của dự án.
Những giải pháp kỹ thuật số hỗ trợ thiết kế không gian cảnh quan hiện đại
Lễ hội ánh sáng ở Lyon Lễ hội Hanami Nhật Bản
Chợ đêm phố cổ Hà Nội và chợ đêm thành phố Đà Lạt
Các công cụ đồ họa, tính toán đa chiều (Parametric) cũng cho phép mở rộng các giới hạn của trí tưởng tượng và tính sáng tạo. Các giải pháp công nghệ cũng hỗ trợ tối đa việc thể hiện, tái tạo hình ảnh, thực tế ảo càng khiến các hiệu ứng thị giác trở nên dễ dàng, thậm chí đánh lừa được cảm giác, hay tạo ra ảo giác.
Thủ đô Hà Nội, TP HCM và các thành phố lớn tại Việt Nam đang đô thị hóa mạnh mẽ. Nhiều tổ hợp xây dựng lớn, trong tương lai sẽ còn nhiều hơn nữa, tạo nên những không gian cảnh quan mới đặt ra những tình huống phức tạp trong quản lý vận hành và sở hữu, đầu tư đòi hỏi công cụ quản lý mới.
Tương tự như quản lý đô thị theo hướng thông minh, quản lý không gian kiến trúc cảnh quan khu phố cổ Hà Nội cần những công cụ mới trên nền tảng của công nghệ số, đó là:
- Hệ thống Giao thông thông minh – ITS (lntelligent Transport System);
- Hệ thống thông tin địa lý – GIS (Geografic Information System);
- Phát triển đô thị định hướng GT – TOD (Transit Oriented Development);
- Quản lý cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng – FM (Facility Management);
- Mô hình thông tin dự án xây dựng – BIM (Buiding Infomartion Modeling).
Những ứng dụng công nghệ tin học thực sự đã đem lại sự đổi mới trong tổ chức, cũng như thiết kế không gian công cộng nói chung và ở Hà Nội nói riêng. Việc làm chủ, vận dụng được linh hoạt, hợp lý các công cụ, công nghệ sẽ cho phép xử lý rất nhiều vấn đề phức tạp của dự án, từ bước thiết kế cho đến khâu triển khai, xây dựng và quản lý, vận hành sử dụng một cách hiệu quả, tối ưu.
Trong tổ chức không gian công cộng, khi áp dụng với các công cụ đồ họa, hình ảnh thực tế ảo, người thiết kế sẽ có cái nhìn tổng quát về sự tương quan giữa hình ảnh tổ chức, thiết không gian công cộng và hình ảnh cộng đồng khi sử dụng không gian đó. Từ đây đưa ra được phương án tổ chức thiết kế phù hợp và tiện ích nhất đối với cộng đồng. Đặc biệt khi các công cụ này được áp dụng trong tổ chức không gian công cộng tại Hà Nội, cụ thể là khu vực Hồ Gươm, địa danh của trung tâm chính trị, văn hoá và lịch sử của Thủ đô, là cột mốc số "0” của đất nước Việt Nam, là biểu tượng của quốc gia, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa cộng đồng cho đồng bào cả nước.
Ở một khía cạnh khác, công nghệ mới của thời đại toàn cầu hóa, (hay của thời đại mà ngày nay ở Việt Nam được gọi một cách hơi lạm dụng là 4.0) cũng dễ dàng khiến các sản phẩm về tổ chức không gian công cộng sau cùng trở nên "đồng bộ”. Các chương trình quản lý toàn diện từ BIM, SIG với các số liệu chuẩn hóa và các mô hình được số hóa cũng khiến cho các không gian được quy hoạch theo các khuôn mẫu gần như được lập trình, với các phương tiện giao thông, hạ tầng cũng đều được "toàn cầu hóa” nên càng khiến các không gian công cộng ngày càng giống nhau. Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng sự đặc biệt và các yếu tố bản sắc văn hóa, vốn gắn liền với địa danh, khí hậu, phong tục tập quán của bản địa, sẽ bị lu mờ và dần biến mất. Do đó, thực sự cần có hướng đi và biện pháp đúng đắn khi ứng dụng những tiện ích của khoa học công nghệ để không bị "là phẳng” văn hóa. Điều chúng ta cần làm là "Hòa nhập, nhưng không hòa tan”.
Thay lời kết
Có thể thấy với việc áp dụng tốt các xu hướng tổ chức và thiết kế không gian công cộng, quận Hoàn Kiếm thực sự đã có được những thành công nhất định trong việc nâng cao chất lượng sống của người dân thủ đô. Các không gian biến chuyển linh hoạt đã bổ sung tức thời sự thiếu hụt không gian công cộng trên địa bàn, đáp ứng phần nào nhu cầu thư giãn giải trí cho cư dân TP và góp phần gia tăng sinh kế cũng như phát triển các hoạt động cộng đồng có ý nghĩa. Các chính sách quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan với sự tham gia cộng đồng cũng dần đạt được những thỏa thuận giữa chính quyền và người dân địa phương. Cần phát huy và đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức cũng như quản lý quy hoạch kiến trúc cảnh quan quận Hoàn Kiếm để vừa giữ gìn, bảo tồn, phát huy lợi thế văn hóa hiện có, vừa đem đến những giá trị thực tiễn, góp phần giúp Hà Nội trở thành một địa điểm sống lý tưởng, hướng tới xây dựng đô thị thông minh và phát triển bền vững.
Tổ hợp ga Metro Bến Thành (TP.HCM). Hà Nội bao gồm Ga ngầm, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe ngầm, và hệ thống xử lý, thoát nước
Hồ sơ BIM mô tả dự án tổ tại WanChai (Hongkong)
TS.DPLG.KTS Nguyễn Việt Huy
Theo Tạp chí Kiến trúc