Cứu di tích Hà Nội khỏi xuống cấp: Xót xa cho di sản nghìn năm

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/5/2021 | 4:33:57 PM

Số lượng di tích xuống cấp đang chờ tu bổ ngày càng dày lên khiến cho người dân cảm thấy cảnh tượng thường thấy ở di tích Hà Nội là “lên chùa thấy Phật đội nón, sang đình thấy Thánh chống gậy”. Nỗi xót xa hiện hữu trên từng di sản.

Những ngôi đình kêu cứu

Ngôi đình Cam Đà (xã Cam Thượng, huyện Ba Vì) được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2004, được khởi dựng từ thế kỷ XVII - XVIII, mang nhiều vẻ đẹp chạm khắc từ thời Lê. Từ các mảng chạm rồng phượng, đến các con giống trên mái đình đều thể hiện sự tinh xảo, đặc sắc. Thế nhưng, giờ đây ngồi trong ngôi đình vốn là nơi 13 dòng họ trong thôn thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn ngày nắng thì rọi xuống thẳng đầu, mưa lo ngập vì nước từ sân cho đến mái chảy xuống. Mái đình võng xuống như muốn sụp vì hệ thống cột kèo, rui mè đã mục gãy.

Ông Nguyễn Văn Long - thủ từ đình Cam Đà: "Vào ngày chính lễ 16 - 17 tháng Giêng bà con trong thôn thường thực hiện nhiều nghi lễ linh thiêng mang tính truyền thống tại đình, đã lưu giữ trong gia phả 13 dòng họ; thế nhưng lúc nào chúng tôi cũng nơm nớp nỗi lo đình sập, làm ảnh hưởng đến sự an nguy của người dân”. Cũng như nhiều miền quê khác ở xứ Đoài, đình Cam Đà luôn được Nhân dân trong vùng nâng niu, gìn giữ. Mái đình không chỉ là chứng nhân lịch sử chứng kiến cuộc sống thăng trầm, thay đổi của ngôi làng mà còn là địa chỉ sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi đáp ứng nhu cầu thực hành tâm linh tín ngưỡng của người dân.

Cứu di tích Hà Nội khỏi xuống cấp: Xót xa cho di sản nghìn năm Tình trạng xuống cấp của di tích đình Cam Đà. Ảnh: Linh Anh

Ông Lã Minh Trai - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Cam Đà, thành viên Ban quản lý di tích chia sẻ: Hơn 70 năm sinh sống ở ngôi làng, ông chứng kiến ngôi đình cổ quý giá này đã gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần và nhu cầu tâm linh của người dân ra sao. Nhưng vì hầu hết các cấu kiện trong đình đều làm bằng gỗ, hoặc gạch ngói nên gần một thế kỷ chưa được tu bổ, khiến đình xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Trai, khoảng năm 2008 - 2009, đình Cam Đà có sửa hậu cung, còn lại đều là những tu sửa nhỏ.

"Cách đây khoảng mấy năm, tham dự một hội thảo của Sở VH&TT Hà Nội nói về những ngôi đình xuống cấp của xứ Đoài, chúng tôi đề nghị xin tu bổ đình Cam Đà. Từ đó đến nay, phát huy tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, dân thôn Cam Đà mỗi người đóng góp một chút để cùng nhau giữ lại di sản vô giá này. Nhưng quả thực, chỉ với lòng mong mỏi thì khó mà cứu được ngôi đình…” - ông Trai buồn bã.

Tại Ba Vì, không chỉ có đình Cam Đà mà hàng chục ngôi đình khác đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Về đình Phương Châu (xã Phú Phương, huyện Ba Vì), ngoài việc ngỡ ngàng về một cảnh sắc ngôi đình đặc sắc, với không gian đắc địa: Vị trí trung tâm làng, nằm trên khoảnh đất cao ráo mặt hướng núi tản viên, lưng tựa sông Hồng tạo thế tiền sơn hậu thủy, thì dòng chữ ngăn người dân bước vào hành lễ trong Đại đình khiến người tham quan cảm giác chênh vênh.

Theo ông Phạm Quang Thọ - Trưởng Ban Khánh tiết - Trị sự của đình: Trận mưa năm ngoái khiến đầu đao bên phải của đình bị gãy. Ban quản lý đã dựng tạo cột inox để chống đỡ, nhưng cột kèo bị di chuyển, há mộng. Phía trong hậu cung đã mục gãy, các cụ trong Ban Khánh tiết mỗi lần làm lễ đã không thể trèo lên mà chỉ đứng từ dưới vái vọng. Từ năm 2019, làng cũng đã hoãn tổ chức Đại lễ để đảm bảo an toàn cho Nhân dân.

Không chỉ có những ngôi đình ở Ba Vì, đình làng Đông La Hạ, Đông La Thượng ở (Quốc Oai), đình Thần Quy (huyện Phú Xuyên) hay rất nhiều ngôi đình khác ở các huyện Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín… đều trong tình trạng kêu cứu vì xuống cấp. Đánh giá về công tác bảo quản các hiện vật trong di tích, nhất là di tích xuống cấp, ông Vũ Hồng Hải - Phó Trưởng phòng VH&TT huyện Phúc Thọ nói vui nhưng đúng với thực trạng ở nhiều nơi: "Lên chùa thấy Phật đội nón, sang đình thấy Thánh chống gậy”.

Hiện vật quý bị ảnh hưởng

Nằm ẩn trong khu vực dân cư đông đúc, chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, được biết tới là ngôi chùa cổ được khởi dựng từ thế kỷ XVII cùng hệ thống 49 pho tượng làm bằng đất. Với những giá trị độc đáo này, chùa được xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1990. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay ngôi chùa dường như bị lãng quên khi chính điện bị xuống cấp nghiêm trọng, tường vỡ lở, nứt toác, rễ cây xuyên từ ngoài vào bám chằng chịt phía trong tường, nền nhà ẩm thấp vì nước ứ đọng sau những trận mưa lớn.
Cứu di tích Hà Nội khỏi xuống cấp: Xót xa cho di sản nghìn năm
 Đầu đao bên phải mái đình Phương Châu được gia cố bằng cột inox để chống sập. Ảnh: Linh Anh

Đáng nói, hệ thống tượng đất trong chùa đang bị hủy hoại bởi thời tiết và không được bảo quản tốt. Hầu hết các tượng bị bong tróc, có những pho tượng rụng cả đầu và tay chân trông nham nhở đến thảm hại. Sư trụ trì phải nhặt từng bộ phận rơi gãy cất đựng vào túi ny lon để cất giữ tránh thất lạc. Tuy vậy, việc phục hồi nguyên trạng hoặc gần với nguyên trạng là điều vô cùng khó khăn bởi chất liệu đất khi vỡ vụn sẽ bị hao hụt, hơn nữa chất liệu gắn kết cũng không dễ tìm. Vào trong chính điện, không ai tránh khỏi sự xót xa bởi sự lạnh lẽo, hưu quạnh và xuống cấp nghiêm trọng của ngôi chùa.

Phó Bí thư thường trực quận Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, kinh nghiệm ở Tây Hồ là không thể trông chờ ngân sách từ thành phố, mà phải tự vận động, kêu gọi các nguồn lực của quận để sửa chữa, tôn tạo, tu bổ. Bên cạnh đó, công tác kê khai hiện vật ở các di tích cũng rất quan trọng, vì giá trị của di tích nằm ở hiện vật, nhưng chưa được nhiều nơi quan tâm.

"Quận Tây Hồ mất 10 năm mới kê khai hết hiện vật 71 di tích trên địa bàn. Vì thế, thành phố cũng cần thúc đẩy việc chỉ đạo việc kê khai, bảo quản, phục hồi hiện vật ở các di tích, tiến tới số hóa các hiện vật để khi xảy ra rủi ro có thể phục chế” - ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đã kịp số hóa hiện vật như Tây Hồ. Rất nhiều địa phương đều đang trong tình trạng hiện vật quý bị ảnh hưởng vì di tích xuống cấp như chùa Báo Ân (Quốc Oai).

Chính quyền địa phương bất lực

Cuối năm 2016, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Hà Nội quy định việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích, hướng dẫn cụ thể những nội dung được quy định tại Luật Di sản Văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, góp phần làm rõ các bước thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; nguồn lực cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích; trách nhiệm các cơ quan quản lý di tích trong việc đầu tư tu bổ di tích. Về kinh phí tu bổ di tích, theo điều 58, Luật Di sản Văn hóa quy định nguồn kinh phí bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa từ các nguồn sau: Ngân sách nhà nước; các khoản thu từ hoạt động sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa; nguồn tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài.

Luật Di sản Văn hóa quy định nguồn xã hội hóa (bao gồm tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài) là một trong các nguồn lực tài chính thực hiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Do vậy, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cấp chính quyền có trách nhiệm bố trí kinh phí từ các nguồn lực, vận động, tuyên truyền Nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý.

Các dự án (báo cáo kinh tế - kỹ thuật) thực hiện từ nguồn vốn xã hội hóa phải tuân thủ trình tự thực hiện đúng quy định pháp luật và thành phố. Nhưng cũng do việc phân cấp cho các quận, huyện, thị xã về quản lý và đầu tư tu bổ các di tích, nên một số huyện, nguồn lực có hạn, không bảo đảm cho công tác tu bổ, chống xuống cấp.

Theo khảo sát, hầu hết các địa phương đều kêu khó trong việc bố trí nguồn ngân sách tu bổ di tích. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết, toàn huyện có 396 di tích, trong đó có 123 di tích xếp hạng. Trải qua thời gian, số di tích xuống cấp và xuống cấp nghiêm trọng càng tăng lên. Ví như đình Cam Đà hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng phải khẩn trương đầu tư tu bổ. UBND huyện Ba Vì đã trình UBND TP Hà Nội để đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Năm 2020, huyện cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư lắp dựng nhà bao che để bảo vệ cấp thiết ngôi đình. Nhưng với tình trạng xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng yêu cầu phải sớm lập dự án tu bổ tổng thể.

Tuy nhiên, hiện nguồn kinh phí đầu tư cho di tích của địa phương còn hạn hẹp, trong khi số di tích xuống cấp trên địa bàn rất nhiều. Bài toán muôn thuở về kinh phí một lần nữa lại được đặt ra với di tích Cam Đà, cùng hàng chục di tích khác của Ba Vì. "Nhà ăn đong nên sờ đến gì cũng khó. Chỗ nào cũng cần tu bổ” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì nhấn mạnh.

Trên địa bàn huyện Quốc Oai có hơn 220 di tích các loại, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích được xếp hạng quốc gia, 61 di tích được xếp hạng cấp thành phố. Nhiều công trình kiến trúc và điêu khắc nổi tiếng từ thời Lê, thời Lý với hàng nghìn di vật, cổ vật có niên đại cách đây hàng nghìn năm đang được lưu giữ, trùng tu như chùa Thầy, đình So, đình Cấn, đình Ngọc Than, đình Phú Mỹ, chùa Lâm, chùa Cấn Thượng… Tuy nhiên, ông Nguyễn Vũ Hán - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quốc Oai cho biết, nhiều di tích trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả với di tích quốc gia cũng có tới gần 10 di tích xuống cấp. Dù người dân mong muốn được trùng tu, huyện đã cố gắng nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên các di tích xuống cấp chưa được tu bổ kịp thời.

Đại biểu chuyên trách Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, khảo sát tại các địa phương, nhất là các huyện, kinh phí dành cho tu bổ, tôn tạo di tích rất khó khăn. Do công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn thiếu những chính sách, chế tài để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nên việc tôn tạo, tu bổ đều trông chờ vào nguồn ngân sách địa phương, bố trí được thì tôn tạo, không bố trí được thì đợi. Vì vậy điệp khúc đình, chùa "kêu cứu” vẫn cứ liên tục diễn ra trên địa bàn TP Hà Nội.

"Hiện tại, số lượng di tích xuống cấp, hư hại là khá lớn. Một số di tích đã xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ nhưng địa phương chưa cân đối được nguồn lực để đầu tư chống xuống cấp kịp thời. Do vậy, trên địa bàn thành phố hằng năm đã phải đầu tư nhiều kinh phí ngân sách, huy động sự đóng góp của Nhân dân (xã hội hóa) để tu bổ nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ di tích còn rất hạn hẹp là khó khăn lớn nhất. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa chủ động nguồn lực để đầu tư tu bổ, còn ỷ lại vào nguồn lực của cấp trên; nhận thức của một số bộ phận dân cư, địa phương về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích còn hạn chế, lệch lạc, chỉ muốn xây dựng di tích "khang trang, to đẹp” mà không có ý thức bảo tồn các giá trị di sản, truyền thống của di tích (nhất là đối với các di tích chùa chưa xếp hạng). Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành, cấp lập kế hoạch đầu tư kinh phí tu bổ; rà soát năng lực để lựa chọn đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đủ năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di tích…

Ngoài tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích, Sở VH&TT cũng cần rà soát những di tích có đủ điều kiện tổ chức thu phí tham quan; xây dựng đề án tổ chức, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để tăng nguồn tài chính trong công tác bảo vệ di tích; xây dựng kế hoạch vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ tu bổ di tích." - Nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến

"Các di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa vật thể nói riêng là tài sản vô giá của quốc gia, của dân tộc. Ðó là những tài sản ra đời từ sự kết tinh của trí tuệ, tài năng, công sức, đồng thời mang chứa các nét văn hóa đặc sắc của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Ðặc biệt, đó là những di sản "độc bản", giá trị tăng lên từ "tuổi lịch sử" của mỗi di sản.

Dù hậu thế có dụng công tái tạo, chế tác, làm mới như thế nào sẽ không bao giờ có thể thay thế được. Theo thời gian, vì các nguyên nhân khách quan như tác động của thiên nhiên, bị chiến tranh tàn phá, thậm chí do quan niệm của con người trong một thời kỳ lịch sử nhất định... các di tích, hiện vật này dần bị hư hỏng, xuống cấp, ít được chú ý. Nếu thật sự trân trọng di sản của cha ông để lại, chúng ta cần có biện pháp bảo tồn, tu bổ một cách khoa học, hợp lý để ngăn chặn quá trình xuống cấp của di sản." - Chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam - PGS.TS Trần Lâm Biền (Lan Ngọc ghi)

Nguồn: Kinh tế & Đô thị

Tags di tích Hà Nội di tích xuống cấp di sản nghìn năm

Các tin khác

Vì sao người Hà Nội lại trồng sen ở Hồ Hoàn Kiếm? Có hai dữ kiện chúng tôi sưu tầm được, từ đó đưa ra giả thuyết về việc người Hà Nội trồng sen ở hồ Hoàn Kiếm.

Ngày 18/12/2010, khi đến đây chúng tôi thấy cây si nói trên đã được dựng lên, tán cây đã được chặt.

Điều đặc biệt trong ba lần tổ chức liên hoan múa cổ Thăng Long, diễn viên đều là những người nông dân, nghệ nhân các làng, xã của Hà Nội.

Hàng ngày đi bộ qua đấy chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy hai cây vông ở Thuỷ Tạ đang bị "bức tử".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục