Chuyện về người đi tìm ‘hậu duệ’ cho loài rùa Hoàn Kiếm

  • Cập nhật: Thứ hai, 15/2/2021 | 9:00:06 AM

QLMT - Với công việc bảo tồn động vật hoang dã, từ năm 2017 đến nay, anh Nguyễn Văn Long đã dành thời gian cho hàng chục chuyến đi thực địa, tìm kiếm “hậu duệ” rùa Hoàn Kiếm.

Gần 2 năm theo dõi cá thể rùa "khổng lồ” tại hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) qua ống kính máy ảnh, trong đó hơn 3 tháng trực tiếp tham gia triển khai hoạt động thả lưới, bẫy bắt rùa để nhận diện tên loài và giới tính, anh Nguyễn Văn Long cùng các nhà khoa học đã xác định được "hậu duệ” của rùa Hoàn Kiếm - loài rùa nguy cấp nhất thế giới và hy vọng rằng loài này còn cơ hội sinh tồn...

Vất vả đi tìm "hậu duệ” rùa Hoàn Kiếm

Anh Nguyễn Văn Long là cán bộ điều phối Chương trình Bảo tồn loài, Tổ chức WCS - tổ chức vừa công bố kết quả xét nghiệm gen để khẳng định cá thể rùa cái được bẫy bắt vào tháng 10/2020 chắc chắn là loài rùa Hoàn Kiếm. Đây là loài rùa mai mềm có tên gọi là "giải Sin-hoe” - tên khoa học là Rafetus swinhoei.

chuyen-ve-nguoi-di-tim-hau-due-cho-loai-rua-hoan-kiem-1
Anh Nguyễn Văn Long cùng cộng sự quan sát hoạt động của rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô.

Nhớ lại hành trình đi tìm "hậu duệ” cho loài rùa nguy cấp nhất thế giới, anh kể bắt đầu tiếp quản chương trình bảo tồn rùa Hoàn Kiếm tại WCS từ năm 2017. Trong thời gian đó, anh đã tiến hành khảo sát và thu thập các bằng chứng bằng hình ảnh tại các khu vực đầm, hồ ở 14 tỉnh từ miền Bắc vào đến miền Trung. Tuy nhiên, anh vẫn chưa chụp ảnh thành công các cá thể rùa ở những tỉnh khác.

Sau hai năm dồn sức nhưng không có kết quả, năm 2019, anh Long tập trung tìm kiếm các cá thể rùa mai mềm lớn tại hồ Đồng Mô - nơi mà người dân địa phương đã từng bắt được một cá thể từ năm 2008, khi đập của hồ này bị vỡ. Sau đó, nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương, cá thể rùa đã được thả lại hồ. Thế nhưng, thời điểm ấy, cá thể rùa này mới chỉ được xác định là rùa Hoàn Kiếm dựa trên hình thái học (hình dạng hoa văn), cũng chưa được lấy mẫu và xét nghiệm gen.

"Mãi đến ngày 22/10/2020, một cá thể rùa mai mềm lớn tại hồ Đồng Mô mới được đưa lên bờ lấy mẫu và xét nghiệm, qua đó chứng minh là rùa Hoàn Kiếm. Tuy nhiên không thể khẳng định đây là cá thể đã được thả lại năm 2008”, anh Long chia sẻ.

Lý giải cho khẳng định trên, anh Long cho biết trước khi cá thể rùa Hoàn Kiếm được xác định, anh đã chụp nhiều ảnh của một hoặc hai cá thể rùa mai mềm khác nghi là rùa Hoàn Kiếm (vì không thể phân biệt được 2 cá thể nếu chỉ dựa vào hoa văn trên đầu). Đến đầu tháng 11/2020, anh tiếp tục chụp được một cá thể rùa khác nổi lên mặt nước ngoài khu vực biệt lập mà cá thể rùa Hoàn Kiếm vừa được thả.

chuyen-ve-nguoi-di-tim-hau-due-cho-loai-rua-hoan-kiem-2
Cá thể rùa mai mềm thứ 2 được phát hiện trên hồ Đồng Mô.

Ngoài ra, hồi tháng 7/2020, Nguyễn Văn Long cũng phát hiện và chụp được một cá thể rùa mai mềm có cân nặng khoảng 40 kg (chưa từng được phát hiện tại hồ). Tuy nhiên, hiện các chuyên gia vẫn còn đang tranh cãi xem cá thể này thuộc loài gì.

"Khi chụp được ảnh của cá thể thứ 2 nghi rùa Hoàn Kiếm và cá thể rùa mai mềm chưa xác định trên, cảm xúc của mình thật không có lời nào diễn tả nổi. Khi phát hiện và bấm máy, mình phải nín thở vì sợ làm rung máy, ảnh chụp sẽ không được nét; chụp được rồi cũng không dám mừng vội mà phải đợi kiểm tra chất lượng ảnh. Lúc đó, nước mắt cứ chảy ra như một đứa trẻ con. Vậy là mọi khó nhọc, niềm hy vọng bấy lâu đã được trả công xứng đáng. Đến giờ vừa mừng cho mình vừa mừng cho một loài sẽ có cơ hội được khôi phục lại quần thể của nó”, anh Long bồi hồi kể.

"Nhà có rùa rồi thì sao phải đi tìm nữa…”

Với anh Nguyễn Văn Long, bảo tồn động vật hoang dã, nhất là loài rùa là niềm đam mê đã "ngấm” vào cảm xúc. Bởi thế, phát hiện được cá thể động vật hoang dã hay cá thể rùa Hoàn Kiếm mới cũng như xác định được nguồn gốc, giới tính là điều còn quý hơn nhặt được vàng. Song, để có được "cảm xúc ngọt ngào” ấy, anh đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, đặc biệt là những "cảm xúc sâu kín” từ phía gia đình.

Long kể anh có niềm đam mê với công việc bảo tồn động vật hoang dã từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng bởi thế, năm lớp 12, anh đã lựa chọn học chuyên ngành thú y với suy nghĩ sẽ có kinh nghiệm để chăm sóc và điều trị bệnh cho động vật khi chúng bị thương, bị bệnh. Sau này, mỗi khi nhìn thấy các cá thể động vật được cứu hộ, hồi phục, anh lại có thêm niềm vui và động lực trong công việc…

chuyen-ve-nguoi-di-tim-hau-due-cho-loai-rua-hoan-kiem-3-4-5-6

chuyen-ve-nguoi-di-tim-hau-due-cho-loai-rua-hoan-kiem-6
chuyen-ve-nguoi-di-tim-hau-due-cho-loai-rua-hoan-kiem-7
Các phương pháp kiểm tra rùa.

Với tình yêu và trách nhiệm với công việc bảo tồn động vật hoang dã, từ khi tiếp quản chương trình bảo tồn rùa Hoàn Kiếm tại WCS từ năm 2017, anh đã dành thời gian cho hàng chục chuyến đi thực địa, tìm kiếm "hậu duệ” cho rùa Hoàn Kiếm.

Thông thường, mỗi chuyến đi của anh kéo dài 10 ngày, thậm chí có những chuyến kéo dài gần một tháng bởi khu vực đến khảo sát nằm ở sâu trong rừng.

"Xa gia đình như vậy nhớ nhà, nhớ con lắm em ạ. Đặc biệt đi công tác ở khu vực xa xôi thường không có sóng điện thoại nên có chuyến đi hơn chục ngày không được nói chuyện với gia đình. Làm cái nghề này nó là vậy, khi đã mê rồi thì khó dứt ra lắm. Bởi thế, buổi tối khi không làm việc thì thấy nhớ nhà, nhưng ban ngày khi vào việc rồi lại chẳng còn thấy nhớ vì phải tập trung làm việc”, anh Long tâm sự.

Uống ngụm trà chát đỏ như để kìm nén cảm xúc, anh nói thêm: "Đôi khi người nhà góp ý là nên đi công tác ít thôi để còn lo cho gia đình hay nhà có con Rùa (con gái anh - tên ở nhà là Rùa) rồi thì sao phải đi tìm nữa. Thế nhưng, mình coi việc bảo tồn là hoạt động mà mình có thể đóng góp cho tự nhiên nói chung và bản thân các loài động vật nói riêng nên cứ thế gắn bó".

"Phương châm sống của mình không phải là làm nghề này kiếm được bao nhiêu tiền, mà là những đóng góp của mình sẽ đóng góp như thế nào để cải thiện các hậu quả mà con người gây ra với tự nhiên. Do vậy, việc bảo tồn và thú y hiện nay đều mang lại giá trị sống cho mình”, anh Long chia sẻ thêm.

Rùa Hoàn Kiếm còn cơ hội ghép đôi sinh sản

Quay lại với câu chuyện đi tìm "hậu duệ” cho rùa Hoàn Kiếm, anh Long chia sẻ: "Bạn thử nghĩ xem, một người bỏ cả nhà cửa, con cái, mang cơm nắm vào rừng chỉ để làm công việc chụp ảnh, thả lưới bẫy bắt rùa với mục đích nghiên cứu xác định tên loài và giới tính sẽ thấy cá thể rùa này quan trọng thế nào đối với người làm công tác bảo tồn. Hơn nữa, đó còn là loài rùa quý hiếm, nguy cấp nhất thế giới!”.

chuyen-ve-nguoi-di-tim-hau-due-cho-loai-rua-hoan-kiem-8
Rùa Hoàn Kiếm trước khi được thả xuống khu vực riêng ở hồ Đồng Mô.

Hiện nay, trên thế giới có 2 cá thể rùa Hoàn Kiếm còn sống đã được công bố thông qua xét nghiệm di truyền. Hiện, cá thể rùa Hoàn Kiếm đực đang sống tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Còn cá thể rùa cái đang sinh sống ở hồ Đồng Mô, thành phố Hà Nội. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cá thể rùa cái này nặng 86 kg.

Đáng chú ý, ngoài cá thể rùa cái trên, các chuyên gia bảo tồn và người dân sinh sống xung quanh hồ Đồng Mô còn nhìn thấy một cá thể rùa khác ước tính nặng 130 kg. Với nhiều dấu hiệu mới phát hiện, giới bảo tồn hy vọng đó là cá thể đực. Việc phát hiện cá thể rùa Hoàn Kiếm cái mang lại một phần hy vọng rằng loài này còn cơ hội tồn tại. Đặc biệt, giới khoa học đặt mục tiêu đảm bảo các cá thể rùa có cơ hội sinh sản và được đưa tới sinh sống tại hồ Hoàn Kiếm trong thời gian tới.

"Hy vọng trên là hoàn toàn có cơ sở, bởi ngoài cá thể rùa Hoàn Kiếm cái đã được xét nghiệm gen và một cá thể rùa lớn hơn nghi là rùa đực. Tại hồ Đồng Mô còn có rất nhiều cá thể rùa nhỏ, có kích thước khác nhau. Nếu cá thể rùa nặng khoảng 130 kg trên là rùa đực thì những cá thể rùa nhỏ hơn với trọng lượng khoảng trên dưới 15 kg càng có hy vọng có thể là rùa con của rùa Hoàn Kiếm”, anh Long chia sẻ.

Cũng theo anh Long, ngoài các cá thể rùa được tìm thấy ở hồ Đồng Mô, các nhà bảo tồn còn phát hiện thêm một cá thể rùa khác tại hồ Xuân Khanh ở gần đó. Dự kiến, các nhà bảo tồn sẽ thực hiện bẫy bắt để xác định loài và giới tính của các cá thể rùa còn lại ở cả hai hồ Đồng Mô và Xuân Khanh trong mùa xuân năm nay.

"Trên hết, các nhà bảo tồn đặt mục tiêu đảm bảo ít nhất một cá thể rùa đực và một cá thể rùa cái có cơ hội ghép đôi sinh sản, để rùa Hoàn Kiếm tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Một khi biết được giới tính của các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam, các nhà khoa học cũng như các nhà bảo tồn sẽ vạch ra được kế hoạch rõ ràng cho các bước tiếp theo để gép đôi cho sinh sản”, anh Long hy vọng.


Theo Hùng Võ/ VietnamPlus

Tags loài rùa Hoàn Kiếm bảo tồn động vật hoang dã

Các tin khác

Bà Cẩn bán nước chè ở đây có thâm niên vài chục năm do vậy bà là kho chuyện về tình yêu của những người từng đến đây uống nước chè.

Cây đa gần nhà vệ sinh công cộng trên phố Đinh Tiên Hoàng (Ước chừng gần 200 năm tuổi) tự đổ vào chiều tối ngày 16/7/2008.

Chiều 9/9/2024, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã huy động một cần cẩu tay với dài hàng chục mét, một máy xúc và một tốp công nhân khoảng mười người đến trồng lại cây khu vực Hồ Gươm.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) có sức gió gần tâm bão cấp 12-13 giật cấp 16, tiến thẳng vào các tỉnh phía Bắc trong đó có Hà Nội, để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản. Nhiều nhà bị tốc mái, cây đổ vào ô tô, vào nhà. Ước tính hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội bị ngã, đổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục