Xây dựng nhà sát Hồ Gươm: Quá thiếu văn hóa!

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/1/2021 | 5:00:43 PM

QLMT - Xây dựng nhà sát Hồ Gươm: Quá thiếu văn hóa!

PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng - Tổng hội xây dựng VN, Phó chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị VN.

Không nên xây dựng ở số 2 Lê Thái Tổ

PV:- Hiện nay, dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, tại số 2 Lê Thái Tổ, gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, lại tiếp tục được triển khai, BQL dự án này đã dùng tấm tôn cao khoảng 7m quây toàn bộ khu xây dựng, người dân đi đường không nhìn thấy việc thi công bên trong. Ông có biết sự việc này không, là người cũng đã nhiều năm nghiên cứu về khu vực này, theo ông nếu xây nhà ở đó thì sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan Hồ Gươm như thế nào?

PGS. TS Lưu Đức Hải:- Trước hết, phải nói về tên công trình và tính chất của công trình. Theo tôi được biết tên của công trình hiện nay là "Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm", nhưng chính xác phải là văn hóa - lịch sử Hồ Hoàn Kiếm.

Hai là, theo tôi có một trung tâm thông tin văn hóa là hết sức cần thiết, lẽ ra còn phải làm từ lâu, bởi Hồ Hoàn Kiếm là trái tim của đất nước, của thủ đô HN, nó gắn liền với sự kiện 1000 năm tuổi của Thăng Long - HN. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc, theo như NQ TW5, cần có nhiều nội hàm, trong đó, cần phải có một công trình như vậy.

Vậy thì chọn xây dựng ở đâu, có cái gì ở trong đấy, sau đó mới tính được đến cảnh quan, kiến trúc, tầm cao như thế nào.

Ba là, về vị trí theo tôi không nên chọn ở vị trí số 2 phố Lê Thái Tổ, bởi vì, chúng ta làm văn hóa thì phải xây dựng ở vị trí đã từng là lịch sử văn hóa, chứ không nên là vị trí chưa hề có giá trị lịch sử văn hóa.

Tính cả vòng đai quanh hồ, kể cả diện tích hồ và đường ven hồ là 16 hecta, chu vi quanh hồ khoảng hơn 2km, tuy nhiên, từng miếng đất xung quanh hồ lại có giá trị khác nhau ở mỗi thời kỳ lịch sử.

Vùng đất phía bên Lê Thái Tổ là vùng đất cổ xưa, gắn liền với quá trình hình thành nên vùng đất thiêng liêng này.

PV:- Ông có thể nói rõ hơn về quá trình lịch sử đó?

PGS. TS Lưu Đức Hải:- Đầu thế kỷ XX có công trình Khai Trí Tiến Đức được xây dựng ở 16 Lê Thái Tổ, bây giờ là nhà hàng Lục Thủy, trước đây, tất cả các câu chuyện văn hóa, khoa học, công nghệ, giới trí thức VN đều tập trung ở đó, dù rằng ở thời Pháp thuộc.

Vào những thời kỳ thập niên 1930 - 1939, trước khi diễn ra đại chiến thế giới lần thứ 2, khoa học công nghệ được đẩy mạnh, thương mại được đẩy mạnh, Pháp tổ chức hội chợ, diễn ra từ số 8 đến 16 Lê Thái Tổ, gọi là phố vua Lê.

Trong vùng đó, địa danh sâu đậm văn hóa hơn cả là 16 Lê Thái Tổ, xa hơn nữa, có một công trình bị lãng quên, không hiểu sao bị lãng quên đó là đền thờ vua Lê. Chúng ta vẫn nói nhiều về vua Lê, về thành phố vì hòa bình, nhưng không nghĩ đến việc bảo vệ đền thờ vua Lê.

xay-dung-nha-sat-ho-guom-qua-thieu-van-hoa-1
Phối cảnh Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm

Tuy nhiên, khi xây dựng nhà Khai Trí Tiến Đức ở 16 Lê Thái Tổ, họ đã phá đền thờ, sau hồi tranh luận chúng ta có khu tưởng niệm vua Lê, nhưng ở sâu trong sân, ngày nay nhiều người lầm tưởng đình Nam Hương là đền thờ vua Lê.

Sau khi Pháp phá bỏ thì người dân đem toàn bộ đồ thờ về số 7 Hàng Vôi ngày nay thờ cúng, nhưng người trông coi ở đó, cho hay, mấy chục năm nay không ai đoái hoài đến.

Đặc biệt, địa điểm này có khuôn viên rất rộng, bỗng dưng xuất hiện nhà hàng Lục Thủy thiên về ẩm thực, hay có thể nói là văn hóa ẩm thực, tạo nên một không gian không phù hợp. Tôi cho rằng, phải nhanh chóng đưa nhà hàng đi nơi khác, ví dụ cho kinh doanh chỗ khác.

Bên cạnh đó, không nên xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm ở số 2 Lê Thái Tổ, bởi vì mảnh đất ấy không có giá trị về văn hóa.

Nếu xây là thiếu văn hóa!

PV:- Điều đáng nói là trước đó, dự án này đã nhận được phản ứng dữ dội của dư luận, phải đình chỉ thi công, nhưng giờ lại tiến hành làm. Mặc dù lên tiếng cho rằng đã hỏi ý kiến của nhiều cơ quan, ban ngành nhưng thực ra thì lại chưa hề tham khảo ý kiến. Theo ông, việc quản lý hiện nay ra sao để xảy ra tình trạng "cố đấm ăn xôi" của những con người vốn lẽ ra là phải nắm giữ trách nhiệm bảo vệ cảnh quan Hồ Gươm?

PGS. TS Lưu Đức Hải:- Tôi cho rằng đây là vấn đề nhận thức, là tầm nhìn của nhà quản lý, đây là khu vực nhạy cảm, khi dư luận đã có ý kiến thì nên xem xét lại.

Đáng lẽ, không cần phải hỏi nhiều nơi, nhà quản lý cứ chủ động xem xét, tổng hợp lại tất cả các ý kiến từ bao đời nay để quyết định, nhưng chắc thành phố có cái lý của thành phố, tôi khẳng định không phải thành phố không hiểu.

Là người nghiên cứu nhiều năm, làm nhiều về quy hoạch đô thị, tôi thấy thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm, hãy xem xét lại dự án công trình để sử dụng cho hợp lý.

Quan trọng, địa điểm số 2 Lê Thái Tổ, dùng để làm gì thì cứ để hạ hồi phân giải, nhưng tôi khẳng định không nên làm công trình Trung tâm văn hóa này.

PV:- Vấn đề đặt ra ở đây là cơ sở pháp lý không cho phép xây dựng làm ảnh hưởng tới cụm di tích vùng lõi thủ đô theo Luật di sản nhưng Hà Nội nhiều lần xảy ra tình trạng phá vỡ cảnh quan, như tòa nhà Hàm Cá Mập, sau khi có dư luận thì tòa nhà EVN cũng phải di chuyển và giờ đây là dự án xây dựng Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm, ông bình luận như thế nào về tình trạng này và hướng xử lý nên như thế nào?

PGS. TS Lưu Đức Hải:-  Tại khu đất số 2 Lê Thái Tổ diện tích cũng bé, nếu vì mục đích tiết kiệm đất đai xây dựng, thì theo tôi là không nên vì quá nhỏ, độ cao thấp thì quá sát với hồ Hoàn Kiếm.

Cũng không nhất thiết phải làm, để phải chống đỡ với dư luận xã hội. Cái đáng làm thì chưa làm, cái không nên làm thì nhất quyết lại làm là rất không ổn!

Giải pháp theo tôi là tối ưu nhất, là di chuyển nhà hàng Lục Thủy ra địa điểm khác, tận dụng tòa nhà 2 tầng, cải tạo cho phù hợp, không xây dựng thêm làm Trung tâm thông tin văn hóa là đúng đắn nhất.

PV:- Phía cơ quan ông đã bao giờ lên tiếng về việc này và được phản hồi ra sao? Nếu UBDN quận Hoàn Kiếm vẫn cứ tiến hành xây thì sao?

PGS. TS Lưu Đức Hải:- Nếu xây dựng ở mảnh đất không có giá trị về văn hóa, lịch sử, đậm đà bản sắc dân tộc, thì xây dựng nên làm gì?

Nó xây dựng bỗng dưng trở thành một công trình văn hóa, mà tại sao không nằm đúng mảnh đất lịch sử, linh hồn vua Lê, để nâng cao tri thức của con cháu, của du khách nước ngoài, những câu chuyện này sao không dựng thành phim.

Nếu cứ xây dựng, như vậy là thiếu văn hóa, ở đó không nên làm gì, không có giá trị sao phải đặt.

Hơn nứa, diện tích hiện nay của hồ Hoàn Kiếm vốn dĩ đã chật chội, xây thêm lại chật, không thiếu người giỏi để đưa ra được thiết kế hợp lý. Quan trọng là nghe và làm theo những góp ý của chuyên gia, nhà khoa học, bảo tồn hay không.

- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ với Đất Việt!


Theo Thanh Huyền/ Đất Việt

Tags Hồ Gươm xây dựng văn hoá

Các tin khác

Bà Cẩn bán nước chè ở đây có thâm niên vài chục năm do vậy bà là kho chuyện về tình yêu của những người từng đến đây uống nước chè.

Cây đa gần nhà vệ sinh công cộng trên phố Đinh Tiên Hoàng (Ước chừng gần 200 năm tuổi) tự đổ vào chiều tối ngày 16/7/2008.

Chiều 9/9/2024, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã huy động một cần cẩu tay với dài hàng chục mét, một máy xúc và một tốp công nhân khoảng mười người đến trồng lại cây khu vực Hồ Gươm.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) có sức gió gần tâm bão cấp 12-13 giật cấp 16, tiến thẳng vào các tỉnh phía Bắc trong đó có Hà Nội, để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản. Nhiều nhà bị tốc mái, cây đổ vào ô tô, vào nhà. Ước tính hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội bị ngã, đổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục