Từ Tả Vọng đình đến Tháp Rùa ngày nay

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/1/2021 | 3:31:30 PM

QLMT - Đọc cuốn sách Họ Trịnh và Thăng Long của tác giả Bình Di và Quang Vũ ( Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa- 2008 ), chúng ta hiểu sâu hơn Thăng Long thế kỷ XVI-XVII. Thật lý thú, từ cuốn sách này chúng ta khắc họa lại được diện mạo hồ Hoàn Kiếm vào thời đó.



Năm nhâm thìn niên hiệu Quang Hưng 1592, chúa Trịnh Tùng giải phóng Thăng Long. Từ thời điểm này, bộ mặt Thăng Long có nhiều đổi khác.Vương phủ chúa Trịnh được xây dựng quy mô, là một quần thể kiến trúc nguy nga, đồ sộ ở ngoài Hoàng thành, liền sát khu dân cư. Vương Phủ được thiết kế hình vuông, có tường bao quanh, nằm ở phía Nam hồ Tả Vọng ( hồ Hoàn Kiếm ngày nay).

Vương phủ có ba cửa, mặt phía Nam: Chính môn,mặt phía Đông: Tuyên Vũ môn, mặt phía Tây: Diệu Công môn. Khuôn viên phủ Chúa bao gồm phần diện tích của Bệnh viện Việt – Đức, phố Tràng Thi,Tòa án Tối cao, Hỏa Lò, phố Thợ Nhuộm,Thư viện Trung ương ngày nay.

ta vong dinh
Một buổi thiết triều tại Vương phủ chúa Trịnh

Quần thể Vương phủ của chúa Trịnh được xây dựng suốt một thời gian dài (1592-1749 ), hoàn toàn không có thành lũy bao bọc, không ở tách biệt mà ở lẫn với khu dân cư, là một điều rất đặc biệt, chứng tỏ thời đó rất thanh bình. Lịch sử trung đại Việt Nam, ở châu Á và cả châu Âu, thông thường vua chúa, quý tộc đều ở trong thành quách bảo vệđó là điều không thể thiếu được.

Các công trình kiến trúc của Vương phủ được quay về hướng Nam, một số công trình hướng về hồ Tả Vọng. Mặt phía Đông của Vương phủ có cửa Tuyên Vũ trông ra hồ Tả Vọng, lầu Ngũ Long, Tả Vọng đình ( nay là vị trí Tháp Rùa ) và cung Khánh Thụy ( nay là đền Ngọc Sơn).

Vào thời đó, chung quanh hồ người ta trồng hoa cỏ, cây lạ, nuôi chim, giữ gìn sạch sẽ, nghiêm cấm dân thường không được tới câu cá, hái hoa. Cuối hồ người ta khơi một con ngòi dẫn ra sông Hồng để thuyền ra vào được gọi là bến tây long, để đối với bến Đồng Tâm phường Hà Khẩu.

Tả Vọng đình, thời Lê Thái Tổ gọi là Điếu Ngư đài, đến đời chúa Trịnh Căn công trình Tả Vọng đình được xây cao tầng. Lầu vuông, mái cong, có đắp bốn con rồng bò trườn trên mái ngoảnh đầu lại, khảm sứ mầu óng ánh ( nghệ thuật nề ngõa ). Lầu quay hướng Nam, trên cửa có ba chữ đại tự " Tả Vọng đình ". Tầng trên là chỗ chúa ngồi xem tập trận. Hai đầu phía Đông và phía Tây có lan can trang trí, mặt sàn sân thượng lộ thiên để các quan và cung nữ theo hầu có thể lên ngắm. Tường hoa lan can ghép sứ óng ánh. Tầng dưới hình chữ nhật chạy dài chiều Đông, Tây làm thành ba cửa kiểu tam quan như ở cửa Đoan Môn. Tả Vọng đình kiến trúc thanh nhã, chắc chắn với một tường hoa vây lấy lầu trên.

Thời gian sau triều Nguyễn, Tả Vọng đình bị hư hỏng, không ai chăm sóc. Khi quân Pháp xâm lược tấn công Hà Nội, Ngạc Nhi ( F.Garnier ) đã nã súng làm tầng trên bị sập, chỉ còn tầng dưới. Thời Nguyễn , bá hộ Nguyễn Ngọc Kim đã làm đơn với chính quyền để xin trùng tu lại Tả Vọng Đình.

Như vậy chúng ta có thể thấy Tả Vọng đình ngày xưa với Tháp Rùa ngày nay có chi tiết kiến trúc giống nhau. Tầng ba của Tháp Rùa có hai sân trời, với lan can bảo vệ. Có điều khác với Tả Vọng định là hai sân trời này được đặt phía Bắc và Nam của Tháp Rùa chứ không phải theo hai hướng Đông và Tây như ở Tả Vọng đình.

Chúng tôi đã có dịp nhiều lần được lên trên tầng ba của Tháp Rùa. Lách qua ô cửa nhỏ theo kiến trúc gô-tích của tháp chúng ta có thể ra một sân trời nhỏ, rộng chừng 2,5 m2. Đứng ở đây ta có thể nhìn thấy toàn cảnh của nửa hồ phía Nam hoặc Bắc của hồ.

Theo địa chỉ :http://chimviet.free.fr/13/nds0053.htm, chúng ta có thể đọc được bài viết của Nguyễn Dư viết tại Lyong, 8-2002 liên quan vị trí xây dựng Tả Vọng Đình. Theo Nguyễn Dư, Tả Vọng đình được xây trên vị trí đề Ngọc sơn ngày nay chứ không phải trên tháp rùa. Chúng ta hãy xem các cứ liệu mà tác giả Nguyễn Dư đưa ra.Bảng chú bản đồ Phạm Đình Bách cho biết: - Đình chúa Trịnh: Pagode élevée sous les Lê à la mémoire des Trịnh (đình chúa Trịnh được xây dưới thời Lê để tưởng nhớ các chúa Trịnh). Đình chúa Trịnh nằm tại địa điểm Tháp Rùa.

Nguyễn Khắc Ngữ cũng đồng ý với Phạm Đình Bách: "Một trong những kiểu kiến trúc thời Lê còn để lại là Tháp Rùa hồ Hoàn Kiếm" (Nguyễn Khắc Ngữ, Mỹ thuật cổ truyền, theo bài Tháp Rùa có từ khi nào? của Nguyên Thắng, Đoàn Kết, tháng tư, 1984). Bùi Thiết cho biết:"Tòa tháp tọa lạc trên gò Rùa xế về phía nam hồ Hoàn Kiếm, nên gọi là Tháp Rùa. Nguyên là đình Tả Vọng do các chúa Trịnh dựng trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng, gọi là đình Tả Vọng. Cuối thế kỷ XVIII vì tin thuyết phong thuỷ, Bá hộ Kim nhận sửa lại đình Tả Vọng để nhân đó táng hài cốt cha mẹ xuống dưới; Việc không thành, nhưng đình Tả Vọng vẫn được sửa lại để có quy cách như hiện nay" (sđd, tr. 383).

"Ngôi đình do các chúa Trịnh sai xây trên gò Rùa giữa hồ Tả Vọng (tức hồ Hoàn Kiếm) để làm nơi hóng mát và duyệt quân thuỷ. Vì đình nằm trong hồ Tả Vọng nên có tên gọi Tả Vọng đình. Cuối thế kỷ XIX Bá Kim xin được xây thêm một tầng trên tòa Tả Vọng đình để có quy mô như Tháp Rùa ngày nay" (sđd, tr. 393-394).

Tiền thân của Tháp Rùa là đình Tả Vọng. "Cái đình này làm từ đời Trịnh Căn (chúa thứ tư trong dòng họ Trịnh) là một lầu hai tầng, tầng trên là một cái lầu vuông bốn mái cong có đắp bốn con rồng bò quay đầu lại…Lầu quay lưng hướng nam theo ý nghĩa làm vua quay mặt về phương nam, không chầu lại vua, không thần phục vua Lê, vì vậy bên trên cửa có để ba chữ Tả Vọng Đình". (Chu Thiên, Bóng nước hồ Gươm, theo Nguyên Thắng, sđd).

Nguyễn Khắc Ngữ nói rằng Tháp Rùa ngày nay có từ thời Lê. Phạm Đình Bách cho biết tại đảo Rùa có đình chúa Trịnh được xây dưới thời Lê. Bùi Thiết và Chu Thiên cũng đồng ý rằng các chúa Trịnh đã cho xây đình Tả Vọng trên đảo. Chỉ có Tang thương ngẫu lục là không nói đến công trình xây cất nào trên cái đảo giữa hồ Hoàn Kiếm này.

Khó có thể cho rằng các tác giả Tang thương ngẫu lục quên cái đình chúa Trịnh hay cái đình Tả Vọng bởi vì trong bài có nói tới cái nhà Trung Hòa Đường trong phủ chúa Trịnh (nằm gần hồ Hoàn Kiếm) thì không thể không nói tới cái đình do chúa Trịnh xây trên đảo Rùa.Hay là đình đã bị đổ nát, năm 1786 không còn dấu vết gì? Giả thuyết này cũng khó đứng vững bởi vì đình do chúa Trịnh xây thì không thể bị huỷ hoại ngay từ thời chúa Trịnh còn nắm quyền được. Hay là đình Tả Vọng được xây sau năm 1786?

Sử chép rằng Nguyễn Huệ "phò Lê, diệt Trịnh", năm 1786 chấm dứt chế độ cai trị của họ Trịnh. Năm 1789 Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, lên làm vua, lập ra nhà Nguyễn Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh diệt nhà Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn. Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đều không quý mến gì các chúa Trịnh. Không thể có chuyện nhà Tây Sơn hay nhà Nguyễn (trong khoảng từ 1786 đến 1873) xây đình để tưởng nhớ chúa Trịnh.

Năm 2006, tại Hoàng thành Thăng Long có cuộc triển lãm những bức tranh phục dựng thời gian này. Trong số các bức tranh đó có bức tranh vẽ Tả Vọng đình, do họa sỹ Trịnh Quang Vũ phụng dựng. Chúng tôi đã chụp lại được bức tranh phục dựng nói trên,xin vinh dự được giới thiệu với các bạn. Ngoài ra còn một bức tranh nữa về buổi thiết triều tại Vương phủ chúa Trịnh.Bức tranh phụng dựng được lấy trong cuốn sách Vương Quốc Bỉ in năm 2004. Trong cuốn sách này có rất nhiều tranh vẽ về thành Đông Kinh năm 1672.

Căn cứ vào vị trí Tả Vọng Đình được vẽ trong bức tranh được vẽ năm 1672 (trong cuốn sách Vương Quốc Bỉ vẽ về Thành Đông Kinh năm 1672) chúng ta đã nhìn thấy ở giữa hồ Tả Vọng, vị trí Tháp Rùa ( ngày nay ) đã có Tả Vọng đình. Do vậy chúng tôi không thống nhất với kết luận của tác giả Nguyễn Dư: "Qua hai bài Hồ Hoàn Kiếm của Tang thương ngẫu lục thì phải thừa nhận rằng đến cuối đời Cảnh Hưng (1786, tức là năm Nguyễn Huệ chấm dứt sự nghiệp các chúa Trịnh) trên đảo Rùa không có đình chúa Trịnh hay đình Tả Vọng.Căn cứ vào một số sách và bản đồ, của ta và của Pháp, thì có thể tạm kết luận rằng:Thời chúa Trịnh trên đảo Rùa chưa có xây cất. Đình Tả Vọng (hay đình chúa Trịnh) nằm trên đảo Ngọc Sơn chứ không phải trên đảo Rùa”.

Điều đơn giản là bức tranh về Tả Vọng đình ở giữa hồ có từ năm 1672. Các cứ liệu mà tác giả Nguyễn Dư đưa ra sau đó năm 1786 chưa có tính thuyết phục bằng bức tranh vẽ nói trên.

HÀ HỒNG


Tags Tả Vọng Đình Tháp Rùa Hồ Gươm Văn hóa Hồ Gươm

Các tin khác

Bà Cẩn bán nước chè ở đây có thâm niên vài chục năm do vậy bà là kho chuyện về tình yêu của những người từng đến đây uống nước chè.

Cây đa gần nhà vệ sinh công cộng trên phố Đinh Tiên Hoàng (Ước chừng gần 200 năm tuổi) tự đổ vào chiều tối ngày 16/7/2008.

Chiều 9/9/2024, Công ty Công viên cây xanh Hà Nội đã huy động một cần cẩu tay với dài hàng chục mét, một máy xúc và một tốp công nhân khoảng mười người đến trồng lại cây khu vực Hồ Gươm.

Cơn bão số 3 (bão Yagi) có sức gió gần tâm bão cấp 12-13 giật cấp 16, tiến thẳng vào các tỉnh phía Bắc trong đó có Hà Nội, để lại những hậu quả nặng nề về người và tài sản. Nhiều nhà bị tốc mái, cây đổ vào ô tô, vào nhà. Ước tính hàng nghìn cây xanh ở Hà Nội bị ngã, đổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục