Quản lý, bảo vệ rừng trên không gian số

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/9/2024 | 12:05:37 PM

Sử dụng thiết bị hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các phần mềm quản lý chuyên ngành… giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng, đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng với độ chính xác nhất, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Hà Giang là một trong những địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn của cả nước với 467.143 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm trên 387.350 ha, rừng trồng trên 79.780 ha, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp chưa có rừng 109.909 ha. Diện tích rừng lớn, địa hình khó khăn, khối lượng công việc nhiều, công tác quản lý, bảo vệ rừng tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, trong khi lực lượng kiểm lâm hạn chế, mỗi kiểm lâm địa bàn phải phụ trách 2 – 3 xã, cá biệt có 8 kiểm lâm địa bàn phải phụ trách 4 xã nên có nơi, có lúc chưa phát hiện kịp thời các vụ phá rừng.

Để khắc phục khó khăn trên, đồng thời triển khai hiệu quả Nghị quyết số 16 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có giải pháp về ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, ngành Kiểm lâm đặc biệt quan tâm, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trong quản lý, bảo vệ rừng, bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét.


Cán bộ Hạt Kiểm lâm rừng Đặc dụng Phong Quang – Tây Côn Lĩnh sử dụng điện thoại thông minh cài đặt các phần mềm ảnh viễn thám để theo dõi diễn biến rừng.

Một số phần mềm có thể kể đến như: Phần mềm cơ dữ liệu diễn biến rừng, xử lý bản đồ QGiS, Mapinfo. Thông qua những phần mềm này, thông tin về diễn biến rừng được số hóa, chính xác, minh bạch và đồng bộ lên hệ thống dữ liệu trung tâm trong máy chủ của Tổng cục Lâm nghiệp, dữ liệu được thống nhất từ T.Ư đến địa phương, làm cơ sở tham mưu cho chính quyền địa phương công bố số liệu hiện trạng rừng, phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ứng dụng phần mềm QGiS, Mapinfo có thể phóng to, thu nhỏ, quan sát tầm rộng, hẹp của từng khu rừng, xem thông tin cần thiết, ngoài ra có thể thiết kế trồng rừng, khai thác, tỉa thưa, xây dựng phương án quy hoạch rừng. Sử dụng máy định vị GPS để xác định tọa độ, nhận biết hiện trường, khoanh vẽ, tính toán diện tích thay đổi chính xác.

Cán bộ kiểm lâm sử dụng điện thoại thông minh tải các phần mềm ảnh viễn thám theo dõi diễn biến rừng như: MAPinr, Super GeoGPS, Geo2GPS liên kết với ảnh vệ tinh, hỗ trợ việc xác định vị trí, đánh dấu, tìm điểm theo những tọa độ có sẵn. Các ứng dụng này hỗ trợ khảo sát thực địa, thu thập các thông tin địa lý, hiện trạng ở bất kỳ khu vực nào; kết hợp với ảnh vệ tinh Sentinel có thể phát hiện nhanh các điểm nghi bị chặt phá rừng. Các phần mềm này được tích hợp với điện thoại thông minh, tiện dụng, giảm thiểu các trang thiết bị mà cán bộ kiểm lâm phải mang theo khi thực hiện nhiệm vụ ở địa hình đồi núi hiểm trở.

Đặc biệt, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng cấp dự báo cháy rừng, bảng tra cứu cấp dự báo cháy rừng và hệ thống dự báo, cảnh báo cháy rừng tỉnh Hà Giang; đưa vào sử dụng, vận hành 5 biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng điện tử tự động hiển thị thông tin cấp dự báo nguy cơ cháy rừng và Hệ thống dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng. Phần mềm cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng được xây dựng dựa trên công nghệ ứng dụng ảnh vệ tinh. Mọi điểm cháy trên địa bàn tỉnh được phát hiện và thông báo bằng tin nhắn qua điện thoại di động đến lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố; từ đó thông tin được nắm bắt, chỉ đạo và xác minh kịp thời, nâng cao tính chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm đang đề xuất thực hiện thí điểm ứng dụng công nghệ cao xây dựng hệ thống phát hiện sớm mất rừng từ ảnh vệ tinh nhằm kịp thời phát hiện các điểm nghi mất rừng, phá rừng, tích hợp đồng bộ và đầy đủ các tính năng về giám sát diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, từ đó cung cấp các số liệu và thông tin cập nhật nhất để kịp thời ban hành các quyết định can thiệp, điều chỉnh và lập các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện với hình thức đa đạng, trong đó chú trọng tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của ngành Kiểm lâm, nhóm zalo, facebook của các thôn, tổ dân phố giúp thông tin đến người dân một cách kịp thời, đầy đủ, đa chiều hơn.

Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đào Duy Tuấn chia sẻ: "Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các phần mềm trong quản lý và bảo vệ rừng là bước tiến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số ngành Lâm nghiệp, giúp lực lượng kiểm lâm quản lý, nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác, đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả về phát triển lâm nghiệp bền vững”.

Từ đầu năm đến nay, thông qua quản lý, bảo vệ rừng trên không gian số, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phát hiện 23 điểm nghi cháy, trong đó có 12 vụ cháy rừng, diện tích thiệt hại 23,5 ha; 4 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 8 vụ so với cùng kỳ năm 2023), xử lý vi phạm hành chính các đối tượng vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 65 triệu đồng; nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 59,3%.

Bài, ảnh: Biện Luận
Báo Hà Giang

Tags bảo vệ rừng không gian số công nghệ thông tin Hà Giang

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục