Khai mạc Hội thảo, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch VITA nhấm mạnh rằng RTN đang là một thách thức lớn đối với môi trường toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Nhận thức được yêu cầu cấp thiết về bảo vệ môi trường (BVMT) vì sự phát triển bền vững của đất nước, VITA đã tích cực hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời triển khai nhiều hành động mạnh mẽ nhằm giảm thiểu RTN. Điển hình là Phong trào "Du lịch Việt Nam - Chung tay giảm thiểu RTN” được phát động từ năm 2018, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp du lịch trên cả nước.
Trên cơ sở đề xuất của VITA, Dự án "Giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đã được Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP/GEF-SGP) phê duyệt và thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2024. Một KHHĐ về giảm thiểu RTN trong ngành du lịch sẽ được VITA xây dựng và ban hành để các thành viên thực hiện một cách bài bản, hiệu quả, góp phần đạt được các mục tiêu đặt ra trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ và KHHĐ quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2023. VITA kỳ vọng rằng thông qua các hoạt động của Dự án, thông điệp về "Du lịch không RTN ở Việt Nam” sẽ được lan tỏa mạnh mẽ, kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội.
Ông Vũ Thế Bình cũng bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến UNDP và Quỹ Môi trường toàn cầu đã hỗ trợ VITA trong quá trình thực hiện Dự án, cũng như sự tham gia tích cực của các địa phương, doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là Ninh Bình và Quảng Nam - hai địa phương tham gia Chương trình thí điểm. Đồng thời, ông cũng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ đóng góp ý kiến để hoàn thiện KHHĐ, đảm bảo tính khả thi cho các hoạt động sắp tới.
Trình bày về Dự thảo KHHĐ, ông Vũ Quốc Trí, Tổng Thư ký VITA, nhấn mạnh việc thực hiện các quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý RTN theo Luật BVMT năm 2020 và các văn bản liên quan. KHHĐ này nhằm phát huy vai trò của các thành viên VITA trong việc giảm thiểu RTN, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, góp phần phát triển bền vững đất nước. Nội dung KHHĐ bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch xanh, tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch, đào tạo và huy động nguồn lực quốc tế.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu, tập trung vào các mục tiêu cụ thể, chiến dịch truyền thông, áp dụng Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp không RTN, và việc sử dụng ứng dụng (App) quản lý RTN. Đa số các đại biểu đánh giá cao tính cụ thể, thiết thực của KHHĐ và nhấn mạnh sự cần thiết phải cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, và lựa chọn những hành động ưu tiên trước mắt.
Thứ nhất, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu RTN cho các cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch; đặc biệt là phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam và các đơn vị truyền thông nhằm giới thiệu sản phẩm du lịch không RTN của ngành du lịch tại các địa phương. Xây dựng và vận hành hiệu quả nền tảng số (platform) về RTN của VITA; khuyến khích các doanh nghiệp tích cực tham gia ứng dụng nền tảng số về RTN trong ngành du lịch; đăng tải các văn bản chính sách, tài liệu hướng dẫn, mô hình/điển hình tốt, thông tin/dữ liệu… về giảm thiểu RTN trong du lịch trên nền tảng số (platform), trang thông tin điện tử (website) của VITA, các Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành phố, Tạp chí Việt Nam traveller, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch; phổ biến đến các thành viên Hiệp hội. Cùng với đó, tổ chức các hội thảo, sự kiện về tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về nguồn gốc phát sinh, tác hại của RTN, các biện pháp giảm thiểu, các quy định pháp luật về giảm RTN trong lĩnh vực du lịch. Phát huy vai trò của các Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố trong việc tuyên truyền, làm sạch môi trường tại các khu/điểm du lịch trên địa bàn; phổ biến các sáng kiến, kinh nghiệm quản lý, mô hình/sản phẩm giảm thiểu RTN trong lĩnh vực du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp du lịch (cơ sở lưu trú, lữ hành, điểm tham quan, sự kiện, lễ hội…) xây dựng và thực hành văn hóa giảm thiểu RTN; tổ chức các hoạt động thi đua khen thưởng để thúc đẩy đội ngũ cán bộ nhân viên cùng thực hành giảm thiểu RTN.
Thứ hai, tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu RTN trong du lịch. Phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan trong quá trình đàm phán xây dựng Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa toàn cầu của Liên hợp quốc. Tích cực tham gia phản biện, đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về giảm thiểu RTN nói chung, trong lĩnh vực du lịch nói riêng. Tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp du lịch trao đổi và có ý kiến, phản biện, đề xuất chính sách phát triển du lịch không RTN. Nghiên cứu, đề xuất với Bộ TN&MT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan về chính sách hạn chế phân phối, sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong du lịch; cơ chế xử phạt hành chính đối với những hành vi vi phạm pháp luật về BVMT nói chung, không tuân thủ quy định về hạn chế/cấm sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần nói riêng trong du lịch. Nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan về chỉnh sửa, bổ sung các nội dung giảm thiểu RTN trong tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, các cơ sở kinh doanh du lịch. Đồng thời, xây dựng hướng dẫn/kế hoạch giảm thiểu RTN hoặc lồng ghép nội dung giảm thiểu RTN trong các quy chế/kế hoạch hoạt động của các Liên chi hội du lịch chuyên ngành, Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố và các doanh nghiệp thành viên. Thúc đẩy các Liên chi hội du lịch chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố và cộng đồng doanh nghiệp du lịch triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về "du lịch không RTN”, du lịch xanh, du lịch bền vững.
Thứ ba, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không RTN cho các Liên chi hội du lịch chuyên ngành, các đơn vị trực thuộc, Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố và cộng đồng doanh nghiệp du lịch. Xây dựng và phổ biến tài liệu hướng dẫn theo dõi việc thực hiện, kiểm tra, đánh giá thực hành giảm thiểu RTN tại các khách sạn, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu/điểm du lịch. Xây dựng, ban hành bộ tiêu chí và tổ chức chứng nhận các doanh nghiệp du lịch không RTN, bao gồm: Cơ sở lưu trú, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành, các tour du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch. Khuyến khích, nhân rộng việc áp dụng bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp không RTN đến các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh/thành phố ven biển. Cùng với đó, phát triển, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, các điển hình tiên tiến về giảm thiểu RTN tại các điểm du lịch, đặc biệt là các khu du lịch trọng điểm. Tổ chức vận động, tư vấn cơ sở kinh doanh, dịch vụ du lịch cam kết và triển khai thực hiện giảm thiểu RTN, chú trọng các điểm du lịch trọng điểm (Ninh Bình, Yên Tử-Quảng Ninh, Sa Pa, Bắc Hà - Lào Cai, Hội An - Quảng Nam, Phú Quốc - Kiên Giang…). Khuyến khích các nhà cung ứng và các điểm đến du lịch (khách sạn, nhà hàng, điểm mua sắm, điểm tham quan du lịch…) hợp tác cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong ngành du lịch.
Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu RTN. Phối hợp với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các tỉnh, thành phố, các cơ quan có liên quan và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu các hoạt động du lịch thân thiện với môi trường, không RTN, các điển hình tốt về giảm thiểu RTN trong du lịch… trong các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt tại một số thị trường trọng điểm như Úc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Tây Âu. Tổ chức các hoạt động giới thiệu, phổ biến các mô hình điển hình, sản phẩm du lịch giảm RTN, các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong các diễn đàn, hội chợ du lịch (VITM Hanoi), triển lãm xúc tiến, quảng bá du lịch.
Thứ năm, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu RTN cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội. Tổ chức biên soạn, công bố các tài liệu đào tạo về giảm thiểu RTN cho từng đối tượng trong lĩnh vực du lịch (khách sạn-cơ sở lưu trú, khu du lịch, nhà hàng, doanh nghiệp lữ hành…). Xây dựng chương trình, kế hoạch; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, chính sách, pháp luật giảm thiểu RTN cho đội ngũ cán bộ của các Liên Chi hội du lịch chuyên ngành, các chi hội, câu lạc bộ, tạp chí, các ban chuyên môn, Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố, doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, nhân viên tại khách sạn/nhà hàng/khu du lịch… khi có sự hỗ trợ nguồn lực trong và ngoài nước. Kiến nghị với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan có liên quan, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu RTN nói riêng trong các chương trình, kế hoạch đào tạo, tập huấn về du lịch.
Thứ sáu, huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu RTN. Tích cực hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về giảm thiểu RTN trong du lịch. Tăng cường hợp tác, trao đổi với các đối tác quốc tế (tổ chức quốc tế, các hiệp hội du lịch, tổ chức/cá nhân…) về kinh nghiệm quản lý, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không RTN. Đẩy mạnh hợp tác với các hiệp hội du lịch, tổ chức quốc tế; tổ chức/cá nhân… để tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật, thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực về giảm thiểu RTN trong du lịch. Khuyến khích các Hiệp hội du lịch thành viên chủ động kết nối, đề xuất, tích cực tham gia các chương trình, dự án, sáng kiến toàn cầu và khu vực về giảm thiểu RTN trong du lịch. Kết nối, hợp tác với các chương trình, dự án, sáng kiến do các đối tác, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tài trợ, bao gồm cả trong các lĩnh vực về y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng nông thôn, đào tạo nghề, quản lý tài nguyên và phát triển doanh nghiệp… để thúc đẩy giảm thiểu RTN, hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững.
Hội thảo lần này đã khẳng định quyết tâm của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các đối tác trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới một nền du lịch xanh, bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển đất nước.