'Chìa khóa'giảm thiểu ô nhiễm môi trường

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2024 | 2:18:04 PM

Cùng với việc thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường theo quy định pháp luật thì tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra đối với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất có nguồn thải lớn của ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) tỉnh Bình Phước đã đem lại nhiều kết quả.

Ngoài thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường, đây sẽ là giải pháp hiệu quả để các chủ nguồn thải nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Nỗ lực từ doanh nghiệp

Tỉnh Bình Phước hiện có hơn 300 DN chăn nuôi quy mô lớn hoạt động. Đánh giá của Sở TN&MT cho thấy, các trang trại chăn nuôi được cấp phép đều thực hiện đúng quy định pháp luật, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đối với các DN mới hoạt động cần được theo dõi chặt chẽ cũng như hướng dẫn quy trình hoạt động để hệ thống xử lý nước thải đảm bảo an toàn, đúng quy định.


Dự án chăn nuôi Công ty TNHH Đồng Phước Lợi, huyện Đồng Phú

Công ty TNHH Đồng Phước Lợi, huyện Đồng Phú được UBND tỉnh cấp giấy phép môi trường dự án chăn nuôi quy mô 3.000 con heo nái vào đầu năm 2024. Sau khi dự án xây dựng hoàn thành đi vào hoạt động, DN đã đăng ký vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải trong 3 tháng. Trong quá trình vận hành thử nghiệm, đơn vị được Sở TN&MT phối hợp với các ngành chức năng theo dõi, lấy mẫu kiểm tra nguồn thải cũng như hướng dẫn để hệ thống xử lý hoạt động an toàn, hiệu quả nhất.

Anh Nguyễn Khánh Triều, nhân viên môi trường Công ty TNHH Đồng Phước Lợi cho biết, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và xử lý đạt về nước thải chăn nuôi theo quy định của Bộ TN&MT. Toàn bộ nước thải sau xử lý được tái sử dụng 100%. Trong quá trình vận hành, DN được Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn. Việc làm này giúp trang trại hoạt động tốt hơn, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Cùng với dự án chăn nuôi, các DN sản xuất, chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh có công suất thiết kế lớn nên nguồn thải nhiều. Trong khi đó, cao su có mùi đặc trưng nên rất khó xử lý triệt để mùi hôi.

Nhà máy chế biến mủ cao su Thuận Dung thuộc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi, huyện Đồng Phú thành lập năm 2006, quy mô ban đầu 7.000 tấn/năm, đến nay công ty đã xuất khẩu khoảng 100.000 tấn mủ thành phẩm/năm, đứng top 4 toàn quốc. DN đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động, trong đó 100% được đóng bảo hiểm xã hội, có chỗ ăn, ở miễn phí. Song song với hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác bảo vệ môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu đối với DN.

Ông Võ Quang Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH cao su Thuận Lợi cho biết: Sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn, 100% nước thải đầu ra đều tuần hoàn, tái sử dụng và không xả thải ra môi trường. Song song đó, DN sử dụng các chế phẩm nhằm xử lý mùi hôi để không phát tán ra môi trường. Công ty đã quy hoạch, xây dựng các nhà xưởng sản xuất, lưu trữ thành phẩm, khu xử lý nước thải đảm bảo khoảng cách an toàn. Đặc biệt, quá trình hoạt động luôn được DN cũng như các ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, phát triển bền vững và hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường.

Gắn với bảo vệ môi trường

Công ty TNHH MTV cao su Bình Long có 2 nhà máy chế biến mủ cao su là Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 và Xí nghiệp Cơ khí chế biến Quản Lợi. Để giảm mùi hôi, ô nhiễm môi trường, những năm qua công ty cùng với các xí nghiệp đã nghiên cứu và thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật, khoa học - công nghệ, đầu tư phát triển các sáng kiến mới cho hệ thống xử lý nước thải. Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 Đoàn Quang Trọng cho biết: Công ty cũng như xí nghiệp luôn xác định sản xuất phải đi đôi với trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, sử dụng tiết kiệm, hợp lý tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững.


Hệ thống xử lý nước thải tại Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4, Công ty TNHH MTV cao su Bình Long

Công ty đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất và nguồn lực để công tác bảo vệ môi trường tại xí nghiệp luôn tuân thủ nghiêm quy định pháp luật. Đồng thời, xây dựng đầy đủ hồ sơ đánh giá tác động môi trường và chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế sản xuất tại đơn vị. Xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải với 2 modun, công suất 1.500m3/ngày, đêm (nước thải mủ khối) và công suất 500m3/ngày, đêm (nước thải mủ ly tâm). Lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nguồn nước thải, đảm bảo nước thải đầu ra được giám sát 24/24 giờ và đạt cột A theo QCVN 01-MT:2015/BTNMT. Liên kết với các đơn vị có chức năng xử lý rác thải thông thường và chất thải nguy hại theo đúng pháp lệnh bảo vệ môi trường. Cùng với đó, xí nghiệp đã thực hiện đề tài "Xử lý nước thải không hóa chất” nhằm tái sử dụng nước thải 100%, xử lý bùn thải sau ép của hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp nuôi trùn quế làm phân vi sinh bón cho cây cao su.

Xác định nguồn phát sinh mùi hôi trong mủ cao su là do quá trình tồn trữ mủ và nguồn thải phát sinh từ chế biến mủ, để lâu ngày các thành phần protein có trong mủ bị phân hủy bởi sinh vật. Trong thời tiết nắng nóng và gió mạnh sẽ phát sinh mùi hôi, vì vậy, việc xử lý mùi hôi do cao su phát tán ra môi trường là bài toán khó. Để hạn chế, xí nghiệp đã tìm giải pháp xử lý tận gốc nhằm giảm phát sinh mùi hôi và hạn chế phát tán. Cụ thể, xử lý tốt nguyên liệu khi đưa về xí nghiệp, sản xuất liên tục không để tồn kho, không để vi sinh vật có điều kiện phân hủy cao su. Đồng thời tạo lớp cao su đông tự nhiên trên bề mặt các hố gom/gạn của hệ thống xử lý nước thải tránh phát sinh mùi. Trồng cây xanh ngăn chặn phát tán mùi hôi, hấp thụ và lọc không khí…

Xử lý nghiêm nếu cố tình vi phạm

Cùng với nỗ lực của DN, hằng năm Sở TN&MT đều xây dựng kế hoạch thanh, kiểm tra đối với các dự án được thẩm định đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường nhằm kịp thời hướng dẫn DN thực hiện các công trình xử lý chất thải, tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xả nước thải, khí thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường và xử lý nghiêm theo quy định.
------------------
Hiện nay, hầu hết các DN đều thực hiện tốt quy định bảo vệ môi trường, cam kết đầu tư công nghệ tiên tiến; xây dựng, lắp đặt các thiết bị xử lý môi trường, hệ thống xử lý nước thải và tuân thủ quy định liên quan đến chất thải rắn, chất thải nguy hại. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn còn một số ít gây ô nhiễm với nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu DN nào cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Phó Giám đốc Sở TN&MT VÕ VĂN DINH
----------------------------
Để hạn chế tối đa ô nhiễm tại các dự án đã, đang và sẽ cấp giấy phép môi trường, Sở TN&MT tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời tăng cường thanh, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường.


Sở TN&MT cùng các ngành chức năng kiểm tra, lấy mẫu kiểm tra nguồn thải tại Công ty TNHH Đồng Phước Lợi, huyện Đồng Phú

"Giải pháp đầu tiên vẫn là khâu thẩm định và lựa chọn công nghệ tiên tiến. Sau thẩm định là công tác hậu kiểm, yêu cầu các DN thực hiện đúng cam kết như ban đầu đã được thẩm định và hoàn chỉnh các công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa vào hoạt động. Các DN có nguồn xả thải lớn 500m3/ngày, đêm buộc phải quan trắc tự động kết nối về sở để theo dõi, giám sát theo quy định” - Phó Giám đốc Sở TN&MT Võ Văn Dinh nêu giải pháp.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, đặc biệt là tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm cũng như xử lý nghiêm DN cố tình vi phạm; đồng thời nâng cao nhận thức của các DN trong hoạt động bảo vệ môi trường chính là "chìa khóa” để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Kỳ vọng thời gian tới nguồn ô nhiễm sẽ hạn chế hơn nhiều.

Theo Vũ Thuyên/Báo Bình Phước

Tags ô nhiễm môi trường Bình Phước doanh nghiệp bảo vệ môi trường

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục