Bắc Giang: Quản lý chất thải y tế, kiểm soát nguy cơ lây nhiễm

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2024 | 10:20:26 AM

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải và ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải với các đơn vị có đủ năng lực.

Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Bắc Giang quan tâm khắc phục khó khăn, đầu tư nguồn lực, từng bước nâng hiệu quả thu gom, bảo quản và xử lý chất thải y tế (CTYT).

Hoạt động khám, điều trị tại các bệnh viện làm phát sinh nhiều chất thải nguy hại, có khả năng ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để kiểm soát nguy cơ lây nhiễm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác thu gom, bảo quản và xử lý CTYT theo quy trình.


Nhân viên vệ sinh Bệnh viện Ung bướu tỉnh phân loại rác thải tại kho bảo quản. Ảnh: IT

Toàn tỉnh hiện có 8 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh; 11 trung tâm y tế (TTYT) các huyện, thị xã, TP và khu công nghiệp; 209 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Cùng đó có gần 700 cơ sở y, dược tư nhân, trong đó có 15 bệnh viện, 31 phòng khám đa khoa, còn lại là phòng khám chuyên khoa, y học cổ truyền. Những năm gần đây, các cơ sở được đầu tư, triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu nên lượng người dân đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tăng, CTYT vì thế cũng tăng. Cụ thể, năm 2023, toàn tỉnh phát sinh hơn 1,9 nghìn tấn CTYT, tăng gần 150 tấn so với năm 2022. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay, lượng chất thải phát sinh hơn 1 nghìn tấn.

Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện 100% cơ sở y tế công lập trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải và ký hợp đồng thu gom xử lý chất thải với các đơn vị có đủ năng lực. Những cơ sở mở rộng quy mô giường bệnh đều được bố trí kinh phí để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, kho lưu trữ chất thải đáp ứng được với lượng chất thải phát sinh. Tại các cơ sở y tế, phong trào "Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, giảm thiểu chất thải” do Sở Y tế phối hợp với công đoàn ngành phát động được thực hiện hiệu quả, góp phần thay đổi hành vi của cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên qua đánh giá, hệ thống xử lý nước thải tại một số đơn vị đưa vào vận hành đã lâu, máy bơm, máy thổi khí và thiết bị điện của nhà điều hành thường xuyên bị hỏng. Lò đốt chất thải tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn hầu hết không đạt chuẩn nên không hoạt động, toàn bộ chất thải rắn nguy hại được chuyển lên TTYT huyện, thị xã, TP để xử lý. Bác sĩ Lăng Văn Ái, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đại Sơn (Sơn Động) cho biết: "Do lượng CTYT nguy hại phát sinh dưới 10 kg/tháng nên đến cuối tháng chúng tôi mới vận chuyển lên TTYT huyện tập kết, xử lý. Chủ yếu là bơm, kim tiêm thuộc loại chất thải nguy hại bắt buộc phải xử lý tập trung theo quy trình. Tuy nhiên do xa trung tâm, không có phương tiện chuyên dụng nên quá trình vận chuyển gặp khó khăn”.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý CTYT, ngày 15/7 vừa qua, Sở Y tế có văn bản giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các địa phương tổ chức đánh giá thực trạng quản lý chất thải tại các cơ sở y tế năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Cùng đó, chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát và tổ chức tập huấn cho cán bộ phụ trách quản lý CTYT tại các đơn vị; có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những việc cần thực hiện để giảm thiểu chất thải.

Căn cứ tình hình thực tế cũng như lượng bệnh nhân, các cơ sở có kế hoạch bố trí nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý chất thải ngay tại đơn vị. Điển hình, năm nay, Bệnh viện Ung bướu tỉnh có kế hoạch cải tạo hệ thống xử lý nước thải, kinh phí dự kiến hơn 200 triệu đồng. TTYT huyện Tân Yên bố trí kinh phí để mua thêm thùng, túi đựng rác; Bệnh viện Mắt quốc tế DND có kế hoạch ký thêm 1-2 hợp đồng lao động để thu gom, quét dọn tại khu vực khám, điều trị... Sở Y tế đang tham mưu với UBND tỉnh đầu tư lắp đặt mới hệ thống xử lý nước thải y tế cho các trạm y tế; hỗ trợ kinh phí hằng năm cho việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải tại các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã bị xuống cấp.

Đại diện Sở Y tế cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý CTYT, Sở đang tham mưu dự thảo Quyết định của UBND tỉnh quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý CTYT trên địa bàn tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quản lý, giám sát vận hành công trình, hệ thống xử lý CTYT tại đơn vị, bảo đảm 100% chất thải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.

MINH NGỌC (T/h)

Tags chất thải y tế Bắc Giang xử lý chất thải

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục