Những năm qua, huyện Thanh Liêm đã chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường nông thôn; đồng thời, phối hợp với doanh nghiệp, tổ thu gom rác thải, hộ gia đình làm tốt công tác thu gom, phân loại, xử lý rác. Từ đầu năm 2023, cùng với việc chỉ đạo lắp đặt camera giám sát tại bể trung chuyển rác thải tập trung, UBND huyện quyết liệt chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu thu gom, phân loại và xử lý rác thải trên địa bàn.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hành phân loại, xử lý rác, quy trình ủ phân hữu cơ bằng thùng compost. Nhiều mô hình bảo vệ môi trường được duy trì có hiệu quả như: phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch”; "Ngày thứ bảy tình nguyện”, "Ngày chủ nhật xanh” đã được triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.
Đặc biệt, Hội Cựu chiến binh huyện đã chỉ đạo hội, các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường, thu gom vỏ thuốc bảo vệ thực vật bỏ vào nơi quy định. Mô hình được duy trì và hoạt động có hiệu quả tại 16 xã, thị trấn. Đến nay, toàn huyện xây dựng được khoảng 1.300 bể chứa chất thải nguy hại, vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng.
Đặc biệt, mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình đã được xây dựng hiệu quả và ngày càng nhân rộng ở các địa phương trong huyện. Nhờ vậy, đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công tác bảo vệ môi trường. Các hộ đã tự nguyện đăng ký, cam kết với chính quyền phân loại chất thải rắn, chất thải sinh hoạt. Trong đó, chất thải hữu cơ được xử lý bằng phương pháp ủ mùn phục vụ sản xuất nông nghiệp; chất thải tái chế được giao cho cơ sở thu gom để phân loại, vận chuyển. Chất thải còn lại được chứa trong thùng riêng chuyển cho tổ thu gom, vận chuyển đến bể trung chuyển rác thải tập trung.
Bà Ngô Thị Hương người dân ở thôn Hòa Ngãi (Thanh Hà) cho biết: Việc phân loại rác thải ngay tại nguồn đem lại những hiệu quả thiết thực đối với người dân. Đối với rác hữu cơ được chôn lấp, xử lý ủ phân chăm bón cây trồng, nhiều hộ đã sử dụng làm nguyên liệu nuôi giun bổ sung thêm nguồn thức ăn chăn nuôi. Số rác còn lại đựng vào bao vận chuyển về nơi tập kết vì thế giảm lượng rác thải của gia đình...
Bể trung chuyển rác tại xã Liêm Cần được lắp đặt camera thuận lợi cho công tác theo dõi, xử lý vi phạm xả thải gây ô nhiễm môi trường.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, đến nay toàn huyện có khoảng 40% hộ gia đình áp dụng việc phân loại rác thải theo quy định. Trong đó, khoảng 20% lượng rác hữu cơ được làm thức ăn chăn nuôi và ủ thành phân bón, 80% rác tái chế như: giấy, thùng carton, vỏ chai, nhựa,... được thu gom cung cấp cho cơ sở thu mua phế liệu, toàn huyện không có tình trạng rác tồn đọng trong khu dân cư. Hiện nay, lượng rác thải trong khu dân cư được thu gom với tỷ lệ đạt trên 98% tổng lượng rác phát sinh trên địa bàn. Năm 2023, tổng lượng rác thải chuyển về nhà máy để xử lý của toàn huyện là hơn 14.519 tấn, trong số này rác thải khu vực đô thị hơn 3.225 tấn, còn lại rác thải ở khu vực nông thôn. 6 tháng đầu năm, toàn huyện thu gom hơn 7.771 tấn, trong đó nhiều nhất là thị trấn Kiện Khê hơn 952 tấn, thị trấn Tân Thanh trên 744 tấn, xã Thanh Hà hơn 857 tấn. Hiện, mỗi xã, thị trấn ở Thanh Liêm đều xây dựng từ 1- 2 bể trung chuyển rác thải tập trung bảo đảm quy mô về diện tích theo thiết kế, có tường bao, mái che, rãnh thoát nước, hố thu gom. Các bể trung chuyển rác thải sinh hoạt được xây dựng xa khu dân cư.
Để khắc phục tình trạng người dân vứt rác không đúng quy định và xử lý kịp thời những trường hợp xả rác thải công nghiệp, rác thải rắn đồng thời thuận tiện trong việc theo dõi, đôn đốc doanh nghiệp thu gom rác thải, đến nay toàn huyện có 15/16 xã, thị trấn lắp đặt camera ở các bể. Tại đây, hệ thống camera được kết nối với điện thoại của lãnh đạo xã, cán bộ chuyên môn phụ trách lĩnh vực môi trường và hệ thống theo dõi camera an ninh tại trụ sở UBND xã. Với đường truyền internet ổn định, cán bộ chuyên môn, lãnh đạo xã có thể quan sát, theo dõi các hoạt động diễn ra hằng ngày tại bãi tập kết rác, khu vực xung quanh và xem lại hình ảnh những ngày trước đó khi cần thiết.
Thời gian qua, nhiều địa phương đã kiên quyết xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp xả rác thải công nghiệp điển hình như ở các xã: Liêm Cần, Liêm Phong, Liêm Sơn, Thanh Thủy. Ông Lại Trường Giang, Chủ tịch UBND xã Liêm Phong cho biết: Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt của xã đạt trên 98% và xã xây dựng 2 bể trung chuyển rác thải tập trung ở khu vực xa khu dân cư. Các bể được xây dựng trên diện tích 150 m2 bảo đảm tiêu chuẩn có mái che, tường rào, rãnh thoát nước. Các bể được lắp đặt camera để theo dõi các hoạt động thu gom, vận chuyển rác. Vừa qua, UBND xã đã xử lý một số trường hợp đổ rác thải công nghiệp, đồng thời yêu cầu chủ hộ ký cam kết không tái phạm...
Từ thực tế công tác bảo vệ môi trường ở Thanh Liêm thời gian qua khẳng định, với việc thực hiện hiệu quả các biện pháp về tăng cường công tác quản lý, thu gom, phân loại và vận chuyển rác thải trên địa bàn đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao, đô thị văn minh ở mỗi địa phương.
Theo Báo Hà Nam