Lạng Sơn: Bảo vệ môi trường để phát triển du lịch bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/7/2024 | 9:04:36 AM

Để bảo vệ môi trường, hướng phát triển du lịch bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Lạng Sơn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường du lịch.

Thời gian qua, du lịch của tỉnh đang có bước phát triển mạnh mẽ, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ngày gia tăng. Để ngành du lịch của tỉnh phát triển bền vững, cơ quan chuyên môn đã và đang triển khai các giải pháp phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường.


Chùa Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn luôn xanh, sạch, đẹp đảm bảo cảnh quan môi trường du lịch

Lạng Sơn có 53 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, chủ yếu là các loại hình du lịch tâm linh, văn hóa, cộng đồng và trên 300 cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, tại một số điểm du lịch và du lịch tự phát vẫn xảy ra tình trạng rác thải chưa được thu gom, xử lý hiệu quả, nhất là khi vào mùa cao điểm của du lịch. Một bộ phận cơ sở lưu trú du lịch chưa quan tâm đến các giải pháp bảo vệ môi trường trong và ngoài cơ sở kinh doanh.

Để bảo vệ môi trường, hướng phát triển du lịch bền vững, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường du lịch. Ông Nguyễn Đặng Ân, Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian qua, sở đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, người lao động ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch, du khách và người dân về đảm bảo môi trường trong hoạt động du lịch. Sở cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan; các cơ sở lưu trú, điểm du lịch tăng cường sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và quản lý chất thải, nước thải hiệu quả.

Trong công tác tuyên truyền, từ 2023 đến nay, Sở VHTT&DL đã tuyên truyền lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường thông qua 7 lớp tập huấn về phát triển du lịch cho trên 350 hộ kinh doanh du lịch; Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng biên tập các bản tin, tuyên truyền lồng ghép trên 900 cuộc về bảo vệ môi trường, phát triển du lịch xanh cho người dân, các hộ kinh doanh du lịch tại các thôn, bản.

Cùng đó, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền về bảo vệ môi trường du lịch trên các nền tảng mạng xã hội, các website của đơn vị. Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm đã tuyên truyền đăng tải 10 bài viết, hình ảnh, video clip về bảo vệ môi trường du lịch trên các website, fanpage của đơn vị; tuyên truyền các quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Qua đó nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trường du lịch.

Bên cạnh đó, các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quần chúng tham gia bảo vệ môi trường, huy động cán bộ, người lao động và nhân dân tổ chức ra quân 1 - 2 lần/tháng dọn vệ sinh môi trường, quét dọn, thu gom, xử lý rác thải tại đường phố, khu vui chơi công cộng, xung quanh các điểm du lịch. Đối với các điểm du lịch, cơ sở lưu trú chủ động tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trồng, chăm sóc cây xanh đồng thời ký kết với các đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Ông Dương Công Hành, chủ cơ sở du lịch sinh thái Mỏ Mắm, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Ngoài đầu tư cơ sở vật chất tạo cảnh quan xanh, đẹp, chúng tôi còn thường xuyên vệ sinh môi trường trong và ngoài điểm du lịch, xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Khi du khách đến trải nghiệm, sẽ có nhân viên phát túi nilon đựng rác và hướng dẫn khách thu gom rác đúng nơi quy định. Chúng tôi đã ký kết với hợp tác xã môi trường của huyện thu gom, phân loại, xử lý rác thải với tần suất 2 ngày/lần. Riêng trong 3 tháng cao điểm mùa hè, chúng tôi chi trả gần 30 triệu đồng để đơn vị đến thu gom, xử lý rác với tần suất 1 lần/ngày.

Chị Nguyễn Thị Liên, du khách thành phố Bắc Ninh chia sẻ: Gia đình tôi thường lên Lạng Sơn tham quan và nghỉ dưỡng. Tôi thấy các điểm du lịch như: Chùa Tân Thanh, Thác Bản Khiếng, khu du lịch Mẫu Sơn rất đẹp, ấn tượng, không khí trong lành. Tôi quan sát thấy tại các điểm du lịch đều được bố trí thùng bỏ rác thuận tiện, có biển hướng dẫn cụ thể cho du khách vì thế mà không có tình trạng vứt rác bừa bãi...

Với các biện pháp tích cực mà các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang triển khai, môi trường sinh thái tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh được cải thiện, đến nay, 100% điểm du lịch, cơ sở lưu trú đã mua sắm các thiết bị để thu gom, xử lý rác thải, xây dựng nhà vệ sinh công cộng; cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân và du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường như không xả rác ra ngoài môi trường, không tác động đến cảnh quan môi trường tự nhiên...

Tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch bền vững, đặc biệt trong thời điểm hiện nay tỉnh đang tích cực xây dựng phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn thành Công viên địa chất toàn cầu. Do đó, thời gian tới, Sở VHTT&DL sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với tuyên truyền giải pháp bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường du lịch. Đồng thời sở tăng cường thanh, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, góp phần vì một nền du lịch xanh và bền vững.

Theo Hoàng Hương/ Báo Lạng Sơn

Tags Lạng Sơn du lịch bảo vệ môi trường

Các tin khác

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang vừa có Công văn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường do mưa lũ sau bão.

Biển và đại dương là nguồn sống, không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người và là nền tảng cơ bản cho phát triển bền vững. Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái biển, đảo là chủ trương của huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó, cải thiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và giảm thiểu ô nhiễm nhựa đại dương là vấn đề cấp bách, quan trọng hàng đầu nhằm góp phần xây dựng huyện đảo thành đảo du lịch, đảo văn hóa, đảo an toàn.

Theo thống kê mới nhất cập nhật tình hình thiệt hại sau bão số 3, Quảng Ninh (23.770 tỉ đồng) và Hải Phòng (11.000 tỉ đồng) tổng thiệt hại 34.770 tỉ đồng.

Ngày 11/9, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Công điện số 15 chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục